Có hai ông Cường ở Bir Seba

07:19 | 09/12/2015

2,168 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
LTS: Sự kiện PVEP chuẩn bị đón dòng dầu đầu tiên từ Dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba là kết quả tất yếu của quá trình lao động miệt mài của chủ đầu tư và thành quả ngày hôm nay không thể không nhắc đến đội ngũ những người thợ khoan của Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling). Đặc biệt là hoạt động hiệu quả, an toàn của giàn khoan PV DRILLING 11 (PVD-11) ở sa mạc Sahara đã góp phần quan trọng trong thành tích chung của dự án. Và PVD-11 đã thành “danh” ở châu Phi, trở thành giàn khoan chất lượng nhất tại Algeria. Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc hai nhân vật đều tên là Cường, đã có nhiều năm gắn bó với Bir Seba.

Phó tổng giám đốc PV Drilling Nguyễn Xuân Cường: PVD-11 là một trường nghề cho các thợ khoan

Vừa nhắc đến giàn khoan PVD-11 thì khuôn mặt anh Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng giám đốc PV Drilling, Giám đốc Xí nghiệp Điều hành khoan giãn ra, nụ cười rất tươi. PV Drilling đang có tin vui là sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam với Thủ tướng Algeria Abdelmalek Sellal cùng Công ty Dầu khí Quốc gia Algeria, Công ty Dầu khí Sonatrach thì Sonatrach sẽ thuê giàn khoan PVD-11 của PV Drilling khoan ở khoan trường Algeria sau khi đơn vị kết thúc hợp đồng với PVEP.

Là người đi cùng dự án từ đầu, lúc anh còn công tác ở PVEP, phụ trách khu vực Bắc Phi, khi về công tác ở PV Drilling, anh Nguyễn Xuân Cường được Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng giao phụ trách giàn PVD-11 nên những thăng trầm, vất vả, khó khăn của dự án khai thác dầu tại mỏ Bir Seba anh đều rõ cả.

co hai ong cuong o bir seba
Phó tổng giám đốc PV Drilling  Nguyễn Xuân Cường

Tôi hỏi, thế tâm trạng các anh ở PV Drilling như thế nào? Anh Nguyễn Xuân Cường hào hứng: Rất vui. Cảm xúc khó tả thành lời. Bao nhiêu năm vất vả, vượt qua không ít khó khăn thử thách thì PVD-11 đã khẳng định được thương hiệu ở Algeria. Sonatrach có hơn 100 giàn khoan mà họ đã chọn PVD-11 thì đủ biết mình đã tạo được niềm tin với đối tác lớn như thế nào.

Thế rồi, câu chuyện của anh quay về những năm tháng gian khó khi PVN chủ trương đầu tư phát triển mỏ Bir Seba, Algeria, lúc đó anh đang ở PVEP. Thời điểm năm 2009, giá dầu đang ở mức thấp chỉ 40 USD/thùng, nhiều người hoài nghi là khó có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, PVEP đã rất quyết tâm, nguyên Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu đến Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập và sau là Phó tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn (khi đó là Tổng giám đốc PVEP) điều hành dự án này đều cực kỳ quyết tâm, không lùi bước, luôn luôn động viên tinh thần anh em PVEP và PV Drilling đang làm việc ở Algeria không nản lòng.

Từ những khó khăn của ngày đầu dự án, khi ký kết hợp đồng với đối tác vào năm 2002, triển khai 2003, đến 2015 mới có dòng dầu. Đây là một quá trình có nhiều cảm xúc khó tả đối với người thợ khoan. Anh Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đó là sự động viên vô cùng lớn về mặt tinh thần để người lao động không bao giờ nản chí, quyết tâm thực hiện thành công dự án.

Trong câu chuyện về những ngày đầu giai đoạn thẩm lượng và phát triển mỏ Bir Seba gian khó đó, anh Cường vẫn nhớ những chiến hữu cùng thời mang chuông đi đánh xứ người. Từ anh Nguyễn Văn Quế giờ là Tổng giám đốc Cửu Long JOC; anh Lê Bá Tuấn, Giám đốc PVEP POC; đến anh Nguyễn Mạnh Trí, Phó tổng giám đốc Phú Quốc POC… Họ là những viên gạch hồng đầu tiên không quản ngại khó khăn, đi ra chiến trận phải có thành quả, quyết tâm khẳng định thương hiệu người thợ khoan Việt Nam trên đấu trường Algeria.

Nói đến câu chuyện ở Algeria, đây không chỉ là một dự án khó khăn, phức tạp, dài lâu mà đây còn là trường nghề đào tạo cực lớn cho nhiều thợ khoan người Việt Nam. Nếu như trong chuyến dịch khoan đầu tiên của PVD-11 vào năm 2007-2008, PV Drilling phải thuê nhiều chuyên gia nước ngoài phụ trách ở những vị trí quan trọng nhất trên giàn khoan thì chỉ qua chuyến dịch khoan lần hai, tất cả những vị trí quan trọng nhất trên giàn đều do người Việt Nam đảm trách. Nghe thì tưởng đơn giản, nhưng đó là cả một câu chuyện dài về sự quyết tâm của ban lãnh đạo PV Drilling đã tin tưởng giao việc cho lực lượng kỹ sư Việt Nam. Đồng thời, theo anh Cường, chính sự quyết tâm học hỏi không ngừng của anh em đã chứng minh năng lực thực sự để đảm trách những vị trí quan trọng nhất trên giàn.

co hai ong cuong o bir seba
Ông Nguyễn Xuân Cường tặng lưu niệm cho lãnh đạo Sonatrach

Câu chuyện đang vui, anh tiếp tục nhắc đến đốc công Trịnh Xuân Cường và đốc công Trương Tô Diện, là những người thợ khoan đóng vai trò nòng cốt đối với giàn PVD-11. May mắn là chỉ sau cuộc trò chuyện với Phó tổng giám đốc PV Drilling Nguyễn Xuân Cường tôi đã có cuộc trò chuyện rất thú vị với giàn trưởng/đốc công ngày Trịnh Xuân Cường. Còn đốc công Trương Tô Diện thì tôi có dịp gặp trong lần anh về Vũng Tàu nhận danh hiệu “Người lao động dầu khí tiêu biểu năm 2014”. Một cuộc trò chuyện không quá dài nhưng giúp tôi hiểu phần nào về những nhọc nhằn, vất vả, sự hy sinh và cả niềm vui, tự hào, hạnh phúc của các anh khi đi làm việc xa Tổ quốc.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện đốc công Trương Tô Diện kể, giai đoạn mới sang, anh cũng như nhiều anh em chưa thích ứng nên đôi lúc cũng thấy nản vì mình đang sống ở xứ nhiệt đới mát mẻ, cây cối xanh mát, trái cây quanh năm, giờ sang một xứ sở chỉ thấy cát bạt ngàn đến hút tầm mắt, không cây cối và nhiệt độ thì chênh lệch ngày đêm quá lớn. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, với quyết tâm của người lao động dầu khí đi chinh phục thị trường khoan khó tính Algeria, bản thân anh và đồng nghiệp đều dần vượt qua những trở ngại về tôn giáo, phong thổ, ngôn ngữ, ẩm thực và thích ứng tốt trong điều kiện làm việc nơi đây.

Khi tôi hỏi, xa nhà, xa Tổ quốc lâu thế anh có nhớ nhiều không? Đốc công Trương Tô Diện trả lời ngay: “Nhớ chứ em” nhưng được cái cứ 8 tuần các anh được đổi ca về nhà. Về Việt Nam rồi, các anh lại thấy nhớ Algeria, nhớ sa mạc Sahara nóng bỏng, nhớ giàn khoan đang ở giữa biển cát mênh mông, nhớ những người lao động Algeria thân thuộc, nhớ mỗi ngày đến giờ cầu nguyện người lao động bản xứ cầu nguyện quay về hướng Mecca, nhớ những món ăn hơi thiếu gia vị… Để thấy rằng chính các anh, những người thợ khoan PVD-11 là “đại sứ” của dân tộc Việt Nam.

Thế rồi trong câu chuyện với anh Nguyễn Xuân Cường mới đây cũng nhắc thợ khoan làm việc xa Tổ quốc không chỉ vì mưu sinh, vì nghề nghiệp mà còn vì màu cờ, sắc áo PV Drilling, vì tinh thần dân tộc. Nói như đốc công Trương Tô Diện thì khi làm xa Tổ quốc mới thấy rằng, tình đoàn kết trong đơn vị là cực kỳ quan trọng và không thể thiếu tình yêu nghề, đam mê nghề và bên cạnh đó là quá trình học hỏi không ngừng, trau dồi kinh nghiệm trong công việc hằng ngày cũng như học hỏi công nghệ mới.

