Châu Âu: Chính trị gia hết thời

11:09 | 22/11/2011

727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc bổ nhiệm các chuyên gia kinh tế ở Hy Lạp và Italia được nhìn nhận là lời khẳng định những quốc gia này muốn chú trọng tới kinh tế.

Chỉ vài ngày sau khi ông George Papandreous từ chức khỏi vị trí Thủ tướng Hy Lạp, đến lượt ông Silvio Berlusconi cũng rời bỏ chức vụ Thủ tướng Italia. Dường như lục địa già đang muốn hướng tới sự thay đổi: ít coi trọng giá trị cũ hơn mà thay vào đó lại tập trung vào các vấn đề kinh tế so với trước. Vì thế, hai chuyên gia kinh tế lên thay hai vị cựu thủ tướng trên cũng không làm nhiều người ngạc nhiên và đó không được xem là một vấn đề mà là lời khẳng định rằng, những nước này đang chú trọng tới hoạt động kinh tế của nước họ. Cụ thể trong trường hợp của Italia, sự ra đi không kèn không trống của ông Silvio Berlusconi hồi cuối tuần qua là sự giải tỏa căng thẳng về mặt chính trị đeo đẳng thị trường trái phiếu của nước này trong cả tuần trước. Việc các ông Lucas Papademos và Mario Monti lên làm thủ tướng tạm quyền lần lượt ở Hy Lạp và Italia liệu có thể nói đó là sự lên ngôi của chính phủ kỹ trị ở châu Âu?

Thủ tướng tạm quyền Hy Lạp Lucas Papademos

Lựa chọn tất yếu

Kỹ trị là gì?
Kỹ trị (tiếng Anh là Technocrat) có nguồn gốc từ “tekhne” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “khéo léo” hay “nghệ thuật”. Khác với các chính trị gia, các nhà kỹ trị đưa ra quyết định dựa trên thông tin chính xác chứ ít khi dựa trên ý kiến dư luận. Đó là lý do tại sao các nhà kỹ trị thường được trọng dụng trong các thời điểm khó khăn, khủng hoảng. Các nhà kỹ trị đã từng có thời kỳ lên ngôi thời Liên Xô cũ khi nhà nước này lúc bấy giờ là nơi tập hợp rất nhiều chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực khác nhau nhằm có thể hiểu ngọn ngành xem bộ máy chính phủ vận hành ra sao.

Sự lên ngôi của các nhà kỹ trị là sự tương phản với khái niệm “ocracy”, là một từ bắt nguồn từ “demos” trong tiếng Hy Lạp – có nghĩa là của người dân. Ông Papademos và ông Monti chắc hẳn không có gì phải lo lắng về việc mình không được bầu trực tiếp thông qua bầu cử. Cựu Ủy viên châu Âu Monti hồi tuần trước đã được chỉ định làm Thượng nghị sĩ trọn đời của Italia ngay trước khi ông được đề nghị thành lập chính phủ trong khi ở Athens, ông Papademos, một cựu quan chức ngân hàng trung ương, được đưa lên thay thế cho người tiền nhiệm của ông là Papandreous – người đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng là muốn tổ chức trưng cầu ý dân về chính sách thắt lưng buộc bụng. Các nhà dân chủ rõ ràng đang phải nỗ lực để thực hiện được chính sách cắt giảm lương và các khoản cắt giảm chi tiêu khác đối với người dân ở khu vực Nam Âu.

Ngoài ra, việc các nhà kỹ trị lên nắm quyền còn là do vấn đề chuyên môn khi châu Âu muốn các nhà lãnh đạo của mình phải vực dậy được nền kinh tế đang trên đà suy thoái theo một tinh thần chuyên nghiệp của một nhà kỹ trị. Qua đó, họ phải nỗ lực theo đuổi một nguyên tắc nghiêm khắc là bằng mọi cách trước tiên phải giảm được quy mô nợ công. Và khi các chính trị gia bất lực trong việc tìm được lời giải cho bài toán nợ công này, thì cờ được trao vào tay các nhà kỹ trị. Các nhà kỹ trị luôn là con người của tình thế và trước mắt thì châu Âu đang cần họ và việc thay đổi chính phủ ở Hy Lạp và Italia phần nào cũng trấn an được thị trường và phần nào làm cho tình hình không trở nên tồi tệ hơn.

Mặt trái của vấn đề

Tuy nhiên, sự lên ngôi của chính phủ kỹ trị cũng có mặt trái của nó. Trước hết, đó là việc nó đi ngược lại với các giá trị dân chủ. Có lẽ, Hy Lạp và Italia cần các nhà kỹ trị vào thời điểm hiện tại để có thể ra những quyết định không hợp lòng dân nhưng thật khó để công chúng chấp nhận việc này lâu. Những người phản đối cắt giảm chi tiêu sẽ tiếp tục phản đối họ bất kể việc liệu những quyết định đó là do các chính trị gia hay các nhà kỹ trị đưa ra. Ngoài ra, việc ông Papademos và ông Monti đều là những nhà kỹ trị “châu Âu” có thể đem lại ấn tượng rằng các thể chế siêu quốc gia của châu Âu hiện nắm quyền kiểm soát trực tiếp hoạt động ra chính sách ở Athens và Rome.

Thủ tướng tạm quyền Italia Mario Monti

Các nhà kỹ trị có thể giành được sự ủng hộ trong thời gian ngắn hạn nhưng rốt cuộc có thể phải đối mặt với sự phản đối ngày càng gia tăng. Nói cách khác, cả ông Papademos và ông Monti đều có thể không nắm quyền được lâu. Hy Lạp dự kiến sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm 2012 còn Italia có thể tiến hành bầu cử trong năm tới hoặc có thể trước giữa năm 2013. Lúc đó, các chính trị gia sẽ sớm trở lại.

Với việc chỉ mới có hai quốc gia Tây Âu gặp khó khăn trông chờ vào các nhà kỹ trị của mình, vẫn còn quá sớm để nói rằng “các nhà kỹ trị đang lên ngôi”. Quả thực, nhiều quốc gia gặp phải khó khăn về kinh tế cũng đã cố gắng tránh các chính phủ như vậy. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng sẽ còn có một số chính phủ kỹ trị lên nắm quyền ở châu Âu trong vài năm tới.

Viễn cảnh cho Italia thời hậu Berlusconi

Sự kết thúc của Silvio Berlusconi, người phải ra đi trong tiếng cười chế nhạo của những người biểu tình có thái độ thù địch, có khả năng gây ra một biến động chính trị lớn ở Italia, giống như sự biến động mà đã từng đưa ông lên nắm quyền 17 năm trước. Đây là nhận định của phóng viên Barry Moody của Reuters trong bài phân tích có tiêu đề “Sự ra đi của Berlusconi có thể gây động đất chính trị ở Italia” đăng trên mạng điện tử www.trust.org ngày 14/11.

Theo bài viết, mặc dù sự kết thúc đầy nhục nhã của ông trùm truyền thông nổi tiếng là một tay chơi này, người đã bị các đám đông la ó là “chú hề” khi ông từ chức thủ tướng vào ngày 12/11, chắc chắn đã đánh dấu một bước ngoặt, nhưng những gì sẽ diễn ra tiếp theo vẫn hết sức bấp bênh. Vivien Schmidt, Giáo sư bộ môn Quan hệ quốc tế tại Trường đại học Boston nói: “Thoát khỏi Berlusconi là kết thúc một kỷ nguyên. Nhưng liệu đó có phải là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, hay là sự khởi đầu của một tiến trình tan rã chậm chạp lại là một câu hỏi lớn”.

Vấn đề quan tâm hiện nay vẫn là, Italia trong hoàn cảnh sa lầy ở cuộc khủng hoảng nợ sẽ phát triển theo xu hướng nào trong thời kỳ hậu Berlusconi. Nhưng vấn đề quan trọng hơn không phải là ai sẽ lãnh đạo Italia mà là đất nước này sẽ làm thế nào để vượt khó. Những lùm xùm xung quanh số phận chính trị của Berlusconi làm dấy lên mối lo ngại rằng, Italia đang tốn quá nhiều thời gian vào việc thành lập một nội các mới thay vì để tâm đến cuộc chiến chống lại cuộc khủng hoảng nợ.

Hồng Sơn

Vân Huy

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc