Chết đứng vì cá tra!

19:00 | 12/01/2013

739 lượt xem
|
(Petrotimes) - Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đang ở mức 19.500 – 20.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi cá tra phải chịu lỗ khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg cá. Tình hình này khiến không ít nông dân điêu đứng.

Nếu như những năm trước nghề nuôi cá tra có thể coi là một nghề giúp nông dân làm giàu thì mấy năm gần đây tình hình ngược lại, nông dân nuôi cá tra điêu đứng bởi giá cá tra sụt giảm nghiêm trọng trong khi chi phí đầu vào vẫn tăng cao.

Ông Cao Lương Tri - Chủ trại cá tra phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang chia sẻ: “Mười mấy năm theo nghề này chưa bao tôi thấy cá tra bị rớt giá thê thảm như hiện nay. Vừa qua, tôi bán hơn 5.000 tấn cá tra, thua lỗ cả chục tỷ đồng. Với mức giá thấp như hiện nay, tôi phải “treo” 15 ha diện tích ao nuôi cá tra nhằm chờ giá mới.

Khó khăn khi giá cá tra sụt giảm, nhiều nông dân có xu hướng “treo ao” thậm chí bán thốc bán tháo để nghỉ nuôi và bỏ nghề. Chính vì vậy, diện tích ao nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long những năm gần đây cũng giảm đáng kể.

Theo Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến Thủy sản An Giang, cả tỉnh có trên 1.300 ha diện tích ao nuôi cá tra nhưng đến thời điểm hiện nay có đến 70% nông dân “treo ao”. Chính vì diện tích “treo ao” ngày càng tăng nên sản lượng thu hoạch cũng giảm đáng kể. Năm 2012, cả tỉnh An Giang thu hoạch được 260.000 tấn cá tra nhưng năm 2013 dự kiến sản lượng cá tra sẽ tiếp tục giảm.

Thị trường cá tra đang rơi vào tình trạng cung vượt cầu

Kinh tế khủng hoảng, mặt hàng cá tra xuất khẩu giảm, doanh nghiệp trong nước hoạt động cầm chừng, lượng cá nguyên liệu trong dân tới lứa xuất bán nhiều, doanh nghiệp không mua kịp, lượng cung nhiều, cầu ít nên dễ dẫn đến tình trạng nông dân bị “ép giá”.

Ngoài ra, hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu bỏ vốn đầu tư mua, thuê đất để tự nuôi cá nên khi đầu ra có vấn đề doanh nghiệp cũng phải “ưu tiên” tiêu thụ cá tra do mình nuôi và “ép giá” cá tra của nông dân. 

Ông Cao Lương Tri bày tỏ: “Thế giới công nhận cá tra của Việt Nam rất ngon nhưng không hiểu sao Việt Nam lại bán giá thấp. Hiện nay, với mặt hàng cá tra, doanh nghiệp được toàn quyền định giá mua, bán, không có cơ quan nào can thiệp, chế tài. Điều này chứng tỏ giá cá tra đang bị thả nổi và người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là nông dân”.

Nông dân phải bán cá tra nguyên liệu với mức giá dưới giá thành sản xuất là tình trạng thường xuyên xảy ra trong những năm qua. Không phải  khi xuất khẩu gặp khó khăn giá cá tra nguyên liệu mới bị sụt giảm nghiêm trọng, mà ngay cả thời điểm xuất khẩu tốt giá cũng giảm.

Ông Lê Trung Dũng - Tổng Thư ký Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến Thủy sản An Giang bày tỏ quan ngại: “Nếu tình hình này cứ kéo dài đến một lúc nào đó chúng ta phải đóng cửa ngành cá tra. Người chăn nuôi không muốn tái đàn bởi đầu ra thấp, đầu vào tăng cao. Nhà nước đang để cho người chăn nuôi cá tra “tự bơi”. Với nguồn vốn hỗ trợ 9.000 và 38.000 tỷ trong năm 2012 áp dụng cho ngành cá tra đến nay người nông dân và doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa thể chạm vào. Như vậy, có thể thấy rằng, Chính sách Nhà nước hỗ trợ cho con cá tra đã có nhưng việc thực hiện chính sách lại là vấn đề khác”.

Để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, nông dân mong muốn Nhà nước có những chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất cho ngành này, đồng thời quản lý một cách có hệ thống đối với người nuôi, doanh nghiệp, ngân hàng,… nhằm liên kết các bên lại với nhau, chia sẻ khó khăn và nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng cá tra trên thị trường.

Mai Phương