Cổ phiếu ngân hàng ế vì giá cao, rủi ro lớn

17:37 | 17/10/2013

772 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ thị trường lại chứng kiến cảnh cổ phiếu ngân hàng - một trong những loại cổ phiếu “vua” trên thị trường lại ế ẩm như hiện nay.

Cổ phiếu ngân hàng đã không còn là món hàng "hot" trên thị trường chứng khoán.

Mặc dù vẫn được đánh giá là kênh đầu tư rất cao trên thị trường nhưng theo nhiều nhà đầu tư thì việc các ngân hàng đua nhau phát hành thêm cổ phiếu mới, làm pha loãng giá trị của những cổ phiếu cũ, cũng với việc giá trị của các loại cổ phiếu này hiệu khá cao so với mặt bằng chung của thị trường đã khiến cổ phiếu của nhiều ngân hàng lâm vào cảnh ế ẩm!

Ngoài ra, theo nhiều nhà đầu tư thì cổ phiếu ngân hàng hiện không còn hấp dẫn nhà đầu tư một phần cũng bởi cổ tức của nhiều mã cổ phiếu trên thị trường được trả rất cao, cao hơn rất nhiều nếu so với cách trả cổ tức bằng cổ phiếu phát hành mới của nhà băng. Đây là một thực tế và nó lý giải vì sao thời gian gần đây, rất nhiều mã cổ phiếu ngân hàng dù được mang ra rao bán trong thời gian dài vẫn chẳng thể bán được. Phát hành ồ ạt cổ phiếu mới, nhà đầu tư hiện hữu thì chối bổ quyền mua cổ phiếu phát hành thêm là thực tế mà đang diễn ra đối với nhiều mã cổ phiếu ngân hàng.

Dẫn chứng cụ thể về tình trạng này có thể kể đến trường hợp 25 triệu cổ phiếu An Bình mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nắm giữ. Theo lộ trình thoái vốn, EVN sẽ phải tìm cho được đối tác để mua lại toàn bộ số cổ phiếu này trên thị trường, tuy nhiên, sau quãng thời gian dài được mang ra đấu giá, Sở Giao dịch Chứng khoán đã phải huỷ tổ chức đấu giá số lượng cổ phiếu này hồi tháng 8 vừa rồi.

Tiếp đó là trường hợp cổ phiếu của Techcombank cũng vậy, hơn 24 triệu cổ phiếu của ngân hàng này mang ra đấu giá nhưng rồi cũng bị huỷ bởi không có người mua.

Đó là câu chuyện chia sẻ của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nhưng với cả những quỹ đầu tư tài chính lớn, cổ phiếu ngân hàng cũng chẳng hề hấp dẫn. Bằng chứng là việc cả Vinacapital và Dragon Capital đều không cho thấy ý định gia tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phiếu ngân hàng mà chỉ giảm tỉ trọng này xuống. Cụ thể: Quỹ VOF của Vinacapital giờ chỉ còn nắm giữ 5,9% cổ phiếu của Eximbank, còn tỉ trọng này ở quỹ VEIL của Dragon thì cũng chỉ nắm giữ 10% cổ phiếu ngân hàng này.

Anh Nguyễn Thành Nam - một nhà đầu tư chứng khoán cho biết: Thời điểm này, nếu có tiền và vẫn “máu” chơi chứng khoán thì chẳng mấy ai nghĩ tới chuyện mua cổ phiếu ngân hàng cả. Ngoài chuyện giá cao, cổ tức chia thấp hoặc kém hấp dẫn thì cái mà nhà đầu tư sợ nhất chính là khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay đang được đặt nhiều dấu hỏi. Và tất nhiên, nếu không đạt lợi nhuận theo kế hoạch thì cổ tức nhà đầu tư được chia cũng sẽ không được đảm bảo.

Một điểm nữa theo anh Nam thì không chỉ cổ phiếu ngân hàng mà rất nhiều mã cổ phiếu khác cũng đang lâm vào cảnh ế ẩm bởi không ít nhà đầu tư đã quyết định rời sàn. Thị trường vắng bóng nhà đầu tư thì cổ phiếu có rao bán thì lấy ai mua, nhà đầu tư nào còn ở lại thì cũng có thừa khôn ngoan để đưa ra những lựa chọn đầu tư khác, khả năng sinh lời cao mà vốn bỏ ra thì không lớn như chơi cổ phiếu ngân hàng.

Ngọc Lê