Chứng khoán toàn cầu lên cao nhất trong hơn 4 tuần

09:17 | 05/07/2011

278 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phiên giao dịch 4/7, chứng khoán toàn cầu chạm mức cao nhất trong 4,5 tuần, do nhà đầu tư tin tưởng hơn về triển vọng kinh tế thế giới sau khi Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và các số liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm nhẹ.

Khu vực chứng khoán châu Á tăng khá mạnh trong phiên 4/7.

Chỉ số chứng khoán MSCI toàn cầu tăng 0,47% lên mức cao nhất kể từ ngày 1/6. Tuần trước, chỉ số này đã tăng được hơn 5%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay. Các sàn châu Âu tăng 0,2%, trong khi khu vực mới nổi tăng 1%.

Cụ thể, kết thúc phiên 4/7 tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 27,78 điểm, tương ứng 0,46%, lên 6.017,54 điểm. Chỉ số DAX của Đức tiến 23,52 điểm, tương ứng 0,32%, lên 7.442,96 điểm. Ngược lại, chỉ số CAC 40 của Pháp hạ 0,11%, xuống còn 4.003,11 điểm.

Cuối tuần trước, các bộ trưởng bộ tài chính khu vực đồng Euro đã chấp thuận cung cấp cho Hy Lạp khoản viện trợ 12 tỷ Euro và cho biết, chi tiết của gói viện trợ thứ hai dành cho quốc gia này sẽ được bàn thảo cụ thể vào trung tuần tháng 9.

Darren Sinden, nhà giao dịch cao cấp thuộc hãng chứng khoán Silverwind, nhận định, các thị trường châu Âu có vẻ "tươi tỉnh hơn” so với một tuần trước đây, tình trạng sụt giá đã bị đẩy sang một bên.

Tuy nhiên, đồng Euro nhanh chóng mất đà tăng, sau khi tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s cho rằng kế hoạch đảo nợ do các ngân hàng Pháp đề xuất, có thể khiến Hy Lạp rơi vào cảnh vỡ nợ một phần. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới chỉ số các sàn chứng khoán khu vực châu Âu.

Trước đó, các ngân hàng Pháp, chủ nợ lớn của Hy Lạp, tình nguyện đề xuất đảo nợ cho nước này với các điều khoản khác nhau. Theo Standard & Poor’s, đề xuất này có thể khiến các nhà đầu tư trái phiếu thua lỗ và nhiều khả năng đẩy Hy Lạp vào tình trạng vỡ nợ một phần.

Standard & Poor’s cho rằng, gói hỗ trợ chính thức nhằm đáp ứng nhu cầu cấp vốn cho Chính phủ Hy Lạp trong giai đoạn 2011-2014, có thể đòi hỏi sự tái cấu trúc nợ của lĩnh vực tư nhân dưới hình thức mà tổ chức này xem là vỡ nợ một phần.

Trong khi đó, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hầu hết các thị trường đều lên điểm trong ngày giao dịch đầu tuần, nhưng chênh lệch mức tăng khá lớn. Dẫn đầu toàn thị trường là sàn Trung Quốc với mức tăng 1,94%, kế đến là Hồng Kông với 1,66%. Sàn Nhật Bản tăng 0,98%.

Đáng chú ý, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 6 tuần, nhờ số liệu công bố hồi tuần trước cho thấy tăng trưởng khu vực sản xuất Trung Quốc trong tháng 6 giảm nhẹ, làm tăng những đồn đoán về khả năng kinh tế nước này không lao dốc mạnh.

Thị trường chứng khoán Mỹ hôm 4/7 đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh.

VnEconomy