Chuyện tình đẹp như cổ tích

06:40 | 04/02/2022

355 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tháng 7-2009, một đám cưới cực kỳ giản đơn được tổ chức ở Điện Bàn, Quảng Nam. Đám cưới ấy của cô giáo trẻ và chàng trai cụt cả hai tay nhưng nghị lực, mạnh mẽ. Bất chấp mọi sự ngăn cản, họ đến với nhau bằng tình yêu và tâm hồn đồng điệu, viết nên câu chuyện tình đẹp như cổ tích.
Chuyện tình đẹp như cổ tích
Gia đình anh Cường, chị Thư và hai con trai

Nguyễn Thế Cường vốn là một chàng trai khỏe mạnh, học giỏi. Năm 22 tuổi, khi đó Cường đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thì gặp một biến cố thay đổi hoàn toàn cuộc đời. Cường bị điện giật, bị bỏng nặng khi đi làm phụ hồ kiếm thêm tiền ăn học. Trải qua 3 lần phẫu thuật, 2 cánh tay cũng không giữ được vì hoại tử nặng. Cuộc đời của một sinh viên bỗng rơi vào ngõ cụt. Nhưng tình yêu của người mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho anh. Lành vết thương, Cường đi xe đò ra Đà Nẵng thuê địa điểm mở quán Internet. Tiền kiếm được, Cường gửi về cho mẹ nuôi em và người cha bị liệt do bị tai nạn.

Một năm sau, Cường gặp Thư. Thời điểm đó, Cường vào TP Hồ Chí Minh để lắp tay giả, Thư đưa bố mình từ Gia Lai đến lắp tay. Bố Thư mất hai tay trong chiến tranh. Biết nhau, rồi chia tay nhau, Thư thường xuyên điện thoại động viên Cường.

Chuyện tình đẹp như cổ tích
Hai vợ chồng đi giao dưa, tiếng cười rộn rã cả đường quê

Những cuộc điện thoại của hai bạn trẻ diễn ra thường xuyên hơn, rồi họ cảm mến nhau lúc nào không hay. Sau 3 năm chỉ nói chuyện và động viên nhau qua điện thoại, cuối cùng Cường cũng dám ngỏ lời mời Thư tới Đà Nẵng chơi. Và Thư đến Đà Nẵng thăm Cường thật. Đi chơi với Thư, Cường lấy hết can đảm tỏ tình. Họ yêu nhau thật sự. Thời điểm đó, Thư đang dạy học ở một trường tiểu học gần nhà, còn Cường quản lý quán internet.

Buồn nỗi, bố Thư hiểu những nỗi cơ cực mà mẹ Thư gặp phải khi kết hôn với một người tàn tật. Thương con, ông kiên quyết phản đối mối tình của Thư và Cường. Dù bị cấm cản, Cường và Thư vẫn yêu nhau mãnh liệt.

Chuyện tình đẹp như cổ tích
Vợ chồng Cường - Thư cùng 2 con trai bó rau tại nông trại để giao cho khách

Biết bố Thư phản đối, cứ cuối tuần Cường lại bắt xe lên Gia Lai. Nhưng thay vì được giãi bày, cánh cổng nhà Thư đóng chặt im lìm. Để thuyết phục ông, Cường quỳ trước cửa nhà, mong ông chuyển ý. 9 tuần liền, cứ cuối tuần là Cường bắt xe từ Quảng Nam hoặc Đà Nẵng lên Gia Lai và lại quỳ trước cổng nhà Thư, nhưng bố Thư không nhìn Cường lấy một lần.

Song, mọi sự cấm cản đều không ngăn được đôi bạn trẻ, họ càng thương yêu và quyết tâm gắn bó với nhau. Tháng 7-2009, Thư xuống Đà Nẵng với người yêu. Cường và Thư cùng về nhà Cường nói chuyện đám cưới với mẹ Cường. Ba ngày sau, đám cưới của Cường và Thư diễn ra. Không có thiệp cưới, khách mời trong đám cưới của Cường, Thư chỉ được mời qua điện thoại. 100 khách mời, 10 mâm cỗ, không có lễ ăn hỏi, không xe hoa, không rước dâu, không có đại diện nhà gái. Cũng rất lâu sau Cường mới chở vợ đi chụp ảnh cưới. Với một đám cười giản dị, Cường và Thư chính thức trở thành vợ chồng.

Chuyện tình đẹp như cổ tích

Sau ngày cưới, Thư chuyển hẳn về sống cùng Cường ở Quảng Nam. Cô nhận được một tờ giấy cắt hộ khẩu tại Gia Lai, kèm theo một lá thư có mấy dòng chữ: “Con đã trái lời cha, đừng bao giờ quay về. Và đừng xem trên cuộc đời mình từng có một người cha”. Ngày về giỗ mẹ, Thư với Cường cũng không nghe thấy bố nói một lời, không thấy bố nhìn mình lấy một cái. Biết ông còn giận, nhưng Cường với Thư vẫn thường xuyên về thăm ông. Suốt 2 năm sau đó, ông coi vợ chồng Cường - Thư như không tồn tại.

Mọi sự chỉ thay đổi khi Cường và Thư sinh con trai đầu lòng, đưa về thăm ông vào năm 2011. Thương con, yêu cháu, nhưng bố Thư vẫn không nói một lời, dù tự ông đi mua tã, mua bỉm, áo quần mới cho cháu. Một buổi trưa, đứa trẻ khóc rất lâu, trong khi Thư đang giặt đồ ngoài sân, bố Thư cất tiếng gọi: “Thằng nhỏ nó khóc kìa”. Thư chạy vào thì thấy ông ngoại ở bên cạnh cháu vỗ về. Rồi hai bố con nhìn nhau khóc, những giọt nước mắt hờn tủi sau nhiều năm câm lặng. Biết bố xuôi lòng, Cường bắt xe về nhà vợ ngay hôm sau. Cuộc trò chuyện giữa 2 người đàn ông kiệm lời kết thúc với lời hứa của Cường: “Con chắc chắn không bao giờ để Thư khổ”. Rồi con trai thứ 2 chào đời, gia đình rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ.

Chuyện tình đẹp như cổ tích
Chuyện tình đẹp như cổ tích

Theo xu thế, quán Internet dần ít khách, Cường bàn với vợ đổi hướng làm ăn. Năm 2017, anh đi khắp Bình Dương, Lâm Đồng để học cách làm nông nghiệp sạch. Học được nghề, Cường về Đà Nẵng, bàn tính với vợ chuyển vốn đầu tư làm ăn. Thời điểm đó, Đà Nẵng có đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hai vợ chồng quyết định thế chấp nhà đất vay hơn 1 tỉ đồng để thuê 3 ha đất làm trang trại trồng rau hữu cơ. Cái tên “Cường cụt Farm” ra đời từ đó.

Năm đầu tiên làm nông nghiệp, vợ chồng Cường lỗ, năm thứ hai hòa vốn và dự kiến năm 2020 bắt đầu có lãi khoảng 200-300 triệu đồng. Ác nỗi, dịch Covid-19 bùng phát, hàng hóa của nông trại tồn đọng do nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Khi ấy, ngồi từ trong nhà nhìn ra đống dưa lưới đang khô héo, thối rữa, Cường biết có thể sắp tới vợ chồng sẽ trắng tay. Thế nhưng, mọi chuyện cũng qua, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, dưa được giải cứu, tiêu thụ dần ổn định.

Từ tháng 8-2020, người dân xã Hòa Ninh thường xuyên thấy cảnh một cặp vợ chồng chở theo hai sọt dưa lớn. Người vợ cầm lái, người chồng ngồi phía trước xe, trò chuyện, cười vang cả đường quê. Để có những tháng ngày hạnh phúc hôm nay, họ đã phải vượt qua nhiều cam go cuộc đời để có được một chuyện tình đẹp như cổ tích.

Thanh Hiếu