Cơ hội vàng cho điện gió ngoài khơi

06:39 | 02/05/2020

1,726 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) -  Với nhiều lợi thế, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK), nâng cao hiệu quả kinh tế biển. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Nguyên, Trưởng Dự án phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn quốc, Trung tâm Quốc gia năng lượng, khí hậu và biển, Đại học Tổng hợp Cork (CH Ireland) - một số vấn đề về ĐGNK. 

PV: Xin ông cho biết vài nét về tiềm năng ĐGNK ở Việt Nam?

co hoi vang cho dien gio ngoai khoi
TS Đinh Văn Nguyên

TS Đinh Văn Nguyên: Theo kết quả nghiên cứu mà chúng tôi hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và Nhật Bản, hệ số công suất (CF) ở vùng biển gần đảo Bạch Long Vĩ đến 40% (tiềm năng kỹ thuật 38 GW) và vùng gần đảo Phú Quý gần 55% (tiềm năng kỹ thuật 38 GW). Tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi toàn quốc lên đến 475 GW (theo báo cáo của WB-ESMAP), gần với kết quả nghiên cứu chúng tôi trước đó là trên 600 GW. Đặc điểm gió ổn định sẽ làm tăng tuổi thọ hệ thống cơ khí, kết cấu...

Gió ngoài khơi mạnh vào ban ngày, khá tốt vào ban đêm nên phù hợp với đặc tính phụ tải. Ưu điểm này kết hợp với ưu điểm gió ổn định sẽ làm giảm chi phí lưu trữ và giảm sa thải công suất, có lợi lớn cho truyền tải và lưới điện, giảm khó khăn về dự phòng (thường phải dùng điện khí hoặc một phần thủy điện).

Một ưu điểm nữa là vận chuyển, lắp dựng các turbine lớn cho công trình ĐGNK dễ dàng bằng tàu hoặc sà lan. Turbine 9 MW có cánh dài 80m, turbine 12 MW có cánh dài 107m, nếu vận chuyển trên đất liền gần như là bất khả thi, nhưng sẽ dễ dàng vận chuyển trên biển.

ĐGNK mang lại hiệu quả kinh tế biển cao do có nhiều cơ hội sử dụng nhân lực, công nghệ và thiết bị xây dựng dầu khí. Hiệu quả kinh tế của ĐGNK còn cao hơn nữa khi có nhiều trang trại gió ngoài khơi cùng được xây dựng (gọi là pipeline), trong đó, mỗi trang trại không nên nhỏ hơn 400 MW để có thể huy động tối ưu nhân lực, tàu bè và máy móc khi thi công cũng như trong vận hành và bảo dưỡng (20-25 năm).

PV: Dù hiệu quả kinh tế cao, nhưng vì sao mới chỉ có Dự án ĐGNK Thanglong Wind ở khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận được phê duyệt và một trang trại gió ở Bạc Liêu đã đi vào hoạt động?

TS Đinh Văn Nguyên: Xây dựng, phát triển một dự án ĐGNK liên quan đến nhiều việc, nhiều đầu mối, liên quan đến quy hoạch và sự hình thành, phát triển của chuỗi cung ứng nội địa. Chúng ta có thể coi các dự án ở Bạc Liêu và Bình Thuận là tiên phong.

co hoi vang cho dien gio ngoai khoi
TS Đinh Văn Nguyên trình bày về công nghệ điện gió ngoài khơi tại một hội thảo quốc tế

PV:Chủ đầu tư một dự án điện gió khẳng định, với mức giá điện gió trên đất liền là 8,5 UScent/kWh, chủ đầu tư chỉ có thể có lãi với điều kiện tiềm năng gió tốt, thiết bị phù hợp. ĐGNK có rơi vào tình thế đó không, thưa ông?

TS Đinh Văn Nguyên: Phát triển ĐGNK cần được hình thành dựa trên chuỗi cung ứng đủ lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là nhân lực, thiết bị, tàu, máy móc, công nghệ thi công... và cần nhà đầu tư, nhà thầu có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh. Kể cả ở vùng biển tiềm năng gió tốt nhưng dự án nhỏ, dựa hoàn toàn vào việc thuê các nhà thầu quốc tế, thì có thể lãi thấp, thậm chí lỗ nếu chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm và năng lực. Một ví dụ đơn giản, chi phí cho vận hành, bảo dưỡng và dịch vụ (OMS) chiếm đến 35-50% chi phí đầu tư toàn vòng đời của trang trại ĐGNK (tùy vị trí và điều kiện). Nếu chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, mua turbine rẻ thì chất lượng vận hành kém, thường xuyên phải bảo dưỡng bất thường. OMS trên biển rất tốn kém, các turbine dừng hoạt động nhiều, nên doanh thu sẽ thấp. Mặt khác, nhà cung cấp lại giữ công nghệ, máy móc và nhân lực làm OMS. Tất cả những vấn đề đó đều có nguy cơ dẫn đến chi phí OMS tăng lên nhiều lần và làm giảm lợi nhuận đáng kể.

co hoi vang cho dien gio ngoai khoi
Cấu tạo turbine gió ngoài khơi

PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực điện gió, theo ông, làm thế nào để thúc đẩy phát triển ĐGNK ở Việt Nam?

TS Đinh Văn Nguyên: Tôi rất vui mừng được biết, ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó đã nhắc trực tiếp đến phát triển ĐGNK. Với công nghệ ĐGNK trên thế giới đã phát triển đến giai đoạn có lợi ích kinh tế cao, với lợi thế tiềm năng gió lớn và các ngành dầu khí, vận tải, cảng biển phát triển mạnh, có thể xem thời điểm hiện nay là cơ hội vàng phát triển công nghiệp ĐGNK ở Việt Nam.

Để thúc đẩy phát triển ĐGNK, theo tôi, cần thực hiện một số việc: Xây dựng quy hoạch tích hợp không gian biển, có một cơ quan nhà nước đứng ra điều phối với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan. Nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng hệ thống truyền tải điện và lưu trữ năng lượng từ ngoài khơi vào bờ. Xây dựng cơ chế chính sách rõ ràng, dài hạn để có thể thu hút được các nhà đầu tư, các nhà cung cấp thiết bị và các nhà thầu quốc tế có kinh nghiệm và tiềm lực thực sự. Đặc biệt, Nhà nước có chiến lược và lộ trình giảm chi phí sản xuất ĐGNK bằng cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các thành phần có giá thành cao như turbine, cánh quạt... Có nhà thầu lắp dựng (đủ nhân lực, tàu, thiết bị), đặc biệt là tổng thầu, nhà thầu OMS có năng lực ở trong nước. Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao...

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tú Anh