Cơ giới hóa ngành than: Chưa tương xứng với tiềm năng

07:15 | 12/07/2016

483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm qua, TKV và các đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc gia tăng sản lượng bằng việc đẩy mạnh cơ giới hóa (CGH) khai thác, đào lò. Tuy nhiên, sản lượng khai thác vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra hằng năm, điều đó đòi hỏi TKV cần nhiều giải pháp hơn nữa trong những năm tới.  

Chiến lược cơ giới hóa

Cùng với việc tăng sản lượng khai thác, vấn đề nâng cao an toàn lao động, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất tài nguyên là mục tiêu hàng đầu của ngành than. Hiện nay, các mỏ than chủ yếu áp dụng công nghệ khai thác bằng phương pháp khoan nổ mìn thủ công, chống giữ bằng cột thủy lực đơn, giá thủy lực di động và gần đây là giá khung di động. Các công nghệ này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, đặc biệt là trong khấu gương, di chuyển cột, chuyển máng cào... Chính vì thế, TKV đã đề ra chủ trương phát triển ngành than bền vững theo hướng đổi mới công nghệ, triển khai áp dụng CGH trong các khâu khấu than, chống giữ lò chợ, vận tải và đào lò tại những khu vực điều kiện địa chất cho phép, trong đó CGH khai thác và đào chống lò đóng vai trò quan trọng.

chua tuong xung voi tiem nang

Năm 2010, Công ty Than Nam Mẫu đã triển khai áp dụng công nghệ CGH khai thác bằng máy com-bai khấu than và giàn chống tự hành Vinaalta. Kết quả cho thấy, tính ưu việt nổi trội khi khai thác bằng máy kết hợp dàn chống là năng suất cao. So với khai thác bằng khoan nổ mìn sử dụng giá thủy lực di động và giá khung di động, công suất tăng 1,5-1,8 lần. Thậm chí, ở Khe Chàm, lúc cao điểm, năng suất cao gần 4 lần so với lò chợ giá khung.

Mặt khác, việc áp dụng CGH trong lò chợ cho phép công nhân làm việc trong điều kiện tốt hơn, ít nặng nhọc hơn do các khâu chính trong quy trình công nghệ được thực hiện bằng thiết bị CGH và đảm bảo an toàn hơn các công nghệ khác. Tính ưu việt nổi trội nữa là, số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ khi áp dụng CGH giảm 1,5-2,0 lần, nhưng năng suất lao động tăng hơn gấp đôi; các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cao hơn hẳn so với lò chợ thủ công.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận CGH ngành than hiện nay vẫn chưa thực sự tương xứng với nhu cầu ngày càng cao cho an ninh năng lượng. Trước tiên, phải kể tới là điều kiện địa chất phức tạp, chiều dài khai thác không lớn, ảnh hưởng đến công suất khai thác cũng như hiệu quả đào lò. Ðặc biệt, ảnh hưởng của nước chảy vào lò chợ với lưu lượng lớn gây đình trệ sản xuất.

Kế tiếp là nguồn thiết bị đồng bộ phục vụ quá trình CGH khai thác than hầm lò gặp khó khăn. Bởi lẽ, các thiết bị CGH chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài nên rất bị động; hay chế tạo cơ khí trong nước chưa phát triển nên khó khăn khi lựa chọn đồng bộ thiết bị.

Ngoài ra, trình độ tiếp cận kỹ thuật cao của cán bộ, công nhân tại các mỏ than còn nhiều hạn chế. Trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghệ Mỏ còn thiếu (như thiếu phòng thí nghiệm) dẫn tới độ tin cậy của tài liệu tham khảo chưa cao.

Thách thức phía trước

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác CGH khai thác, đào lò giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 của TKV mới đây, trong những năm qua, TKV và các đơn vị đã tập trung chỉ đạo, thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh CGH khai thác, đào lò. Giai đoạn 2013-2016, đã thăm dò, đánh giá trữ lượng, điều kiện địa chất để áp dụng CGH khai thác, đào lò; tiếp tục thực hiện đầu tư, ứng dụng CGH, từ năm 2013 đến nay có thêm 4 đơn vị thực hiện và đưa các dự án CGH khai thác vào hoạt động gồm: Hà Lầm, Dương Huy, Quang Hanh và Khe Chàm... Sản lượng và tỷ lệ than khai thác bằng CGH/tổng sản lượng than khai thác bằng các loại hình công nghệ tăng từ 575.624 tấn, năm 2013 lên 720.568 tấn, năm 2015 và dự kiến đạt 2,197 triệu tấn vào năm 2016.

Mặc dù công tác CGH khai thác đã đạt được các thành tựu trên, nhưng sản lượng than khai thác bằng CGH hằng năm vẫn không đạt theo kế hoạch đặt ra. Tổng số có 11 dây chuyền CGH đã được đầu tư áp dụng trong Tập đoàn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chỉ còn 6 dây chuyền hoạt động.

Tập đoàn đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện áp dụng CGH cho các mỏ có trữ lượng công nghiệp lớn, ổn định, điều kiện địa chất phù hợp, sau đó sẽ mở rộng áp dụng rộng trong TKV. Đối với các mỏ xây dựng mới (Núi Béo, Khe Chàm II-IV...) cần xác định theo hướng áp dụng những công nghệ tiên tiến, ưu tiên CGH đồng bộ cho công suất lớn... Tiếp tục áp dụng chống lò bằng vì neo để giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động, tốc độ đào lò, đưa công nghệ đào chống lò bằng vì neo thành công nghệ truyền thống tại các mỏ than hầm lò; xây dựng những đơn vị mũi nhọn, đầu tầu thực hiện CGH để từ đó nhân rộng trong toàn Tập đoàn...

Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-1-2012 tại Quyết định số 60/QĐ-TTg thì sản lượng than thương phẩm sẽ tăng nhanh, đạt khoảng 55-58 triệu tấn vào năm 2015, đạt 60-65 triệu tấn (năm 2020), 66-70 triệu tấn (năm 2025) và trên 75 triệu tấn vào năm 2030.

Minh Châu

Năng lượng Mới 539

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps