Thay đổi cách dạy và học:

Chuyển bảng đen thành bảng trắng

07:00 | 22/11/2013

1,315 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các thiết bị kỹ thuật hiện đại sẽ góp phần đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới công nghệ dạy và học, hiện đại hóa chương trình.

Trong hội thảo về Nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả trong học tập được tổ chức tại Hà Nội, rất nhiều chuyên gia nước ngoài cùng lãnh đạo Bộ GD của các nước Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Philipines, Thái Lan… đã chia sẻ kinh nghiệm trong chương trình phát triển kỹ năng dạy học tương tác. Trong hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm về thay đổi phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới và hiện đại hóa SGK, thay đổi phương pháp đánh kiểm tra đánh giá dạy và học.

Thầy – trò cần tương tác nhiều hơn

Đánh giá vai trò quan trọng buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết TW 8 về chiến lược về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đào tạo. Vì vậy chúng tôi cảm ơn những ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm của các lãnh đạo Bộ GD-ĐT các nước bạn có mặt trong buổi hội thảo này. Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Promethean đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng đào tạo giáo viên Việt Nam trong thời gian qua”.

Nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng công nghệ vào lớp học, ông Ngô Trần Ái (Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết: “Những gì học thì sẽ thay đổi trong lớp góp phần thay đổi thế giới và điều này được thông qua các thiết bị công nghệ sử dụng trong lớp học. Những thiết bị này sẽ giúp học sinh từ thành thị đến nông thôn được thụ hưởng công nghệ trong giáo dục một cách công bằng”.

Quang cảnh buổi Hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo ông Jim Wynn – Giám đốc chiến lược của Tập đoàn giáo dục Promethean khẳng định vai trò của giáo viên trong cách dạy truyền thống là đến 70 - 90%, còn ở nhiều nước giáo viên chỉ đóng vai trò khoảng 2% trong giờ giảng dạy, giữa người thầy và học sinh có mối quan hệ tương tác nhiều hơn. Ông cho biết, không phải thầy giáo đứng trước học sinh thao thao bất tuyệt là hiệu quả nhất, giáo viên không chỉ giảng dạy mà hiện nay họ nói ít hơn thay vào đó là học sinh làm nhiều hơn, có cơ hội nghĩ nhiều hơn, nói nhiều hơn.

“Chúng tôi tạo ra môi trường để giáo viên có thể thay đổi, môi trường đó thúc đẩy việc giảng dạy. Nhưng thay đổi như thế nào là điều rất khó. Thực tế, chúng tôi cho học sinh đi thực tế rất nhiều, ra đồng ruộng học cày cấy như thế nào…sau đó viết bài thu hoạch. Tôi thấy ở nhiều nước hiện nay chưa dạy trẻ cách thức giải toán, giải quyết vấn đề.

Nhiều trang bị công nghệ đang bị … “bỏ không”

Về việc thay đổi phương thức giảng dạy, ông Jim Wynn đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta không thể thay đổi bảng đen bằng những công cụ mới, áp dụng công nghệ truyền thông trong giảng dạy?”.

Theo ông, cách thức giảng dạy sẽ được thay đổi căn bản bằng việc chuyển bảng đen thành bảng trắng với sự tham gia tích cực của học sinh. Ông cho biết: “Ở đất nước chúng tôi, giảng dạy Toán cho học sinh tiểu học rất khó khăn và chúng tôi suy nghĩ rằng sử dụng công nghệ thông tin như thế nào để việc dạy Toán dễ dàng hơn. Ví dụ, giáo viên có thể sử dụng exel để giảng dạy Toán cho học sinh lớp 1 hoặc những công cụ ICT khác (công cụ công nghệ thông tin truyền thông)”.

Tuy nhiên, thực tế nhiều nước có trang bị công nghệ nhưng lại “bỏ không” vì giáo viên không biết cách sử dụng. “Tôi có đến một lớp học ở Mexico cách đây không lâu, tôi thấy một lớp học có một bảng trắng, phần mềm bách khoa toàn thư nhưng tôi không thấy giáo viên đó sử dụng công nghệ thông tin và những công cụ đó. Tôi hỏi tại sao không dùng thì họ nói chưa được đào tạo sử dụng công nghệ đó”, ông Jim nêu ra.

Bảng tương tác sẽ giúp giáo viên và học sinh năng động hơn trong dạy và học.

Về vấn đề này ông Simon Hallam – Giám đốc nghiên cứu công nghệ giáo dục cho rằng, hầu hết giáo viên không biết làm gì với công nghệ. Họ đặt câu hỏi, bảng trắng tương tác, thông minh, giáo viên sử dụng như thế nào?

Đối với cách kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên liên tục trong quá trình chứ không phải thông qua các bài kiểm tra như truyền thống. Với cách học tương tác, học sinh là người tìm kiếm khám phá chứ không phải lắng nghe thụ động từ giáo viên.

“Theo như cách dạy truyền thống, giáo viên hỏi và học sinh trả lời bằng cách giơ tay, chắc chắn có em xung phong, giáo viên sẽ chú trọng đến những em giơ tay, em thông minh, còn lại những em khác thì không được chú ý. Đó là sự lệch lạc, có những em ngại nói. Làm sao chúng ta đặt câu hỏi cho tất cả các em trả lời. Vì vậy, chúng ta có những nhóm học sinh làm việc, sử dụng công nghệ, đó là môi trường tương tác tốt”, ông Simon Hallam khẳng định.

Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái cho rằng, một trong những vấn đề khi thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng vừa ban hành đầu tháng 11 vừa qua là phải đổi mới chất lượng dạy và học, loại dần những thao tác thuyết giảng truyền thống.

Ông cho biết: “Muốn thực hiện điều đó cần có thiết bị hiện đại hỗ trợ thầy cô giáo và hỗ trợ học sinh. Các thiết bị dạy học hiện đại, thông minh, tương tác nhiều chiều sẽ là chiếc đũa thần kỳ để khai thác kho tàng tri thức, tạo cầu nối giữa thầy và trò”.

Cũng theo ông Ngô Trần Ái, trong thời gian tới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ sản xuất ra nhiều phần mềm hơn nữa phục vụ cho việc dạy và học.

Trên thực tế, việc giảng dạy gắn với các ứng dụng công nghệ thông tin, các bảng trắng tương tác thay cho bảng đen phấn trắng đã khá phổ biến ở các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Tuy nhiên, việc trang bị này hoàn toàn là xã hội hóa với sự huy động nguồn đóng góp từ phụ huynh và ở một số nơi đã bị trường lạm dụng, gây dư luận không tốt trong xã hội. 

Về vấn đề này, ông Ái cho rằng hiện có quá nhiều nhà cung cấp các thiết bị công nghệ phục vụ dạy học với các mức giá khác nhau, giá được đẩy lên cao và chênh lệch nhau rất nhiều.

Khánh An