Cơ khổ trong phố cổ!

14:20 | 09/06/2012

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ai đó nói rằng ở khu "đất vàng phố cổ Hà Nội" với giá trị mỗi mét vuông ngót nghét 1 tỉ đồng hẳn sẽ là thiên đường. Nhưng không phải như vậy, có câu "có ở trong chăn mới biết chăn có rận", rất đúng với nơi có mật độ dân cư vào loại cao nhất thế giới này.

Khu phố cổ Hà Nội, thường được gọi là "Hà Nội 36 phố phường”, hình thành từ đầu thế kỉ XV, giới hạn bởi phía Bắc là phố Hàng Đậu, phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng, phía Đông là phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và phía Tây là phố Phùng Hưng.

Đặc điểm chung của các phổ cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ “Hàng”, tiếp đó là một từ chỉ nghề nghiệp nào đó như Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Thiếc… Khác với các phố cổ khác trên thế giới, phố cổ Hà Nội hiện nay là nơi diễn ra đồng thời nhiều hoạt động của đời sống xã hội vừa là khu dân cư vừa là một "siêu thị” khổng lồ.

Một khu nhà ở phố Hàng Bạc với khoảng trống duy nhất có ánh sáng trời. (Ảnh: VNE)

Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân hơn 6,6 vạn người (năm 2010), mật độ 823 người/ha (mỗi người hơn 10m2). Có thể khó tin, nhưng ở đây có những cư dân từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi "về cõi” chưa bao giờ được đứng thẳng trong căn nhà của mình, bởi căn gác xép họ ở chỉ cao có 1m.

Sẽ là không thừa khi công bố rằng đang có hơn 1.600 hộ dân sống trong các căn hộ xuống cấp nguy hiểm và nhà quá đông hộ. Ở đây có một số nhà mà số hộ đủ cho "biên chế” một tổ dân phố.

"Bám trụ” trong phố

Theo thời gian, phố cổ không còn mang vẻ yên bình nữa, thay vào đó là sự ồn ào, náo nhiệt của một trung tâm buôn bán nhộn nhịp bậc nhất Thủ đô. Những mặt hàng ở đây không còn gắn với tên phố nữa mà thay vào đó là những khách sạn mini cao tầng, quán ăn, quầy rượu, cửa hàng bán đồ lưu niệm chỉ chuyên phục vụ khách du lịch. Phố cổ Hà Nội giờ đã khá nhiều nhà cao tầng, sáng lóa khung nhôm kính, hoặc hàng loạt chuồng cọp đua ra nhằm tận dụng không gian phục vụ nhu cầu của người dân. Giải mã việc nhiều người dân "khổ thủ” không chịu rời phố là vì khu vực này buôn bán sầm uất, là trung tâm nên dễ kiếm sống. Một cửa hàng bé xíu, chừng 13m2 cũng có thể cho thuê với giá ngót nghét chục triệu đồng/ tháng.

Có những nhà "điều kiện” hơn thì xây rồi cho thuê hoặc mở cửa hàng, sau đó mua một căn nhà ở bên kia cầu Chương Dương, khu đô thị mới Việt Hưng chẳng hạn. Thế là, vẫn được ở nhà rộng mà vẫn "được tiếng” có nhà trong phố cổ.

Khổ mấy cũng… xong

Phố cổ Hà Nội thường được mọi người biết đến với nhiều ngõ nhỏ và sâu. Bên trong các con ngõ rộng chưa đầy 1m có hàng chục hộ gia đình sinh sống. Có gia đình 8 người mà mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong diện tích vẻn vẹn hơn 10 mét vuông. Không chỉ một thế hệ, mà có tới 2-3 thế hệ, thậm chí tứ đại đồng đường với nhiều thành viên trong gia đình cùng sinh sống. Thực tế, điều kiện sống tại hầu hết các hộ trong phố cổ là khá chật hẹp, bí bách, thiếu không khí và thiếu cả ánh sáng. Ngoài ra, rất nhiều ngôi nhà, công trình dân dụng trong khu vực phố cổ đang ở tình trạng xuống cấp trầm trọng. Các nguy cơ về hỏa hoạn, sập, đổ là rất rõ và luôn ở mức báo động cao.

Đằng sau vẻ hào nhoáng, sầm uất của khu vực có thể coi là “ mở mắt đã có tiền” nhất Hà Nội là cuộc sống chật chội, chen chúc.

Sân sinh hoạt chung của số nhà 15 phố Hàng Điếu. (Ảnh: DT)

Ẩn trong những ngõ hẹp chừng nửa mét, sâu hút và tối om kia là cuộc sống của hàng chục, thậm chí hàng trăm con người. Họ cố bám trụ phố cổ không phải vì dễ kiếm tiền mà vì khả năng không thể chuyển đến một nơi ở mới khang trang, rộng rãi hơn.

Có cụ theo con cháu về ở chung cư hoặc xây nhà rộng đẹp ở khu khác nhưng một thời gian không chịu nổi vì buồn và bí bách, lại “đòi” về ở trong phố.

Một cụ già cho biết: "Sống mấy chục năm cũng quen rồi, ngồi đầu ngõ bán chén trà, điếu thuốc, dưa cà muối cũng có đồng ra đồng vào. Chuyển đến chỗ rộng, buồn lắm”.

Chị Hiên ở phố Hàng Thùng, nhà có 5 người nhưng toàn bộ việc nấu nướng đều đem ra ngõ. Nhà tuy không chật chội nhưng không có khu vực sân trời, lại có thêm cửa hàng nên tận dụng buôn bán. Thùng inox chứa nước được "ưu tiên” để trên gác xép. Quần áo giặt xong thôi thì mang tạm ra ngõ để phơi (nơi lối đi chung của các nhà bên trong).

Ông Diệp, số 56 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Cùng một số nhà 56 có đến gần 20 hộ dân sinh sống. Riêng gia đình nhà tôi đã có 7 người cùng chung sống trong một ngôi nhà 26m2, gồm 3 thế hệ gồm ông bà, 2 cặp vợ chồng cùng 3 đứa cháu dưới 3 tuổi. Hằng ngày thì con cái đi làm, tối về thì lật nệm ra ngủ. Từ khi cưới vợ cho con, tôi luôn phải nằm ở ghế, còn mọi chuyện sinh hoạt trong gia đình thì… không thể làm gì được vì nhà quá chật.

Chị Bình, sống trong căn nhà chưa đầy 10m2 ở phố Hàng Buồm tâm sự: “Mọi thứ đều khổ nhưng khổ nhất là chuyện kín đáo của vợ chồng”. Hàng ngày, chỗ ở của chị trải được hai chiếc chiếu đôi và một chiếc chiếu đơn. Hai chiếc chiếu đôi là dành cho hai hộ gia đình và chiếc chiếu đơn là nơi dành cho bà mẹ già. Hàng ngày, vợ chồng chị và hai đứa con nhỏ chui gọn trong chiếc màn, sát bên cạnh là bà mẹ và cách đó chưa đầy 1 mét cũng là một gia đình có một con.

“Nhiều khi vợ chồng muốn ôm nhau còn khó nói chi đến những chuyện đi xa hơn. Nếu như chỉ có vợ chồng mình thì có thể chờ con đi ngủ say rồi tranh thủ đã đành đằng này còn nhà chú bên kia họ cũng chẳng ngủ yên”.

Cụ Tùng, sở hữu một căn buồng bé tẹo như "chuồng chim” ở tầng 3 bên lẻ phố Hàng Đường tâm sự: Tôi sống hơn nửa thế kỷ ở đây rồi, nhà được phân từ hồi còn đi làm, diện tích bé quá, bán cũng khó. Vách cót ép sát vách, đến nói chuyện hay thở mạnh cũng nghe thấy huống hồ là xem tivi. Cầu thang thì tối om, ngoằn nghoèo, ban ngày mà không bật đèn thì đi cứ "đụng” nhau như chơi – ông hài hước kể.

Dù phải xoay sở trong những căn nhà chật chội như vậy nhưng phần đông cư dân đều không mấy mặn mà đề án di dân phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm. Đối với họ, việc thay đổi thói quen sinh hoạt là không dễ. Hình như người ta quen khổ nên không muốn sướng!

Đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm dự kiến trong giai đoạn một sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ (gồm các hộ sống trong các di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn) sang khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên).

Dự trù nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ giai đoạn I là hơn 4.300 tỉ đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước để lập đề án, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật… khoảng 500 tỉ đồng; Vốn xã hội hóa ứng để đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân là hơn 3.800 tỉ đồng. Dự kiến từ nay đến 2015 sẽ hoàn thành việc giãn dân giai đoạn I.

L.Trang (t.h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc