Chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (26/11/2001 - 26/11/2021)

Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 1)

08:27 | 26/11/2021

6,601 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (26/11/2001 - 26/11/2021), những “chiến binh khoan” năm xưa bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó nhưng đầy tự hào, vinh quang khi PV Drilling 11 khoan thành công ở sa mạc Sahara.

Những năm qua, khi giá dầu lao dốc cộng với tác động của đại dịch Covid-19 làm thị trường khoan trong nước gần như đóng băng, PV Drilling vẫn thắng thầu các Hợp đồng cung cấp giàn khoan cho các nhà thầu dầu khí trong khu vực. Có được bản lĩnh vươn ra thị trường khoan nước ngoài như vậy, có lẽ phần lớn từ kinh nghiệm gần 15 năm trước, khi PV Drilling triển khai kế hoạch cung cấp giàn khoan đất liền PV Drilling 11 cho dự án khoan của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) tại Algeria.

Những sự kiện trên hành trình chinh phục sa mạc Sahara của ngành Dầu khí Việt Nam hầu như đã được các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc đến nhiều. Có lẽ nhiều người cũng đã hình dung được mức độ khó khăn, nguy hiểm của người lao động dầu khí trên khoan trường ở nơi thời tiết khắc nghiệt ấy. Còn trong khuôn khổ bài viết này, nhóm tác giả muốn chia sẻ đến bạn đọc và đồng nghiệp những câu chuyện chân thực mà chúng tôi đã trải qua.

Đại sứ Việt Nam tại Algeria Đỗ Trọng Cương (thứ 9 từ trái qua) thăm và chúc Tết người lao động PV Drilling tại khoan trường Sahara.
Đại sứ Việt Nam tại Algeria Đỗ Trọng Cương (thứ 9 từ trái qua) thăm và chúc Tết người lao động PV Drilling tại khoan trường Sahara.

Lên đường

Chúng tôi – những người được Ban lãnh đạo Tổng Công ty tin tưởng giao nhiệm vụ điều hành dự án khoan tại Algeria - xuất quân vào chiều cuối năm 2006. Ngồi tại phòng chờ sân bay quốc tế Nội Bài để đón chuyến bay cuối cùng của năm cũ sang nước bạn, chẳng ai bảo ai nhưng trong lòng đều phảng phất những tâm tư. Mặc dù trong chúng tôi ai cũng đã làm việc nhiều với các đối tác nước ngoài, đi ra nước ngoài làm việc cũng nhiều, nhưng lần này có lẽ sẽ có nhiều cái khác biệt. Ấy là chúng tôi đều xác định cho mình đây là một chuyến đi rất dài, phải chủ động “tác chiến” trong một môi trường làm việc mới, có nhiều khó khăn về điều kiện khí hậu với thời tiết khắc nghiệt, những khác biệt về ngôn ngữ, về phong tục tập quán… và cả thích nghi với tôn giáo nước bạn nữa. Lo lắng chút thôi, chứ khi nhận nhiệm vụ, được sự động viên, khích lệ và đặc biệt là sự tin tưởng của Ban lãnh đạo Tổng Công ty, Ban điều hành khoan (nay là Xí nghiệp Điều hành khoan), ai cũng quyết tâm hướng về thành quả của dự án khoan này trong tương lai.

Sau khi được đóng mới, ngày 10/6/2007, giàn khoan PV Drilling 11 chính thức rời cảng Baoshan – Thượng Hải (Trung Quốc) để lên đường sang Algeria. Với hải trình hơn một tháng lênh đênh trên biển, ngày 15/7/2007, anh Nguyễn Thế Sơn thông báo PV Drilling 11 đã về đến cảng Skikda – Algeria. Nhiệm vụ của Ban điều hành Dự án lúc này là phải gấp rút có mặt ở cảng để làm thủ tục thông quan và vận chuyển giàn khoan về khoan trường Hassi Messaoud.

Trước khi đi, anh Dương và anh Tuấn (hay gọi là Tuấn Pháp) được anh Sơn đưa cho một cọc tiền dinar (tiền Algeria) rất cũ, áng chừng khoảng hơn 1.000 USD và một điện thoại gắn sim địa phương làm phương tiện liên lạc. Ban đầu kế hoạch đi công tác khoảng một tuần đến 10 ngày nên khoản tiền trên chắc cũng đủ cho chi phí ăn nghỉ trong thời gian ở tại Skikda. Và nghe đồn ở thành phố Constantine vẫn bất ổn về chính trị, nạn bắt cóc tống tiền thường xảy ra với người nước ngoài, mang tiền nhiều cũng chỉ thêm lo chứ chẳng để làm gì.

Ngày hôm sau, 16/7/2007, Dương và anh Tuấn Pháp lên đường đến Constantine. Như những người nước ngoài khác, chúng tôi nhanh chóng được xe quân đội áp tải trên quãng đường chừng hơn 100 km về thành phố cảng Skikda và phải đi qua rất nhiều trạm kiểm soát địa phương.

Thời gian chờ đợi làm thủ tục thông quan hàng hóa tại cảng Skikda không nhanh như chúng tôi tưởng. Hàng ngày chúng tôi cứ đi bộ từ khách sạn vào cảng chỉ để nhìn giàn nằm trong bãi, rồi lại đi về. Đợi thủ tục của các cơ quan chức năng mới sốt ruột làm sao. Chúng tôi cảm thấy thời gian trôi đi chầm chậm, chỉ mong sớm có giấy thông quan để được chuyển giàn ra khỏi cảng, đưa về chuẩn bị công tác lắp đặt và dựng giàn ngoài sa mạc.

Tuần đầu trôi qua êm ả, sang tuần thứ 2 thì bắt đầu “khô máu”. Nhận thấy tình hình sắp chết đói và có khả năng ra đường ở nên chúng tôi phải thông báo về Hassi Messaoud xin chi viện. Vài ngày sau, anh em bất ngờ khi nhận ra người “tiếp tế” chính là anh Đoàn, Giám đốc dự án, từ Hassi Messaoud đến Skikda. Chúng tôi càng không hiểu bằng cách nào anh Đoàn có thể di chuyển từ sân bay Constantine về đây, không cần lực lượng quân đội bảo vệ mà vẫn “thông chốt” được. Sau này, anh Đoàn mới bật mí cho anh em biết, trong lúc cần kíp “bơm máu cho anh em” và giải quyết công việc gấp tại cảng Skikda, anh đã “tranh thủ” đi nhờ xe của một nhân sự người địa phương là đại biểu quốc hội và sử dụng thẻ đại biểu quốc hội của anh này để đi qua các chốt kiểm soát. Cũng may anh Đoàn có vóc dáng cao lớn, cộng với thời gian làm việc tại Algeria khá lâu nên nước da, râu tóc cũng có phần “tiệm cận” với người bản địa, nên mỗi khi kéo cửa xe xuống để kiểm tra người đi cùng tại các chốt, các viên sỹ quan đều vẫy tay cho qua nhanh chóng. Nhờ có sự tiếp tế kịp thời của anh Đoàn mà chúng tôi yên tâm công tác, tích cực làm việc với chính quyền địa phương chờ thông quan.

Sang tuần thứ 3 ở Skikda, chúng tôi nhận được thông tin giàn đã có giấy thông quan, các anh em đều khẩn trương kiểm tra, chuẩn bị phương tiện, sắp xếp công việc bốc hàng tại cảng. Sau gần 150 chuyến xe chở những cụm thiết bị khổng lồ rời cảng, chuyến hàng cuối cùng và cũng là quan trọng nhất chở VFD house cũng được bốc lên xe ngày 17/8/2007 và lên đường rời cảng Skikda về Hassi Messouad cách 700km. Với xe hàng chở "trái tim của giàn" này, chúng tôi phải nhờ xe của lực lượng chấp pháp nước bạn áp tải. Những anh em cắm chốt ở Skikda hơn một tháng qua cũng nhanh chóng thu dọn đồ đạc cá nhân để quay lại thủ phủ của nền công nghiệp Dầu khí Algeria, thành phố Hassi Messaoud.

Có một PV Drilling 11 giữa sa mạc Sahara (kỳ 1)
Giàn PV Drilling 11 sừng sững trên sa mạc Sahara.

Trời “thử” lòng người

Khi nhận được điện thông báo từ cơ sở ở Skikda: Ba mã hàng quan trọng cuối cùng gồm Shale Shaker Tank, Drill line Spoon và VFD house - bộ não trung tâm điều khiển của giàn đã lên ba xe lớn và bắt đầu rời cảng, nhiệm vụ tại Skikda đã hoàn thành. Tất cả mọi người đều khấp khởi mừng thầm, vậy là giàn sắp khoan rồi! Vì là những thiết bị quan trọng nhất, đặc biệt là VFD house, nên hành trình di chuyển được bố trí rất cẩn thận, chặt chẽ, theo dõi thường xuyên suốt lộ trình.

Khi hai xe chở Shale Shaker Tank và Drill line Spoon chầm chậm vượt qua trung tâm thành phố Hassi Messaoud, tôi quay lại hỏi cậu nhân viên phụ trách logistic người địa phương: “Còn một xe nữa vẫn chưa thấy đâu, cậu gọi điện kiểm tra xem thế nào?” Khoảng 3 phút sau, cậu nhân viên giọng rất hồ hởi báo: “Xe sắp đến Hassi, cách khoảng 70, 80 cây số nữa thôi. Xe phải đi chậm chút cùng với xe hộ tống và bảo vệ. Nghe đâu trên đường có bão cát, nhưng mọi việc vẫn suôn sẻ, an toàn”. Nghe thấy “bão cát” tôi đã giật mình, lo lắng và có chút lấn cấn trong lòng. Thế rồi, bụng bảo dạ “chắc không sao, có thì chắc cũng qua nhanh thôi” vì thấy khu vực quanh thành phố vẫn trời quang mây tạnh.

Khoảng 30 phút sau, cậu nhân viên logistics lại chạy lên gặp, báo cáo nghe nói chuyến xe cuối đang gặp "trục trặc nhẹ” do “trượt đường” vì bão cát cách Hassi khoảng 60 cây số. Cậu ta bảo nhẹ thôi và chỉ trượt đường chút xíu. Thế nhưng linh cảm của người làm nghề mách tôi có điều gì đấy bất thường. Tôi bật dậy, nói ngay với cậu nhân viên: “Cậu phải lấy xe ngay lập tức đi lên trên đó kiểm tra tình hình xem thế nào, nhớ mang theo cái máy ảnh chụp lại toàn cảnh, chi tiết cho tôi”. Cậu nhân viên lập tức lên đường. Xin nói thêm là việc đi lại của người nước ngoài ở Algeria rất hạn chế và phải đảm bảo an ninh chặt chẽ. Nếu ở văn phòng trung tâm Hassi Messaoud, người nước ngoài muốn đi ra ngoài phạm vi 50 cây số đều phải đăng ký quân đội bảo vệ trước 72 giờ. Khi di chuyển, luôn có khoảng một tiểu đội từ 9 đến 12 quân nhân, trang bị đủ súng ống đi kèm bảo vệ trên ít nhất 3 xe bán tải hoặc Land Cruiser Toyota.

Hơn 2 giờ đồng hồ sau, cậu nhân viên quay trở về, mặt mũi đỏ gay do nắng nóng, mồ hôi chảy ròng ròng, gấp gáp báo cáo: "May quá, xe và người không làm sao. Nhưng cái container lớn thì bị lăn xuống vệ đường, tôi đã chụp lại hết đây rồi”, và cậu ta mở máy đưa tôi xem. Vừa nhìn mấy hình ảnh đầu tiên, toàn thân tôi run lên, đầu óc quay cuồng, đầu gối tự nhiên nhũn ra, sụp ngay xuống sàn nhà. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới có cảm giác sốc và choáng váng đến như thế.

Trời ơi! Cái VFD house nằm chỏng trơ dưới chân đồi cát, các khung cửa vỡ tung, bên trong đổ vỡ lộn xộn, cát phủ khắp nơi. Hỏng rồi, ngoài trời nóng gần 60 độ C, cái VFD luôn cần giữ ở nhiệt độ lạnh, thế mà phải nằm ngoài trời lăn lóc thế kia, chưa nói đến đổ vỡ, dưới cái nóng gần 60C, khác gì trong lò bát quái đang nung thiết bị, chắc chỉ có “loài khỉ biết bay” mới chịu được! Thôi, hệ thống VFD house chắc toi hết rồi!

Trong văn phòng lúc đó cũng chỉ còn vài người, vì mọi người hầu hết đã ra khoan trường. Sốc, choáng, nhưng tôi cũng nhanh chóng trấn tĩnh lại. Phải làm gì bây giờ? Làm sao lên hiện trường đây? Làm sao điều gấp cẩu và đội cứu hộ lên ngay? Hàng loạt vấn đề đặt ra…

Còn nước còn tát. Tôi lập tức yêu cầu cậu logistics liên hệ với bên vận chuyển để điều thiết bị và đội cứu hộ lên ngay lập tức. Nhưng một vấn đề nan giải là làm sao mình có thể lên được hiện trường thì mới tận mắt đánh giá tình hình đầy đủ được. Mấy người địa phương chỉ biết đấy là cái container thường thôi, chứ đâu biết đó là bộ não chỉ huy trung tâm của giàn. Nếu đăng ký quân đội để đi mất ít 72 giờ, có khi còn phải đợi lâu. Vậy chắc không được rồi! Phải lên ngay! Phải giải cứu và khắc phục ngay! Đang băn khoăn và bối rối, cậu nhân viên logistic bỗng vỗ vai tôi nói: “Mày có nhớ viên sỹ quan quân đội hôm trước ghé chơi văn phòng mình không? Để tao gọi nhờ xem có xin phép giúp mình lên đó ngay được không”. Nghe biết vậy, nhưng tôi vẫn băn khoăn lắm, đăng ký mãi còn chưa chắc, giờ nhờ cá nhân làm sao mà đi được. Nhưng thôi, giờ có cách nào đâu? Cứ thử xem sao. Cậu nhân viên logistics gọi điện xong, nói xe chạy ra đón viên sỹ quan ngay. Tôi cũng chỉ nhớ mang máng ông này, nghe nói đâu là thiếu tá hay trung tá chỉ huy gì đó, giới thiệu xã giao từ mấy hôm trước vậy.

Ấy thế mà chỉ chừng 30 phút sau, thấy có xe ô tô đỗ xịch trước cửa văn phòng. Viên sỹ quan ngồi cạnh tài xế, mở cửa vẫy tay và nói “Đi luôn, tao đi cùng”. Hơi bất ngờ, nhưng tôi, anh Đoàn và bạn Đỗ Quang Lâm vơ vội lấy đồ, rồi tót lên xe. Cậu logistic tự lái một xe khác đi cùng.

Lại nói thêm một chút là ở xứ sở sa mạc này, bất kỳ ai, từ người dân đến công an, quân đội… họ đều rất quý mến người Việt Nam. Điều này có được là nhờ họ biết đến chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của Việt Nam. Sự kiện lịch sử này được Algeria ghi nhận và được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa với nội dung là: Nhờ có chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần giúp Algeria được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Chỉ có Việt Nam là đánh bại quân Pháp trên chiến trường. Nói đến Việt Nam là họ nhớ ngay đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính nhờ tinh thần và tình cảm này nên người Việt được giúp đỡ rất nhiều khi sống và làm việc tại Algeria.

Quay trở lại câu chuyện. Sau khi lên xe, trong lòng chúng tôi vẫn hồi hộp lắm, vì không biết có đi qua được mấy chốt kiểm soát không? Xe chạy qua chốt thứ nhất, chỉ thấy viên sỹ quan mở cửa kính đưa tay chào, rồi xe lại tiếp tục chạy. Nhưng đến chốt thứ 2, là chốt kiểm soát cuối, chặn các ngả đường ra vào thành phố. Quân cảnh (military police) với đầy đủ trang thiết bị đứng dọc hai bên đường. Xe chạy gần đến nơi, không như lần trước, lần này buộc phải dừng lại vì phía trước là rào chắn, chông gai xếp đầy. Viên sỹ quan đi cùng bước xuống xe. Chúng tôi vẫn ngồi yên trên xe, chưa vội kéo kính xuống (như thông lệ). Từ trong xe chúng tôi thấy viên sỹ quan trao đổi với mấy tay sỹ quan khác, tiếng to, tiếng nhỏ nhưng cũng có vẻ gay gắt căng thẳng lắm. Trong bụng thầm nghĩ chắc không “thông chốt” được rồi, có khi phải quay về thôi. Nhưng chừng năm phút sau, một viên sỹ quan quân cảnh tiến về phía xe chúng tôi, yêu cầu kéo kính xe xuống, ngó vào trong cười rất tươi và giơ tay chào. Anh ta cười và nói một tràng, chúng tôi không hiểu lắm, chỉ nghe loáng thoáng “khwua”- tiếng Ả rập là "những người anh em", rồi “pas probleme”- tiếng Pháp là "không vấn đề gì". Rồi anh đưa tay lên cầu vai vỗ vỗ nói “Giáp, Giáp...” tôi đoán anh ta muốn nói đến Tướng Giáp nhà mình. Vậy là ổn rồi, họ cho đi qua. Ơn giời! Qua một cửa ải!

(còn tiếp)

Tuổi trẻ PVEP Algeria: Vững tâm, bền chí giữ ngọn lửa Dầu khí luôn rực cháy trên sa mạc Sahara Tuổi trẻ PVEP Algeria: Vững tâm, bền chí giữ ngọn lửa Dầu khí luôn rực cháy trên sa mạc Sahara
Tìm dầu trên sa mạc Tìm dầu trên sa mạc
Trưởng thành từ “chảo lửa” Sahara Trưởng thành từ “chảo lửa” Sahara
Người Dầu khí trong tâm dịch Sahara Người Dầu khí trong tâm dịch Sahara
Đón Tết giữa sa mạc Sahara Đón Tết giữa sa mạc Sahara
Tìm dầu ở sa mạc lửa Tìm dầu ở sa mạc lửa
Hồi ức Sahara Hồi ức Sahara
Những tín hiệu lạc quan từ PV Drilling Những tín hiệu lạc quan từ PV Drilling
Vạn dặm tìm dầu trên sa mạc Sahara Vạn dặm tìm dầu trên sa mạc Sahara

Sahare SonDuong

DMCA.com Protection Status