Tự chủ tuyển sinh đại học 2018

Chiêu lạ không tạo bản sắc riêng

07:00 | 12/05/2018

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường đại học (ĐH) tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, việc giao hoàn toàn quyền tự chủ tuyển sinh đã làm nảy sinh nhiều lo lắng, bởi nhiều trường ĐH đã xuất hiện khuynh hướng tuyển sinh kiểu “thích thì làm bằng được”.

Nhiều chiêu thu hút thí sinh

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ chính thức bắt đầu. Thống kê từ Bộ GD&ĐT, có 925.964 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tăng 6,9% so với năm 2017. Trong đó, 688.641 thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ là 455.174, tăng 1,2% so với năm 2017.

Mặc dù có nguồn tuyển dồi dào nhưng hiện các trường ĐH vẫn ra sức tung chiêu để thu hút thí sinh. Còn nhớ, ngay sau khi có quyết định được giao quyền tự chủ tuyển sinh, nhiều trường đã đưa ra các tổ hợp môn thi “lạ” mà trước nay chưa hề có tiền lệ. Đơn cử, khi xét tuyển vào ngành kế toán, tài chính, kỹ thuật, nhiều trường xét tuyển bằng tổ hợp môn: “Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý” hoặc “Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục công dân” - những tổ hợp mà trước đây chỉ sử dụng để xét tuyển khối ngành xã hội.

chieu la khong tao ban sac rieng
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh

Mặc dù chưa tổ chức thi nhưng hàng loạt trường đã công bố điểm sàn xét tuyển với số điểm không thể thấp hơn. Còn muôn vàn hình thức chiêu sinh như: Lập fanpage tuyển sinh; tư vấn tuyển sinh qua mạng xã hội; mở ngày hội tư vấn tuyển sinh…

Chưa dừng lại, nhiều trường sẵn sàng tung hàng loạt mức học bổng khủng để thu hút thí sinh giỏi. Đơn cử, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thông báo thủ khoa vào trường có điểm thi môn ngoại ngữ đạt điểm tuyệt đối 10/10 trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 sẽ được miễn toàn bộ học phí khóa học và tặng một chuyến thăm quan tại Nhật Bản. Chưa kể, thủ khoa của 8 chuyên ngành ngôn ngữ sẽ được cấp học bổng tương đương học phí 1 năm học đầu tiên.

Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng thông báo sẽ miễn học phí toàn khóa học cho 50 thí sinh có điểm thi THPT Quốc gia 2018 từ 25 điểm trở lên. Đặc biệt, trường sẽ dành 150 chỉ tiêu du học Pháp cho tân sinh viên với mức hỗ trợ học bổng toàn phần.

Quan trọng vẫn là chất lượng

Không thể phủ nhận thời gian qua các trường ĐH đã tích cực chuyển mình trong công tác đào tạo với những hình thức đào tạo mới. Nhiều trường triển khai các mô hình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn hoặc đào tạo theo địa chỉ. Nhiều trường còn cam kết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường...

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: “Hạ điểm chuẩn thấp sẽ làm giảm uy tín và thương hiệu, xã hội và thí sinh sẽ nghi ngờ về chất lượng đào tạo của trường. Các trường cần cẩn trọng việc xác định điểm chuẩn xét tuyển để tránh những hệ lụy không tốt cho các đợt tuyển sinh về sau”.

Tuy nhiên, việc bỗng dưng “bùng nổ” các tổ hợp xét tuyển lạ tại một số trường ĐH trong mùa tuyển sinh năm nay phải chăng cũng là một sự “chuyển mình”? Xét cho cùng, việc bảo đảm chất lượng đào tạo vẫn là yếu tố tiên quyết. Chẳng thế mà, công bố mới đây của Bộ GD&ĐT cho thấy, thí sinh cũng không “mặn mà” với các tổ hợp môn thi mới, khi tổ hợp các môn thi truyền thống vẫn có tỷ lệ chọn cao.

Cụ thể, tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00: Toán, Lý, Hóa (gần 31%); D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (27%); A01: Toán, Lý, Anh (12,8%); B00: Toán, Hóa, Sinh (9,5%); C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (10%).

Có thể việc tuyển sinh kiểu “Râu ông nọ cắm cằm bà kia” của một số trường như vừa qua xuất phát từ khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ trách nhiệm trong công tác đào tạo. Bởi, chất lượng “sản phẩm” mới là thước đo để tạo dựng thương hiệu cũng như chỗ đứng của trường trong môi trường giáo dục có nhiều sự lựa chọn như hiện tại.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nói: “Bộ GD&ĐT thường xuyên giám sát các trường trong công tác tuyển sinh. Năm 2018, với các trường có tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo, Bộ đã nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng quy định và đến nay nhiều trường đã điều chỉnh như: ĐH Đông đô, ĐH Công nghệ Đồng Nai… Năm nay, Bộ GD&ĐT để các trường tự xác định ngưỡng đầu vào nhằm bảo đảm quyền tự chủ. Thực tế cũng có một số trường đưa điểm sàn vào đề án tuyển sinh với mức điểm thấp. Tuy nhiên, Bộ đã nhắc nhở và khuyến cáo các trường chỉ công bố điểm sàn khi có điểm thi”.

Có thể khẳng định, việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu thế chung. Cũng không phải đến bây giờ, tự chủ tuyển sinh trong các trường ĐH mới được nhắc đến. Các mùa tuyển sinh trước, theo quy định, các trường ĐH đã tự chủ được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, tất cả các trường này đều không muốn thực hiện bởi đa phần thụ động, muốn tuân theo phương thức tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, một số khác không bảo đảm được tiêu chí về cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, sinh viên… theo quy định. Vậy nên, tự chủ tuyển sinh vẫn là trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi giáo dục ĐH nói chung.

Vậy mới nói, trao quyền tự chủ được ví như “tháo vòng kim cô” để các trường được tuyển sinh phù hợp với đặc thù. Tuy nhiên, tạo dựng bản sắc riêng, tạo thương hiệu uy tín sẽ lâu bền hơn việc dùng “chiêu lạ” để hút thí sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT vẫn cần phải có chế tài quản lý, bởi mỗi mùa tuyển sinh có tới gần 400 trường ĐH, CĐ xét tuyển thì rõ ràng tự chủ trong khuôn khổ vẫn là một điều cần thiết.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 23 trường ĐH công lập, gồm 12 trường có thời gian tự chủ trên 2 năm, 11 trường có thời gian tự chủ dưới 2 năm. Trong đó có 4 trường mới được giao quyết định tự chủ từ tháng 7-2017.

Tuy nhiên, Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thừa nhận, các trường ĐH được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ. Năng lực quản trị của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Huyền Anh