Chiến tranh thông tin không xa vời

07:00 | 12/01/2013

1,256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trật tự thế giới Đông - Tây trong thế giới ảo không hề ảo. Mỹ vừa từ chối không cho Nga và Trung Quốc phá độc quyền trong Internet. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng mới phóng lên không gian một vũ khí để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh thông tin trong tương lai.

Ai đang kiểm soát Internet thế giới?

Tương lai của internet vẫn còn là một dấu hỏi sau khi chỉ có 89/193 nước thành viên của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế (UIT) trực thuộc Liên Hiệp Quốc ký vào hiệp ước mới về quy tắc viễn thông tại hội nghị của tổ chức này kết thúc ngày 14/12/2012 tại Dubai. Có hiệu lực từ năm 1988, hiệp ước này cần phải sửa đổi trước các tiến bộ kỹ thuật mới và các quy định mới trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, lấy cớ đấu tranh chống kiểm duyệt, Mỹ đã không cho phép Nga và Trung Quốc phá độc quyền của người Mỹ trong mạng Internet. Hội nghị đã không đạt được thỏa thuận về việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của UIT sang toàn bộ World Wide Web. Trong lịch sử 147 năm của tổ chức viễn thông thế giới, UIT chưa bao giờ chứng kiến những tranh luận và xung đột gay gắt như tại cuộc họp gần đây nhất ở Dubai. Các đại biểu chỉ có thể thông qua một văn kiện không có nội dung cụ thể mà chỉ nói về việc UIT phải tiếp cận "tích cực hơn" vào không gian Internet.

Hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc

Mỹ, Anh, Australia và một số nước khác đã từ chối ký kết các thỏa thuận này. Vì thế văn kiện là vô dụng. Nga và Trung Quốc đã đề nghị chuyển một số chức năng kiểm soát việc phân phối các địa chỉ web cho các nước thành viên UIT hoặc thành lập một tổ chức mới dưới sự bảo trợ của LHQ. Hiện nay trên thực tế, các công ty của Mỹ có độc quyền trong lĩnh vực này. Ở đây nói trước hết về cơ quan quản lý tên miền trên Internet (ICANN). Tập đoàn này được gọi là độc lập, nhưng trên thực tế, nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Thương mại Mỹ.

Các chuyên gia Nga cho rằng, Mỹ không muốn chia sẻ độc quyền Internet của họ. Tất cả các nguồn tài nguyên lớn, máy chủ, các giao thức của World Wide Web đều bố trí tại Mỹ. “Đã từ lâu, UIT chủ trương thảo ra các quy tắc cụ thể, để tất cả các nước hoạt động trong một lĩnh vực pháp lý do chính họ thành lập. Mọi thứ phải rõ ràng và minh bạch. Nhưng, Mỹ trong nhiều năm không ủng hộ sáng kiến này, không muốn đạt thỏa thuận và nói rằng, họ sẽ tự mình xác định mọi thứ”- Anton Korobkov-Zemlyansky, chuyên gia về truyền thông của Nga cho biết.

Tại hội nghị vừa qua, các nước BRICS, CIS, Bahrain, Arập Xêút, UAE và nhiều nước khác đã ủng hộ sáng kiến của Nga và Trung Quốc. Rất nhiều quốc gia không tán thành việc Mỹ có "đa số áp đảo" trên phương tiện truyền thông mạnh mẽ như Internet.

Một năm trước hội nghị Dubai, Mỹ đã mở rộng chiến dịch quy mô vì "độc quyền" của họ. Tham gia chiến dịch này có Quốc hội, bộ Ngoại giao, bộ Thương mại, tất cả các đại sứ quán Mỹ, các đại diện thương mại, các nguồn tài nguyên Internet của Mỹ. Đến dự hội nghị Dubai, phái đoàn Mỹ gồm hơn 100 quan chức. Họ mô tả sáng kiến của Nga và Trung Quốc như là cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận, âm mưu áp đặt chế độ kiểm duyệt, "xích tay Internet".

Theo giới quan sát Nga, trong đề xuất của Nga không có những điều như vậy. Vấn đề ở đây không phải là kiểm duyệt. Vấn đề chính là công cụ kiểm soát. Mỹ muốn giữ lại các công cụ đó trong tay mình. Còn vấn đề kiểm duyệt chỉ là cái cớ.

UIT là một tổ chức trực thuộc LHQ, bao gồm 193 thành viên cộng đồng thế giới. Điều sửa đổi cuối cùng trong các tiêu chuẩn quốc tế về liên lạc viễn thông đã được UIT thông qua vào năm 1988. Khi đó, trên thế giới chỉ có 4,5 triệu người thuê bao điện thoại di động. Ngày nay, số người thuê bao là 6 tỉ. Số người sử dụng Internet ước tính khoảng 2,5 tỉ người.

Trung Quốc chuẩn bị vũ khí không gian

Cuối tháng 10/2012, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh dẫn đường, tăng số lượng vệ tinh cho hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu của mình đến con số 16. Theo Tân Hoa Xã, vệ tinh trên "sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hoạt động cho hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc". Bắc Đẩu là hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc tương đương với GPS của Mỹ và GLONASS của Nga. Hệ thống này được bắt đầu triển khai ở Trung Quốc vào năm 2000, vệ tinh đầu tiên đã được đưa lên quỹ đạo vào năm 2007. Dự kiến rằng việc hình thành hệ thống định vị của Trung Quốc sẽ được hoàn thành vào năm 2020, các dữ liệu sẽ được truyền cho 35 vệ tinh trên quỹ đạo.

Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc không chỉ có tính năng dân sự, mà còn có ứng dụng quân sự. Đó là thừa nhận của ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Hội đồng quân sự của Ban chỉ huy Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Mỹ không muốn các nước khác phá vỡ thế độc quyền kiểm soát Internet của mình

Tướng Phạm Trường Long nhận định rằng Bắc Đẩu là cơ sở dành cho nhiều hệ thống thông tin. Theo lời ông này, hệ thống được sử dụng, "cả trong mục đích quân sự và dân dụng", có lợi cho đất nước, quân đội và nhân dân, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh và chủ quyền của Trung Quốc.

Tuyên bố của vị quan chức cấp cao Trung Quốc về thành phần quân sự nặng ký của Bắc Đẩu không phải là phát kiến mới mẻ. Giới quan sát quốc tế từ lâu đã cho rằng chiến tranh thông tin hiện đại chỉ đơn giản là không thể thiếu việc sử dụng các vệ tinh dẫn đường cho phương tiện sát thương và các kỹ thuật cơ động. Cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông đã cho thấy điều đó. Trung Quốc hiển nhiên đang chuẩn bị tiến tới loại chiến tranh như vậy. Cách đây chưa lâu, trong chuyến thăm Quân khu Quảng Châu, ông Tập Cận Bình đã tiết lộ rằng rằng quân đội Trung Quốc cần sẵn sàng cho chiến tranh hiện đại. Rõ ràng là hệ thống định vị với hỗ trợ của vệ tinh đóng vai trò rất lớn chính trong cuộc chiến hiện đại.

Theo Yakov Berger, chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, không biết mức sẵn sàng của Trung Quốc để tới chiến tranh thông tin đang ở đâu, nhưng chuẩn bị chiến tranh thông tin là một trong những mục ưu tiên trong chiến lược quân sự Trung Quốc. “Xét theo cách họ đã làm trong việc đưa tàu vũ trụ có người lái lên không gian, phóng vệ tinh quay xung quanh Mặt trăng, thì hoàn toàn rõ rằng Trung Quốc đang tiến bước rất nhanh chóng. Trên thực tế hầu như không có thông tin về bất kỳ thất bại nào của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Liệu họ đã đạt đến trình độ như người Mỹ? Khó có câu trả lời chính xác, nhưng có lẽ là chưa. Nhưng mặt khác có thực tế không cần nghi ngờ là Trung Quốc đang xích gần đến trình độ này”- ông Berger nhận xét.

Chuyên gia Yakov Berger đồng ý với quan điểm rằng hệ thống Bắc Đẩu có thể được sử dụng như là thành tố vô hiệu hóa tên lửa của đối phương tiềm năng. Theo ông, Trung Quốc đang phát triển chương trình không gian toàn diện. Họ phóng tên lửa có thể triệt hạ các tên lửa nước ngoài. Có những phương tiện đặc biệt cả để tạo ra tiếng ồn cả để chặn chuyển giao thông tin. Đương nhiên, họ cũng đã tung ra những virus đặc biệt để ngăn cản phòng thủ tích cực. Bây giờ tất cả những thứ đó là bộ phận của cuộc chiến tranh thông tin này.

Các chuyên gia phân tích quân sự chỉ ra một thực tế là hiện tại những hệ thống thông tin và hệ thông liên lạc của hàng loạt quân đội trên thế giới đang sử dụng hệ thống định vị GPS Mỹ. Nhưng Mỹ có khả năng vào bất kỳ thời điểm nào ngắt mạch hoạt động của toàn bộ hoặc một phần hệ thống dẫn hướng - định vị. Dưới góc độ đó, hệ thống Bắc Đẩu Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của GPS Mỹ.

H.Phan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc