Cô gái Nùng và dự định mang “cái chữ” về bản

07:00 | 30/03/2013

1,828 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - “Những thầy cô cắm bản đã để lại trong em niềm khâm phục và biết ơn sâu sắc. Khi ra trường, em sẽ về quê hương mình để viết tiếp con chữ, tiếp tục chắp cánh cho ước mơ của những người con quê hương”. Đó là dự định của cô giáo tương lai Hứa Thị Tâm đến từ Hữu Lũng- Lạng Sơn.

Ký ức về những thầy cô “cắm bản”

Hoàn cảnh khó khăn của em? Đó là câu tôi thường hỏi để muốn biết về hoàn cảnh của những tấm gương giàu nghị lực đã đạt được học bổng của quỹ Thắp Sáng Niềm Tin. Thế nhưng, Hứa Thị Tâm lại không muốn nhắc nhiều đến nó, em muốn kể cho tôi nghe về ước mơ, dự định vào trường của mình, khi em đang ngồi đây - trên ghế giảng đường trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Mới xuống thủ đô nhưng cô sinh viên dân tộc Nùng đã chững chạc nhiều, sự điềm tĩnh đủ để thấy nghị lực ẩn sâu bên trong cô gái nhỏ bé này. Tâm chia sẻ: thực ra được như vậy là vì em xa nhà đã quen rồi.

Ngay từ khi học cấp 2, em đã phải học nội trú. Vì thế mà, thời gian đầu xuống đây em không “mít ướt” như nhiều bạn sinh viên mới xa nhà khác, em còn động viên các bạn nữa. Sinh viên sư phạm đã vốn đa cảm, lại học ban C thì càng dễ xúc động hơn. Nhưng dù cứng cỏi đến mấy thì cũng có lúc em nhớ nhà phát khóc. Những lúc ấy, em lại nhớ về thầy cô của mình ngày xưa, để dự dặn mình, hãy mạnh mẽ lên.

Hứa Thị Tâm - SV trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

 

Ký ức về những ngày tháng lội suối, băng đồi đi học là điều làm Tâm nhớ nhất. Và cũng chính những gian nan của tuổi thơ ấy đã nhen nhóm ước mơ cho cô gái nghèo này. Tâm chia sẻ, ngay từ độ tuổi mầm non em đã phải tự đi đến trường rồi. Khi lên học lớp “vỡ lòng”, trường Tiểu học cách nhà 3km, em cũng phải tự đi. Bản làng em, bạn nào chả giỏi như thế, cũng quen cả. Thế nhưng bọn em vất vả một, thì thầy cô vất vả mười.

Thầy cô đều là người ở thành phố về, vì thương học sinh nơi vùng quê nghèo mới đến cắm bản. Ấy thế mà, thầy cô cũng “nhập tục” rất nhanh với cái nghèo, cái khó của người dân quê em.

Thầy cô tận tình chỉ bảo, có thời gian rảnh còn đến tận nhà nắm bắt hoàn cảnh của từng em, giúp đỡ từng tý một. Còn học sinh, thì cứ sểnh ra là rủ nhau kéo đến chỗ tạm trú của thầy cô chơi, thầy trò nấu cơm ríu rít trò chuyện huyên náo cả vùng đồi. Đó là những ký ức đẹp nhất để nhen nhóm trong lòng em rằng: Sau này mình cũng sẽ là những người thầy, người cô như thế.

Mỉm cười thật tươi về những ký ức đẹp đó, cô gái này mới nhắc đến gia đình của mình. Em bảo, hoàn cảnh nghèo khó cũng là do số phận thôi, lỗi không phải tại bố mẹ của em. Trước đây, gia đình em cũng không phải diện nghèo. Nhưng không may bố em đổ bệnh năm em học lớp 11, hầu như không làm ăn được gì, mẹ em một nách nuôi 3 chị em nên cũng vất vả. Tiền chạy chữa thuốc men cho bố chật vật lắm, đã thế mẹ luôn bị hành hạ bởi những trận đòn của bố. Có lẽ, đó là những ký ức đau đớn mà em không muốn nhắc đến. Lỗi cũng không phải bố, chỉ vì căn bệnh tâm thần hành hạ, nên bố không kiểm soát được hành động mà thôi.

Những lúc bệnh thuyên giảm, thì bố em lại lầm lũi đi thả trâu trên đồi, đáng thương lắm. Từ khi bố đổ bệnh, các bác quê ngoại thương hoàn cảnh, nên đón em gái về quê ngoại Hải Dương cho ăn học, còn em trai đang học bán trú. Giờ ở nhà, còn mẹ chăm sóc bố thôi. Tất cả chi phí trong gia đình trông chờ vào 6 sào ruộng.

Ngoài việc đồng áng, mẹ em phải tìm việc làm thêm, ai có việc gì thuê thì mẹ làm. Mẹ em cũng đau ốm luôn, căn bệnh viêm xoang như trêu ngươi, cứ trở lạnh là hành hạ mẹ.

Trước em học bán trú, nhưng vẫn về thường xuyên giúp đỡ mẹ những việc vặt. Giờ đi học xa, ít được về quê, nghĩ đến mà trào nước mắt. Khi ấy, chỉ có biện pháp duy nhất là tập trung học để không nghĩ lan man với những khó khăn bất biến ấy.  

Viết tiếp con chữ nơi bản nghèo

12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, những năm học cấp 3 em còn xuất sắc dành giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trong khi đại đa số các bạn khác “sợ Sử” thì Tâm lại rất yêu thích môn học này. Hỏi lý do thì em trả lời hồn nhiên: Vì cô giáo dạy lịch sử rất dễ mến và cách dạy của cô cuốn hút. Chính cô đã khiến em yêu môn Sử hơn. Từ đó, em rút ra rằng, thầy cô đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải kiến thức cho học sinh.

Học sinh có ham học hay không? Môn học đó có thú vị hay không? Phần lớn là do thầy cô dìu dắt. Thế nên, khi chọn nghề cho mình, em luôn phải cố gắng rèn luyện và chỉn chu dần dần. Em ý thức được rằng: nghề trồng người là vô cùng quan trọng. Và em mong rằng, sau này em sẽ được học sinh quý mến, như chính em đã rất trân trọng thầy cô của mình.

Muốn vượt nghèo nhưng Tâm không đặt nặng việc kiếm tiền, ước mơ của em bình dị và nghề nghiệp em chọn cũng không để làm giàu. Tâm cho rằng: “Không cần giàu có, chỉ cần em giúp được bố mẹ qua những khó khăn và có cuộc sống giản dị với họ mà thôi”.

Vì thế mà, dự định về công việc sau này, Tâm bảo em muốn về quê dạy học trên chính quê hương mình. Nơi ấy, ngày xưa các em đã mòn chân trên những con đường đồi đất đỏ. Mưa thì sình lầy mà nắng thì toàn bụi. Thế nhưng, thầy cô của em vẫn bám bản, thì không cớ gì chúng em sinh ra ở đó, lại không về quê hương mình. Hơn nữa, bố mẹ cũng cần em bên cạnh, em vừa thực hiện được mong muốn của mình, vừa phụng dưỡng được những người em thương yêu nhất.

Nhìn em say sưa nói về những dự định của mình, tôi tin tưởng vào nghị lực của cô gái đến từ miền núi xa xôi này, với những gì em đã trải qua, em sẽ làm được.

Huy An

DMCA.com Protection Status