Cơ hội mới cho du lịch Việt Nam

19:49 | 05/11/2017

1,985 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017 sẽ diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11-2017, dự kiến có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, khoảng 10.000 đại biểu quốc tế và trong nước, đây được cho là cơ hội lớn để quảng bá du lịch Việt Nam.

Vậy, du lịch Việt Nam hiện nay đang ở thứ bậc nào so với các nước trong khu vực?

Theo Tổng cục Du lịch, so sánh trong ASEAN năm 2016, Việt Nam đứng thứ 5 về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt, bằng 31% so với Thái Lan (32,6 triệu), bằng 37% của Malaysia (26,8 triệu), 61% của Singapore (16,4 triệu), 83% so với Indonesia (12 triệu).

Nói con số thứ hạng như vậy để đỡ “tủi thân” thôi, chứ nếu hiểu ra rằng dân số của Singapore chỉ có 5,7 triệu người, tức mỗi người dân mỗi năm đón 3 khách du lịch, thì mới thấy du lịch Việt Nam mình còn nhiều gian nan mới bắt kịp bạn bè.

Mà cũng dễ hiểu thôi nếu bạn đọc biết được các thông tin rằng, cũng so sánh ngay trong khu vực ASEAN năm 2016, Việt Nam chỉ chi khoảng 2,5 triệu USD cho xúc tiến điểm đến du lịch quốc gia, trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia chi khoảng 100 triệu USD cho hoạt động này.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước, trong khi đó, Indonesia miễn cho 169 nước và vùng lãnh thổ; Singapore là 158, Philippines 157, Malaysia 155 và Thái Lan miễn cho công dân 61 nước và vùng lãnh thổ.

Tiếp nữa, Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch tại nước ngoài, Thái Lan có 28 văn phòng, Singapore 23 văn phòng, còn Việt Nam đến nay vẫn chưa có một văn phòng đại diện du lịch nào ở nước ngoài.

co hoi moi cho du lich viet nam

Những con số biết nói ấy đã phần nào thể hiện cấp nấc của du lịch Việt Nam so với các nước láng giềng. Nay, Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017 tại Đà Nẵng đã đem lại cơ hội cho du lịch nước nhà soi lại chính mình.

Chắc hẳn khúc mắc sẽ rất nhiều, nhưng không phải không có “cửa” ra. Chẳng hạn chỉ nói về việc cấp visa cho công dân các nước muốn đi du lịch tại Việt Nam, đây là một sự ngáng trở đã nhiều năm, rất cần phải điều chỉnh.

Để thu hút khách du lịch, 3 năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã liên tiếp miễn visa cho công dân một số nước châu Âu. Nhờ chính sách này, lượng khách du lịch châu Âu tới Việt Nam tăng trưởng khá nhanh, trung bình 20-30%, nhất là các thị trường Anh, Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha.

Tuy Việt Nam đang miễn thị thực nhập cảnh cho 22 quốc gia, nhưng theo con số thống kê, 10 quốc gia có lượng khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất lại gần như không có tên trong danh sách.

Ngoài ra, theo kiến nghị từ nhiều doanh nghiệp lữ hành lớn của Việt Nam thì tác động tích cực từ chính sách mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh là rất quan trọng. Thí dụ như cần áp dụng ổn định chính sách miễn thị thực 3-5 năm thay vì 1 năm như hiện nay; đồng thời miễn visa chặng 2 cho khách vào Việt Nam đi du lịch sang các nước thứ 2, thứ 3 sau đó quay lại Việt Nam để trở về nước. Mặt khác, cũng cần nâng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Việc tăng thêm thời gian sẽ giúp các công ty lữ hành dễ dàng xây dựng những sản phẩm tour cũng như tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam…

Ở một góc độ khác, các chuyên gia cũng khuyên Việt Nam cần khai thác thế mạnh của mình, đó là những giá trị về văn hóa, về thiên nhiên và con người. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam tuy xếp hạng 67/136 nền kinh tế, nhưng lại có những tiêu chí thế mạnh là tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30), tài nguyên tự nhiên (hạng 34), nhân lực và thị trường lao động (hạng 37).

Trong một cuộc hội thảo đầu năm nay về việc phát triển du lịch,TS Phạm Từ, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đánh giá: “Bản chất của du lịch là văn hóa”. Ông cho rằng, du lịch là đi chơi, thăm thú, tìm hiểu một nền văn hóa khác lạ để trải nghiệm, nghỉ ngơi, không làm kinh tế. Du lịch là nghề chơi - chơi nhưng cũng lắm công phu! Lấy văn hóa để tiếp đãi văn hóa! Sản phẩm quan trọng của du lịch là du lịch văn hóa. Không có sản phẩm du lịch nào không mang nội dung, không thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Còn theo cách nói của nhà văn, nhà phê bình văn học Lê Quang Trang thì: “Du lịch là hành động đỉnh cao của văn hóa”.

Vì vậy, có thể nhận xét, với khoảng 10.000 khách quốc tế và 2.000 nhà báo trong và ngoài nước tham dự, Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2017 xứng đáng được đánh giá là cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam có một bước tiến mới.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 67/136 nền kinh tế, tăng 8 bậc so với năm 2015 và thuộc nhóm 10 nền kinh tế cải thiện mạnh nhất về thứ hạng; xếp hạng 5 và đứng đầu về mức độ cải thiện thứ hạng trong ASEAN so với đánh giá 2015.

Nguyễn Long Vân

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc