Chính giáo viên và học sinh sẽ thẩm định SGK mới?

21:25 | 06/11/2013

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK, các chuyên gia giáo dục đều cho rằng chính người dạy, người học sẽ trở thành "màng lọc", đối tượng thẩm định chất lượng SGK để lựa chọn ra "sản phẩm" phù hợp nhất.

>> CẤU TRÚC SGK SAU 2015: Lấy học sinh làm trung tâm để thay đổi

>> Xây dựng SGK phải gần gũi với cuộc sống

>> Khuyến khích biên soạn sách giáo khoa theo vùng

Cạnh tranh để nâng cao chất lượng

Lâu nay, dư luận cũng như các nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục đều ủng hộ sử dụng nhiều bộ SGK cho một chương trình học, điều mà nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc áp dụng một bộ SGK chung cho tất cả các vùng miền, cho cả thành thị và nông thôn đã gây ra sự chênh lệch về kiến thức và trình độ một cách rõ rệt. Và chính điều này đã góp phần gây ra những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Vì thế, việc thống nhất một chương trình với nhiều bộ SGK sẽ giúp khắc phục chênh lệch vùng miền và phù hợp với năng lực và mục tiêu giáo dục của địa phương ấy.

Bên cạnh đó, theo Chiến lược chuyên sâu về SGK và tài liệu học tập 2005 của Unesco thì SGK cần thiết cho hoạt động giáo dục chất lượng dành cho mọi người và dựa trên nguyên tắc quyền con người. Đó là sản phẩm của quy trình phát triển chương trình rộng hơn, trong đó tham định, cải cách và điều chỉnh thường xuyên được coi là những thành phần tự nhiên. Nghĩa là việc cùng lúc sử dụng nhiều bộ SGK là điều cần thiết và sẽ mang lại nhiều sự lựa chọn cho học sinh cũng như giáo viên. Tùy vào điều kiện, sự khác biệt mà mỗi vùng miền cần có 1 bộ sách phù hợp với học sinh.

Chỉ sử dụng một bộ SGK dễ dẫn tới chênh lệch giữa các vùng miền.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều bộ SGK sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng. Theo ông Phan Doãn Thoại - Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục (NXB Giáo dục), bộ SGK nào đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học theo phương án đổi mới, được giáo viên và học sinh tín nhiệm thì bộ sách đó sẽ có tính ứng dụng cao. Ngược lại, những bộ SGK vẫn quá tải về kiến thức, nặng về lý thuyết hàn lâm, không tạo được hứng thú học tập cho học sinh thì sẽ tự bị đào thải.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Kế Hào cho rằng, giai đoạn đổi mới giáo dục (triển khai năm 2002) với chỉ một bộ sách duy nhất, nhưng lại rơi vào tình trạng vừa triển khai vừa phải giảm tải mà vẫn chưa yên ổn. Hiện nay, đã phải sử dụng thêm một số tài liệu nhằm đa dạng hóa và lành mạnh hóa hoạt động dạy và học. PGS.TS Nguyễn Kế Hào cũng đề nghị mỗi cấp học cần có vài ba bộ khác nhau để học sinh, giáo viên lựa chọn.

GS. Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình SGK sau năm 2015) cũng cho rằng: “Việc một chương trình – nhiều bộ SGK là nguyên lý cốt lõi cho nhiều nền giáo dục trên thế giới. Bởi trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc học sinh được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, kiến thức là điều không thể tránh khỏi; và việc chúng ta triển khai nhiều bộ SGK sẽ giúp giáo viên, học sinh và cả phụ huynh lựa chọn được nguồn kiến thức đúng và phù hợp nhất”.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh vấn đề cốt lõi vẫn là chương trình học, với vai trò như cái khung mà SGK hay bất kỳ một tài liệu giáo dục, sách tham khảo nào cũng sẽ là “thịt” đắp trên nền cái khung đó, xoay theo cái khung đó. Những bộ SGK do cơ quan hay cá nhân chủ biên, biên soạn đều phải theo chương trình khung này.

Giáo viên là “màng lọc” SGK

Chủ trương một chương trình thống nhất với nhiều bộ SGK là đúng đắn và được cả chuyên gia giáo dục và giáo viên, học sinh đồng thuận. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen sử dụng 1 bộ SGK từ hàng chục năm nay đến việc cùng lúc sử dụng nhiều bộ SGK là chuyện không hề đơn giản, nếu không muốn nói đây sẽ là một cuộc cách mạng thực sự. Việc cho phép tồn tại nhiều bộ SGK sẽ khiến giáo viên và học sinh “bối rối” khi lựa chọn một hoặc nhiều bộ SGK để sử dụng dạy và học.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT cần thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng SGK dựa trên các tiêu chí như: Bộ sách thể hiện được sự đổi mới cách dạy và học, lấy học sinh làm đối tượng trung tâm; khuyến khích sáng tạo, phản biện, bày tỏ quan điểm cá nhân; lược bớt kiến thức hàn lâm và thay vào đó là những kiến thức thiết thực, hữu ích trong cuộc sống, rồi áp dụng tích hợp, liên môn, xuyên môn và theo cách thức tiếp cận năng lực…

Những bộ SGK đáp ứng được tiêu chí của Hội đồng thẩm định sẽ được đưa vào sử dụng trong nhà trường. Hội đồng sẽ không quyết định sử dụng bộ sách nào mà đối tượng lựa chọn sử dụng sẽ là giáo viên và chính các em học sinh.

Ông Phan Doãn Thoại nhấn mạnh: “Một bộ sách không đảm bảo chất lượng phải bị loại bỏ ngay từ khâu tuyển chọn, thẩm định. Người cho phép lưu hành sách sẽ phải chịu trách nhiệm trước cả ngành Giáo dục cũng như xã hội về chất lượng của những bộ sách mà họ cho phép sử dụng trong nhà trường”.

Giáo viên và học sinh chính là đối tượng thẩm định chất lượng SGK mới.

Tuy nhiên về lâu dài, GS. Đinh Quang Báo cho hay vai trò thẩm định cao nhất vẫn là thực tiễn, là đánh giá của chính học sinh và giáo viên. Ông khẳng định: “Với một chương trình chuẩn sẽ có nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ. Như vậy, sự sáng tạo của giáo viên sẽ có độ mở”.

Tại Hội thảo đổi mới SGK theo hướng hiện đại, bền vững được tổ chức vào cuối tháng 10, GS. TS. David O. Kronlid, khoa Giáo dục học (Đại học Uppsala, Thuỵ Điển) khẳng định SGK cũng chỉ là một nguồn tài liệu trong vô vàn các nguồn tài liệu khác và là nguồn tài liệu để giáo viên tổ chức kiến thức cho học sinh. Do đó, lấy tài liệu nào phải trao quyền cho giáo viên, vì chỉ có giáo viên mới hiểu được học sinh của mình cần gì. Vì thế, chính nguồn học liệu phong phú sẽ tạo ra sự sáng tạo, linh hoạt của giáo viên, giúp họ có nhiều cách, nhiều thông tin thuận lợi cho sự phát triển của chính mình cũng như của học sinh.

Còn theo GS Đinh Quang Báo, không phải ai cũng chọn được sách mà phải là những người có chuyên môn. Nhiều quốc gia thường để nhà trường hoặc giáo viên lựa chọn bộ sách tùy theo tính chất giáo dục của họ.

Ở Việt Nam, thời gian qua, trong chương trình trường học mới đã có sự phân cấp nhất định và nhà trường đã được trao nhiều quyền hơn trong việc tự hoạch định kế hoạch, nhân sự, tài chính. Do đó, theo GS. Đinh Quang Báo, trao quyền cho nhà trường lựa chọn bộ SGK là phù hợp nhất: “Mỗi nhà trường sẽ có Hội đồng Giáo dục, thành phần là những giáo viên tham gia giảng dạy, của riêng mình để thẩm định danh mục sách, thăm dò ý kiến học sinh về bộ sách, sau đó sẽ quyết định lựa chọn bộ sách sử dụng chung, thống nhất trong mỗi năm học”.

GS cho rằng điều cốt lõi là mỗi giáo viên cần trở thành một “màng lọc” kiến thức trong SGK, qua quá trình dạy và học, chính các giáo viên này sẽ tự thẩm định chất lượng của bộ SGK đó và sẽ quyết định sử dụng bộ sách nào phù hợp với yêu cầu và mục tiêu giáo dục của cấp học đó.

Nhã Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.