Chuyện đồng tiền!

07:05 | 30/10/2015

1,785 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm, thậm chí hết sức lo lắng trước việc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư “tiết lộ” số tiền trong ngân sách của năm tới chỉ có khoảng 45.000 tỉ đồng, tương đương hơn 2 tỉ USD.
Hóa ra PetroTimes.vn dự báo đúng!
Thắt lưng buộc bụng khẩn cấp đi là vừa

Quả thật, với một quốc gia gần 100 triệu dân như thế này mà tiền để chi tiêu lại chỉ có ngần đấy thì thật là “đói đến nơi rồi”. Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đã có giải thích và khẳng định số tiền có không phải 45.000 tỉ đồng mà là 95.000 tỉ đồng, nhưng xem ra cách tính này cũng vẫn chỉ là “đếm cua trong lỗ”. Bởi vì rất nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế, hay nói một cách khác là chây ỳ.

chuyen dong tien

Đòi được số này (hơn 31.000 tỉ đồng) thì cũng là món tiền lớn, nhưng người ta thường nói “cho vay thì đứng, đòi nợ thì quỳ”, cho nên đòi được số tiền thuế này rất không đơn giản.

Người ta cũng đã phân tích tại sao có tình trạng thâm hụt ngân sách… Các lý do đưa ra cơ bản đều xác đáng, nhưng cũng lại không có ít người thắc mắc rằng: Nền kinh tế nước ta đang tăng trưởng tốt, lạm phát giảm, thu ngân sách tăng, thị trường tiền tệ ổn định, vị thế của đồng nội tệ Việt Nam đang được nâng cao; dự trữ ngoại hối chưa bao giờ tốt như lúc này… Vậy thì tại sao lại có chuyện thiếu tiền?

Thực ra, đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ muốn lý giải để bạn đọc hiểu thêm một điều về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa...

Về chính sách tiền tệ, chúng ta thường nghe nói kết hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Vậy chính sách tiền tệ là gì?

Những gì thuộc về chính sách tiền tệ?

Đó là lãi suất, tỉ giá, tăng trưởng tín dụng, lạm phát, dự trữ ngoại hối Nhà nước và việc điều hành, trách nhiệm này thuộc về ngân hàng Trung ương.

Còn việc thu, chi ngân sách là thuộc về chính sách tài khóa. Từ đó ta thấy, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế, Hải quan là những đơn vị liên quan đến chính sách tài khóa.

Ở Việt Nam và cũng như rất nhiều quốc gia khác, quan trọng nhất đầu tiên phải là chính sách tiền tệ. Bởi nếu chính sách tiền tệ điều hành không tốt, thì dẫn đến lạm phát, hỗn loạn thị trường tiền tệ, đồng nội tệ mất giá… Đó là cái họa cực lớn, có khi làm sụp đổ cả một nền kinh tế, thậm chí một quốc gia.

Còn chính sách tài khóa, bản chất cuối cùng là Chính phủ thu được bao nhiêu thuế thì được quyền chi bấy nhiêu. Nếu lập kế hoạch chi tiêu không chính xác hoặc “vung tay quá trán” thì sẽ thiếu tiền. Từ đó dẫn tới tình trạng Chính phủ phải đi vay mượn thị trường trong nước, thị trường quốc tế và sự xuất hiện của trái phiếu Chính phủ, vay ODA…

Khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói ngân sách chỉ còn 45.000 tỉ có nghĩa là Bộ Tài chính chỉ còn 45.000 tỉ. Như vậy là chính sách tài khóa đang gặp vấn đề, còn chính sách tiền tệ, khả năng thanh khoản của nền kinh tế đang rất tốt. Kế hoạch chi còn rất lớn, nhưng số tiền thực có hiện nay chỉ còn 45.000 tỉ. 

Dự trữ ngoại hối Nhà nước rất nhiều, thậm chí, các chuyên gia tài chính trong nước và quốc tế đều đánh giá rất cao sự ổn định thị trường tiền tệ của Việt Nam, vậy tại sao Ngân sách Nhà nước chỉ còn khoảng 45.000 tỉ đồng? Và có thể lấy từ “kho dự trữ ngoại hối” ra tiêu hay không?

Điều này là không thể.

Bởi vì dự trữ ngoại hối Nhà nước là của Ngân hàng Trung ương, không thể chi tiêu vào ngân sách được. Khi đi mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đó là tiền phát hành của Ngân hàng Trung ương. Nếu dùng dự trữ ngoại hối để chi tiêu, tức là đã dùng tiền phát hành để chi tiêu. Điều này sẽ ngay lập tức làm tăng lạm phát, làm giảm giá trị đồng Việt Nam.

Dự trữ ngoại hối Nhà nước đảm bảo cho giá trị đồng nội tệ, củng cố vị thế đối ngoại của đất nước. Ví dụ như, các doanh nghiệp nước ngoài muốn chuyển lợi nhuận sang USD để đưa về nước sẽ dễ dàng hơn nhiều khi hệ thống ngân hàng có lượng dự trữ ngoại hối dồi dào. Điều này vô hình trung thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trong những năm vừa qua, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát, đưa được lãi suất xuống mức thấp, thanh khoản, tỉ giá, giá vàng được đảm bảo ổn định, đồng thời định hướng được thị trường vàng (thanh khoản của tiền đồng rất tốt, các ngân hàng và nền kinh tế không thiếu tiền, tỉ giá và thị trường vàng ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên, tăng trưởng tín dụng tốt lên).

Theo lẽ thông thường, khi tăng trưởng kinh tế cao hơn, thu ngân sách cũng sẽ phải nhiều hơn, vậy tại sao vẫn thâm hụt ngân sách? Là bởi vì kế hoạch chi.

Thu là thực, xã hội làm ra bao nhiêu tiền thì chỉ thu được ở mức đấy thôi, trong khi đó chi lại là kế hoạch. Nếu kế hoạch đặt sai, chi nhiều quá, trong khi thu không đạt thì lập tức dẫn đến thâm hụt. Giống như việc chi tiêu trong một gia đình, nếu chỉ có thu nhập 5-7 triệu đồng mà chi tiêu đến 10 triệu đồng và không ưu tiên cho những khoản thiết yếu thì sẽ thiếu tiền thường xuyên và phải đi vay mượn. Cũng tương tự với ngân sách Nhà nước, những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách là do việc phân bổ ngân sách không hợp lý, kế hoạch chi không đúng thực tế nguồn thu.

Thực ra mấy năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải “xắn tay áo”, tham gia vào ngân sách, ví như cho Chính phủ vay 30 ngàn tỉ vừa qua. Nhưng nếu “nhất thời, cấp cứu” thì được, chứ kéo dài thì lại không ổn. Chính sách tiền tệ thực sự là thị trường, còn Nhà nước có bao nhiêu thì chi tiêu bấy nhiêu. Đó cũng chính là lý do vì sao Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ giàu như vậy. Chính phủ hết tiền ngân sách, không nới trần nợ công, không vay mượn được nữa thì hết tiền để hoạt động, còn Ngân hàng Trung ương thì làm sao hết tiền được.

Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa hoàn toàn độc lập, không thể lấy tiền từ túi này bỏ sang túi kia được. Tiền của Ngân hàng Trung ương là tiền của xã hội, là tiền hỗ trợ cho sự ổn định tiền tệ của đất nước.

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã chi tiêu theo kiểu “con nhà giàu” và ai cũng nhận thấy, có không ít dự án đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí rất lớn, đó là chưa kể tình trạng chi tiêu hoang phí từ cấp cơ sở… cộng với nhiều điều bất hợp lý khác, như tình trạng sử dụng ngân sách công, tài sản công lãng phí, đội ngũ công chức hưởng lương ngân sách quá lớn…

Muốn thay đổi tình hình, việc lập kế hoạch phải rất chính xác, phải rất căn cơ, cắt giảm chi tiêu cho đúng khả năng của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, tiền tệ, cũng phải mất đến 5 năm để khắc phục được tình trạng này.

Nếu bây giờ chúng ta không thực hiện ngay thì sau này chúng ta sẽ không khác gì Hy Lạp.

Nói một cách ngắn gọn, cụ thể là nếu không chấm dứt ngay được tình trạng tiêu tiền theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, không tiết kiệm và kiên quyết gạt đi những dự án, những công trình, những kế hoạch chi tiêu nhằm “làm đẹp” mặt lãnh đạo, đồng thời bắt buộc các ngành, các cấp “thắt lưng buộc bụng”, thì nền kinh tế chúng ta còn thiếu tiền.

 

Nguyễn Như Phong

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc