Chớ quên “Mặt trận hàng đầu”

07:00 | 01/07/2013

723 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Từ khi đất nước đổi mới, nông nghiệp đã được xác định là “Mặt trận hàng đầu”, tiếp đó là phương hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp”.

Minh Long (NLM số 234)

Vụ lúa đông xuân vừa qua, nhiều địa phương mất mùa do lúa lép, không hạt. Qua điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì lỗi không phải do giống lúa BC15 của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình như nghi ngờ ban đầu mà do bà con mua phải giống lúa giả, lại gặp thời tiết thay đổi bất thường. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước khó khăn của nông dân hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa: Hỗ trợ 500 tấn giống lúa để cấy trong 2 vụ 2013 và 2014. Thế nhưng, nghĩa cử như của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình quá hiếm, mà thực tế hiện nay thì các doanh nghiệp kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp rất nhiều, rất gần với nông dân.

Vẫn còn cảnh lao động thủ công trên đồng ruộng Nam Định (ảnh: Đào Vinh)

Nông dân quanh năm vất vả trên đồng ruộng, vườn cây, ao cá, đầm tôm. Nhiều mùa vụ tưởng như bội thu trong tầm tay nhưng đùng một cái, thiên tai, bão lụt, lại mất trắng. Chính sách hỗ trợ nông dân khi thất bát như vậy hầu như không có. Đầu tư cho mỗi mùa vụ, người nông dân chỉ tin tưởng vào các công ty kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Nhưng lâu nay, từ giống, phân bón, thức ăn gia súc... đều phải nhập khẩu, chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài. Hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp thì nhập bán tràn lan, thậm chí là nhập lậu, miễn là có lãi cho các doanh nghiệp bỏ túi. Sự cố lúa lép vừa qua ở các địa phương cũng là hậu quả của lối làm ăn gian dối, lừa đảo của những người cung ứng dịch vụ nông nghiệp. Lợi dụng uy tín của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, nhiều doanh nghiệp khác đã nhập nhằng đưa giống lúa kém chất lượng bán cho bà con. Đến khi lúa lép, mất mùa, các doanh nghiệp này dửng dưng, đứng ngoài cuộc. Không chỉ giống lúa mà còn nhiều loại giống cây trồng khác cũng đã từng xảy ra tình trạng như thế. Rồi phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ cũng vậy, không phát huy hiệu quả khi sử dụng, ảnh hưởng đến năng suất.

Sản phẩm nông nghiệp phải gánh chịu chi phí đầu vào khá lớn, khi tiêu thụ lại phải qua nhiều khâu trung gian nên thường bị ép giá và thua lỗ. Lẽ ra, các doanh nghiệp, với chức năng gắn bó và hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ thì ngược lại, họ chỉ thấy lời lãi tìm đến còn thua lỗ thì tìm đi.

Mỗi khi mất mùa hoặc muốn đầu tư mở rộng sản xuất, nông dân rất thiếu vốn nhưng muốn tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất cũng không dễ dàng. Trên lý thuyết, nông dân vẫn được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều bằng các ưu đãi cho vay của ngân hàng. Nhưng thực tế, muốn vay ưu đãi thì 10 người chỉ được 1. Tiếng nói của người nông dân chưa có vị trí xứng đáng trong chính sách, định hướng phát triển kinh tế của đất nước. Sự bất bình đẳng các ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước cho ngành nông nghiệp so với các ngành khác vẫn tồn tại. Nhiều ý kiến cho rằng,Việt Nam nên học tấm gương Thái Lan, họ có 4 từ “trợ giá nông sản”, giúp đỡ nông dân của họ bằng việc mua lúa với giá cao hơn thị trường hiện tại. Vụ đông xuân vừa qua, lúa rớt giá nhưng nếu nông dân được thu mua như Thái Lan thì bà con đỡ thiệt thòi. Nông nghiệp còn chiếm 70% của nền kinh tế nước ta và 70% dân số là nông dân.

Từ khi đất nước đổi mới, nông nghiệp đã được xác định là “Mặt trận hàng đầu”, tiếp đó là phương hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp”. Làm sao mà công nghiệp hóa, hiện đại hóa được nông nghiệp khi mà đất đai nông nghiệp phân tán mỗi người một mảnh nhỏ, tự ý trồng cấy theo ý chủ quan của mình. Nhiều địa phương chỉ tập trung cho việc thu hồi đất, xây dựng các dự án. Nên chăng, chúng ta hãy hướng dẫn nông dân chuyển bớt diện tích lúa sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Bởi thực tế cho thấy, xuất khẩu lúa gạo của ta tăng lên nhưng hiệu quả thu về vẫn thấp vì gạo của ta chất lượng chưa cao. Hiện nay các cơ quan quản lý nông nghiệp còn ít quan tâm đến chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ máy của ngành nông nghiệp ở địa phương chủ yếu là thụ động, trông chờ ngân sách phân bổ, làm vài ba công trình, dự án không mang tính căn cơ. Nhiều khi còn góp phần vào việc để nông dân sản xuất theo phong trào, gây hậu quả là sản phẩm làm ra chẳng ai mua.

Nông nghiệp vẫn là nền tảng kinh tế đất nước, bảo đảm an ninh lương thực, lo cái ăn hàng ngày cho mọi người. Hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao đời sống rất cần đến đội ngũ cán bộ nông nghiệp ở các địa phương và các doanh nghiệp. Nhưng cả hai đối tượng này đang cần có một cuộc “cải cách” từ tác phong làm việc đến ý thức trách nhiệm với người nông dân. Một khi cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp phục vụ nông dân chưa thực sự cùng lo toan, trăn trở, cùng bắt tay, xắn quần lội ruộng để tìm ra lối thoát cho người nông dân thì nông nghiệp vẫn ỳ ạch với kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, không thể nào thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa được.

M.L

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc