Chuyện ở thủy điện Hủa Na

10:39 | 31/10/2019

16,128 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Về công trình Thủy điện Hủa Na phải khẳng định rằng, đây là công trình thủy điện “xương” nhất trong tất cả các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở Việt Nam. Nhà máy nằm ở một vùng sơn cước nghèo nhất nước và cách xa trung tâm tỉnh đến… 200km.

Chúng tôi lên đường đi vào bản Piêng Cu thuộc xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An), nơi đây là một trong mười sáu điểm tái định cư cho các hộ dân thuộc vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Đưa chúng tôi đi là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na - Trịnh Bảo Ngọc, một người có cái tên mang màu sắc “Hồng Lâu Mộng”.

Ngồi trên xe, ngắm nhìn trời đất qua cửa kính, Ngọc bỗng thốt lên:

- Anh thấy không, hôm nay trời đẹp thật. Nắng như mật ong. Khí trời lại có vẻ lai lai xuân.

“Lai lai xuân” - Nghe anh nói mà tôi sững người vì câu tả cảnh ngắn gọn nhưng đầy gợi cảm của anh và không thể nào hay hơn được nữa. Tôi đồ rằng anh chàng này chắc cũng có đầu óc thơ phú hoặc không thì cũng là loại “mọt sách”. Nhưng khi tôi hỏi điều ấy, thì anh cười và khẳng định: “Em là dân làm dự án, quanh năm chỉ biết tiến độ, biết… chuyện đầu tiên là tiền đâu, làm gì có biết thơ văn”. Rồi Ngọc bảo rằng, thơ và nhạc là hai thứ có lẽ xa lạ đối với anh, bởi đầu óc lúc nào cũng ám ảnh chuyện lo tiền dự án, lo chuyện di dân…

Nói là không biết làm thơ nhưng Ngọc lại thuộc nhiều thơ. Anh nói về thơ như thế này mới lạ chứ: “Em chẳng hiểu thế nào là thơ hay, thơ dở. Nhưng em ngộ ra rằng, vào những lúc khốn khổ nhất, vất vả nhất, căng thẳng nhất, lúc bị mất thăng bằng nhất trong cuộc sống thì đọc bài thơ mình thích, tự dưng cũng thấy bớt… chòng chành! Thi thoảng, có thơ len lỏi vào cái đầu lúc nào cũng ngổn ngang con số thì thấy vơi nặng đi đôi chút”.

Quả thật, những điều anh nói về thơ, sao mà giản dị đến thế và sâu sắc đến thế… Tôi bỗng nhớ đến lời bình của Chu Hy, một học giả nổi tiếng của Trung Hoa cổ về Kinh Thi, đại ý: Khi con người ta có chữ viết thì những gì không nói thành lời được sẽ thành văn, những gì văn không nói hết được thì đã có thơ và những gì thơ cũng không nói được thì có âm nhạc.

chuyen o thuy dien hua na
Đập chính Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Ngành dầu khí là môi trường lao động cực kỳ gian khổ, nhưng cũng là nơi thể hiện hết trí thông minh, sự sáng tạo của con người và cũng là nơi mà con người phải đối mặt với sự cô đơn, hiu quạnh, đơn điệu, có lẽ vì vậy mà ở công ty nào, công trường nào của ngành dầu khí cũng có những nhà thơ công nhân. Họ làm thơ như một nhu cầu tự nhiên, tất yếu. Họ làm thơ để đọc cho nhau nghe trong những khi cô đơn trên giàn khoan giữa biển mịt mù sóng gió, những lúc nương tựa vào nhau tìm hơi ấm giữa vùng băng tuyết cực bắc nước Nga hay khi co rúm lại chống chọi với bão cát trên sa mạc Sahara… Họ làm thơ mà chẳng nghĩ đến phải gửi báo này đài khác, chẳng cần bỏ tiền ra in để đem biếu tặng nhau và cũng chẳng cần mượn những nhà thơ chuyên nghiệp bình phẩm, nhận xét. Thơ của họ đều xuất phát từ đáy lòng, chứ không phải là loại thơ leng keng câu chữ, đánh đu đánh đẩy bằng ngôn từ ma quái, mà ta vẫn thấy đầy rẫy trên báo in, báo điện tử thời nay.

Ở Thủy điện Hủa Na, theo như Ngọc giới thiệu thì cũng có một cán bộ mê thơ và hay làm thơ tên là Quỳnh, Trưởng ban Quản lý Đền bù giải tỏa. Theo Ngọc thì đó là người khắc khổ, nom tưởng như khô cằn bởi làm việc đền bù giải tỏa với sự kiên nhẫn hiếm có, nhưng bất cứ trong hoàn cảnh khó khăn nào, anh cũng có những vần thơ. Ở công ty, anh em quen thơ của Quỳnh đến mức nếu lâu lâu không được nghe anh đọc thơ là thấy… nhớ!

