Đối phó với khủng hoảng di cư:

Châu Âu “bên lở, bên bồi”

07:00 | 20/09/2015

1,674 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây hai tuần, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn nhận được sự tán dương của gần như cả thế giới khi táo bạo sửa đổi quy chế tị nạn, mở rộng cửa đón những người di cư từ Syria. Vậy mà, chỉ một tuần sau đó, quốc gia đầu tàu Liên minh châu Âu (EU) đã bất ngờ đảo ngược cam kết, khôi phục kiểm soát biên giới và các luật về người tị nạn, lập lại hoạt động của các chốt kiểm soát trên biên giới với Áo.

Quyết định của nước Đức không chỉ cho thấy dấu hiệu quá tải và lúng túng của Berlin trước làn sóng di dân và tị nạn biến động liên tục từng ngày, mà còn dự báo chủ trương bảo vệ tự do lưu thông trong EU, cũng như đoàn kết trong khối, trước cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Trước khi cuộc họp khẩn cấp của EU theo đề nghị của Đức, Áo về vấn đề này vào ngày 22/9 tới có thể tìm được giải pháp thông qua kế hoạch phân bổ 120.000 người di cư đang tạm trú ở Hy Lạp, Italia và Hungary, cần phải xem xét xem gốc rễ của khủng hoảng di cư hiện nay là gì, người xin tị nạn là những ai, đến từ đâu? Liệu cuộc khủng hoảng di dân này là gánh nặng hay cơ hội với EU?

chau au ben lo ben boi
Một cảnh sát Đức cho một em bé di dân Syria đội mũ của mình trong lúc chờ xe bus ở Munich

Những người xin tị nạn đến từ đâu?

Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, làn sóng di dân hiện nay chủ yếu là những nạn dân chạy trốn chiến tranh, xung đột từ Syria, nhưng những dữ kiện từ cơ quan thống kê Eurostat của EU lại cho thấy một thực tế khác. Cuộc khủng hoảng di cư hiện nay đã manh nha từ trước, ít ra là từ đầu năm. Trong Quý I năm nay, dẫn đầu các nước, nơi “xuất cảng người tị nạn” lần lượt là: Kosovo (26% trong tổng số); Syria (16%); Afghanistan (7%); Albania (4%) và Iraq (4%). Dữ kiện này cho thấy có sự khác biệt về nguyên nhân tị nạn.

Có thể đa số người tị nạn đến từ các nước có chiến tranh hay xung đột sắc tộc, tôn giáo như Syria, Afghanistan và Iraq, nhưng rõ ràng, ở những nơi, những nước không bị nội chiến như Kosovo hay Albania mà có người xin tị nạn chỉ có thể xuất phát từ lý do kinh tế. Họ không trốn chiến tranh ở quê nhà mà tìm sự thịnh vượng ở châu Âu. Những người này tìm cách vào châu Âu qua các ngả như Macedonia để vào Hy Lạp, Serbia để vào Hungari, Áo. Khi bị chặn thì họ lại xoay sang ngả khác, như Romania hay Croatia và đẩy sức ép từ Hy Lạp qua Italia.

Đối với những đối tượng “tị nạn kinh tế” như vậy, việc nhiều nước châu Âu khắt khe, đòi xác định lại tiêu chuẩn tị nạn để giải tỏa sức ép tại biên giới của họ là dễ hiểu, cho dù bản thân họ cũng lường trước được nguy cơ mâu thuẫn về quan điểm và chính sách với các thành viên khác của EU khi “soi” vào vấn đề quyền tự do lưu thông và di trú trong Hiệp ước Schengen; đồng thời vấp phải làn sóng chống hội nhập và bài ngoại ngay trong nước họ. Thực tế, mâu thuẫn này đã xảy ra giữa Đức với Hungary, Áo; giữa Italia với Pháp…

Cũng theo dữ kiện từ cơ quan thống kê Eurostat, trong Quý I năm nay, Đức đứng đầu trong số các quốc gia nhận được nhiều đơn tị nạn nhất, sau đó là Hungary, Italia, Pháp, Thụy Điển, Áo, Anh, Bỉ, Bulgaria, Hy Lạp, Hà Lan, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm của tổng số đơn xin tị nạn tại từng nước lại khác biệt quá lớn. Đức được di dân “chiếu cố” nhiều nhất với tỷ lệ 39,6% số đơn, Hungary đứng thứ hai với 17,8% số đơn, sau đó là Italia với 8,2% và Pháp với 8,0%. Với những nước có nguồn lực hạn chế như Hungary, Áo thì làn sóng  di dân rõ ràng gây áp lực rất lớn cho họ.

Gánh nặng hay cơ hội với EU?

Liên minh châu Âu ước tính, sự chuyển động của dòng người tị nạn sẽ tạo ra một nhu cầu cho 200.000  nơi ở vào cuối năm nay. Một cơ chế phân bổ người di cư bắt buộc đã được đề xuất và Đức cũng đã đề nghị cắt giảm viện trợ những nước từ chối hạn ngạch phân bổ tiếp nhận người tị nạn, nhưng đã bị EU bác bỏ.

Công luận một số nước như Tây Ban Nha, đang có mức thất nghiệp 22,7%, đương nhiên sẽ cảm thấy khó chịu và xem sự hiện diện của người tị nạn vừa đặt chân vào lãnh thổ châu Âu như một mối đe dọa tiềm tàng cho công ăn việc làm của họ. Mặc dù 69% công luận Đức ủng hộ việc đón nhận người nhập cư nhưng dư luận châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng cũng xem người nhập cư là một gánh nặng, khi biết rằng chính phủ của bà Merkel sau khi thông báo mở rộng vòng tay đón người tị nạn đã phải tăng thêm 6 tỉ Euro trong ngân sách Nhà nước. Khoản tiền trên nhằm bảo đảm cung cấp nơi ăn chỗ ở cho khoảng 800.000 người nhập cư mà Berlin sẵn sàng đón nhận trong năm 2015. Ngoài ra còn phải kể tới gần 2 tỉ tiền trợ cấp dành cho những người xin tị nạn khi họ tới đất nước của “Mẹ Merkel” - như cách mà hàng trăm nghìn người tị nạn đã tôn xưng bà Merkel trong mấy tuần qua.

Bên cạnh đó, việc tiếp nhận làn sóng người di cư trong đó có người theo đạo Hồi chiếm đa số cũng là một vấn đề khiến nhiều nước châu Âu đau đầu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng bất chấp mọi chỉ trích về phân biệt tôn giáo, sắc tộc khi tuyên bố thẳng thừng rằng chính phủ của ông có quyền quyết định không muốn có một số lượng lớn người Hồi giáo ở nước mình.

Trong bối cảnh ảm đạm đó, thật khó để thuyết phục rằng người di cư không phải là gánh nặng của EU. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn quả quyết cho rằng, làn sóng di dân luôn đem lại thịnh vượng và tăng trưởng cho các quốc gia tiếp nhận người nhập cư.

Nhìn lại kinh nghiệm của Tây Ban Nha trong thời gian từ năm 2000 đến 2008, cho dù có lúc đội ngũ lao động nhập cư chiếm tới 1,5% dân số toàn quốc,  nhưng đấy cũng là giai đoạn kinh tế Tây Ban Nha đã phát triển rất mạnh với nhịp độ trung bình 4% một năm. Vào đầu những năm 2000, tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha lên tới 12% nhưng đến năm 2007 thì đã hạ xuống còn có 8,3%.

Trở lại với hoàn cảnh hiện tại của châu Âu, chuyên gia Patrick Artus thuộc Ngân hàng đầu tư Pháp Natixis nhận định trong một báo cáo gần đây rằng, chính vì châu Âu đang trong thời kỳ tăng trưởng thấp nên càng phải “cởi mở chính sách nhập cư”. Theo vị chuyên gia này, “mở rộng cánh cửa với người tị nạn mang lại cho châu Âu cơ hội “không chỉ để tôn vinh vị trí của mình như một Liên minh dân chủ, giàu có và tôn trọng truyền thống, mà còn thúc đẩy tăng trưởng”.

Tính toán cụ thể, mỗi năm Đức thiếu 400.000 người lao động. Khoản thiếu hụt đó sẽ nhân lên gấp đôi trong 5 năm nữa. Như vậy, chỉ tới năm 2020 Đức sẽ thiếu đến 800.000 nhân lực để đóng góp cho cỗ xe kinh tế. Kèm theo đó là những hậu quả tai hại cho đà tăng trưởng, các quỹ xã hội và quỹ lương hưu của quốc gia này. Do đó, chuyên gia người Pháp này không ngạc nhiên khi Berlin đề ra mục tiêu tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm nay.

Holger Schmieding, nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Berenberg của Đức cũng ước tính rằng, sự xuất hiện của những người tị nạn có thể giúp tăng sản lượng kinh tế trong khu vực đồng euro lên 0,2%, kể từ nửa cuối năm 2015.

Phía giới chủ Đức, Pháp cũng tỏ ra ủng hộ việc đón nhận người nhập cư. Trên tờ Le Monde số ra ngày 8/9/2015, Chủ tịch nghiệp đoàn của giới chủ Pháp, ông Pierre Gattaz cho rằng: “Đón nhận người nhập cư vừa là một nghĩa vụ vừa là một cơ hội cho nước Pháp”. Về mặt nhân đạo đó là một nghĩa vụ và theo ông Gattaz, nước Pháp không thể quay lưng lại với một trong 3 giá trị đạo đức cơ bản nhất hình thành nên nền Cộng hòa của mình, đó là bác ái.

Còn về mặt kinh tế, lãnh đạo nghiệp đoàn giới chủ của Pháp nhận thấy rằng, những người tị nạn đang tìm đến châu Âu đa số là những thành phần khá giả, có học thức và hầu hết họ còn rất trẻ (50% là những người dưới 25 tuổi). Họ là nguồn nhân lực quý báu trong bối cảnh dân số của châu Âu nói chung và của Pháp nói riêng đang trên đà lão hóa.

Chủ tịch hiệp hội các tập đoàn công nghiệp của Đức, ông Ulrich Grillo cũng đã tỏ ra hết sức thực tế: kinh tế Đức đang thiếu nhân công. Trong mùa hè năm nay, trên toàn quốc có 80.000 chỗ làm dành cho các thực tập viên bị bỏ trống. Về lâu dài, những người nhập cư hôm nay sẽ là đôi tay làm ra của cải, là động lực cho guồng quay kinh tế, duy trì sự thịnh vượng của nước Đức.

Tuy nhiên, cả đại diện của giới chủ ở Pháp lẫn chủ tịch hiệp hội các tập đoàn công nghiệp của Đức đều lưu ý: để người nhập cư thực sự trở thành một đòn bẩy cho đà tăng trưởng, thì trước hết chính phủ phải chịu đầu tư và tốn kém trong ngắn hạn để giúp họ hòa nhập và bắt kịp nhịp sống của các quốc gia đón nhận người nước ngoài.

 

Linh Phương

Năng lượng Mới 458

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc