Chính sách đối ngoại của Mỹ

06:42 | 04/06/2014

6,665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Qua bài diễn văn mới đây tại Học viện Quân sự West Point, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện một số quan điểm của ông về chính sách đối ngoại và quốc phòng mà Mỹ đang theo đuổi, trong bối cảnh phản ứng của ông chủ Nhà Trắng với các sự kiện ở Ukraine, Biển Đông, biển Hoa Đông bị chỉ trích là thụ động.

Năng lượng Mới số 327

Chủ nghĩa can thiệp thận trọng

“Các hành vi gây hấn ở khu vực, cho dù là ở miền Nam Ukraine hay Biển Đông hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới, nếu không được kiểm soát, sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của chúng ta”, Tổng thống Mỹ khẳng định trong bài diễn văn tại West Point. Tuy nhiên, khác với nước Mỹ trước năm 2008, nước Mỹ của thời điểm hiện tại không dễ gì “mang súng đạn” đi “đánh xứ người”.

Như một giáo sư, đứng trước các sĩ quan tương lai của quân đội Mỹ, Tổng thống Obama đã rút ra những bài học từ kinh nghiệm trong quá khứ, đó là những suy nghĩ đằng sau một loạt các phản ứng của Nhà Trắng trước các thách thức bên ngoài lãnh thổ, từ Syria, Iran tới Ukraine. Cuộc chiến tranh ở Iraq đã gây ra một chấn động lớn mà Trung Đông vẫn đang phải trả giá. Hay cuộc chiến ở tại Afghanistan không mang lại thắng lợi mà cũng chẳng thất bại. Thậm chí, hậu quả của cuộc can thiệp vào Lybia cũng không rõ ràng chút nào. Ông nhận xét “Từ Thế chiến II, một số sai lầm lớn nhất của chúng ta không phải do chúng ta kiềm chế, mà do chúng ta quá nóng vội lao vào những cuộc phiêu lưu quân sự mà không nghĩ tới hậu quả”.

Tổng thống Barack Obama tại Học viện Quân sự West Point

Từ đây, ông Obama nêu ra các điều kiện để Mỹ can thiệp quân sự. Thứ nhất, khi lợi ích cốt lõi của quốc gia bị đe dọa, cuộc sống của người dân Mỹ bị đe dọa, Mỹ sẽ không do dự đánh trả kẻ thù, thậm chí đơn phương chiến đấu nếu cần thiết. Thứ hai, nếu lợi ích quốc gia không bị ảnh hưởng, ngay cả khi cuộc khủng hoảng đó khiến người Mỹ cảm thấy bất ổn và nếu cần phải can thiệp quân sự thì nước Mỹ sẽ không đơn phương thực hiện mà phải có sự tham gia của các quốc gia khác. Đơn cử là việc Mỹ đã phản ứng với cuộc khủng hoảng Ukraine bằng cách kêu gọi dư luận thế giới, tập hợp các đồng minh áp đặt trừng phạt kinh tế với Nga. Trong cuộc chiến chống khủng bố, thay vì đi xâm chiếm các quốc gia chứa chấp lực lượng này như người tiền nhiệm đã làm, ông Obama đề xuất ký hợp định đối tác với các quốc gia đang là mặt trận đối đầu với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, thông qua quỹ đối tác chống khủng bố, với ngân sách lên tới 5 tỉ USD.

Ở điểm này, tờ Le Monde nhận định, ông Obama đang nỗ lực bảo vệ cái gọi là “chủ nghĩa can thiệp thận trọng”.

Phải làm gương!

Nước Mỹ vẫn đóng vai trò là “cảnh sát toàn cầu”, “luôn luôn dẫn đầu trên sân khấu quốc tế”, là “quốc gia cần thiết” cho sự cân bằng chiến lược trên thế giới, nhưng theo ông Obama, ảnh hưởng của Mỹ luôn luôn lớn hơn khi làm gương.

Làm sao đòi hỏi được các quốc gia gây ô nhiễm khác phải cố gắng trong khi các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ lại phủ nhận thực tế biến đổi khí hậu?

Làm sao có thể yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp ngoài khơi theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển trong khi Thượng viện Mỹ từ chối phê chuẩn?

Thực tế này đang khiến Mỹ khó xử khi Trung Quốc ngang ngược, giương oai ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Bởi Mỹ là thành viên duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đến nay vẫn chưa phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việc gia nhập UNCLOS 1982 đã 2 lần bị phủ quyết trước Quốc hội Mỹ vào các năm 1994 và 1997.

Phe phản đối cho rằng nước này sẽ tự hạn chế quyền tự do hàng hải nếu tham gia UNCLOS. Theo đó, Mỹ hiện nay có thể di chuyển đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới (trừ vùng nội thủy của các nước khác) và vẫn có “quyền đi lại không gây hại” ở vùng lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Thế nhưng, nếu tham gia UNCLOS, Washington sẽ phải xin phép để được đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) của các nước khác. Mặt khác, Washington sẽ bị “há miệng mắc quai” khi duy trì lực lượng răn đe trên biển như khi điều tàu đến eo biển Hormuz hồi đầu năm 2012. Hơn thế nữa, bảo mật quân sự của Mỹ cũng bị ảnh hưởng khi tham gia UNCLOS vì Washington phải chia sẻ thông tin tình báo, quân sự trên biển với Cơ quan Quản lý lòng biển quốc tế (ISA) nếu được yêu cầu.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, việc định nghĩa lại lợi ích của Mỹ trên đại dương, thông qua việc phê chuẩn UNCLOS sẽ mở ra thời của “thể chế” trên Biển Đông. Điều này giúp Mỹ tham gia trực tiếp hơn tại Biển Đông, khẳng định vai trò siêu cường lãnh đạo một cách chính danh, khác với hình ảnh của Trung Quốc - một cường quốc đang trỗi dậy, đã phê chuẩn luật nhưng lại chà đạp lên luật.

Tổng thống Obama khẳng định, dân Mỹ là những người đặc biệt, không phải bởi khả năng thách thức các chuẩn mực quốc tế, mà chính là khả năng áp dụng chúng thông qua các hành động thực tế của mình. Đó chính là lý do khiến Tổng thống Mỹ khẳng định lần nữa quyết tâm đóng cửa nhà tù Guantanamo, vì “giá trị của nước Mỹ và các truyền thống pháp lý không cho phép việc giam giữ vô thời hạn những cá nhân bên ngoài lãnh thổ quốc gia”.

Rõ ràng, trong phác thảo tầm nhìn của ông Obama về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ: “Mỹ đang sở hữu một cái búa tốt nhất nhưng không phải chỗ nào cũng là đinh”.

 

Linh Linh (tổng hợp)