Bản phúc trình Thượng viện Hoa Kỳ về CIA (9/12/2014):

CIA và những bí mật trong cuộc chiến chống khủng bố (Bài 1)

07:00 | 19/12/2014

2,861 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một ngày sau khi Thượng viện Hoa Kỳ công bố bản tóm lược 528 trang từ báo cáo 6.000 trang về cuộc điều tra kéo dài ròng rã 5 năm liên quan chương trình khảo cung bí mật của CIA trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11/9/2001, cựu Phó tổng thống Dick Cheney nói, báo cáo trên chỉ toàn chuyện bịp (trong cuộc phỏng vấn Fox News chiều 10/12/2014). Tuy nhiên, báo cáo trên có vô số bằng chứng để khẳng định CIA đã rất sai…

Năng lượng Mới số 383

Bài 1: Án oan

Những câu chuyện kỳ lạ

Khi được tháo băng bịt mặt, Marwan Jabour thấy toán lính vây quanh. Trên bức tường sau lưng toán lính, có khung ảnh Vua Hussein và Vua Abdullah của Jordan. Jabour mệt lả sau chuyến bay bốn giờ và tiếp đó là cuộc “du lịch” bằng xe. Chỉ khi được nghe bây giờ đang ở Jordan, Jabour mới thở phào. Sau hơn hai năm bị giam, lần đầu tiên Jabour mới được cho biết mình ở đâu. Đó là ngày 31/7/2006. Báo cáo của tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) tung ra tháng 2/2007 cho biết, Jabour bị bắt tại Lahore (Pakistan) ngày 9/5/2004. Theo lời nạn nhân thuật với HRW, đương sự đã bị tra tấn dã man, bị buộc phải thức trong nhiều ngày, bị lột truồng và bị xích vào tường hơn một tháng rồi bị đưa đến nhiều trại giam khác.

Chạng vạng tối 16/6/2004, từ trại giam ở Islamabad, Jabour cùng ba tù nhân khác bắt đầu chuyến chuyển trại bí mật. Mắt bị bịt, tay bị cùm, chân bị trói, họ được đưa ra phi trường. Khi lên máy bay, họ được đưa vào buồng vệ sinh để được tháo băng bịt mặt nhưng lại được thay bằng cái bao bố trùm đầu. Theo lời đương sự, cuộc hành trình đầu tiên có thể là đến Afghanistan. Jabour căn cứ vào một số chi tiết để kết luận như vậy. Thứ nhất, chuyến bay kéo dài chừng hai giờ; thứ hai, tù nhân được cho ăn loại thực phẩm tiêu biểu Afghanistan; thứ ba, thời tiết lúc đó cực lạnh; thứ tư, tay giám đốc trại giam nói sõi tiếng Farsi... Khi đến trại giam, Jabour bị lột quần áo và bị còng một tay vào tường. Xà lim có diện tích chừng 1x2m, trong đó chẳng có gì hơn 1 cái xô, 2 tấm mền và 2 camera. Đêm đầu tiên, Jabour được ngủ ngon giấc. Sáng hôm sau, người ta bắt đầu cạo đầu Jabour và đưa đương sự đến phòng thẩm cung. Chỉ sau vài tháng ngồi tù, Jabour bắt đầu giảm cân, từ 93kg còn 58kg (tù nhân được cân mỗi tuần)…

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein với bản báo cáo gây chấn động

Ngay cả vợ Khaled el-Masri cũng không biết tại sao chồng mình bỗng dưng biến mất trong 5 tháng vào năm 2004. Khaled el-Masri - công dân Đức gốc Lebanon - cho biết mình bị “bắt nóng” (ngày 31/12/2003) khi bị lôi khỏi chiếc xe bus tại Macedonia (lúc đến nước này để nghỉ mát) rồi bị còng và được chở đến một nhà nghỉ ngoại ô thủ đô Skopje. Ba tuần sau, chiều tối 23/1/2004, đương sự được đưa lên máy bay mà chẳng biết được chở đến đâu. Cuối cùng, 5 tháng sau, người ta thấy Masri bị quẳng ở xa lộ gần biên giới dẫn vào Macedonia, nơi nạn nhân phải giải thích với tay lính biên phòng sự việc để được cho vào Macedonia (và tay lính đã cười phá khi nghe câu chuyện “khôi hài đến mức khó tin” của Masri).

Năm 2005, tuần báo Newsweek bắt đầu phanh phui sự việc, với bằng chứng về những chuyến bay được CIA thuê để chuyển tù nhân ma. Theo điều tra Newsweek, một Boeing 737 đã hạ cánh xuống Skopje ngày 23/1/2004, sau chuyến bay từ đảo Majorca thuộc Tây Ban Nha (thông hành Masri có đóng dấu xuất cảnh Macedonia ngày 23/1). Tiếp đó, chiếc Boeing (chở Masri) đến Baghdad rồi sang Kabul (Afghanistan) ngày 25/1. Theo hồ sơ Cơ quan quản lý hàng không liên bang Hoa Kỳ, chiếc Boeing 737 lúc đó thuộc sở hữu Premier Executive Transport Services (PETS) - công ty ma do CIA dựng lên để có thể thuê máy bay một cách hợp pháp. Tất nhiên CIA không chỉ có PETS.

Ngày 18/12/2001, tại sân bay Bromma (Stockholm, Thụy Điển), 6 viên chức an ninh bịt mặt chờ sẵn để đón một “phái đoàn” đặc biệt: hai nghi can khủng bố Ai Cập tên Muhammad Zery và Ahmed Agiza. Đưa chúng vào căn phòng trống, nhóm an ninh bắt đầu cắt quần áo hai tên khủng bố, buộc chúng uống thuốc ngủ rồi quấn “tã” cho chúng trước khi vận vào bộ đồ cam. Như được tường thuật từ chương trình tin tức Kalla Fakta của một đài truyền hình Thụy Điển, hai tên khủng bố bị bịt mặt, còng tay chân rồi được chuyển đến Cairo trong chiếc chuyên cơ Mỹ Gulfstream V…

Câu hỏi đầu tiên: Leonard T. Bayard ở đâu? Câu hỏi kế tiếp: Ai là Leonard T. Bayard? Câu hỏi cuối cùng và quan trọng nhất: Liệu Leonard T. Bayard có thật sự tồn tại? Tờ Chicago Tribune đã đưa ra loạt nghi vấn trên, bởi cái tên “Leonard T. Bayard” từng xuất hiện trên bản báo cáo hằng năm của Công ty Bayard Foreign Marketing LLC (BFM), nơi sở hữu chiếc Gulfstream V được đăng ký sử dụng từ ngày 11/9/2001, dùng vận chuyển tù nhân Al-Qaeda. CIA đã chối biến các câu hỏi liên quan Gulfstream nhưng một viên chức nghỉ hưu cho biết chiếc chuyên cơ trên từng được Bộ Tư lệnh hỗn hợp các chiến dịch đặc biệt của CIA sử dụng.

Chicago Tribune đã điều tra nhân vật tên “Leonard Thomas Bayard” và chẳng thấy thông tin nào liên quan: Không địa chỉ, không số điện thoại, không thẻ an sinh, không thẻ tín dụng, không giấy tờ sở hữu xe hoặc bất động sản… Tóm lại, Leonard Thomas Bayard là… một “con ma” và điều kỳ lạ là con ma này lại ký tên trong báo cáo thường niên BFM! Bản báo cáo này, miêu tả BFM là công ty “tiếp thị quốc tế”, ghi rằng địa điểm làm việc của “Bayard” là căn phòng tại cao ốc Pittock Block. Tuy nhiên, chẳng người khách nào ở Pittock Block tên “Leonard T. Bayard” cả. Nói cách khác, “Leonard T. Bayard” là nhân vật không có thực, do CIA “đẻ” ra để hợp pháp hóa việc thuê máy bay chở tù nhân. Điều tra còn cho thấy BFM đã mua chiếc Gulfstream (số tiền không ghi rõ) từ một công ty ma khác được nhắc ở trên: PETS!

Câu chuyện Maher Arar kỳ lạ không kém. Tay kỹ sư Canada gốc Syria này bị thộp tại Phi trường quốc tế John F. Kennedy (New York) ngày 26/9/2002 và được đưa trở lại Syria để chịu loạt nhục hình thẩm cung. Trước đó, nạn nhân Arar đã được đưa đi du lịch bất đắc dĩ với những chặng dừng tại bang Washington, bang Maine rồi được chuyển đến Rome (Ý) và Amman (Jordan). 10 tiếng sau khi có mặt ở Jordan, nạn nhân lại được bốc lên đường và được đưa về Syria, nơi nạn nhân bị tra tấn “như con vật” - theo lời đương sự. Một năm sau, tháng 10-2003, Arar được thả mà chẳng bị quy kết bất kỳ tội danh nào!

Một trong những người chỉ trích hệ thống nhà tù ma không ai khác hơn là Michael Scheuer, cựu viên chức chống khủng bố thuộc CIA thập niên 90 của thế kỷ trước (nghỉ hưu năm 2004). Theo Scheuer, chương trình bắt giam bí mật nghi can khủng bố bắt đầu được xây dựng giữa thập niên 90 khi Scheuer là chỉ huy đơn vị nghiên cứu Hồi giáo vũ trang thuộc CIA, với nhiệm vụ “phát hiện và phá hủy” các chiến dịch khủng bố.

Chuyện xảy ra ngay tại nước Mỹ

Hady Hassan Omar đã quyết định. Anh sẽ tự tử nếu không được thả trước đêm giao thừa. Tuy nhiên, việc tự sát không dễ. 3 camera giám sát mọi hành động của Omar. Đèn trong xà lim không bao giờ tắt và đám lính canh theo dõi ngày đêm qua bức tường kính. Omar nằm trên tấm chăn 20 tiếng/ngày. Từ khi bị bắt sau ngày 11-9-2001, Omar đã thực hiện cuộc chiến giành tự do nhưng bất thành. Không ai tin anh. Omar trải qua loạt cuộc kiểm tra máy nói dối nhưng FBI vẫn khăng khăng anh dính dáng Al-Qeada. Người ta nói rằng anh có thể bị bỏ tù rục xương. Omar viết thư gửi Bộ trưởng tư pháp Mỹ và thậm chí tuyệt thực nhiều lần. Anh bắt đầu mất hy vọng. Đứa con gái Jasmine của anh sẽ đi bước chập chững đầu tiên, tập nói những từ đầu tiên và trưởng thành mà không biết cha mình là ai. Tại Mỹ, có vô số trường hợp như Hady Hassan Omar…

Sự việc bắt đầu vào ngày 12/9/2001, khi có tiếng gõ cửa tại nhà Omar ở Fort Smith (Arkansas). Người khách lạ - vận quần jeans, áo sơmi polo trắng, đeo súng ở hông - đưa huy hiệu và tự giới thiệu mình là phó cảnh sát trưởng khu vực. Có hai gã đứng chờ bên ngoài, gần chiếc SUV. Hôm trước (11/9/2001), Omar ở suốt 14 tiếng tại sân bay Houston sau khi chuyến bay bị hoãn như tất cả chuyến bay toàn nước Mỹ. Cô vợ Candy bắt đầu lo khi thấy Omar bị còng. Tại văn phòng FBI, Omar bị lột mất giấy phép sử dụng vũ khí, bằng lái xe, thẻ an sinh xã hội, giấy nghỉ phép công sở và 13 thẻ tín dụng.

Bằng chứng FBI dường như quá “thuyết phục”: Omar mua vé máy bay (11/9/2001) từ cổng bán vé tại Boca Raton (Florida), nơi tên khủng bố Mohamed Atta từng đến mua. Hơn nữa, Omar trông có vẻ thích hợp là dân khủng bố chuyên nghiệp: trẻ; xuất thân từ gia đình trung lưu với bố là kỹ sư làm việc tại Qatar; thích nhắm vodka và thường xuyên đến câu lạc bộ - hệt phong cách sống của Mohamed Atta. Không còn chối vào đâu được. Omar là thành viên băng khủng bố Mohamed Atta!

Trưa 13/9/2001, một nhân viên INS (Sở di trú và nhập tịch Hoa Kỳ) xuất hiện, cho biết Omar bị quá hạn visa du lịch. Sau nửa đêm, vài nhân viên INS bất ngờ khóa chân Omar vào cùm sắt và đưa anh đi trên chiếc Chevy đen. Trong nhiều giờ, chiếc xe chạy lòng vòng Louisiana. Khi trời sắp sáng, chiếc xe đậu tại trạm xăng, nơi có chiếc Ford Explorer và một xe tuần hành cảnh sát đợi sẵn. Đích đến là văn phòng INS tại Oakdale (Louisiana). Vài giờ sau, anh được đưa tới nhà tù New Orleans Parish, nơi anh được gọi điện báo tin cho vợ.

Tại nhà tù liên bang an ninh tuyệt đối ở Pollock (Louisiana), Omar lần đầu tiên nhận ra tình huống nghiêm trọng của vấn đề. Không ai biết anh ở đây. Anh không được phép gọi điện và thường xuyên bị lột trần như nhộng khi đối mặt nhân viên thẩm cung. Có ai đó đặt trong buồng giam máy quay phim cầm tay để ghi hình Omar cởi quần áo. Còn nữa, bất chấp yêu cầu về thực đơn đặc biệt của một tín đồ Hồi giáo như Omar, người ta vẫn mang đến thịt lợn. Theo tổ chức Bureau of Prisons, điều này là phạm luật, chưa kể vụ vi phạm qui định cho phép tù nhân sử dụng 300 phút điện thoại/tháng. Nhiều tuần trôi qua, Omar bị sụt 9kg và anh quyết định tự tử nếu không được thả trước đêm giao thừa 2002. Bất ngờ, ngày 20/11/2001, Omar được lệnh thu xếp hành lý. Người ta không hề giải thích về nguyên nhân anh bị bắt và lý do anh được thả!

(Xem tiếp kỳ sau)

Cao Minh