Có nên cứu ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela hay không?

10:46 | 16/09/2020

|
(PetroTimes) - Nga sẽ không có được vị thế “con át chủ bài” trên thị trường dầu mỏ nếu cứ nỗ lực cứu trợ một đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong điều kiện đại dịch và các lệnh trừng phạt.
Điều gì chờ đợi thị trường dầu mỏĐiều gì chờ đợi thị trường dầu mỏ
Venezuela chật vật với lọc dầuVenezuela chật vật với lọc dầu
Có nên cứu ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela hay không?
Xe ô tô xếp hàng dài chờ lấy xăng ở Venezuela.

Theo đánh giá của hãng phân tích thị trường IHS Markit, sản lượng khai thác dầu thô của Venezuela tiếp tục duy trì ở mức gần như bằng không. Trong khi trước đó vào năm 2017, sản lượng khai thác dầu tại nước này đạt 2 triệu thùng/ngày. Đến năm 2019, chỉ số này sụt giảm xuống còn 650.000 thùng/ngày. Và đến thời điểm hiện tại, sản lượng khai thác chỉ còn từ 100.000 - 200.000 thùng/ngày.

Thực tế, theo các số liệu của OPEC, tình hình sản xuất dầu tại quốc gia Nam Mỹ này có một chút dấu hiệu tích cực. OPEC tự tin rằng, Venezuela đã khai thác khoảng 570.000 thùng/ngày trong tháng 5 vừa qua, 336.000 thùng/ngày trong tháng 6 và 339.000 thùng/ngày trong tháng 7. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thậm chí còn đưa ra nhận định lạc quan hơn. Sản lượng dầu thô trong tháng 7 của Venezuela đã tăng thêm 50.000 thùng/ngày lên mức 350.000 thùng/ngày. Ngay cả theo những đánh giá lạc quan nhất, ngành công nghiệp dầu khí Venezuela vẫn thể hiện “bộ mặt” đáng thất vọng.

Bán dầu cho thị trường châu Á không phải là hướng đi bền vững

Có thể thấy, Nga trước đây đã tham gia tích cực vào sự phát triển của ngành dầu khí Venezuela đang dần chuyển đổi sự hiện diện của mình trong lĩnh vực này. Trước hết, chúng ta đang nói về việc tập đoàn dầu khí Rosneft đã chuyển cổ phần trong các công ty, xí nghiệp Petromonagas, Petroperija, Bequeron, Petromiranda và Petrovictoria cho công ty 100% vốn nhà nước mới được thành lập là “Roszarubezhneft” nhằm tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào hoạt động thương mại, vận tải dầu thô của Venezuela. Trước đó, Rosneft đã từng vận tải một số lô dầu thô của Venezuela đến các nhà máy tinh chế dầu thô của công ty Essar Oil (Ấn Độ), nhà máy mà phía Rosneft là một trong những cổ đông lớn. Tuy nhiên vào đầu năm 2019, phía Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA). Kết quả là, các công ty của Nga đã phải giúp vận chuyển dầu Venezuela sang Trung Quốc vì hợp đồng với phía Ấn Độ không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu dầu. Theo hãng tin Bloomberg (4/2020), khoảng 60% sản lượng khai thác dầu thô của Venezuela được xuất khẩu sang Trung Quốc. Về cơ bản, phía Venezuela đang cố gắng duy trì sản lượng ở mức 330.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên mùa hè năm nay, ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela hoạt động yếu kém hơn. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã “phá hỏng” hoạt động logistics dầu thô Venezuela. Theo hãng tin Reuters dẫn nguồn từ Refinitiv Eikon cho biết, trong tháng 6 vừa qua đã có ít nhất 16 tàu chở dầu với 18,1 triệu thùng dầu thô Venezuela bị mắc kẹt trên biển do sự lưỡng lự của khách hàng trước sức ép đe dọa trừng phạt của Mỹ. Một số tàu chở dầu đã lênh đênh trên biển hơn 6 tháng. Theo báo cáo của Bloomberg, hầu hết xuất khẩu dầu thô của Venezuela vào cuối mùa hè 2020 đến từ việc trao đổi dầu thô lấy xăng dầu với các nhà máy lọc dầu: Reliance Industries tại Mumbai, Ấn Độ; Repsol SA tại Tây Ban Nha và Eni SpA tại Italia. Bloomberg cũng dự báo, phía Trung Quốc sẽ chỉ nhập khẩu 54.800 thùng/ngày dầu thô Venezuela trong tháng tới.

Nga có thực sự hỗ trợ ngành dầu khí Venezuela?

Các công ty Nga hay Chính phủ Nga liệu có cần bận tâm về ngành công nghiệp dầu khí Venezuela trong điều kiện bị trừng phạt như vậy không? Chuyên gia Igor Yushkov tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga cho rằng, việc giải quyết các vấn đề của ngành dầu khí Venezuela hiện nay là rất tốn kém và đắt đỏ. Chuyên gia Yushkov nhận định, câu chuyện hỗ trợ ngành công nghiệp dầu khí Venezuela mang màu sắc chính trị hơn là kinh tế. Logic của việc làm ăn có lợi nhuận tại quốc gia này cũng rất đáng nghi ngờ. Trên thực tế, Rosneft giúp đối thủ cạnh tranh tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng để cuối cùng giành được thị phần lớn trên thị trường dầu khí toàn cầu. Theo quan điểm của chính quyền liên bang, việc Nga rút toàn bộ tài sản khỏi Venezuela sẽ có lợi hơn.

Chuyên gia này cũng khẳng định, không ai cấm các công ty tư nhân đầu tư vào ngành dầu mỏ của các nước khác. Nhưng khi đó là một công ty nhà nước, nó phải hoạt động vì lợi ích của chủ sở hữu - nhà nước Nga. Chiến lược đúng đắn sẽ là không chi tiền cho các khoản vay và sự phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela mà vào việc kích thích phát triển ngành dầu khí trong nước, tạo thêm việc làm và kiếm những hợp đồng mới cho ngành công nghiệp dầu khí Nga. Ngay cả việc các công ty Nga đứng ra làm trung gian trong việc bán dầu Venezuela cho Trung Quốc cũng khó có thể coi là một thành công. Phía Trung Quốc không muốn kích động Mỹ một lần nữa bằng cách cố tình nhập khẩu năng lượng từ một quốc gia bị Mỹ trừng phạt. Điều này có nghĩa là các công ty Nga có thể phải bán “ngầm” số dầu Venezuela cho Trung Quốc với mức chiết khấu đặc biệt để phía Trung Quốc “phớt lờ” rủi ro.

Nhưng cuối cùng thì chính Nga đã tạo ra một đối thủ cạnh tranh và đổi lại không nhận được bất kỳ khoản tiền thưởng chính trị nào cả. Ngay cả với lợi ích kinh tế cũng không hoàn toàn rõ ràng. Rosneft chưa chính thức công bố PDVSA nợ tập đoàn này bao nhiêu vào thời điểm hiện tại. Có thể là món nợ không hoàn toàn được trả hết và lúc này Venezuela hoàn toàn có thể quên việc trả nợ số tiền còn thiếu. Điều duy nhất trở thành điểm cộng ở đây là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela.

Nga hiện ghi nhận gia tăng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ sang thị trường Mỹ, đến những nhà máy lọc dầu cần loại dầu thô Urals, khi mà Mỹ cấm nhập khẩu dầu nặng từ Venezuela. Theo chuyên gia Yushkov, xét về chất lượng, dầu Urals của Nga phù hợp một phần đối với các nhà máy công nghệ cao tại Mỹ.

Dầu Ural cho Mỹ - triển vọng được đánh giá cao

Cần lưu ý rằng trong quý II/2019, khoản nợ của PDVSA đối với Rosneft đã giảm xuống 1,1 tỷ USD (theo số liệu chính thức từ Rosneft). Hiện PDVSA còn nợ bao nhiêu thì vẫn chưa có thông tin chính thức. Nhưng phải thừa nhận rằng, những vấn đề của ngành dầu khí Venezuela không chỉ gây thiệt hại cho Nga. Các nhà máy lọc dầu của Mỹ bị chính quyền Mỹ tước đi nguồn cung từ Venezuela đã thực sự bắt đầu mua dầu và các sản phẩm tinh chế của Nga thường xuyên hơn. Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, nhập khẩu dầu thô từ Nga trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 9,1 triệu tấn. Cơ quan hải quan Liên bang Nga mới đây cho biết, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô Urals cho các công ty Mỹ trong 7 tháng đầu năm đã đạt 2,2 tỷ USD. Theo Reuters, người Mỹ đã tăng cường mua dầu mazut của Nga. Hãng tin này cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, nhập khẩu dầu mazut của Nga vào Mỹ tăng lên 6,4 triệu tấn. Các nhà máy lọc dầu của nước này vốn chuyên tinh chế dầu nặng, giờ chuyển sang sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu mazut pha chế với các loại dầu nhẹ hơn.

Theo giáo sư Tamara Kandelaki, Chủ tịch Ủy ban kinh tế của Hiệp hội các nhà công nghệ lọc và hóa dầu, không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của dầu thô Urals tại thị trường Mỹ. Không nên cho rằng Nga sắp mở rộng thị phần dầu Urals tại Mỹ. Nước Mỹ nằm ở vị trí khá xa đối với các cảng dầu Urals của Nga. Chi phí vận chuyển dầu Urals đến thị trường này cũng khá cao. Chuyên gia này cho rằng, triển vọng gia tăng thị phần dầu thô Nga tại thị trường Mỹ chưa đến mức đáng kể. Thực tế cho thấy, nơi tiêu thụ dầu thô chính và duy nhất ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới chính là các nhà máy lọc dầu. Hiện nay, tiêu thụ dầu thô tại các nhà máy lọc dầu ở Mỹ vẫn chưa cho thấy sự tăng trưởng đáng kể vì phụ thuộc và gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Điều này có nghĩa là dầu thô Nga có mặt trên thị trường Mỹ là do nhu cầu thay thế một phần nguồn cung các loại dầu thô khác. Chuyên gia Tamara nhận định, dầu Urals không thể thay thế 100% dầu nặng của Venezuela tại các nhà máy lọc dầu tại Mỹ.

Bây giờ, nếu Nga tăng xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ, ví dụ như xăng - mặt hàng luôn có nhiều người mua thì đó sẽ là một câu chuyện khác. Nhưng chính sách thuế liên bang hiện nay của Nga thuận lợi cho việc bán dầu thô hơn là các sản phẩm tinh chế dầu mỏ.

Khi trò chơi không còn giá trị

Có thể kết luận rằng, Nga sẽ gặp khó khăn để có lợi nhuận khi hỗ trợ ngành dầu khí Venezuela. Cơ sở hạ tầng dầu khí lạc hậu của nước này phần lớn không chỉ phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài mà còn phụ thuộc vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính quyền Venezuela đã không thể đưa ngành dầu khí của mình về trạng thái ổn định trong nhiều năm. Điều này bây giờ không còn quá quang trọng. Vấn đề chính hiện nay đối với ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela là tác động từ các biện pháp trừng phạt, sự quản lý yếu kém của giới lãnh đạo các công ty dầu khí và quan chức nhà nước cũng như đại dịch Covid-19. Đối với Nga, nước này tham gia vào phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela trong khi không nhận được bất kỳ “con át chủ bài” đủ sức nặng trên thị trường dầu khí toàn cầu. Thực tế, phía Nga lại đang hỗ trợ chính đối thủ cạnh tranh của mình.

Tất nhiên, có một chút lợi ích khi Nga tăng xuất khẩu dầu thô Urals cho các nhà máy lọc dầu tại Mỹ, nhưng nguồn thu từ gia tăng xuất khẩu không thể bù đắp được thời gian và tiền bạc mà Nga bỏ ra để đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí Venezuela. Các công ty dầu khí của Nga đang kiếm được nhiều tiền hơn từ việc xuất khẩu dầu sang Mỹ so với 5 - 10 năm trước đây. Trong tháng 6/2020, các công ty Nga đã giao 16,5 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ cho Mỹ, đứng thứ tư trong số các nguồn cung dầu mỏ của Mỹ. Tuy nhiên, leo từ vị trí thứ 4 lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng trong số các nhà xuất khẩu dầu của Mỹ là một cuộc chạy đua khốc liệt. Nhà cung cấp dầu lớn nhất hiện nay của Mỹ là Canada đã giao 96,3 triệu thùng dầu trong một tháng, gấp hơn 5 lần so với nguồn cung từ Nga. Do đó, khó có thể nói dầu thô Nga có thể chinh phục thị trường Mỹ trong tương lai.

Phạm TT

Oilcapital