Châu Âu vứt bỏ chiếc bánh vẽ của Mỹ

16:10 | 16/09/2016

1,009 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Châu Âu đã chính thức ngừng đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương với Mỹ (TTIP). Lý do là vì Mỹ vẽ ra những viễn cảnh kinh tế tươi sáng về một thị trường rộng lớn trong khi thực tế lại không như vậy.
tin nhap 20160916160504
Người dân châu Âu biểu tình phản đối Hiệp định TTIP

Năm 2013, sau khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, ông Barack Obama đề nghị cùng với Liên minh châu Âu tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung trên cơ sở Washington và Bruxelles cùng có chung các chuẩn mực về y tế, về an toàn, về môi trường và xã hội trong các hoạt động thương mại và đầu tư.

Nhà Trắng đặc biệt chú ý đến vế hàng rào phi quan thuế vì muốn cùng với châu Âu có chung một tiếng nói để làm đối trọng với nhà vô địch về xuất nhập khẩu là Trung Quốc: Mỹ muốn tránh để Trung Quốc, với số lượng hàng hóa quá lớn đang tràn ngập thị trường quốc tế, nay mai áp đặt luôn cả luật chơi trên thị trường, chẳng những về giá cả mà còn luôn cả về các tiêu chuẩn an toàn, hay lao động, xã hội.

Để thuyết phục châu Âu đồng ý thương lượng, Mỹ nêu ra những lợi thế của một thỏa thuận TTIP như: một khi khu vực tự do mậu dịch với 820 triệu dân đi vào hoạt động, Mỹ và EU mỗi bên sẽ thu vào thêm được 100 tỷ USD nhờ xóa bỏ các hạn ngạch xuất nhập khẩu và chuẩn mực phi quan thuế; TTIP cũng sẽ là chiếc đũa thần tạo thêm 2 triệu công việc làm cho Lục địa Già.

Luật chơi đề ra ban đầu tương đối đơn giản, dựa trên hai nguyên tắc: một là giảm hạn ngạch thuế xuất nhập khẩu để thúc đẩy mậu dịch hai chiều. Hai là có chung những chuẩn mực giữa Âu và Mỹ để hàng hóa, cũng như các dịch vụ của mỗi bên dễ dàng thâm nhập vào thị trường của phía bên kia hơn.

Vấn đề đặt ra là hai đối tác lại không có cùng quan điểm. Tiêu biểu nhất là cuộc đọ sức từ hàng chục năm nay trên vấn đề ngô chuyển đổi gen (OGM). Người Mỹ từ lâu đã quen với ngô OGM. Pháp và châu Âu vẫn cấm ngũ cốc, lương thực chuyển đối giống.

Sau 14 vòng đàm phán mở ra liên tiếp trong ba năm qua, TTIP vẫn hoàn toàn bế tắc vì rất nhiều lý do. Thứ nhất, cho tới tháng 5/2016 khi tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tiết lộ gần 250 trang nội dung vòng đàm phán thứ 13 giữa hai bờ Đại Tây Dương, công chúng châu Âu mới biết được về nội dung và khác biệt quan điểm của mỗi bên. Nói cách khác, các cuộc thương lượng liên tiếp giữa Âu và Mỹ là một chiếc hộp đen mà không ai biết là có những gì trong đó.

Lý do thứ hai là từ khi vòng đàm phán đầu tiên được khởi động vào giữa năm 2013, đôi bên vẫn không giải tỏa được nỗi ám ảnh và lo sợ của đối phương. Chuyên gia kinh tế Thomas Porcher, Đại học Paris 1 Sorbonne nhấn mạnh đến khả năng mỗi bên khai thác và diễn giải thỏa thuận theo hướng của mình để áp đặt luật chơi lên đối phương. Ông nói: “Trong tất cả những văn bản đàm phán, có rất nhiều từ ngữ cao siêu, đòi hỏi phải có một trình độ chuyên môn cao mới hiểu được. Nhưng thực chất thì đấy là những tài liệu ‘rỗng tuếch’. Không một thí dụ cụ thể nào được nêu lên, không một lĩnh vực nào được nêu đích danh, không một chuẩn mực cụ thể nào về y tế, về lao động, môi trường … được nhắc tới. Để rồi khi bước vào giai đoạn cuối của các vòng đàm phán, thì các bên dựa vào cái được gọi là ‘sự công nhận lẫn nhau’ để đưa ra đồng thuận.

Theo tôi, cách đàm phán đó nguy hiểm ở chỗ: chúng ta thừa biết sức mạnh thuộc về phía nào áp đặt được những chuẩn mực của mình với đối phương. Hiện nay, tất cả các đại tập đoàn đa quốc gia đều đã có những chuẩn mực của họ và không một ai dễ gì chấp nhận thay đổi những chuẩn mực đó để đi theo người khác.

Phải công nhận là các đại tập đoàn Mỹ vừa đông lại vừa mạnh, họ lại có khả năng vận động hành lang rất cao. Tôi không tin là nhóm này dễ dàng nhượng bộ châu Âu. Điều đó có nghĩa là phía Bruxelles sẽ phải đàm phán rất gay gắt”.

Lý do thứ ba khiến công luận châu Âu muốn chôn vùi TTIP càng sớm càng tốt là do từ trước tới nay, các thống kê của EU thường vẽ ra những viễn cảnh kinh tế tươi sáng trước những kế hoạch thành lập một thị trường chung, một đại gia đình châu Âu, một thị trường rộng lớn … Thực tế thường không được như vậy.

Thống kê của EU chỉ ra rằng với TTIP kể từ năm 2027, mỗi năm toàn khu vực sẽ thu về được thêm 110 tỷ Euro. Phe bài TTIP cho rằng, con số này là quá ít ỏi, không chính xác bởi vì, mức được hay thua của từng ngành nghề, không đồng đều.

Về tính thực hư của các con số được nêu ra, nhà nghiên cứu Elvire FABRY trung tâm Institut Jacques Delors, đặc trách về hồ sơ TTIP thận trọng cho rằng Hiệp định này không đem lại phép lạ cho tăng trưởng và công việc làm tại châu Âu. Ông nói: “Điều mà chúng ta chờ đợi là TTIP sẽ là một đòn bẩy, một cú hích, giúp thương mại và việc làm của châu Âu vững mạnh hơn. Hiệp định này không là chiếc đũa thần”.

Xét cho cùng, thử hỏi rằng TTIP giúp gì cho châu Âu trong những mục tiêu quan trọng là đem lại đà tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho 18 triệu người thất nghiệp, thu hẹp bất công xã hội và chống biến đổi khí hậu?

Chưa biết tương lai khu vực tự do mậu dịch chung Âu-Mỹ đi về đâu, và dù bênh hay chống, thực tế cho thấy TTIP còn đầy gian nan: cho dù Bruxelles và Washington có đạt được đồng thuận, hiệp định chỉ chính thức có hiệu lực một khi được chính phủ toàn bộ 28 thành viên EU và sau đó là đến lượt Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Bước thứ ba là Hiệp ước phải có được sự đồng thuận của hơn 500 triệu công dân trong Liên minh châu Âu.

Về phía Mỹ, gần như chắc chắn là Chính quyền Obama sẽ không còn tồn tại khi Âu-Mỹ đồng ý về TTIP. Chủ nhân Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, dù là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump sẽ không thiết tha với TTIP như chính quyền mãn nhiệm của ông Obama.

H.Phan

AP, AFP, Reuters

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc