Hiệp định thương mại tự do

Cơ hội và thách thức với ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam

09:00 | 24/03/2018

6,882 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Các hiệp định thương mại tự do là một hệ thống cam kết quốc tế về giảm thiểu các loại rào cản để thương mại diễn ra tự do cho nên chúng có tác động tổng thể đến toàn bộ nền kinh tế. Ngành công nghiệp dầu khí cũng chịu tác động đáng kể từ các cam kết này.  

Tác động của các hiệp định thương mại tự do

Theo xu hướng chung của tự do hóa thương mại, các hàng rào thuế quan sẽ dần tiến đến 0% và các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật cũng như các rào cản khác sẽ bị loại bỏ ngày càng lớn và tốc độ ngày càng nhanh, thời gian ngày càng rút ngắn. Các nghiên cứu về tác động của hiệp định thương mại tự do đều chỉ ra cơ hội và thách thức khi các hiệp định được ký kết và phát huy hiệu lực. Quan hệ nội tại về thương mại xuất phát từ quy luật lợi thế so sánh và quy luật cạnh tranh để tối đa hóa lợi ích thu được từ thương mại. Điều này đặt ra mục tiêu phải điều chỉnh nhanh chóng chính sách thương mại mà rộng hơn là thể chế thương mại cũng như huy động mọi khả năng để tận dụng triệt để các tác động của hiệp định.

Các nghiên cứu mang tính học thuật chỉ ra tác động tạo lập thương mại và chuyển hướng thương mại khi có hiệp định, trong đó tạo lập thương mại khuyến khích các ngành có hiệu quả còn chuyển hướng hay chuyển mối thương mại sẽ làm lệch lạc cơ cấu, phương, chiều của thương mại dẫn đến chỉ chú trọng phát triển các ngành phù hợp với cam kết trong hiệp định. Mặc dù cả hai tác động này đều diễn ra khách quan nhưng các hiệp định thương mại tự do thường dẫn đến tác động tổng hợp và thậm chí các tác động vượt ra ngoài đánh giá hay dự kiến ban đầu cũng như còn mang tính bất định, khó lường. Có thể minh chứng trường hợp giá dầu mỏ trên thị trường thế giới có thời điểm tăng cao hơn 100USD/thùng trong năm 2015, nhưng sau đó giảm sâu xuống khoảng 40USD̃ trong năm 2016 và đến tháng 9-2017, giá dầu chỉ mới khôi phục ở mức 66-67USD/thùng. Đây là điều ít được dự báo hiệu quả, cho nên rủi ro thường xảy ra và không tách rời cơ hội.

co hoi va thach thuc voi nganh cong nghiep dau khi viet nam
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Hiền Anh)

Bên cạnh đó, có thể thấy, các hiệp định thương mại tự do, do loại bỏ lớn nhất các loại rào cản, còn có tác động đến cơ cấu sản xuất, cơ cấu công nghệ, trình độ lao động và thể chế như chính sách, pháp luật, việc điều hành. Nghĩa là chúng có tác động tổng thể và toàn diện đến tất cả các mặt, các khâu của chuỗi giá trị. Thêm vào đó, khi có sự thay đổi về nền tảng phát triển kinh tế, sẽ dẫn đến sự thay đổi về các mặt khác của đời sống xã hội, văn hóa, tư tưởng, lối sống, quan hệ giữa các quốc gia, doanh nghiệp và các chủ thể khác có liên quan.

Những tác động của hiệp định thương mại tự do có thể xem xét theo chuỗi giá trị bao gồm:

Tác động đến sản xuất: thay đổi cơ cấu sản xuất do làm gia tăng số lượng nhà sản xuất, giá cả và khối lượng nguyên vật liệu, trình độ công nghệ, nhân lực, thị trường được mở rộng cả trong và ngoài nước. Quy mô sản xuất mở rộng, hiệu quả tăng lên và cạnh tranh cũng tăng lên tương ứng. Đồng thời, môi trường kinh doanh được cải thiện, tính minh bạch tăng, chi phí giảm.

Tác động đến tiêu dùng: Người tiêu dùng có lợi hơn do mua hàng giá rẻ, nhiều lựa chọn hơn và hàng hóa có chất lượng cao hơn. Phúc lợi người tiêu dùng tăng lên.

Tác động đến thu nhập chính phủ: Chính phủ có thể giảm nguồn thu do giảm thuế nhập khẩu và để bù lại tình trạng nguồn thu bị giảm này, việc điều chỉnh mức thuế nội địa như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, các loại phí, lệ phí cũng được điều chỉnh chi phù hợp.

Bên cạnh đó, các tác động còn có thể được xem xét dưới trạng thái tĩnh và trạng thái động, tác động cục bộ hay tổng quát, tác động ngắn hạn hoặc dài hạn… Tất cả các tác động này, suy cho cùng, đều tác động đến yếu tố trung tâm và là tín hiệu phản ánh đầy đủ nhất trạng thái thị trường là giá cả. Các hiệp định thương mại tự do, khi loại bỏ các loại rào cản hữu hình hoặc vô hình, trực tiếp và gián tiếp, thuế quan và phi thuế đều tác động đến giá cả theo xu hướng làm giảm giá.

Việc xem xét tác động của các hiệp định thương mại tự do đến ngành công nghiệp dầu khí được thực hiện theo quy trình. Từ các cam kết về giảm thiểu thuế quan, phi thuế, các loài rào cản và mở cửa thị trường làm thay đổi giá cả, sản lượng, chính sách, chiến lược và hoạt động đầu tư. Điều này làm thay đổi cơ cấu, quy mô, năng lực và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của ngành công nghiệp dầu khí là thị trường mang tính toàn cầu và thông tin về thị trường hoàn toàn rõ ràng, dễ tiếp cận. Giá dầu do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định.

Nếu xem xét về mặt hàng xăng ở Việt Nam, so với các nước ASEAN, có thể thấy mức giá bán lẻ xăng ở Việt Nam thấp hơn giá xăng trung bình của các nước ASEAN. Nếu tính toán dựa trên số liệu GlobalPetrolPrice ngày 29-5-2017 thì giá xăng ở Việt Nam thấp hơn 11% so với giá xăng trung bình của các nước ASEAN, trong khi giá xăng tại Singapore cao nhất. Với mức giá thấp này, khó có thể thu hút được đầu tư nước ngoài vào các cơ sở lọc dầu trong nước để khai thác thị trường nội địa.

Một số cam kết về thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam

Cam kết kinh tế quốc tế được hình thành từ mối quan hệ kinh tế giữa các bên tham gia thông qua đàm phán, thương lượng. Đây là sự thể hiện các ràng buộc về nghĩa vụ và trách nhiệm kinh tế của các bên tham gia mang quốc tịch khác nhau về thương mại, đầu tư, dịch vụ và các quan hệ phi thương mại có liên quan đến thương mại. Theo từ điển thuật ngữ đầu tư (investorwords), cam kết là một sự nhất trí để thực hiện một hành vi cụ thể vào một thời điểm nhất định trong tương lai gắn với từng hoàn cảnh cụ thể. Hiệp định thương mại tự do là một hệ thống cam kết cụ thể để vừa bảo vệ, vừa thúc đẩy xu hướng tự do hóa thương mại. Các cam kết có thể không giống nhau hoàn toàn giữa các hiệp định mặc dù vẫn bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của nền thương mại tự do.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng chủ động và sâu rộng của Việt Nam kể từ khi tiến hành mở cửa và chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều cam kết quốc tế về mở cửa thị trường xăng dầu và theo đó, ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam thực hiện. Các cam kết này có thể nhận thấy đầu tiên là việc thành lập Liên doanh dầu khí Việt - Xô (1977), tiếp theo là các cam kết trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA, 1996), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Hệ thống các cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cam kết trong Hiệp định Thương mại hàng hóa Việt Nam - ASEAN (ATIGA), cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc…

Một thị trường gần như toàn cầu đang mở ra đối với ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm quan trọng nhất trong hội nhập quốc tế của Việt Nam là việc Việt Nam gia nhập WTO. Đây là thời điểm Việt Nam mở cửa toàn diện theo đúng các nguyên tắc của tự do hóa thương mại là tự do, minh bạch, công bằng và được công bố công khai điều kiện để nhà đầu tư, nhà kinh doanh xuất - nhập khẩu xăng dầu, bán lẻ xăng dầu nước ngoài thực hiện các giao dịch tại Việt Nam. Theo nguyên tắc tương hỗ, Việt Nam cũng sẽ nhận được sự đối xử tương tự ở các nước thành viên hiệp định khi đầu tư, kinh doanh sang các nước này trong ngành công nghiệp dầu khí.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện các cam kết tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO đến năm 2017 đã đạt khoảng 11 năm và đã có những bộc lộ về tác động của cam kết, tính thống nhất giữa các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký kết và mức độ hài hòa giữa các cam kết quốc tế với các quy định trong nước.

Thứ nhất, về mức độ thống nhất giữa các cam kết quốc tế của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết có thể thấy có những điểm không thống nhất hay có sự khác nhau về cam kết thuế nhập khẩu của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc. Mức thuế nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN đối với xăng là 20% trong giai đoạn 2016-2023, với mặt hàng dầu diesel, mazut và kerosene là 0%, còn từ năm 2024, tất cả các mặt hàng này đều có mức thuế suất 0%. Còn đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, mức cam kết về thuế nhập khẩu xăng là 10% trong giai đoạn 2015-2017, nhưng từ năm 2018, mức thuế này là 10%. Đối với mặt hàng dầu diesel, mức thuế này là 5% trong giai đoạn 2015-2017, từ năm 2018, mức thuế này giảm xuống 0%. Đối với mặt hàng dầu mazut, mức thuế này 0% từ năm 2015 trong khi kerosene là 5% kể từ năm 2015

Nếu tính từ năm 2018 đến năm 2023 có thể thấy xăng có thể được nhập khẩu từ Hàn Quốc do thuế nhập khẩu thấp hơn từ ASEAN và từ năm 2024, mặt hàng này có thể được nhập khẩu từ ASEAN do mức thuế này từ Hàn Quốc vẫn duy trì 10% trong khi ASEAN giảm xuống 0% nếu mức giá xăng tính ở mức trung bình và chênh lệch không đáng kể giữa các nước. Các mặt hàng khác trong danh mục mặt hàng xăng dầu cũng có tình trạng chưa thống nhất hay vẫn còn chênh lệch, cho nên tình hình chuyển hướng thương mại do chính sách thuế chênh lệch sẽ còn tiếp tục diễn ra. Đây là yếu tố đòi hỏi các nhà kinh doanh xăng dầu phải nhạy bén với tình hình thị trường và chiến lược của đối tác, chính sách quản lý mặt hàng này của các nước nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Thứ hai, đối với chính sách trong nước áp dụng đối với các nhà máy lọc dầu cũng có những điểm không hoàn toàn giống nhau do điều kiện xây dựng và hoạt động của các nhà máy có sự khác nhau.

co hoi va thach thuc voi nganh cong nghiep dau khi viet nam
Người lao động Vietsovpetro trên giàn CNTT số 3. Ảnh Hiền Anh

Đối với Nhà máy Dung Quất, trước tháng 9-2016, mức thuế áp dụng là 7% và phần nộp Chính phủ 13%, tương đương với thuế nhập khẩu 20% đối với mặt hàng xăng và dầu diesel trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Kể từ tháng 9-2016, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất áp dụng mức thuế 7% và nộp Chính phủ 3%, tính gộp cả hai khoản này tương đương với mức thuế 10%. Từ tháng 1-2017, nhà máy chỉ phải nộp thuế 7% và phần thu của Chính phủ 0%. Nếu tính gộp cả hai khoản này sẽ đạt mức tương đương với mức thuế 7%.

Cơ hội và thách thức

Các cơ hội được thể hiện ở việc tiếp cận nguồn dầu nhập khẩu quy mô lớn từ các đối tác khác nhau cho nên có thể chọn được đối tác nhập khẩu dầu với giá cả thấp nhất. Thực tế, Việt Nam đã nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc với giá thấp hơn giá nhập khẩu từ các nước ASEAN. Điều này góp phần làm bình ổn giá xăng dầu trong nước, giảm chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng nhiều xăng dầu, giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho nên tăng phúc lợi người sử dụng xăng dầu. Bên cạnh đó, cơ hội tiếp nhận đầu tư, công nghệ từ các đối tác nước ngoài do thị trường xuất khẩu xăng dầu được mở rộng. Các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia bán lẻ xăng dầu trong nước góp phần tăng cạnh tranh làm giảm giá xăng dầu. Các doanh nghiệp lọc dầu và kinh doanh xăng dầu có thể tham gia vào thị trường nước ngoài trước hết là các nước đối tác thuộc các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, do các nước OPEC cam kết cắt giảm sản lượng dầu khai thác cho nên cơ hội tăng giá dầu đang xuất hiện.

Theo dự báo, sự biến động giá dầu thế giới sẽ có những yếu tố khó lường, song xu hướng chủ yếu là tăng lên. Đây là cơ hội cần được đón nhận chủ động vì những biến động khó lượng như thiên tai ở Mỹ chưa từng có 90 năm qua. Sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn và triển vọng kinh tế toàn cầu có những khía cạnh tích cực làm tăng cầu về mặt hàng dầu làm tăng giá có khả năng đến mức tương đương với mức trước khi giảm giá liên tục thời gian qua sẽ kích thích đầu tư để tận dụng cơ hội thị trường.

Về thách thức, cạnh tranh trong tìm cơ hội đầu tư và cạnh tranh để tham gia vào mạng lưới bán lẻ xăng dầu cũng sẽ tăng lên. Các đại lý xăng dầu trong nước nếu không đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ có thể phải chia sẻ thị trường với đại lý nước ngoài. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong khai thác các ưu đãi chính sách cũng như sự khác biệt về biện pháp áp dụng có thể làm thay đổi cơ cấu thị trường, đòi hỏi tốn kém chi phí điều chỉnh chính sách, cơ cấu ngành và tình trạng cạnh tranh. Đồng thời, với sự xuất hiện của các thành tựu mới về công nghệ khai thác dầu khí như các mặt hàng nhiên liệu mới có thể thay thế dầu khí làm giảm tầm quan trọng của giá dầu. Điều này làm tăng nguồn cung dầu và cá sản phẩm thay thế dầu càng làm giảm giá dầu và nguy cơ thua lỗ tăng nhanh.

Một số đề xuất

Để khai thác triệt để cơ hội và giảm thiểu thách thức do các hiệp định thương mại tự do gây ra, cần có những giải pháp mang tính chiến lược và dài hạn cùng với các giải pháp ngắn hạn và cục bộ.

Thứ nhất, cần coi trọng công tác dự báo thị trường phát triển ngành công nghiệp dầu khí trong viễn cảnh và tầm nhìn

25-30 năm tới để có chiến lược đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ trong ngành để hiện đại hóa ngành theo xu hướng phát triển chung. Đặc biệt, việc dự báo này cần gắn với việc thực hiện các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do. Điều này góp phần phát huy nội lực của ngành để thích ứng với cạnh tranh đang gia tăng gay gắt.

Thứ hai, cần rà soát lại tất cả các quy định trái với các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do để điều chỉnh, sửa đổi các quy định trong nước, bảo đảm tính bình đẳng trong môi trường kinh doanh cũng như giảm thiểu tình trạng tìm các điểm chưa thống nhất của chính sách để thu lợi, gây bất ổn trong môi trường kinh doanh cũng như chia cắt chính sách.

Thứ ba, cần tranh thủ tác động của hiệp định để tiếp cận các công nghệ mới, công nghệ cao trong ngành công nghiệp dầu khí, cũng như cần tận dụng các điều kiện ưu đãi của hiệp định để nhập khẩu sản phẩm dầu với giá thấp, thậm chí có thể mua dầu để tích trữ đề phòng khả năng tăng giá hay mức độ an ninh chưa cao về năng lượng.

Thứ tư, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của toàn ngành theo hướng tăng tính liên kết chặt chẽ để tạo áp lực kháng cự với cạnh tranh, tăng tính chuyên nghiệp trong phục vụ và phát huy vai trò của ngành dầu khi đối với việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô như thúc đẩy tăng trưởng, ổn định giá cả và thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Thứ năm, coi trọng phát triển hướng ngoại của ngành Dầu khí như đầu tư thăm dò, khai thác, lọc dầu, phát triển mạng lưới bản lẻ xăng dầu ở nước ngoài trước hết ở các nước đối tác trong hiệp định thương mại tự do để tận dụng triệt để hơn mọi cơ hội thị trường và giảm thiểu các loại rủi ro có thể. Điều này cần có chiến lược quốc gia, ngành và doanh nghiệp phù hợp với tư duy hội nhập hiệu quả ngành công nghiệp dầu khí.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế Quốc dân

DMCA.com Protection Status