Cô giáo trẻ "gieo” chữ trong chùa 1

00:03 | 01/07/2012

1,326 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 15 năm đứng lớp không lương thưởng, phụ cấp, thế nhưng “mẹ hiền” ấy vẫn thầm lặng hy sinh, tận tụy với các “con” của mình. Đó là cô giáo Lê Thị Hòa,  hiện dạy học cho hơn 40 trẻ mồ côi, tàn tật, cơ nhỡ không nơi nương tựa tại chùa Hương Lan, thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.

Từ lòng đồng cảm trắc ẩn

Những ngày hè, cái nắng gắt như đổ lửa khiến cho những ai thường hay đi “phơi nắng và hít bụi” như cánh phóng viên cũng phải phì phò mà lắc đầu. Trời có nắng gắt người ta mới biết đến ý nghĩa của những rặng cây cổ thụ tỏa bóng râm che mát cho con người. Khi nghe được câu chuyện mà anh bạn từng kể về một cô giáo nghèo hơn 15 năm nay tình nguyện dạy học cho những đứa trẻ bất hạnh tại một ngôi chùa ở Hà Nội, tôi cứ liên tưởng cô giáo ấy giống như một cây cổ thụ giữa hàng nghìn, hàng vạn cây che bóng mát cho các em nhỏ, những mảnh đời bất hạnh.

Cô giáo Hòa luôn coi các em như con cháu của mình

Chùa Hương Lan hiện là mái ấm tình thương cho hơn 40 em học sinh. Không giống như các lớp học khác nơi những ngôi trường cao tầng khang trang là cảnh chơi đùa nhộn nhịp háo hức, hân hoan với khăn quàng đỏ và những giờ dạy sôi nổi giữa trò và giáo viên đứng lớp. Lớp học nơi cửa chùa này chỉ có một cô giáo hơn 15 năm nay “đánh vật” với các em ở mọi lứa tuổi vốn ngây ngô, thẫn thờ và im lặng. Những em học sinh đến ngụ ở chùa chủ yếu là những em khuyết tật, bị mắc các căn bệnh như thiểu năng trí tuệ, câm, điếc, bệnh tự kỷ, bản thân không có khả năng học tại các lớp học chính quy.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lớn lên Lê Thị Hòa đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ và anh chị mình đến một chữ bẻ đôi cũng không biết. Dù nghèo đói nhưng gia đình cho cô đến trường để học lấy cái chữ, mong sao đời bớt khổ. Thế rồi ước mơ cũng thành hiện thực, ngày ấy tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Thị Hòa thi đậu vào Trường cao đẳng Sư phạm Cộng đồng (Hà Nội). Tốt nghiệp cao đẳng, cô Hòa tiếp tục học đại học tại chức. Năm 1997, Lê Thị Hòa ra trường, trở về địa phương giảng dạy tại Trường tiểu học Đông Sơn. Dù đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng cô Hòa vẫn quyết bám lớp bám trường vì các em học sinh thân yêu.

Những năm đó việc học hành ở một số vùng quê nghèo của huyện Chương Mỹ chưa được chú trọng, trên địa bàn xã Đông Sơn nơi ở của cô giáo Hòa có rất nhiều em bỏ học giữa chừng. Nghĩ về gia đình mình vốn thất học, tình thương, lòng đồng cảm, sự tâm huyết với nghề nghiệp đã thôi thúc cô tiếp tục nghiệp giáo dục trồng người. Thấy nhiều học sinh bỏ học, cô Hòa đã tự nguyện mở một lớp học miễn phí tại nhà riêng của mình để giúp đỡ những em không được đến trường, những những em học yếu không theo kịp các bạn cùng lớp. Thấy số lượng học sinh bỏ học ngày càng nhiều nên cô Hòa đã mạnh dạn đến chùa Hương Lan để bàn với trụ trì nhà chùa mở lớp học tình thương. Nguyên do nào mà cô Hòa lại làm vậy? Phải chăng cô giáo Hòa được hưởng một chế độ đãi ngộ hậu hĩnh? Không! Xin thưa rằng, cô tận tâm “gieo” chữ, dạy bảo các em bởi cô có một trái tim nhân hậu, yêu thương. Mong sao ngày càng cưu mang những mảnh đời bất hạnh.

“Mẹ hiền bồ tát”

Cô Lê Thị Hòa, phụ trách lớp học tình thương được các em gọi với tên thân mật “Mẹ hiền bồ tát”, người mang niềm vui, hạnh phúc đến cho con trẻ. Lớp học tình thương được thành lập vào năm 2007 với ý niệm “để các con ai cũng được đến trường” của sư thầy Thích Đàm Tiền trụ trì chùa Hương Lan. Kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu khi thành lập lớp học tình thương, trụ trì Thích Đàm Tiền cho biết: Năm 2007, cô Nguyễn Thị Hòa là giáo viên Trường tiểu học Đông Sơn tìm đến gặp nhà chùa và trình bày vấn đề hiện tại có một số em học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà học hành sa sút, bỏ học, không theo kịp những em cùng lớp và một số em khuyết tật không thể theo học tại trường.

Những ngày đầu Cô Hòa luôn trăn trở: Đây là công việc hết sức khó khăn, với các em học sinh bình thường thì đã có giáo án và sách giáo khoa chuẩn để dạy, còn với các em học sinh khuyết tật thì lấy đâu ra giáo án. Vì mỗi em một khuyết tật, em thì câm, em thì điếc, thiểu năng, tự kỷ… nên mình phải lựa từng đối tượng và khả năng tiếp thu để chia nhóm lớp và cách truyền đạt cho các em hiểu. Mình không có nghiệp vụ sư phạm để dạy riêng đối với các em khuyết tật nên mỗi lần đứng lớp đều phải tự rút kinh nghiệm riêng cho bản thân và viết riêng một “giáo án” làm phương pháp dạy học. Dạy các em biết viết, đọc đã khó lại còn phải tìm mọi cách dỗ dành, vỗ về chúng. Có nhiều trường hợp các em bỏ học, cô Hòa lại cất công lặn lội đến tận từng gia đình để vận động, động viên bố mẹ cho các em đến lớp.

Thương các “con”, để lớp không bị bỏ trống giờ, cô Hòa tính toán sắp xếp lịch thời khóa biểu, phân bổ thời gian hợp ly giữa công việc với gia đình để đến lớp các em. May mắn là chồng và gia đình nhà chồng rất ủng hộ, tạo điều kiện để cô được đứng lớp. Cô tranh thủ lo xong công việc trong gia đình, chăm lo chồng con rồi tới lớp chứ không thể để các em ở lớp mà vắng cô dù chỉ một giờ.

Không chỉ là chuyện đứng lớp dạy học, hằng ngày cô Lê Thị Hòa tự tay chăm sóc lo cho đàn “con” từng bữa ăn, giấc ngủ, đến cả việc nhiều con không tự làm được những việc vệ sinh cá nhân cô cũng giúp đỡ. Ngày đầu mở lớp, các em phải học tại khu bếp của nhà chùa, bàn và bảng là những bộ bàn ghế cũ được nhà chùa và cô Hòa xin lại của người dân. Dần dần, nhà chùa mới giành riêng khu nhà bếp có đủ bóng điện và quạt để làm lớp học cố định. Hỏi vì lẽ gì mà suốt hơn 15 năm qua cô làm cái việc không công này, cô Hòa nhoẻn cười: Chỉ vì mình thương các em, mình xem chúng nó như là con đẻ vậy. Ở đời làm được một việc tốt, giúp đỡ được người khác là để phúc cho đời, cho con cháu mình.

Gần trưa, cô Hòa dẫn chúng tôi xuống nhà bếp chùa Hương Lan. Cô xắn tay áo tự tay mình vo gạo, nhặt rau để các em không phải chờ đói. Bữa cơm chay đạm bạc của nhà chùa dành cho các em khiến chúng tôi xúc động. Cô Hòa bảo, số tiền công đức, quyên góp từ thiện từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đều dùng để chăm lo cho cuộc sống của các cháu.

Hơn 15 năm dạy học, chuyện vui có, buồn có nhưng cô Lê Thị Hòa không than vãn. Nhiều lần đứng lớp đã không ít lần cô Hòa phải “chịu trận” với bút mực, bảng và thước kẻ từ những em thiểu năng trí tuệ, thần kinh… cô không giận mà càng thương các em nhiều hơn.

Khi được hỏi về mong muốn của nhà chùa, sư thầy Thích Đàm Tiền tâm sự: “Thật sự đến lúc này nhà chùa cũng khó khăn, chỉ mong sao có thêm cô giáo đứng lớp để có thể nâng đỡ những phận đời bất hạnh, cùng chung sức với cô Hòa”. Chia tay với cô giáo Hòa và những đứa trẻ bất hạnh dưới mái ấm chùa Hương Lan, bài hát “Đi học” mà các em nhỏ nơi đây cất lúc rõ lúc không, tiếng được tiếng mất cứ như níu kéo bước chân chúng tôi ở lại. Ra về chúng tôi canh cánh trong lòng câu hỏi, những cô giáo tình nguyện gieo chữ như cô Hòa rồi đây có còn sức lực và tâm huyết để cống hiến nữa không? Những mảnh đời bất hạnh như các em nhỏ đang cần sự chia sẻ đùm bọc và giúp đỡ.

Hà Long

Năng lượng Mới số 133, ra thứ Sáu ngày 29/6/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc