Chống tham nhũng: Đừng “bắt” con trẻ tham gia!

07:00 | 06/12/2013

2,988 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tham nhũng là vấn đề cần phải được kiểm soát bằng những thể chế luật pháp và cả đạo đức chứ hoàn toàn không phải là việc của các em học sinh.

Năng lượng Mới số 280

Vào năm học 2013-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)đã thực hiện thí điểm đưa giáo dục phòng chống tham nhũng vào một số trường trung học phổ thông (THPT). Theo thông tin mới nhất thì trong năm học tới Hà Nội sẽ đưa chương trình này vào giảng dạy tại toàn bộ các trường THPT trên địa bàn. Phía Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình phòng chống tham nhũng sẽ được tích hợp, lồng ghép vào môn Giáo dục công dân trong 6 bài, từ lớp 10 đến lớp 12. Nội dung tập trung vào cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng, nguyên nhân, tác hại, thái độ, ứng xử với hành vi tham nhũng.

Thoạt tiên người ta sẽ thấy đây là chủ trương đúng đắn và đầy ý nghĩa. Thật vậy, trong tình hình vấn nạn tham nhũng của đất nước đã ở mức độ nguy hiểm thì phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả cộng đồng. Chủ trương này cũng cho thấy một điều rất đáng lạc quan về sự quyết tâm phòng chống tham nhũng một cách triệt để. Không những thế, việc mong muốn một thế hệ trẻ khi trưởng thành hoàn toàn biết nói không với tham nhũng cũng là một mong muốn hết sức chính đáng!

Phòng chống tham nhũng là chuyện của người lớn, chuyện của hiện tại chứ không phải là chuyện của các em học sinh! (Ảnh minh họa)

Song, khi chúng ta bình tâm mà nhìn lại chủ trương này thì nó có nhiều vấn đề cần bàn!

Tham nhũng là gì? Một cách dễ hiểu đó là hành vi từ lòng tham của con người, những người có khả năng để đục khoét của công, dùng địa vị và quyền lực của mình để mưu cầu lợi ích cho bản thân. Về cơ bản, lòng tham gần như là một bản năng của con người, nhưng từ lòng tham đến hành vi tham nhũng là cả một quá trình chuyển hóa hoàn toàn khác. Quá trình ấy được thúc đẩy phát triển trong một môi trường xã hội thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật hoặc hệ thống pháp luật không đủ mạnh để khiến người tham nhũng phải trả giá đắt.

Tham nhũng đã hoành hành trong một môi trường xã hội mà ở đó lòng tự trọng là một điều xa xỉ, bởi khi biết xấu hổ thì hẳn người ta đã không thực hiện hành vi tham nhũng đó!

Như vậy rõ ràng tham nhũng là vấn đề cần phải được kiểm soát bằng những thể chế, luật pháp và cả đạo đức chứ hoàn toàn không phải là việc của các em học sinh.

Cho các em học sinh học phòng chống tham nhũng để các em có thể nhận biết hành vi tham nhũng là thế nào, đó là một điều tốt! Song, trớ trêu thay khi hành vi đó rất có thể các em sẽ thường gặp ở ngay bố mẹ, người thân của mình. Họ vốn lại là những hình mẫu mà các em phải học theo. Khi đó, các em sẽ không thể tố cáo bố mẹ, người thân của mình bởi sự tham nhũng của họ mang lại cho các em một cuộc sống đầy đủ hơn về mặt vật chất và còn vì đó là người thân! Như vậy, khi đó bài học phòng chống tham nhũng mà các em học được từ trường lớp sẽ trở thành một trò đùa phi thực tế.

Cho các em học phòng chống tham nhũng để bố mẹ và người thân xung quanh các em cảm thấy xấu hổ với các em mà không tham nhũng ư? Cũng không phải như thế, bởi nếu người ta biết xấu hổ, người ta có đủ đạo đức, nhân cách thì đã không đục khoét của công, đã không dùng địa vị, quyền lực của mình để mưu cầu lợi ích cho bản thân từ tiền của cộng đồng.

Vậy cho các em học phòng chống tham nhũng để các em có thể nhận thức được tác hại của tham nhũng và mạnh dạn tố cáo tham nhũng khi phát hiện? Chắc chắn sẽ khó có chuyện đó xảy ra bởi thực tế trước mắt các em là biết bao người “anh hùng chống tham nhũng” bị gặp phải “tai bay họa gió”. Họ phải ngậm ngùi vào viện hoặc có khi ra đường rồi đi thẳng vào nhà xác. Giống như cái giá của việc “biết quá nhiều”, của những lá đơn tố cáo tham nhũng trong vụ Thảo Cẩm Viên vào năm 2001, chính là tính mạng của người tố cáo sau đòn “dằn mặt” của tên côn đồ do một người bị tố cáo thuê!

Nhẹ nhàng hơn thì bị nhắn tin khủng bố, mất việc, bị trù dập, người thân trong gia đình bị đe dọa… Như chuyện một vị bí thư đảng ủy phường ngay tại thủ đô mất chức. Một cán bộ ở Hà Tiên bị “vụt gãy giò”. Một nông dân bị cắt điện suốt 19 tháng, bị xả nước ao cá. Và thậm chí, ngay cả một ĐBQH hay nói về phòng chống tham nhũng như ông Lê Như Tiến cũng nhận không ít tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo “ông đừng có dây vào địa hạt của tôi”.

Còn nếu có được vinh danh thì đó cũng không phải là điều gì vui sướng! Hẳn người ta không thể nào quên những “giọt nước mắt người ngay” của “Chị Nguyệt Hoài Đức” ngay trong buổi lễ vinh danh. Đó là những giọt nước mắt của người như tận cùng của cô độc bởi sự “cách ly”, sự lạc lõng giữa đồng loại mình, dù là chị làm đúng.

Nói thêm về việc tố cáo tham nhũng, mới đây trong báo cáo chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ có một câu, nguyên văn rằng: Rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng. Vì sao ư? Đơn giản nhất đó là vì họ sợ bị trả thù, mặc dù pháp luật bảo vệ người tố cáo hoàn toàn không thiếu (!?). Còn những trường hợp chống tham nhũng ồn ào vừa qua thật ra cũng chỉ là việc “con giun xéo lắm cũng quằn” hơn là việc người ta nhận thức ra cái xấu và tự giác chống lại nó! Vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, trạm y tế ở Quảng Nam... là những trường hợp như thế!

Trong xã hội đang phổ biến tâm lý “mặc kệ”, tức không động đến mình thì mình cũng không động đến họ. Bởi việc phát hiện, tố cáo tham nhũng nhiều khi người chịu thua thiệt nhất lại là chính người tố cáo. Thực tế những người tham nhũng thường là những người có vị trí, có chức có quyền, lắm tiền, nhiều của. Trong khi người muốn tố cáo tham nhũng thường lại yếu thế, không thể chống lại một thế lực, nhóm thế lực. Nên tâm lý không muốn tố cáo tham nhũng cũng vì thế mà phổ biến trong xã hội.

Trước đây, tham nhũng chỉ là những con sâu đơn lẻ đục khoét xã hội, giờ là những con sâu đầy quyền lực, liên kết thành những nhóm lợi ích, thành những vòi bạch tuộc trong chính các cơ quan công quyền, khiến người lương thiện e ngại, ngày càng ít dám đứng lên chống tham nhũng… Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (Giảng Võ, Ba Đình) đã từng phát biểu như thế trong một buổi tiếp xúc cử tri vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Rõ ràng, khi mà “người ngay” còn sợ kẻ gian thì cuộc chiến chống “giặc nội xâm” sẽ còn gian nan hơn rất nhiều! Và khi đó, bài học tố cáo, phòng chống tham nhũng của các em học sinh cũng coi như vô ích.

Trở lại chuyện đưa phòng chống tham nhũng vào mái trường phổ thông. Cho các em học phòng chống tham nhũng để hy vọng một thế hệ trẻ trưởng thành biết nói không với tham nhũng ư? Cũng không phải thế! Giáo dục là chuyện của tương lai còn chống tham nhũng là chuyện của hiện tại. Thay vì dạy cho học sinh điều mà các em chưa thể nhận thức thì người lớn cần nỗ lực làm sao để các em được sống trong một xã hội lành mạnh, trong sạch thật sự, một xã hội mà tham nhũng không có cơ hội lộ diện! Nếu làm được như vậy thì các em nhỏ lớn lên sẽ có thể tránh xa tham nhũng. Còn khi người lớn chưa thể nói không với tham nhũng, xã hội hiện tại đang có tham nhũng đầy rẫy và người tố cáo tham nhũng còn dễ dàng bị trả thù thì những nhận thức của các em nhỏ từ các bài học về phòng chống tham nhũng là vô giá trị; hoặc có khi nó sẽ nhanh chóng biến thành thứ đạo đức giả!

Chống tham nhũng là chuyện của hiện tại, chuyện của người lớn chứ không phải chuyện của trẻ con. Và ở xã hội hiện tại, người lớn hoàn toàn có khả năng phòng chống tham nhũng nếu tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt bằng hệ thống pháp luật hiện hành. Tham nhũng hoàn toàn không cần phải chờ đợi đến thế hệ tiếp theo mới có thể phòng chống!

Trúc Lê