Theo anh Nguyễn Xuân Cường, trong các dự án mà PV Drilling thực hiện cho các nhà thầu thì khoan ở Algeria là vất vả nhất, phức tạp nhất với cấu tạo địa chất khác biệt rất nhiều với các giếng ở offshore. Tuy nhiên, nghề khoan hằng ngày gặp khó khăn là chuyện bình thường và để vượt qua khó khăn thì công ty có hệ thống tổ chức bài bản, nhân lực khoan có kỹ năng chuyên môn giỏi, kinh nghiệm nghề lâu năm… Và chính người làm nghề khoan phải coi khó khăn là cuộc sống của mình. Thợ khoan như người lính ra trận. “Từ khi chúng tôi học đến lúc ra trường, đối diện với khó khăn trong nghề là thường xuyên”, anh vui vẻ chia sẻ.

Để đảm nhiệm quản lý như ngày hôm nay, cũng như bao kỹ sư khoan khác, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh Nguyễn Xuân Cường cũng 10 năm lăn lộn trên giàn khoan. Từ năm 1992, anh đi làm trên các giàn khoan, trải qua tất cả các chức danh trên giàn, từ việc nhỏ nhất đến việc lớn nhất. Anh cho mình may mắn khi làm tất cả việc cụ thể trên giàn, trong đó vị trí cao nhất trên giàn là đại diện cho chủ đầu tư điều hành giàn khoan và giếng khoan. Đó là lúc anh Nguyễn Xuân Cường công tác ở PVEP. Chính những công việc trải qua đã giúp anh hiểu hơn nữa vị trí công việc của anh em, tâm tư tình cảm của anh em, giúp công tác điều hành được hiệu quả hơn. Xa hơn, khi làm quản lý trên bờ thì chính những kinh nghiệm thực tế trên giàn giúp người thủ lĩnh có những cách xử lý tình huống nhanh và phù hợp, có những hoạch địch quan trọng cho sự phát triển của công ty.

Hiện tại giàn PVD-11 có 30 người lao động chia thành hai ca. Dù giá dầu có giảm sâu nhưng đối với giàn PVD-11 không phải lo lắng vì sau khi kết thúc chiến dịch khoan cho PVEP thì đã có hợp đồng với Sonatrach. Đó là niềm vui vô cùng lớn đối với đội ngũ thợ khoan PV Drilling khi thị phần ngành khoan đang giảm trong xu thế chung.

Niềm tự hào của anh Nguyễn Xuân Cường là niềm tự hào chung của ban lãnh đạo PV Drilling và hơn 2.000 người lao động. Với trên 20 năm làm việc trong nghề, đây không phải là lần “First Oil” đầu tiên nhưng đối với anh mỗi lần khoan có dầu đã là niềm hạnh phúc đối với người thợ khoan. Đến khi nhà thầu thực hiện “First Oil” thì người thợ khoan niềm hạnh phúc thật khó tả thành lời. Mỏ Bir Seba (Algeria) First Oil mang đến niềm vui không thể tả hết đối với người lao động PV Drilling. Đây là món quà rất đặc biệt và là nguồn động viên tinh thần cực kỳ quan trọng đối với đội ngũ anh em PV Drilling đang làm việc ở xa Tổ quốc. Càng tiếp thêm sức mạnh để đội ngũ thợ khoan tiếp tục thực hiện chiến dịch khoan cho nhà thầu Sonatrach sắp tới.

“Đến thời điểm này, chúng tôi có thể vui mừng là dự án đầu tiên mang chuông đi đánh xứ người của PV Drilling đã thành công - thành công - thành công. Nếu thành công đến một cách quá dễ dàng thì mọi người sẽ xem bình thường nhưng đối với dự án này trải qua quá nhiều thăng trầm, vất vả, khó khăn từ đầu tư, pháp lý, an ninh, khí hậu, thổ nhưỡng đến công tác khoan, cấu tạo địa chất… thì hạnh phúc càng lớn lao”, Phó tổng giám đốc PV Drilling Nguyễn Xuân Cường không giấu được niềm vui và xúc động khi chia sẻ cùng chúng tôi.

Giàn trưởng Trịnh Xuân Cường: Giàn PVD-11 là ngôi nhà thứ hai của tôi

co hai ong cuong o bir seba
Giàn trưởng giàn PVD-11 Trịnh Xuân Cường

“Tự giới thiệu tôi là Trịnh Xuân Cường, quê ở Hải Dương, trước đây học ở Azerbaijan (Trường Kỹ thuật Khoan Dầu khí Baku)”, anh vào đề dung dị như thế. Vào năm 1989 kỹ thuật viên Trịnh Xuân Cường về nước và đi làm cho các công ty dịch vụ khoan của nước ngoài, năm 1991 anh làm việc trên giàn khoan biển khi mà PV Drilling chưa ra đời, mới chỉ có Công ty Cung ứng nhân lực khoan trực thuộc PTSC. Chưa bao giờ làm việc trên giàn khoan đất liền nhưng vào năm 2007, lãnh đạo PVD mà trực tiếp là Phó giám đốc Nguyễn Công Đoàn mời Trịnh Xuân Cường về làm việc cho PV Drilling để tiến hành khoan thăm dò, khoan khai thác cho nhà thầu Groupement Bir Saba tại Algeria, chủ đầu tư là PVEP.

Dù chưa một lần làm việc trên giàn khoan đất liền, chưa có kinh nghiệm và chưa hình dung được giàn đất liền sẽ khác và khó so với giàn ở ngoài biển như thế nào, tuy nhiên, với kinh nghiệm gần 10 năm làm việc trên giàn khoan của các công ty dịch vụ khoan tư bản, anh vẫn tự tin đảm nhận công việc. Từng đảm nhiệm từ những vị trí thấp nhất đến vị trí cao trên giàn như thợ móc cáp, thợ khoan trên sàn, thợ trên cao, trợ lý kíp trưởng, kíp trưởng nên khi làm việc trên giàn PVD-11 đối với anh cũng không gặp nhiều trở ngại. Trong năm 2008, chiến dịch khoan PVD-11 đã thực hiện tổng cộng 3 giếng khoan, kết thúc chiến dịch khoan thì giàn tiến hành bảo trì, bảo dưỡng. Trong 2 năm chờ bảo dưỡng giàn PVD-11, anh Trịnh Xuân Cường quay lại làm việc trên giàn khoan biển PVD-II.

Quay trở lại giàn PVD-11, thời gian đầu Ban Giám đốc sắp xếp anh làm đốc công đêm và đây cũng là giai đoạn PV Drilling chưa thể bố trí đốc công ngày người Việt mà phải là giàn trưởng người nước ngoài theo yêu cầu của chủ thầu. Tuy nhiên, trong thời gian bảo trì, bảo dưỡng, do sự thay đổi đột xuất nội dung công việc, phải gián đoạn đến 5-6 tháng nên giàn trưởng người nước ngoài không thể chờ việc và đã chuyển sang làm cho một công ty khoan khác. Lúc đó, Cường mạnh dạn đề nghị với Ban Giám đốc hãy để cho người Việt đảm nhận và điều hành, có như vậy người Việt mình mới có cơ hội học hỏi, tìm tòi và phát triển lên được.

May mắn là Ban Giám đốc PV Drilling đã tin tưởng và giao anh phụ trách chức danh đốc công ngày giàn PVD-11. Tuy khi di chuyển giàn ra ngoài site có phát sinh một số vấn đề nhưng nhờ sự đoàn kết, quyết tâm cao, phải nói là cực lớn của tất cả đội ngũ kỹ sư người Việt nên 10 ngày thì giàn trở lại hoạt động bình thường.

 co hai ong cuong o bir seba
 Giàn trưởng Trịnh Xuân Cường (ngoài cùng bên phải) chỉ huy xử lý sự cố trên giàn khoan PVD-11

Kết quả đạt được thực sự ngoài mong đợi, sau gần 5 năm vận hành an toàn con người, an toàn thiết bị, với hiệu suất lên đến 99,9%, PVD-11 đã thực hiện tổng cộng 15 giếng khoan cho các nhà thầu dầu khí PVEP và Sonatrach.

Quan trọng hơn đây là dự án đầu tiên mà PV Drilling đi ra nước ngoài và thực hiện cực kỳ thành công, không những thế đây còn là trường nghề đào tạo nhân lực khoan của PV Drilling. Suốt 5 năm qua, các chức danh chủ chốt trên giàn đều do kỹ sư khoan người Việt Nam đảm nhiệm. Theo anh Cường nhiều anh em đã tận dụng tốt cơ hội nâng cao năng lực, phát triển tay nghề rất tốt sau 5 năm thực hiện chiến dịch khoan cho nhà thầu PVEP. Hơn nữa, PVD-11 cũng giúp nâng cao tay nghề cho công nhân bản địa rất nhiều.

Anh kể vanh vách những kỹ sư khoan trưởng thành và phát triển từ giàn khoan PVD-11. Kỹ sư Nguyễn Đinh Hà Ninh ngày trước làm việc cho Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, sau về giàn PVD-11 là một kỹ sư trẻ, năng động, ham học hỏi và hiện đã lên chức danh kíp trưởng; kỹ sư Nguyễn Đức Trung cũng sau một thời gian nỗ lực không ngừng nay đang đảm nhận chức danh kíp phó giàn, rồi kíp trưởng giàn khoan; kỹ sư Nguyễn Văn Mạnh từ chức danh kíp trưởng, sau một thời gian phấn đấu, anh đảm nhiệm chức danh đốc công đêm; kỹ sư Đỗ Công Chính đảm nhiệm chức danh kíp trưởng và giờ kỹ sư Chính đã về làm việc giàn khoan trên biển nhưng đã có quá trình trưởng thành rất nhanh từ giàn khoan PVD-11…

Không những giỏi chuyên môn, giỏi công tác quản lý, giàn trưởng Trịnh Xuân Cường còn luôn sâu sát, cận kề và thấu hiểu khá rõ tâm tư tình cảm của anh em trong quá trình làm việc. Do đặc thù của công tác trên giàn, công việc quá vất vả, buồn, xa nhà lâu, các anh em đôi lúc nảy sinh ước muốn về Việt Nam công tác để gần gia đình đã được anh động viên, khuyên nhủ và cổ động tinh thần rất nhiều, sau các kỹ sư này đều trụ lại và ngày càng phát triển. Đó cũng là niềm vui và là niềm hạnh phúc của người thủ lĩnh giàn.

Trong cái khó ló cái khôn, với một giàn khoan thân cô thế cô, duy nhất xa đất mẹ, khó khăn về khí hậu, con người, tôn giáo, văn hóa, thiết bị, khoảng cách địa lý… chính cái khó và cái bất lợi đó đã làm các anh phải luôn luôn động não, tìm tòi, sáng tạo, khám phá những phương án để làm việc hiệu quả nhất, an toàn nhất, chủ động nhất. Do đó, tay nghề của anh em năm sau luôn tiến bộ hơn năm trước. Nếu như năm đầu tiên, thời gian chuyển giàn mất hai tuần thì những lần sau việc chuyển giàn chỉ còn lại 1 tuần. Tính ra, trong 15 giếng khoan, đội ngũ thợ khoan PV Drilling phải thực hiện 15 lần chuyển giàn trên đất liền trong điều kiện thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cứ khoảng 3 tháng khoan xong 1 giếng thì lại phải di chuyển giàn một lần, khoảng cách giữa các giếng từ 15-30km. Tổng cộng trong 5 năm giàn PVD-11 phải duy chuyển hơn 400km trong điều kiện phải đảm bảo an toàn con người, thiết bị một cách tuyệt đối. Đó là một thành công rất lớn của đội ngũ thợ khoan PVD-11. Theo giàn trưởng Cường thì tất cả nhân lực đã và đang làm việc trên giàn PVD-11 hiện cực kỳ tự tin cho chiến dịch khoan tiếp theo của nhà thầu Sonatrach.

Nhìn bề ngoài, anh Trịnh Xuân Cường cũng không quá già so với tuổi, cách đây 5 năm tóc hãy còn xanh nhưng sau 5 năm giờ tóc đã bạc gần hết, chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ để biết rằng mức độ khắc nghiệt của môi trường trên sa mạc Sahara như thế nào, khối lượng công việc nhiều ra sao cũng như những vất vả mà đội ngũ thợ khoan PV Drilling phải đối diện. Thế nhưng, anh xác định tinh thần người thợ khoan như những người lính phải luôn chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng ra trận. “Tôi vừa từ Algeria về nghỉ ca, giàn PVD-11 đang thực hiện công tác bảo dưỡng định kỳ để chuẩn bị chiến dịch khoan cho Sonatrach và khi có hiệu lệnh từ công ty thì tôi lại vác ba lô lên là đi”, anh vui vẻ chia sẻ.

“Tôi nói không quá nhưng giờ nhắm mắt lại là có thể hình dung tất cả từng con ốc vít nằm từng vị trí trên giàn. Tôi thuộc giàn PVD-11 như lòng bàn tay và xem đây như ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời. Tôi cũng từng bộc bạch với ban lãnh đạo PV Drilling, nếu dự án kết thúc, PVD-11 không làm việc nữa thì tôi sẽ nghỉ và không theo nghề khoan nữa”, anh Cường chia sẻ chân thành.

Điều anh nói tôi cho không quá phô trương mà đó chính là tâm huyết và tình yêu nghề thực sự của người kỹ sư khoan sau 25 lăn lộn trong nghề. Thực tế đây là một nghề hết sức vất vả, bên cạnh kiến thức chuyên môn, quá trình lao động miệt mài, sức khỏe phải thật dẻo dai thì luôn cần một tình yêu nghề bền bỉ, đầy nhiệt huyết mới trụ lâu dài được. Tất cả những người bạn tốt nghiệp cùng thời với anh ở Trường Kỹ thuật Khoan Dầu khí Baku (Azerbaijan) năm 1989 giờ không còn ai đi giàn khoan nữa, có người đã lên vị trí cao hơn, có người về bờ làm hoặc chuyển nghề, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ minh chứng cho sự khắc nghiệt của nghề này.

Nói thế nhưng không phải lúc nào các anh cũng tràn trề nhiệt huyết, sau những ngày dài ở ngoài giàn với bao áp lực cùng sự khắc nghiệt của thời tiết thì mệt mỏi cũng không hiếm mà như anh Cường nói là có nhiều lúc bị đơ toàn tập; về đất liền mà cảm giác như người ngoài hành tinh. Trước kia anh sống rất lãng tử mà giờ đây anh trở nên trầm lặng vì những năm tháng ở PVD-11 chỉ có công việc, công việc và công việc. Vì sao anh có thể tập trung cao độ như vậy để có kết quả tốt như thế? Tôi hỏi thì anh Trịnh Xuân Cường không ngần ngại bày tỏ: “May mắn là tôi có một đại gia đình 3 thế hệ hạnh phúc. Cha mẹ sống với vợ chồng tôi. Bà xã ở nhà hiểu và chia sẻ, những ngày tôi xa nhà thì vợ lo việc nhà và chăm 4 đứa con đều ngoan, học giỏi, giờ hai con lớn đang học đại học ở TP HCM. Đó là phước phần lớn trong cuộc đời để tôi yên tâm dồn hết tâm lực cho nghề. Và hình như nghề chọn mình rồi trở thành cái nghiệp không dứt ra được”.

Việc PVEP chuẩn bị đón dòng dầu đầu tiên cho dự án phát triển mỏ ở Algeria sau gần 10 năm sang đầu tư mà những người thợ khoan PV Drilling thực sự là những người lính ra mặt trận và chiến thắng. Thành quả này của tập thể chứ không của riêng ai nhưng vẫn không thể không nhắc đến người giàn trưởng đầu tiên là người Việt Nam đảm nhận chức danh trên giàn PVD-11, góp phần rất quan trọng để giàn làm việc hiệu quả, an toàn trong suốt 5 năm qua. Để giờ đây, PVD-11 có thể tự hào tiếp tục thực hiện chiến dịch khoan cho Sonatrach.

“Tôi sẽ tiếp tục đi cùng giàn PVD-11 cho đến khi nào sức khỏe không cho phép thì nghỉ, đã coi như ngôi nhà thứ hai thì không thể xa được”. Đó là tình yêu chân thành mà giàn trưởng Trịnh Xuân Cường dành cho PVD-11 cũng là cái nghiệp mà anh chọn nghề khoan trong 25 năm qua.

Thiên Thanh

Năng lượng Mới 481

DMCA.com Protection Status