“Chạy” xếp hạng di tích?!

19:13 | 11/10/2014

1,032 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên vừa bị khởi tố vì những hành vi khuất tất trong việc chiếm đoạt tiền giải quyết hồ sơ xếp hạng và trùng tu di tích. Sự việc thêm một lần khiến dư luận băn khoăn về những con người làm công tác quản lý, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Và đặc biệt, phải chăng căn bệnh “háo danh” di tích đang ngày càng phổ biến?

Năng lượng Mới số 364

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thái Nguyên vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Lê Chí Lam - Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo Cơ quan điều tra, thời gian từ năm 2011 đến 2013, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ông Lam đã nhận 295 triệu đồng của các Ban quản lý, Ban hộ tự các đình, đền, chùa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để lo lót, giải quyết các thủ tục, hồ sơ xếp hạng di tích và phục dựng, tôn tạo đình, đền, chùa. Sau khi nhận tiền, Lê Chí Lam không thực hiện những điều cam kết mà chiếm đoạt số tiền đó cho cá nhân. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phát hiện ông Lam đã nhận tiền xin việc của nhiều người rồi chiếm đoạt tài sản.

“Chạy” xếp hạng di tích?!

Một số di tích lịch sử bị trùng tu như “xây mới”

Câu chuyện “chạy xếp hạng di tích” này thực sự đã khiến dư luận xã hội bàng hoàng, bởi từ trước đến nay, người ta chỉ biết đến “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy quan”, “chạy chức”… chứ mấy ai lại “chạy di tích”? Xét về mặt ngữ nghĩa, di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử; có nghĩa là một công trình được gọi là “di tích” phải tồn tại trong một thời gian dài và có ý nghĩa nhất định với đời sống văn hóa, tinh thần của con người. Từ việc “chạy di tích” này, rõ ràng đã có một sự giả mạo lịch sử để trục lợi cá nhân.

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia không tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tin ông Lê Chí Lam bị tạm giam vì liên quan đến việc “chạy” xếp hạng di tích cũng như trùng tu di sản. Ông Thịnh nói: “Tôi cũng nghe nhiều nơi nói về chuyện “chạy” xếp hạng”. Vấn đề là phải tìm ra logic tại sao lại có chuyện “chạy” như vậy. Và logic của vấn đề này, theo ông Thịnh, chính là chuyện danh và lợi. Có lẽ di tích cũng không thoát khỏi dòng chảy danh lợi khốc liệt của xã hội và di tích càng tự hào thì càng khiến người ta đua chen.

Người có tội, phải chịu tội thì hẳn rồi. Nhưng qua sự việc của ông Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên người ta mới vỡ lẽ ra rằng, chính các nhà chùa, các ban quản lý di tích có nhu cầu rất lớn trong việc lên đời di tích nên mới đưa “phong bao” để “chạy”. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, xã này có di tích cấp tỉnh thì xã kia cũng tìm cách có di tích cấp tỉnh, huyện nọ có di tích cấp quốc gia thì huyện kia cũng tìm cách có di tích cấp quốc gia... Cứ thế các nhà quản lý di tích cứ nháo nhào làm hồ sơ, thi nhau làm dự án. Và cứ thế, “chạy di tích” trở thành một nghề kiếm tiền dễ dàng và nhanh chóng!

Địa phương nào cũng muốn có di tích được xếp hạng. Người ta khát danh hiệu di tích vì nó cũng là một kiểu làm sang. Nào là di tích cấp tỉnh đã đành, rồi thì di tích cấp quốc gia, rồi di tích cấp quốc gia phải là di tích cấp quốc gia đặc biệt, rồi đến di tích được UNESCO công nhận di sản thế giới. Ông lãnh đạo nào cũng nghĩ tỉnh mình phải có di tích đó thì mới sang.

Bên cạnh đó, những tiêu cực trong việc công nhận di sản còn nằm nhiều hơn ở lợi ích. Cơ chế phân bổ ngân sách cũng khiến các địa phương muốn “chạy” danh hiệu, “chạy” trùng tu. Di tích càng được đề cao thì đồng nghĩa với việc các khoản chi từ ngân sách cho di tích càng được ưu tiên. Bởi theo một số nhà quản lý địa phương, muốn được tiền ngân sách nhà nước để trùng tu di sản thì di sản đó phải có danh hiệu. Chương trình mục tiêu quốc gia luôn ưu tiên di tích đặc biệt quan trọng trước. Sau đó tiền mới rót cho di tích cấp quốc gia. Với cấp tỉnh thì phải dùng ngân sách của tỉnh. Tỉnh miền núi nghèo hẳn nhiên sẽ khó khăn không có tiền cho di sản. Vì thế, việc “chạy di tích” cũng cần thiết.

Mặc dù hiện tại, chưa có kết luận chính thức về việc phạm tội hay chưa, mức độ phạm tội của ông Lê Chí Lam liên quan đến việc “chạy” danh hiệu di tích, dự án trùng tu di tích. Song, dường như cơ chế hoạt động của ngành văn hóa hiện nay đang khiến người ta dễ dàng muốn cầm tiền đi “chạy” danh hiệu, dự án như vậy.

Ngoài chuyện “chạy di tích” đang diễn ra tràn lan ở khá nhiều địa phương, dư luận xã hội cũng đang hoang mang, phẫn nộ về sự yếu kém, thiếu hiểu biết của những người làm công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử.

Còn nhớ năm 2012, di tích chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) đã bị phá nát và đang trên đà xây mới dưới danh nghĩa “trùng tu, tôn tạo”. Khu vực nhà Tổ và gác khánh với những cấu kiện cổ, có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời đã bị dỡ xuống bán tháo; thay vào đó là những cột, kèo bóng lộn màu vecni. Điều đáng ngạc nhiên là “công trường xây dựng” tại chùa Trăm Gian đã diễn ra được cả tháng trời, hiện vật cổ lẫn lộn với cột kèo mới nhưng lãnh đạo huyện vẫn không biết gì và mặc kệ cho di tích bị “xẻ thịt” và “bức tử”. Trước đó, suối Giải Oan nổi tiếng trong khu thắng tích Yên Tử - Uông Bí, Quảng Ninh đã bị cắt xẻ tan nát, lòng suối bị khoét rộng để cắm cầu và xuất hiện lầu xi măng diêm dúa. Đình Yên Phụ ven Hồ Tây thơ mộng cũng từng không thoát khỏi cơn bão trùng tu ào ạt để mới hóa chỉ trong thời gian ngắn. Tại chùa Phật Tích - Tiên Du, Bắc Ninh, trong quá trình trùng tu chùa, chân móng tháp đồ sộ cũng được phát hiện nhưng không ngăn được một cơ ngơi mới mẻ mọc lên…

Không ai có thể phủ nhận giá trị quan trọng của di tích lịch sử văn hóa đối với đời sống tinh thần một cộng đồng, bởi di tích dù lớn hay nhỏ cũng giống như sợi dây nối quá khứ - hiện tại. Thế nhưng, nếu như điều trước kia từng là nỗi ngạc nhiên của dư luận thì dần dần đã trở nên phổ biến đến mức quen thuộc. Đó là mỗi lần một ngôi đình, ngôi chùa bị trùng tu vội vã, thiếu nghiên cứu, thiếu khoa học đến mức gần như trở thành phá hoại, thì bài học đau xót không đủ vọng đến nhiều công trình khác được trùng tu sau đó. Và mỗi khi một công trình được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia hay cấp quốc gia đặc biệt thì ai ai cũng phải đặt câu hỏi về sự xứng đáng và giá trị của công trình đó.

Vậy là đã có di sản bị làm cho biến dạng, méo mó thì rồi sẽ tiếp tục có những di sản khác phải bước lên “đoạn đầu đài”. Sau mỗi lần trùng tu, mỗi lần di tích được công nhận một cách bừa phứa, cẩu thả, người ta thường “rút kinh nghiệm” và “rút bài học sâu sắc”, thế nhưng liệu còn bao nhiêu di tích lịch sử bị phá nát, bị chà đạp thì mới có đủ kinh nghiệm và bài học?

Theo các chuyên gia, thật ra việc phong danh hiệu quá nhiều cho di tích như hiện nay là điều vô bổ. Vì sao? Đó là vì điều quan trọng nhất đối với mỗi di sản là nó phải có đời sống thực trong cộng đồng chứ không phải là việc công nhận danh hiệu như là một phong trào như hiện nay.

Một đất nước luôn tự hào là có bề dày 4.000 năm lịch sử nhưng hầu như không có di tích trăm năm nào được bảo tồn nguyên vẹn cả. Đó là một sự thật đáng báo động. Và thực tế là những giá trị văn hóa đang bị xâm hại, bị vấy bẩn bởi chính một số người làm văn hóa. Và nếu tiếp tục như thế, hẳn là ngày “cơ bản phá xong và làm mới toàn bộ hệ thống di tích, di sản” trên toàn quốc xem ra không còn xa nữa!

Khánh An