Chuyện lạm thu trước tiếng trống khai trường

07:39 | 08/09/2012

947 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Học sinh cả nước vừa chính thức khai giảng năm học mới từ ngày 5/9/2012, nhưng trên thực tế từ ngày 13/8/2012, các trường phổ thông ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã chính thức cho học sinh tựu trường. Những ngày đầu năm học 2012 không chỉ khiến con trẻ xốn xang mà còn khiến các phụ huynh thấp thỏm bởi những khoản thu cho “sự nghiệp trăm năm trồng người”.

Cũng từ đây, có tới “trăm lẻ một” câu chuyện về nạn lạm thu các loại kinh phí như tiền xây dựng trường, tiền trang thiết bị học tập, tự ý tăng các loại phí đầu năm học, dạy thêm học thêm tràn lan... Bộ GD&ĐT đã sớm đưa ra những yêu cầu rất quyết liệt để chấn chỉnh, nhưng không phụ huynh nào thực sự thoát khỏi tâm trạng thấp thỏm lo âu…

“Có học tương tác không?”

Ở một số trường tiểu học tại Hà Nội đang triển khai mô hình học tương tác theo diện rộng. Những trường điểm của thành phố và của các quận đều đua nhau giảng dạy, học tập theo hình thức này. Cũng từ đây phát sinh ra những câu chuyện khiến người lớn đau đầu, mà “người lớn” ở đây chính là phụ huynh và giáo viên. Để giảng dạy theo hình thức học tương tác, lớp học cần được trang bị hệ thống âm thanh, màn hình lớn, máy chiếu, micro… Số tiền đầu tư cho những trang thiết bị hiện đại này lên tới cả trăm triệu đồng cho mỗi lớp. Bởi vậy, các phụ huynh có con vào lớp 1 thường đau đầu với khoản tiền đầu tư ban đầu cho trang thiết bị học tương tác.

Thông thường các trường sẽ quy định mỗi lớp mua một bộ thiết bị này và cứ thế sử dụng trong suốt tiến trình các cháu học từ lớp 1 đến lớp 5, khi học sinh (HS) ra trường thì bộ máy móc này sẽ được ban phụ huynh lớp (hoặc trường) bán thanh lý. Mỗi HS vào lớp 1 sẽ phải đóng khoảng 3 triệu đồng để đóng góp tiền mua trang thiết bị học tương tác. Và các vị phụ huynh cần phải đăng ký cho con mình học theo hình thức này ngay từ khi nộp hồ sơ vào trường.

Học sinh các cấp bắt đầu năm học mới, phụ huynh đối diện với các khoản thu

Không ít vị phụ huynh méo mặt vì các khoản học phí đầu năm (khoảng trên dưới 1 triệu đồng), tiền xây dựng trường (ít nhất cũng 1 triệu đồng), tiền ăn hàng tháng của HS bán trú (khoảng 500.000 - 700.000 đồng), giờ lại thêm cả 3 triệu đồng “để con mình được học trên màn hình chứ không chỉ là trên bảng đen phấn trắng, nhưng cũng chả biết học kiểu đó thì có hơn gì cách giảng dạy và học tập vốn có từ trước tới nay”. Với tâm lý này, có nhiều phụ huynh kiên quyết không đăng ký cho con vào lớp học tương tác, nhà trường đành xếp lớp riêng cho số HS có “hồ sơ khác biệt” này. Nhưng rồi vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lại thiết tha đề nghị, thậm chí là căng thẳng đề cập, thế rồi phụ huynh lại đành “chậc lưỡi, buông xuôi” và nộp “tiền tương tác”.

Tiền xây dựng trường - bao nhiêu mới đủ?

Những trường hợp nhập học đúng tuyến thì phí xây dựng trường chỉ dao động trong khoảng 1 triệu đồng, nhưng với các HS trái tuyến thì số tiền đóng góp xây dựng trường luôn ở mức 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh phản ánh, khi con vào năm đầu của cấp học, các trường đều đề nghị phụ huynh đóng tiền xây dựng trường. Nhưng sau đó ban phụ huynh mỗi lớp đều phải đóng quỹ lớp để đầu tư chỉnh trang lớp học với các hệ thống đèn, ổ cắm điện, điều hòa, quạt, thậm chí là rèm cửa, đèn bàn dành riêng cho giáo viên, hoa và tranh ảnh trang trí lớp… Hầu như trường nào cũng đã xây dựng xong rồi, cơ sở vật chất có sẵn rồi, nhưng năm nào phụ huynh và HS cũng “xây dựng trường” và các phụ huynh vẫn phải cùng nhau tính chuyện bảo đảm “môi trường lớp học” (chứ không phải trường học nói chung) cho con em mình.

Tôi được nghe, có trường tiểu học cấp quận thu tiền xây dựng trường không dưới 1,5 triệu đồng/HS, nhưng “xây dựng” mãi mà bao lâu nay khu vệ sinh của trường chỉ được “tôn tạo” mỗi hai phòng vệ sinh dành cho giáo viên. Lại có trường khác, “để phụ huynh tự nguyện đóng góp tiền xây dựng trường lớp” nhưng ai cũng biết “nếu đóng dưới 1 triệu đồng thì con em mình chẳng có cơ được tuyển vào trường, dù là đúng tuyến”.

Tiền và chất lượng đồng phục: “Không cùng tần số”!

Hầu hết các trường, các cấp đều quy định mẫu đồng phục dành cho HS theo các mùa đông - hè và cả đồng phục tập thể thao tại trường. Đây cũng là khoản thu đầu năm khiến không ít phụ huynh thắc mắc hoặc bức xúc. Có không ít trường thu tiền đồng phục lên tới tiền triệu, với đủ bộ đồng phục đông - hè - thể thao. Tuy nhiên, điều khiến phụ huynh quan tâm là chất lượng của bộ đồng phục mà con em mình mặc hàng ngày như thế nào chứ không phải là số tiền mà họ phải đóng. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy rất đông các mẹ chen nhau đi mua đồng phục cho con ở một cửa hàng trên phố Hàng Trống, dù đứa trẻ vẫn đang ôm trên tay bộ đồng phục vừa được phát ở trường. Hỏi ra, có mẹ phẩy tay nói ngắn gọn: “Tiền và chất lượng đồng phục ở trường phát cho HS là không cùng tần số. Phải mua loại khác, gần giống, cho con mình đỡ khổ”.

Thì ra một số trường chọn nhà may (hoặc nhà cung cấp) đồng phục nhưng lại không cân nhắc (hoặc cố tình bỏ qua) về chất liệu, đường kim mũi chỉ, lớp lót bên trong… Có phụ huynh chìa ra bộ đồng phục mới tinh của con mình rồi bức xúc nói: “Không hiểu tại sao trường lại cho tụi trẻ con cấp 1 mặc loại vải pha quá nhiều nilon này, không thấm mồ hôi, lại còn rất nóng. Đường kim mũi chỉ thì quá ẩu, cắt quần thì chật đũng để tiết kiệm vải, tụi trẻ hiếu động mặc chỉ đến giữa buổi học là rách quần, rách đũng”. Nhiều bà mẹ phân tích: “Nếu trường có phù hiệu riêng thì còn khó, nhưng có không ít trường chẳng có phù hiệu. Vậy nên không cần đóng tiền đồng phục ở trường làm gì, cứ tự mua theo đúng quy định quần xanh áo trắng của trường là được. Biết đâu nhà trường và nhà may không có tiếng nói chung, nên mỗi bên bớt một chút, thì rồi con mình lại chịu cảnh áo chật nách, quần chật đũng, dăm ngày là rách tơi tả, mà chất liệu thì chỉ mát hơn mặc áo mưa một tý”.

Quy định mới điều chỉnh nạn cũ

Theo quy định mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không tổ chức lớp dạy thêm theo các lớp học chính khóa, HS trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau (không xếp HS học lực khá giỏi phải học thêm cùng HS yếu kém). Quy định mới cũng nêu rõ: Nhà trường và giáo viên không được phép dạy thêm các môn văn hóa đối với HS bậc tiểu học, mà chỉ được dạy thêm các môn năng khiếu (nghệ thuật, thể dục) và kỹ năng sống. Ngoài ra, cũng không cho phép dạy thêm đối với HS được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được đứng ra tổ chức lớp dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đang dạy chính khóa, khi chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý giáo viên đó...

Ngoài việc kiên quyết chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, năm học này, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra nhiều thay đổi quan trọng khi ban hành Điều lệ Ban đại diện Cha mẹ HS, thay thế điều lệ cũ ban hành năm 2008, nhằm ngăn chặn tình trạng các trường “mượn tay” Ban đại diện Cha mẹ HS để lạm thu “tiền trường” tràn lan như lâu nay. Theo ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), điểm quan trọng của điều lệ mới là không cho phép Ban đại diện Cha mẹ HS thu góp tiền của phụ huynh để chi cho nhà trường.

Đặc biệt, thay đổi lớn nhất trong điều lệ này là Bộ GD&ĐT đưa ra điều khoản quy định những việc mà Ban đại diện Cha mẹ HS không được phép làm. Chẳng hạn, không được quyên góp của người học hoặc gia đình HS các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Ban đại diện Cha mẹ HS không được dùng kinh phí hoạt động của mình để chi vào các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Nhưng xem ra, nhiều trường vẫn tìm được những cách “lách quy định” và nạn lạm thu vẫn cứ khiến nhiều phụ huynh thấp thỏm lo âu, rồi bức xúc và rồi lại “đành chấp nhận thực tế”.

Đinh Hương - Bạch Lựu
Năng lượng Mới số 153, ra ngày 7/9/2012

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.