Về công trình Thủy điện Hủa Na phải khẳng định rằng, đây là công trình thủy điện “xương” nhất trong tất cả các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở Việt Nam. Nhà máy nằm ở một vùng sơn cước nghèo nhất nước và cách xa trung tâm tỉnh đến… 200km. Ở đây rừng núi rộng mênh mông, nhưng rau không có mà ăn. Hầu hết thực phẩm ngoài chợ là chở từ dưới xuôi lên. Cho nên gọi đây là vùng “gạo châu củi quế” cũng không ngoa. Do địa bàn đặc biệt khó khăn nên đây cũng là nơi người thợ thủy điện được hưởng phụ cấp 0,7 - là mức cao nhất. Nhà máy, có công xuất 148MW được xây dựng trên một nền địa chất phức tạp. Nhưng khó nhất ở đây không phải là việc xây dựng, mà chính là việc di dân vùng lòng hồ. Theo tính toán, số hộ phải di dời là 1.400 hộ với gần 1 vạn con người. Con số này là ngang bằng với Thủy điện Lai Châu, mà công suất Thủy điện Lai Châu gấp 10 Hủa Na. 1.400 hộ dân thuộc vùng lòng hồ được di dời đến 16 điểm và trung bình mỗi hộ được đền bù, hỗ trợ tổng cộng gần 1 tỉ đồng. Nhà máy thì đang thi công với tiến độ ngày 3 ca để đảm bảo chặn dòng vào tháng 6/2014, nhưng muốn thế thì việc di dân phải hoàn tất trong tháng 2/2014. Nhưng cho đến thời điểm đầu tháng 12/2013 này, mới có khu định cư ở Piêng Cu là cơ bản xong, còn những nơi khác vẫn đang mở đường, san nền… Việc chậm trễ này là do nhiều nguyên nhân, mà theo như ông Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An phát biểu trong buổi họp giao ban tại công trường, thì việc chậm trễ này là do chính quyền các cấp không quan tâm đúng mức, chưa vào cuộc quyết liệt. Chính việc chậm chạp trong đền bù dẫn đến những rắc rối không đáng có. Ví dụ như năm 2010, nếu như chính quyền tổ chức tốt cho bà con nhận tiền đền bù ngay thì không sao, đằng này - nói như ông Đại - là do lo hết Đại hội Đảng các cấp, rồi lo bầu cử, chả ai nghĩ đến di dân… Đến khi thấy cần di dân gấp thì cây cam năm trước mới bằng cổ tay, đền bù chỉ hết dăm chục nghìn, năm nay to bằng cổ chân, mức đền bù vẫn thế… Vậy là bà con không chịu. Và thế là cứ họp, cứ xin ý kiến, cứ… chờ đợi. Và hậu quả là việc di dân chậm đến cả nửa năm. Bây giờ thì tỉnh, huyện, xã đang dốc sức cùng Công ty Thủy điện Hủa Na vào cuộc với quyết tâm cao nhất là đưa bà con đến nơi ở mới vào khoảng trong tháng 2/2014.

Những năm gần đây, trên rất nhiều công trình trọng điểm, một nguyên nhân gây chậm tiến độ, khiến đội giá thành đo chính là việc đền bù giải tỏa. Mà ở bất cứ đâu, công việc của người cán bộ chịu trách nhiệm đền bù giải tỏa là khổ nhất, nhức đầu nhất. Ngay ở Thủy điện Hủa Na này, các cán bộ như Trịnh Bảo Ngọc đã phải trèo đèo lội suối đi tìm đất tái định cư cho bà con. Mà nào có phải một hai nơi… 16 nơi tất cả. Toàn ở những vùng chưa có ai đặt chân tới, leo dốc đến chùn chân, tức ngực, rồi phải chịu đựng muỗi, vắt… và vô vàn những cơ cực khác. Nhưng tất cả những cái đó đều có thể vượt qua bằng chính quyết tâm của mình, còn chuyện đàm phán, thuyết phục dân mới là lắm chuyện nhất. Trịnh Bảo Ngọc than thở: “Thuyết phục được bà con không thể ngày một ngày hai, mà phải là “mưa dầm thấm lâu” và có nghệ thuật. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng nhất, nhưng phải làm thế nào cho bà con thấy đến nơi mới hay hơn nơi cũ. Rồi phải làm thế nào cho bà con hiểu mình. Mà để “hiểu” nhau, thì cứ phải… dùng rượu. Không uống thì “không hiểu mình”, mà ngày nào cũng phải “hiểu” mươi người thì… còn gì là người?”.

Từ ngoài đường lớn đi vào bản Piêng Cu không xa lắm và đường cũng dễ đi. Khu tái định cư trải rộng trên những sườn đồi thấp và đang ngổn ngang như một đại công trường. Đường đi trong bản được đổ bê tông và bên cạnh những khu nhà sàn được xây dựng bằng bê tông, gạch, ngói thì cũng có không ít nhà sàn bằng gỗ đẹp như tranh. Điều làm tôi chú ý ngay ở khu tái định cư này là… nhà vệ sinh! Tôi đã đi nhiều khu tái định cư của một số công trình thủy điện. Và đây là lần đầu tiên tôi thấy có một khu dân cư mà nhà vệ sinh được xây dựng trước nhà ở. Câu chuyện nhà vệ sinh cho khu tái định cư, xem ra có vẻ nhỏ, nhưng thực ra lại là chuyện lớn.

Năm 2011, tôi đến một khu tái định cư cho bà con thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nơi có Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất nước. Nhà cửa xây dựng cho bà con ở đây cũng không đến nỗi nào, nhưng tuyệt nhiên không thấy có nhà vệ sinh. Hỏi ra mới biết rằng các kiến trúc sư dưới xuôi đã thiết kế nhà sàn cho bà con, nhưng lại có hố xí tự hoại. Quả thực, đây là thứ thiết kế nhà ngớ ngẩn nhất, bởi lẽ, bà con ở đây, nước ăn còn phải đi cõng từng ống bương về dùng thì lấy đâu ra nước cho… tự hoại. Khi tôi thắc mắc điều này với ông Trưởng ban Quản lý dự án Tái định cư, ông bảo: “Biết là không phù hợp, nhưng họ thiết kế, cấp trên duyệt rồi, nên có ai chịu sửa đâu”. Nhà vệ sinh không thể sử dụng được, thế là người dân đành kéo nhau ra… bìa rừng giải quyết! Còn ở Piêng Cu này và ở 8 khu tái định cư khác, Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na đã đặt ra yêu cầu cho các nhà thầu xây dựng là phải tuân theo các thứ tự: Làm đường xong mới san nền, làm đường ống dẫn nước xong mới xây nhà và nhà vệ sinh được xây trước nhà ở. Thiết kế nhà vệ sinh là theo kiểu hai ngăn ngày xưa. (Cũng xin nói thêm là hố xí hai ngăn được coi là phát minh của Việt Nam vào những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước ở miền Bắc. Đây là loại hố xí đặc biệt thân thiện với môi trường và tạo nguồn phân hữu cơ rất tốt cho nông nghiệp. Việc xây dựng hố xí hai ngăn được rất nhiều nước nông nghiệp áp dụng và ngay Israel hiện nay cũng đang áp dụng kiểu này cho các vùng nông thôn). Nhà cho bà con di dân ở Piêng Cu có 3 kiểu. Một kiểu do bà con dỡ nhà từ nơi ở cũ mang đến. Một kiểu do bà con tự xây dựng mới. Hai kiểu này hầu hết là nhà sàn kiểu cũ, bằng gỗ. Còn kiểu mới là theo thiết kế của Viện Kiến trúc và Quy hoạch Nông thôn - nhà theo kiểu nhà sàn, nhưng vật liệu là xi măng, cốt thép, gạch, ngói. Mỗi hộ dân ở đây được 400m2 đất ở, 400m2 đất trồng rau và làm chuồng chăn nuôi, còn đất ruộng thì đang khai phá. Nhà nước cũng hỗ trợ tối đa cho người dân, mà cụ thể nhất là mỗi người được cấp 30kg gạo mỗi tháng và trong… 3 năm!

Ông Lô Hồng Khuyên, người dân tộc Thái, Bí thư Chi bộ Piêng Cu hồ hởi nói với chúng tôi: “Cứ tốc độ này thì Tết tất cả bà con được ở nhà mới”. Trịnh Bảo Ngọc hỏi ông về tình hình nước sinh hoạt, ông bực bội: “Mấy cái thằng lâm tặc nó kéo gỗ, làm thủng đường ống nước. Mấy hôm nay thiếu nước dùng quá”. Ngọc bảo anh em đang cho sửa lại đường ống, chắc xong sớm thôi. Ngọc bảo với tôi rằng, ở Quế Phong lúc mưa thì thừa nước, nhưng chỉ một tháng không mưa là hạn. Vì thế, việc đảm bảo đủ nước cho bà con dùng được lãnh đạo công ty đặc biệt quan tâm. Mỗi khu định cư có hai hệ thống nước. Một đường nước dẫn từ trên đập về, qua hệ thống lọc rồi mới tỏa đi cho bà con dùng; một hệ thống giếng khoan, cấp nước phòng khi hạn hán… Nhưng do đang xây dựng, lại thêm ý thức của người dân một số nơi có đường nước đi qua rất kém, họ tự tiện đục đường ống lấy nước, cho nên không ít ngày nước về rất yếu. Thế là một số phóng viên đã vội vã hô lên rằng, người dân đang khốn khổ vì thiếu nước… Báo hại cho lãnh đạo Công ty Thủy điện Hủa Na phải mất không ít thời gian đi giải thích với các cấp chính quyền.

Tôi hỏi ông Lô Hồng Khuyên rằng, về nơi ở mới thấy thế nào, ông cười mà rằng: “Ôi, lúc đầu mình và các cán bộ như anh Ngọc đây cũng chưa hiểu nhau. Nhưng bây giờ thấy công ty, chính quyền lo cho như thế này, bà con yên tâm lắm. Không phàn nàn gì nữa đâu”.

Nghe ông nói, Ngọc nhăn nhó: “Để hiểu nhau kiểu một chén, một chén như ở đây thì có khi xong nhà máy là tôi… xong rồi!”.

Tháng 12/2013

Nguyễn Như Phong

DMCA.com Protection Status