Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN nói về tiềm năng điện hạt nhân

07:07 | 19/05/2012

639 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Ngành năng lượng ở Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ cả về loại hình và chất lượng các nguồn năng lượng. Để tìm hiểu thêm con đường phát triển của các nguồn năng lượng mới tại Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Viết Ngãi (Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam) trong khuôn khổ Hội thảo Quốc tế về Xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng Việt Nam đến năm 2020.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của các loại năng lượng hiện có tại Việt Nam?

Ông Trần Viết Ngãi: Hiện nay chúng ta đang có khá nhiều loại năng lượng, gồm có nhiệt điện chạy than, nhiệt điện chạy khí nhiệt điện chạy dầu, gần đây xuất hiện một số nguồn năng lượng điện gió. Các loại năng lượng đó đang phát triển, trong tương lai từ nay đến năm 2020, theo Quy hoạch điện VII mà Chính phủ đã duyệt, chúng ta phải đưa tổng công suất toàn ngành điện lên 75.000 MW.

Trong đó, nguồn năng lượng chủ đạo cho ngành điện Việt Nam trong tương lai là nhiệt điện chạy than, sau đó là nhiệt điện chạy khí và cuối cùng là thủy điện. Với nguồn năng lượng tái tạo, hiện nay Chính phủ cũng đang quan tâm, nâng lên 4,5% trong năm 2020, và sau đó có thể nâng lên cao hơn nữa.

Với nguồn năng lượng nguyên tử, dự kiến đến sau 2020 sẽ đạt được 1000MW, sau đó nâng lên 2000MW. Thủy điện cũng vậy, với tất cả các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 18.000 MW và nhiệt điện chạy than sẽ tăng thêm 36.000 MW.

PV: Vậy ông đánh giá thế nào về cơ hội phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam?

Ông Trần Viết Ngãi: Hiện chúng ta đang triển khai cơ sở để phát triển nguồn điện hạt nhân theo quyết định của Chính phủ. Nhưng vấn đề này thực sự không đơn giản, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, người Việt Nam chưa biết nhiều về điện hạt nhân, các yếu tố chuyên gia, kỹ thuật hay nguyên liệu đều phụ thuộc vào nước ngoài.

Sau khi xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, chúng ta còn phải phụ thuộc ở nước ngoài rất nhiều, từ công nghệ, kỹ thuật cho tới vận hành. Tất nhiên, thời gian còn dài và tôi tin chúng ta có đủ điều kiện để học hỏi và áp dụng nguồn năng lượng này vào thực tế ở Việt Nam.

Ngoài ra, với nguồn điện hạt nhân này, chúng ta cần phải hạn chế chất phóng xạ, xử lý được chất thải và bảo vệ nguồn nguyên liệu uranium. Đó là 5 vấn đề phức tạp đang được đặt ra khi chúng ta xây dựng và phát triển nguồn điện hạt nhân. Trong khi đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý các vấn đề này. Vì thế, trước mắt, chúng ta sẽ cho thử nghiệm sản xuất 2.000MW.

Việt Nam có lợi thế là nằm trong khu vực an toàn, ít động đất và ít sóng thần nên thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản rất khó xảy ra ở nước ta. Vì thế việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng có nhiều điều kiện hơn. Chúng ta sẽ tăng dần công suất từ 2.000MW lên 8.000MW trong tương lai. Có thể nói, đó là nguồn năng lượng rất tiềm năng đối với Việt Nam.

PV: Vậy chúng ta sẽ phát triển nguồn năng lượng này ở đâu?

Ông Trần Viết Ngãi: Chúng ta sẽ xây dựng và phát triển nguồn năng lượng hạt nhân này ở ven biển duyên hải miền Trung, từ Ninh Thuận, Bình Thuận trở vào. Bởi với cơ sở vật chất của nguồn năng lượng này, chúng ta không thể xây dựng ở địa thế cao được, bắt buộc phải bảo vệ trong nước biển. Địa điểm này rất phù hợp cho việc xử lý chất thải của điện hạt nhân.

Với nguồn điện gió, chúng ta cũng sẽ triển khai ở dọc duyên hải miền Trung, có thể mở rộng ra đảo Phú Quốc hay đưa lên các vùng cao như Điện Biên, Lai Châu. Tỷ lệ của nguồn điện năng này chỉ có thể chiếm 4,5% tổng lượng điện quốc gia, tương đương với 1.000MW và chỉ có tác dụng bổ sung cho nguồn điện nước ta chứ không có tác dụng làm nền.

Đương nhiên, nếu sau này chúng ta tận dụng và phát triển được các nguồn năng lượng tái tạo này thì nó sẽ góp phần rất lớn vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, trong đó có nguồn than và khí.

Vương Tâm