"Chồng tôi lùn nhưng ai cũng phải ngước nhìn"

13:39 | 16/11/2018

1,285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Ngày tôi cưới vợ, bà con kéo đến xem đông lắm. Họ thấy lạ quá đỗi, chỉ trỏ, bàn tán… làm tôi và Tuyết ngượng nghịu, đi muốn quíu chân. Không ai nghĩ một người lùn xịt, nhỏ xíu như tôi lại cưới được một cô gái xinh đẹp, cao ráo như vậy”, anh Châu Văn Thủy mở đầu câu chuyện.
chong toi lun nhung ai cung phai nguoc nhin
Cặp đôi "đũa lệch" Thủy, Tuyết

Đứa con thua thiệt

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên), từ nhỏ anh Thủy đã có một thể trạng bất thường, tay chân ngắn củn.

“Cha mẹ, anh em tôi đều cao ráo hết. Xui xẻo, lọt ra tôi lùn xịt”, anh Thủy hóm hỉnh.

Lúc nhỏ, anh Thủy chưa nhận ra sự cách biệt với các bạn cùng trang lứa. Đến độ tuổi bể tiếng, nhổ giò… anh mới thấy mình “lạ”, ăn nhiều mà chẳng cao lên khỏi con số 1 mét.

Cha mẹ anh thường phàn nàn: “Nuôi mày tốn cơm, sao chẳng chịu lớn?”. Miệng nói vậy, nhưng họ đều dồn mọi tình thương cho thằng con út thua thiệt trong gia đình có 6 đứa con.

Bị bạn bè trong lớp gọi là “Thủy lùn”, anh mặc cảm lắm. Anh cười: “Ban đầu tôi buồn rầu, nhiểu lúc chẳng muốn đi ra đường. Nhưng một thời gian sau, tôi nghĩ: Ông trời bắt mình như vậy rồi, có buồn thêm thì cũng chẳng cao lên, thôi thì vui vẻ sống”.

chong toi lun nhung ai cung phai nguoc nhin
Chân cụt ngủn, người nhỏ bé... anh Thủy phải dùng chiếc xe đạp của trẻ em.

Bạn bè chọc riết cũng chán, không chọc nữa. Con nít trong xóm mỗi khi thấy anh Thủy đi ngang hay cười cợt, reo hò… dần dà cũng đã quen mắt với bộ dạng khác người đó.

Tình yêu sét đánh trong buổi chiều định mệnh

Ở độ tuổi mộng mơ, “Thủy lùn” bắt đầu tập tành theo mấy thằng bạn thân đi… tán gái.

Thấy anh chàng chân ngắn củn, không cô gái nào thèm chú ý. Nghe anh nói những câu úp mở yêu thương, họ cười ngặt nghẽo.

“Các cô gái chỉ yêu những thằng bạn cao ráo, đẹp trai, còn tôi không ai để ý. Tôi thấy mình chỉ làm trò vui cho bạn bè nên không đi tán gái nữa”, anh Thủy cho biết.

Học hết lớp 12, anh Thủy nghĩ, nếu mình có thi đại học thì sau này cũng khó xin được việc làm. Trong khi bạn bè cùng lớp khăn gói rời quê tìm kiếm tương lai, hằng ngày anh bày đồ nghề ra đầu xóm, lầm lũi sửa, vá xe đạp kiếm sống.

Một buổi chiều, cô thôn nữ xinh đẹp Nguyễn Thị Tuyết dẫn chiếc xe đạp đến vá. Anh Thủy kể: “Như một lương duyên do ông trời sắp đặt, tôi gặp Tuyết là bị lọng cọng tay chân liền, kiểu tình yêu sét đánh đó”.

chong toi lun nhung ai cung phai nguoc nhin
Chị Tuyết rất hạnh phúc bên người bạn đời bé tẹo của mình

Nhìn cái dáng lùn như em bé, vẻ mặt lớ ngớ, quýnh quáng của anh, chị Tuyết không cười mà... thương cảm. Trong lúc ngồi chờ vá xe, chị Tuyết hỏi han về cuộc sống của anh.

Chị cũng tâm sự với anh về tuổi thơ bất hạnh của mình: Cha mất khi chị còn trong bụng mẹ. Mẹ theo đuổi tình yêu mới, định bỏ đứa con còn đỏ hỏn vào cô nhi viện. Bà nội xót xa tình máu mủ, rước đứa cháu tội nghiệp về nuôi nấng.

Anh Thủy nhớ lại: “Đẩy đưa như vậy, gần 2 tiếng đồng hồ mà tôi chưa vá xong 3 lổ thủng. Tôi thấy có sự đồng cảm lạ lùng lắm”.

Sau buổi chiều định mệnh đó, tình yêu chớm nở. Chị gạt hết nỗi mặc cảm, bắt đầu có những cuộc hẹn hò với anh chàng người yêu bé tẹo. Chị Tuyết kể: “Ổng nhỏ xíu, làm sao mà đạp xe chở nổi tôi. Xe ổng đi thì bé tí, tôi ngồi làm sao được. Mỗi lần hẹn hò, tôi toàn chở ổng bằng xe đạp của mình”.

Trong tiếng cười vui vẻ, anh Thủy nhớ lại: “Tôi ngồi sau xe, tay ngắn ngủn, không ôm hết eo bả. Bả chở vòng vòng trong xóm, ai nhìn thấy cũng cười. Y như con thằn lằn ôm cột đình vậy đó”.

Lùn xịt nhưng ai cũng... ngước nhìn

Và sóng gió bắt đầu ập đến tình yêu “rổ rá cạp nhau”. Gia đình chị Tuyết, nhất là một bà cô già khó tính phản đối dữ dội: “Bà nội già yếu, cực khổ nuôi mày khôn lớn. Sao không chọn người cao ráo để yêu, sau này còn báo hiếu nội. Hết đàn ông để yêu hay sao mà lại đi chọn một thằng thiếu thước tấc như vậy?”.

Từ hôm đó, người trong xóm không còn thấy cô gái cao to chở chàng lùn trên chiếc xe đạp nữa. Hàng ngày anh Thủy lầm lũi ra đầu ngõ làm công việc vá xe kiếm sống.

Sáng anh đi ngang nhà chị Tuyết một lần, chiều về lại đi ngang lần nữa. Lần nào anh cũng len lén nhìn vào, chỉ mong nhìn thấy người yêu. Anh Thủy kể: “Lúc đó tôi như người vô hồn, muốn tự tử cho xong. Mọi mặc cảm về thân thể lại ùa về. Mình vừa lùn, vừa nghèo thì ai chịu... Tôi và Tuyết chỉ cách nhau có một bờ rào mà sao xa xôi quá”.

chong toi lun nhung ai cung phai nguoc nhin
"Mang ơn cha mẹ đã cho tôi một hình hài", anh Thủy nói

Gần 4 năm anh Thủy si tình, “qua ngõ nhà em” như vậy. Cho đến một ngày kia: “Tôi đi ngang nhà Tuyết, nhìn vào sân thấy các chú, bác của Tuyết đang quây quần. Tôi sợ quá, lấy sức chạy thật nhanh. Một ông chú của Tuyết nhìn thấy tôi, gọi: Thủy! vào đây biểu”.

Người chú hỏi: "Mày thương con Tuyết thật lòng không?". Anh Thủy lí nhí: "Dạ, con thương Tuyết lâu lắm rồi".

"Con Tuyết cũng thương mày. Thôi, tụi bây coi cưới nhanh, lo làm ăn đi. Không ai cấm cản nữa đâu. Bà chị lớn của tụi tao vẫn còn phản đối mày, để tụi tao tính cho".

Chị Tuyết đứng đó, nghe hết câu chuyện, cười bẽn lẽn...

Anh Thủy mừng rơn, hối hả chạy về nhà. Anh thở hổn hển, nói ngay với cha mình: "Cha, cha chuẩn bị đi hỏi vợ cho con. Người ta chịu rồi!".

Người cha già nhìn đứa con, cười sặc sụa: "Mày lùn, người có chút éc, con nhỏ nào điên mới chịu lấy mày. Mày đừng vẽ chuyện, kêu tao đi hỏi cưới, người ta từ chối, tao bị cười thúi đầu".

Khoảng một tuần sau, ba mẹ anh Thủy cũng mang trầu cau qua nhà chị Tuyết dạm hỏi. Đám cưới nghèo diễn ra ngay sau đó. Cả xóm kéo nhau đến coi “chú lùn” xúng xính trong bộ đồ lịch sự, bên cô dâu “Bạch Tuyết” ngượng ngịu, má đỏ bừng hạnh phúc.

chong toi lun nhung ai cung phai nguoc nhin
"Ổng lùn nhưng ai cũng ngước nhìn", chị Tuyết bẽn lẽn

“Tôi lo bà cô của Tuyết quậy đám cưới. Các chú của Tuyết bàn tính: Tới cận sát ngày rước dâu mới gửi thiệp mời cho bả đang ở xa. Bả thương cháu, thế nào cũng tức tốc về dự. Ván đã đóng thuyền, có phản đối thì cũng muộn rồi”, anh Thủy hóm hỉnh.

Ba mặt con lần lượt ra đời, may mắn đều có chiều cao bình thường. Anh Thủy và chị Tuyết vào Sài Gòn, thuê phòng trọ, mưu sinh bằng nghề bán vé số, lo cho các con ăn học.

Người con đầu lòng của anh chị vừa tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm, đứa kế hiện đang làm tài xế xe, còn thằng út năm nay lên lớp 12.

chong toi lun nhung ai cung phai nguoc nhin
Những tờ vé số đã giúp anh Thủy nuôi các con học hành đến nơi đến chốn, báo hiếu mẹ già

“Ổng lùn trầm trọng vậy đó, nhưng ai cũng phải ngước nhìn nha. Một mình ổng gánh vác gia đình, quyết không để đứa con nào dốt. Ổng sống hiếu thảo lắm, hàng tháng gửi tiền về quê nuôi mẹ già năm nay đã 92 tuổi. Tuy có ngoại hình thua thiệt nhưng bản lĩnh, nghị lực… không thua bất kỳ người đàn ông cao to nào đâu”, chị Tuyết tự hào.

Anh Thủy nói thêm: “Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi một hình hài. Tôi luôn dạy 3 đứa con: Đời ba bất hạnh, thiệt thòi, không có tài sản. Ba chỉ trang bị được cho các con kiến thức. Các con may mắn có hình hài bình thường, phải chăm lo học hành để sau này không khổ cực như ba”.

Lê Ngọc Dương Cầm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps