Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ: Không thể muốn là có tất cả

14:25 | 07/01/2012

616 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Vừa muốn tăng cường sự hiện diện, xây dựng “trục” ở châu Á và một hàng rào chống lại bất ổn ở Trung Đông lại vừa muốn cắt giảm ngân sách quốc phòng, ông Obama với chiến lược quốc phòng cho nước Mỹ mới công bố của mình dường như đã muốn nhiều hơn những thứ có thể chọn lựa.

>> Tổng thống Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới

Ông Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới trong 10 năm tới của nước Mỹ hôm 5/1

Hôm 5/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama và các cố vấn quốc phòng hàng đầu của ông đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ đang ở “thời kỳ chuyển tiếp” từ một thập niên chiến tranh sang một thời đại của những thách thức mới, bao gồm một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và một Iran “cứng đầu, cứng cổ” ở Trung Đông.

Điều này không có gì khó hiểu vì đây là một trong những hành động đi kèm với chính sách đối ngoại “Thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ với tuyên bố chuyển trọng tâm ngoại giao, kinh tế, chiến lược,… vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng cái mà người ta đang lờ mờ hoài nghi là sau khi bị cắt giảm 487 tỷ USD ngân sách trong thập kỷ tới, Bộ Quốc phòng Mỹ liệu có đủ các nguồn lực để thực hiện mục tiêu xây dựng những “trục” với “hàng rào” như chiến lược đã đề ra hay không?

Trục khu vực châu Á – Thái Bình Dương là cần thiết bởi khu vực này đang đi tắt đón đầu, sẵn sàng trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21. "Mọi xu hướng – địa chính trị, nhân khẩu học, kinh tế và quân sự – đang đổ về Thái Bình Dương. Mọi thử thách chiến lược của chúng ta trong tương lai sẽ đều đến từ khu vực này” – báo New York Times dẫn lời tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey nhận định.

Thật vậy, đến năm 2015, các nước Đông Á dự kiến sẽ vượt qua Bắc Mỹ và khu vực châu Âu để trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới. Cơ hội thị trường sẽ chỉ tăng lên khi khu vực này bổ sung thêm 175 triệu người vào năm 2030. Khi lợi ích của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát triển, sự hiện diện ngoại giao và quân sự cũng cần phát triển cân xứng để bảo vệ và chống lại các mối đe dọa tiềm năng đối với những lợi ích của Mỹ tại đây.

Từ quan điểm của Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là những đại diện cho mối đe dọa quân sự nghiêm trọng nhất đối với an ninh khu vực. Trung Quốc liên tục tăng cường hiện đại hóa quân sự và trở nên cứng rắn trong chính sách đối ngoại với các nước láng giềng trong 2 năm qua. Trong khi đó, sự ra đi của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il cùng sự chuyển đổi lãnh đạo ở đất nước này có thể dẫn đến khả năng gây hấn quân sự lớn hơn khi người kế vị trẻ tuổi Kim Jong Un tìm cách củng cố quyền lực và chứng minh sự kiểm soát của mình với thứ “đồ chơi” là vũ khí hạt nhân trong tay.

Nhận thấy những mối nguy hiểm tiềm năng, một số nước châu Á đã yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện ngoại giao và quân sự trong khu vực, do đó, nước Mỹ vẫn có lý do để có thể là người bảo lãnh cuối cùng của hòa bình và an ninh. Một nước Mỹ quyết tâm tăng cường sự hiện diện của mình trên tất cả các mặt trận ngoại giao, kinh tế, quốc phòng sẽ trấn an các đồng minh đang lo lắng về sự suy giảm của Mỹ, đồng thời khẳng định sự cam kết vững chắc đối với an ninh châu Á.

Tuy nhiên, trong khi khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng thì sự bất ổn trên khắp Trung Đông – từ Tunisia đến Pakistan vẫn còn làm cho khu vực này trở thành khu vực bất ổn nhất trên thế giới. Mùa xuân Ả Rập đã mang lại một loạt những thay đổi chính trị và định hình lại các khu vực theo một chiều hướng khó lường. Iran tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân và gần đây đã đe dọa đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz – “động mạch quan trọng nhất của hệ thống vận chuyển dầu quốc tế”. Bị mắc kẹt ở giữa biến động là Israel, một đồng minh thân cận truyền thống và trụ cột chính của chiến lược an ninh trong khu vực này của Mỹ. Trong khi đó, quan hệ Mỹ – Pakistan tiếp tục lao dốc, khiến ảnh hưởng của Mỹ ở đất nước có vũ khí hạt nhân và được coi “nơi trú ẩn” cũng như “tiếp tay” cho khủng bố và là “quốc gia nguy hiểm nhất thế giới” giảm sút vô cùng.

Giữa những nguy hiểm này, lợi ích của Mỹ ở Trung Đông phần lớn vẫn không thay đổi: đảm bảo dòng chảy xăng dầu từ một khu vực lưu trữ tới 51% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu đã được chứng minh, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và chống lại các mối đe dọa (dù đã giảm bớt) nhưng vẫn còn rất nguy hiểm từ khủng bố Hồi giáo. Do đó, việc bảo vệ những lợi ích không nghi ngờ này sẽ đòi hỏi sự tham gia tích cực của quân đội Mỹ trong 10 năm tới, mặc dù điều này chắc chắn không nhất thiết có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ lặp lại chiến dịch chống nổi dậy chuyên sâu của các thập kỷ qua.

Mục tiêu và lý giải cho việc xây “trục” hay “hàng rào” là vậy nhưng chuyện “thắt lưng buộc bụng” lại là một câu chuyện khác.

Bộ Quốc phòng Mỹ đang phải đương đầu với biện pháp cắt giảm ngân sách tới 487 tỉ USD, tương đương với 8% toàn bộ ngân sách quốc phòng trong thập niên tới. Gần 500 tỉ USD khác cũng có thể được quốc hội thông qua vào những tháng tới giữa lúc Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ đang tìm các phương cách để giảm mức thâm hụt trong ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, Tổng thống Obama cam kết quân Mỹ sẽ vẫn có "khả năng phản ứng nhanh, linh hoạt và sẵn sàng phản ứng với tất cả tình huống bất ngờ và đe dọa”.

Nhưng do nguồn lực bị cắt giảm, Bộ Quốc Phòng nói sẽ không còn lớn mạnh đủ để thi hành những cuộc hành quân ổn định lớn và kéo dài tại những quốc gia gặp xáo trộn. Quân đội Mỹ sẽ chỉ tham chiến trên một mặt trận trong một thời điểm và ngăn chặn sự gây hấn ở một mặt trận khác

Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta chưa đưa ra những con số cắt giảm cụ thể, nhưng những “lĩnh vực” bị cắt giảm được dự báo sẽ gồm giảm quân số, giảm nhân viên dân sự và hoãn một số chương trình mua sắm vũ khí, trong đó có một tàu sân bay. Theo ông Panetta, những cắt giảm này đòi hỏi phải lựa chọn khó khăn nhưng cuối cùng vẫn liên quan đến “những rủi ro chấp nhận được”.

Ngay cả Trung Quốc – đối thủ của Mỹ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu qua báo chí trong nước cũng cho rằng kế hoạch cắt giảm gần 500 tỉ USD trong ngân sách quốc phòng 10 năm tới sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn không nhỏ, và Mỹ khó lòng trở thành bá chủ khu vực châu Á – Thái Bình Dương nếu tiếp tục đối đầu với Trung Quốc và rằng: “Trung Quốc sẽ không để yên nếu Mỹ độc chiếm châu lục này”.

Và từ đây, người ta không thể không đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về việc liệu Hoa Kỳ có thể tiếp tục đóng vai trò trung tâm trên trường quốc tế nữa hay không?

Phương Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc