Chống làm giá nhìn từ quả trứng

19:00 | 25/01/2013

1,052 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thị trường trứng gia cầm biến động mạnh sau tết dương lịch được các chuyên gia cho là do bị làm giá, khiến giá trứng bị đẩy lên đến mức không thể chấp nhận.

Tại các chợ Hà Nội, TP HCM, giá trứng gia cầm leo thang từng ngày. Cụ thể, tại TP HCM, giá trứng ở chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Vườn Chuối (quận 3), Thái Bình (quận 1)... tăng thêm 2.000-5.000 đồng mỗi vỉ 10 quả so với cuối tuần trước. Tại chợ Văn Thánh, mỗi vỉ giá 30.000 đồng, còn chợ Thái Bình lên tới 35.000 đồng. Trước đó, giá trứng gà tại chợ Văn Thánh là 28.000 đồng, còn chợ Thái Bình là 30.000 đồng. Đây là mức giá trứng gia cầm cao chưa từng có, kể cả trong thời kỳ dịch cúm H5N1 làm tiêu hao nặng nề đàn gia cầm.

Lý giải nguyên nhân tăng giá mạnh, các tiểu thương cho hay, do các doanh nghiệp tăng giá, họ buộc phải tăng theo. Không khó khăn gì các chuyên gia đã nhận ra đây là chiêu làm giá. Đáng chú ý là, dù giá trứng bán ra tại thị trường tăng cao, nhưng doanh nghiệp không tăng giá thu mua cho người nuôi gia cầm. Giá thu mua của công ty cổ phần chăn nuôi trả cho người nuôi gia công vẫn là 1.550 đồng/quả trứng. Vậy là giá trứng gia cầm đã bị nâng và lợi nhuận rơi vào khâu trung gian là doanh nghiệp đầu mối.

Giá trứng đã từng bị tăng chóng mặt

Rất hoan nghênh cơ quan chức năng tại TP HCM đã vào cuộc rốt ráo nhằm đấu tranh với chiêu ép giá của công ty cổ phần, một đầu mối phân phối trứng gia cầm lớn nhất hiện nay.

Chủ trì buổi họp báo, bà Đào Thị Hương Lan - Giám đốc Sở Tài chính TP HCM nhấn mạnh, Luật Cạnh tranh có điều khoản cấm doanh nghiệp chi phối 30% thị phần áp đặt giá gây bất lợi cho người tiêu dùng. Trường hợp vi phạm nặng nhất sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Lúc đó, doanh nghiệp không được phép kinh doanh nữa.

Còn bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đang xem xét việc ra quyết định điều tra hành vi tăng giá trứng gà của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Theo bà Đào, việc tăng giá của C.P và một số doanh nghiệp như vừa qua đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo Công ty CP Việt Nam thì thị phần của doanh nghiệp này hiện là 16%. Tuy nhiên, số liệu của cơ quan ban ngành cũng như hệ thống bán lẻ đưa ra trước đó thì C.P đang chiếm lĩnh 30%. Và nếu vậy thì Công ty C.P đã vi phạm luật cạnh tranh. Để làm rõ việc này, cơ quan quản lý sẽ điều tra để xác định đúng thị phần của doanh nghiệp này và đưa ra hướng xử lý theo Luật Cạnh tranh.

Việc nâng giá bán nhanh, liên tục với biên độ rộng của  đơn vị cung ứng số lượng lớn trứng gia cầm là Công ty C.P đã làm ảnh hưởng, gây tác động xấu đến thị trường và quyền lợi người tiêu dùng. Mặc dù đã giữ đúng cam kết là hạ giá thành về mức giá thị trường là 2.100 đồng/quả, tuy nhiên, đoàn kiểm tra do Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương dẫn đầu vẫn sẽ tiến hành điều tra để xác định rõ hướng giải quyết.

Theo Chi cục Thú y TP HCM, trước thời điểm “sốt giá trứng”, lượng trứng gà vào thành phố trung bình chỉ gần 1,8 triệu quả/ngày. Thế nhưng, trong tuần sốt giá thì lượng trứng vào thành phố là gần 2,5 triệu quả/ngày. Con số này cho thấy, lượng hàng mà tiểu thương đã nhập để dự trữ là rất lớn, sức tiêu thụ gấp 3-5 lần con số trên.

Trong vụ làm giá trứng gia cầm này, theo các chuyên gia, Công ty C.P đã có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, khi bị chất vấn lý do tăng giá, các doanh nghiệp cũng như Công ty C.P đều viện cớ do sự mất cân đối của cung - cầu trên thị trường. Thế nhưng theo cơ quan chức năng, thị trường ở thời điểm đó không hề thiếu trứng gà và cũng chưa có nhu cầu tiêu dùng tăng đột xuất, khiến giá trứng gia cầm có thể tăng cao và đột biến như vậy. Ngoài ra, trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã không chứng minh được chi phí giá thành đầu vào tăng cao để lý giải cho việc tăng giá là hợp lý.

Ngoài ra, trong thời gian tới, TP HCM sẽ có chính sách hỗ trợ người nuôi gia công cung cấp trứng gia cầm cho thành phố và có biện pháp để không tái diễn việc tăng giá bất hợp lý như thời gian vừa qua. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm trường hợp tăng giá như vừa qua để làm gương.

Trong cuộc đấu tranh chống làm giá rất cần sự đồng thuận rộng rãi của các doanh nghiệp như Sài Gòn Co.op không chấp thuận đề xuất tăng giá của Công ty C.P. Còn siêu thị BigC cũng cho biết, trong thời gian tới, nếu xét thấy mức giá của C.P cao vô lý và không phù hợp với diễn biến của thị trường sẽ xem xét và tạm ngưng nhập mặt hàng này.

Với việc tăng giá mạnh, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Chăn nuôi gia súc, gia cầm các địa phương (Đồng Nai, Bình Dương) đã làm việc trực tiếp với C.P và Emivest để làm rõ nguyên nhân tăng giá. Theo bà Đào Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP HCM, C.P đã nhận lỗi về việc gây xáo trộn làm ảnh hưởng thị trường và hứa điều chỉnh giá. Sau cuộc gặp gỡ này Bộ Công Thương, Cục Thuế sẽ có chỉ đạo tiếp về hình thức xử phạt đối với C.P.

Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã phân tích khá rõ lợi nhuận “khủng” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (1 trong 2 nhà sản xuất lớn dẫn đầu tăng giá trong đợt sốt giá vừa qua) sản lượng khoảng 600 triệu quả trứng mỗi năm. Như vậy, trung bình mỗi tuần là khoảng 10 triệu quả. Nếu tính toán một cách đơn giản thì khi mỗi quả trứng tăng giá 1.000 đồng, con số lợi nhuận thu thêm mỗi tuần của C.P là khoảng 10 tỉ đồng. Thế nhưng, cơ quan chức năng thu được chỉ là nghĩa vụ tài chính, thuế của công ty này. Phần lãi còn lại mà họ “móc túi” người tiêu dùng và tiểu thương do cố ý tăng giá bất hợp lý vừa qua vẫn còn nằm trong túi họ. Nếu sự việc suôn sẻ, ai chắc sẽ không có lần sau? Vì lợi nhuận kiếm được quá cao họ sẽ tìm cách đẩy giá nếu không bị xử lý, phạt nặng!

Chính nhờ động thái ngăn chặn quyết liệt của cơ quan chức năng mà Công ty C.P buộc phải điều chỉnh giá, thị trường trứng gia cầm đã trở lại gần như bình thường.

Rõ ràng đây sẽ là một kinh nghiệm tốt cho việc đấu tranh bình ổn giá, chống cạnh tranh không làm mạnh trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Dư luận đang chờ sự phán xét nghiêm minh của cơ quan chức năng!

 Minh Nghĩa