Có an toàn mới “vạn sự thông”

07:00 | 30/03/2016

445 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do đặc thù ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động nên thời gian qua lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động và đã đạt được nhiều kết quả nhất định.

Hiều giải pháp được triển khai

Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), thời gian qua, lãnh đạo TKV đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp, giải pháp giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Trong đó phải kể đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện công tác an toàn lao động như: quản lý khí mỏ, cơ điện - vận tải mỏ, thoát nước mỏ, quản lý xe chở người, quản lý kỹ thuật mỏ than, công tác phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, quản lý thiết bị mỏ, quản lý môi trường và quản lý công tác an toàn.

Cùng với đó là đầu tư công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc và tăng hệ số đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đầu tư thiết bị phục vụ công tác ATVSLĐ, lắp đặt hệ thống tháo khí tại những vỉa có độ xuất khí cao, đầu tư khoan thăm dò lỗ khoan dài có đường kính lớn, máy phát điện dự phòng cấp điện cho trạm quạt gió chính và bơm nước; lắp đặt camera để kiểm soát hoạt động của hệ thống tời trục và các vị trí quan trọng trong hầm lò, lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh GPS trên các xe ôtô (các mỏ lộ thiên) để phục vụ công tác quản lý cung độ, tốc độ vận hành.

co an toan moi van su thong
Hô khẩu hiệu an toàn trước giờ vào ca

Một điểm nhấn quan trọng nữa, Tập đoàn đã tích cực đổi mới công nghệ khai thác mỏ, đầu tư trang thiết bị, vật tư, vật liệu để phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động (NLĐ). Hằng năm đã có khoảng 80 đề tài ứng dụng khoa học công nghệ về môi trường và an toàn bảo hộ lao động (ATBHLĐ); trên 340 công trình, 1.500 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về ATBHLĐ và môi trường. Tập đoàn và các đơn vị chi từ 1.200 đến 1.350 tỷ đồng/năm cho công tác ATBHLĐ.

Các đơn vị đã đưa công nghệ khấu than và chống giữ trong hầm lò như cột thủy đơn xà khớp thay chống gỗ, giá thuỷ lực ZH, XDY; giàn tự hành, máy khấu thuộc tổ hợp giàn tự hành thay thế công nghệ khấu than bằng khoan nổ mìn. Vận tải bằng băng tải dần thay thế vận tải bằng goòng, tàu điện, máng cào; sử dụng hệ thống chở người đến vị trí làm việc bằng song loan, tời chở người, tời vô cực, tời hỗ trợ đi bộ… đã giảm sức lực, thời gian đi lại cho NLĐ. Việc sử dụng hệ thống thuyền trượt, tời chở vật tư đã giảm đáng kể sức lực của NLĐ trong khâu vận chuyển vật tư, vật liệu.

Trong khai thác lộ thiên đã dần đưa thiết bị bốc xúc, vận tải công suất lớn, hiện đại vào để tăng năng suất lao động, giảm sức lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ. Tập đoàn và các đơn vị khai thác hầm lò đã đầu tư lắp đặt và từng bước hiện đại trang thiết bị hệ thống cảnh báo khí mê tan, khoăn thăm dò bục nước, hệ thống quan trắc, định vị trong hầm lò, quản lý người làm việc trong lò, thiết bị an toàn cá nhân, hệ thống định vị vận tải GPS.

Không chỉ vậy, TKV cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột suất tại các khai trường của từng đơn vị, sau các đợt kiểm tra có biên bản kiến nghị khắc phục các tồn tại và làm cơ sở để kiểm tra, phúc tra hoặc thông báo nhằm chấn chỉnh đối với các vi phạm tương tự trong toàn Tập đoàn. Định kỳ hằng quý, tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác ATVSLĐ để phân tích nguyên nhân, đề ra các biện pháp khắc phục đối với các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, các sự cố đã xảy ra để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh trong toàn Tập đoàn và đưa ra các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ cụ thể cho từng quý và cả năm để các đơn vị triển khai đến NLĐ.

Vẫn còn những sự cố đáng tiếc

Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, hoạt động khai thác than khoáng sản của TKV, nhất là khai thác hầm lò luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động như áp lực mỏ, cháy nổ khí, đá đổ, sập lò, bục nước, ngạt khí... Đặc biệt tình hình thời tiết luôn biến động, diễn biến phức tạp khiến cho công việc lao động trong hầm lò gặp nhiều trở ngại, điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp, công tác quản lý kỹ thuật an toàn còn hạn chế cho nên vẫn còn nhiều sự cố, tai nạn xảy ra. Ðáng lưu ý là một số vụ tai nạn có tính chất lặp lại, phức tạp gia tăng. Nguyên nhân chính xảy ra các vụ tai nạn thương tâm là sự chủ quan của NLĐ, nhất là những công nhân trẻ, mới vào nghề và NLĐ thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng, chống.

Thống kê cho thấy, năm 2010, tổng số vụ tai nạn lao động ngành than là 35 vụ, 42 người chết, năm 2012 còn 30 vụ và 34 người chết; đến năm 2014 đã giảm còn 22 vụ và 27 người chết; năm 2015 giảm còn 17 vụ tai nạn lao động và 20 người chết. Tuy tai nạn trong ngành có chiều hướng giảm, song đợt mưa lũ kỷ lục vào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2015 cho thấy ngành than gần như bất lực hoàn toàn trước thiên tai.

Nguyên nhân chính khiến tai nạn lao động trong khai thác than hầm lò là do nguồn tài nguyên nằm sâu hơn trong địa tầng, cấu trúc địa chất mỗi ngày một phức tạp, khó lường. Thế nhưng, điểm lại một số vụ tai nạn lao động của ngành than thời gian gần đây cho thấy còn rất nhiều nguyên nhân chủ quan. Trước hết là do thiếu đầu tư cho công tác an toàn lao động, hỗ trợ đồ bảo hộ lao động cho công nhân trong khai thác than hầm mỏ nói chung, khai thác than nói riêng.

Thống kê cho thấy, phần lớn số vụ tai nạn nặng đều xảy ra ở dưới hầm lò với nguyên nhân gây tử vong do nổ các loại khí độc. Thế nhưng, không ít mỏ than chỉ đầu tư hệ thống cảnh báo khí mê tan mà không thể đo đếm/cảnh báo được các nguồn khí độc khác. đây là một thiếu sót vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan thứ hai được chỉ ra, lớn hơn, nguy hiểm hơn lại thuộc về tư duy quản lý, những kiến thức cơ bản của người thợ lò vẫn còn hạn chế. Cao hơn, đó là sự coi thường, tắc trách, chủ quan trong sử dụng nguồn nhân lực.

Cần mạnh tay hơn nữa

Điều đó chứng minh, mặc dù số sự cố mất an toàn lao động có chiều hướng giảm nhưng tai nạn lao động vẫn chưa có dấu hiệu đẩy lùi, thậm chí có nhiều chỉ mục gia tăng. Chính vì vậy, muốn giảm tai nạn lao động, thì ngành than cần phải thay đổi biện pháp quản lý sản xuất an toàn, chỉ đạo sản xuất phải gắn liền với những biện pháp an toàn, đồng bộ, kỷ luật nghiêm minh. Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần thường xuyên rà soát, xem xét quy trình, yêu cầu về bảo đảm an toàn cho NLĐ và có biện pháp xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm để răn đe và làm bài học giáo dục chung.

Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, đổi mới phương thức huấn luyện an toàn cho thợ mỏ. Mặt khác, việc khảo sát, thăm dò và thiết kế khai thác phải đúng tiêu chuẩn, áp dụng các biện pháp an toàn cụ thể, chi tiết cho từng khai trường, khu vực. Ðặc biệt, để phòng ngừa, giảm tối đa tai nạn lao động, hơn bao giờ hết NLĐ cần nêu cao ý thức kỷ luật lao động, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình bảo đảm an toàn.

Nguyễn Kiên

Năng lượng Mới 509

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps