Công nghiệp Dầu khí Việt Nam:

Chặng đường nửa thế kỷ xây dựng và phát triển

08:21 | 18/05/2015

|
(PetroTimes) - Dòng dầu khí chảy từ Thượng nguồn sang Trung nguồn rồi đến Hạ nguồn, xuất phát từ con suối nhỏ chảy ra sông lớn đổ ra biển cả đại dương. Đó là hành trình của Công nghiệp Dầu khí đi tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển và chế biến vàng đen quý hiếm trên đất nước Việt Nam.

Hơn năm mươi năm qua dòng chảy đó vẫn chảy và đã làm nên các thành tích to lớn góp vào dòng chảy chung của Dân tộc. Từ những bước đi chập chững ban đầu trong những năm 1960, ngày nay Dầu khí đã trưởng thành và lập nên ngành Công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Tiến tới 55 năm ngày truyền thống và 40 năm Ngành Dầu khí Việt Nam, chúng ta hãy điểm lại mấy nét chấm phá của bức tranh toàn cảnh Dầu khí Việt Nam.

Bước chập chững ban đầu, 1961-1975

Ngày 27/11/1961, Đoàn thăm dò dầu lửa (Đoàn 36) ra đời, mở đầu một thời kỳ hoạt động dầu khí có tổ chức trên đất nước Việt Nam. Ngày 27 tháng 11 được Nhà nước công nhận là Ngày Truyền thống Dầu khí Việt Nam. Đây là một thời kỳ sơ khai, với vài trăm cán bộ công nhân đoàn 36 có nhiệm vụ tiến hành công tác địa vật lý và khoan dầu khí ở đồng bằng Sông Hồng và vùng trũng An Châu.

Từ năm 1969 công tác thăm dò dầu khí đã phát triển mở rộng cả về quy mô và phạm vi hoạt động trên miền Bắc Việt Nam. Kể từ đấy,Việt Nam bắt đầu nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ thăm dò địa vật lý tiến tiến của Liên Xô, bao gồm các phương pháp thăm dò địa chất-đia vật lý và khoan. Trong thăm dò, địa vật lý đã sử dụng một hệ các phương pháp Từ, Trọng lực, Địa chấn phản xạ, Điện cấu tạo, Địa vật lý Giếng khoan. Công tác khoan vẽ bản đồ đến chiều sâu 150-160 m, khoan cấu tạo đến 1.200 m, khoan Thông số và Tìm kiếm sâu đến 2.400-4.253m. Kết quả công tác khoan đã khẳng định kết quả thăm dò địa vật lý, chính xác hoá cấu trúc địa chất của tam giác châu sông Hồng, phát hiện các vết dầu và vỉa khí trong trầm tích Đệ Tam. Ngày 18 tháng 3 năm 1975 phát hiện mỏ khí Tiền Hải với trữ lượng xác minh đến 1,3 tỉ mét khối đã đánh dấu sự kiện nổi bật của 15 năm tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam.

Công tác nghiên cứu tổng hợp tài liệu địa chất-địa vật lý, khoan đã cho một bức tranh khá rõ ràng về cấu kiến tạo, địa tầng trầm tích, đặc điểm địa hoá của trầm tích Đệ Tam miền võng Hà Nội. Khu vực này được đánh giá “có triển vọng về khí là chủ yếu tuy không lớn, còn về dầu thì với mức độ còn ít hơn”. Nghiên cứu vùng trũng An Châu còn có các ý kiến khác nhau về triển vọng và không triển vọng. Kết quả nghiên cứu địa chất dầu khí ở đồng bằng sông Hồng và An Châu cho phép nhận định rằng theo hướng ra biển thì triển vọng dầu khí tốt hơn trong đất liền.

Trong giai đoạn này, ở miền Nam nhờ vào đầu tư và công nghệ nước ngoài, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng được triển khai ở thềm lục địa miền Nam. Kết quả đã xác định được 3 bể trầm tích chủ yếu là Saigon-Brunei (Bể Nam Côn Sơn), Mêkong (Bể Cửu Long) và vịnh Thái Lan (Bể Malai-Thổ Chu). Trên cơ sở tài liệu địa vật lý đã phát hiện các cấu tạo có triển vọng dầu khí như Bạch Hổ, Đại Hùng, Mía, Hồng, Dừa... Ngày 11/02/1975 lần đầu tiên dòng dầu thô được phát hiện trong giếng Bạch Hổ - 1X có giá trị thương mại. Kết quả nghiên cứu các giếng khoan trên đã khẳng định sự tồn tại dầu khí ở các bể trầm tích khu vực thềm lục địa phía Nam.

Đặc điểm nổi bậc của giai đoạn 1961-1975 là tinh thần tự lực và sáng tạo rất cao của Việt Nam trong lĩnh vực Dầu khí. Từ những năm đầu chập chững còn thiếu nhiều kiến thức và kinh nghiệm, ta đã nắm bắt và áp dụng các công nghệ tiền tiến thế giới vào thực tiển dầu khí Việt Nam. Ngoài kết quả thu nhận được một khối lượng tài liệu địa chất-địa vật lý phong phú, qua đây cũng đã đào tao được một lớp cán bộ khoa học kỹ thuật dầu khí có trình độ cao và kinh nghiệm thực tế, một đội ngũ công nhân lành nghề. Có thể nói là đồng bằng Sông Hồng - miền võng Hà Nội là cái nôi khai sinh và nuôi dưỡng công tác Dầu khí để chuẩn bị cho thời kỳ phát triển rực rỡ sau nầy trên toàn quốc.

Về chế biến, dầu khí

Từ những năm 1959-1970 ở miền Bắc Việt Nam đã có vài thử nghiệm chưng cất đá dầu Đồng Ho, chưng cất condensat ở mỏ khí Tiền Hải, sử dụng khí nông Thái Bình. Các công việc này chỉ là sự “tập dượt” về chế biến dầu khí.

Năm 1973, Tổng cục Hóa chất trình Chính phủ “Tờ trình về phương hướng xây dựng các nhà máy chế biến dầu mỏ và hóa dầu” : miền Bắc sẽ xây dựng 2 nhà máy lọc hoá dầu, một hợp tác với Trung Quốc với công suất 3 triệu tấn/năm địa điểm dự kiến ở Côn Sơn - Kiết Bạc và một nhà máy với công suất 4,5 triệu tấn/năm hợp tác với Liên Xô và các nước khác địa điểm dự kiến ở Núi Đính (Ninh Bình). Song các dự án về lọc dầu và hoá dầu ở cả miền Bắc và miền Nam vì nhiều lý do khác nhau, đã không triển khai được.

Hình thành ngành Dầu khí Việt Nam,1975-1990

Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam được thành lập, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển công nghiệp dầu khí Việt Nam. Đó là tổ chức Dầu khí nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất toàn quốc bao gồm các khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến và phân phối dầu khí. Ngày 03 tháng 9 là thành lập Ngành Dầu khí Việt Nam.

Trong giai đoạn này công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai rộng rãi trên toàn quốc, trên hầu hết các bể trầm tích chứa dầu khí, kể cả đất liền và thềm lục địa.

Thăm dò dầu khí ở bể Sông Hồng

Sau 1975, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ở phía Bắc được tiếp tục phát triển trên đất liền và mở rộng ra vịnh Bắc Bộ, thuộc phạm vi bể trầm tích Sông Hồng, bao gồm diện tích đồng bằng Sông Hồng và Thềm lục địa phía Bắc. Ngoài Công ty Dầu khí I và Công ty Địa vật lý còn có các hợp đồng chia sản phần dầu khí PSC với các công ty dầu khí nước ngoài hoạt động trên hầu hết các khu vực của bể Sông Hồng.

chang duong nua the ky xay dung va phat trien

Khí phun tại GK-61 ngày 18/3/1975

Trong thời gian này điều đáng ghi nhận là chủ trương hướng hoạt động thăm dò ra vùng biển. Để triển khai “Phương án thăm dò địa chấn điểm sâu chung và trọng lực đáy ở vùng nước nông ven bờ vịnh Bắc Bộ”, cuối năm 1978 con tàu địa chấn đầu tiên mang tên Bình Minh đã ra đời để thực hiện phương án khảo sát địa chấn phản xạ vùng Tây Bắc vịnh Bắc Bộ. Theo kết quả nghiên cứu trước 1980 khu vực Vịnh Bắc Bộ được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn, Chính phủ đã cho phép các công ty nước ngoài thăm dò khai thác một số lô trên khu vực này. Các công ty Total (Pháp), Idemíu ( Nhật), OMV (Áo), Septer (Canada ), PetroFina (Bỉ), Shell (Hà Lan) đã tiến hành đo địa chấn và khoan thăm dò ở Vịnh Bắc Bộ và Tây Hoàng Sa, nhưng không phát hiện dầu khí thương mại. Ở Lô 115 thuộc biển Thừa Thiên-Huế, công ty IPL(Thuỵ Sỹ) đã tiến hành thăm dò địa chấn và khoan. Kết quả tìm kiếm thăm dò ở phía Nam bể Sông Hồng, BP (Anh) đã phát hiện khí có thành phần khí CO2 cao, có nơi đến 95% .

Thăm dò khai thác dầu khí ở bể Cửu Long

Công ty dầu khí Nam Việt Nam trực thuộc Tổng cục Dầu khí được thành lập ngày 16/11/1975, có nhiệm vụ quản lý và điều hành công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở phía Nam Việt Nam. Trong cơ cấu tổ chức của Công ty có các đoàn 21 và 22. Đoàn địa chất dầu khí 21 đã được tiến hành nghiên cứu địa chất vùng rìa phía Đông và rìa phía Tây đồng bằng Sông Cửu Long cũng như một số đảo nhỏ lân cận. Kết quả đã đưa ra được nhận định về địa chất , đó là căn cứ để nghiên cứu cấu trúc của móng trước Đệ tam của toàn bể Cửu Long. Đoàn địa vật lý 22 đã triển khai công tác địa vật lý ở đồng bằng sông Cửu Long và ven biển Đông Nam Bộ. Năm 1977 đoàn Dầu khí đồng bằng Cửu Long được bổ sung nhiệm vụ khoan, nhằm tiếp tục công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở vùng này.

Sau khi khoan các giếng khoan CL-1 ở Cửu Long và HG-1 ở Hậu Giang không phát hiện dầu khí, năm 1981 Tổng cục Dầu khí quyết định dừng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ở đồng bằng sông Cửu Long, để tập trung công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam, nơi được đánh giá là có triển vọng lớn về dầu khí.

Năm 1978 Tổng cục Dầu khí đã ký hợp đồng dầu khí với một loạt các công ty dầu khí nước ngoài để thăm dò khai thác dầu khí ở vùng biển Việt Nam. Các công ty DEMINEX (Tây Đức), BOW VALLEY (Canada) và Agip (Ý) đã tiến hành công tác địa vật lý và khoan ở thềm lục địa miền Nam, nhưng không phát hiện được dầu khí thương mại nên đã chấm dứt hoạt động và rút khỏi Việt Nam.

Năm 1980 Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí thềm lục địa Việt Nam. Từ đó các tàu nghiên cứu khoa học Poisk, Iskatel , Gambursev, Malưgin (Liên Xô) đã thực hiện khảo sát từ, trọng lực, địa chấn với mạng lưới khu vực, phủ toàn thềm lục địa Việt Nam từ vịnh Thái Lan đến vịnh Bắc Bộ, nhằm nghiên cứu cấu trúc và đánh giá tiềm năng các bể trầm tích đệ Đệ Tam Việt Nam. Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt Xô (Vietsovpetro) được thành lập ngày 19-6-1981 đẻ tiến hành các họat động thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long (các lô 09 và 16) và sau này ở mỏ Đại Hùng (lô 05 bể Nam Côn Sơn). Ngày 26/6/1986, sản xuất tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ thuộc bể Cửu Long. Năm 1988 phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ móng đá granit nứt nẻ ở mỏ Bạch Hổ với dòng dầu tự phun, có lưu lượng đạt tới 407 tấn/ngày đêm và mỏ này được xếp vào trong số các mỏ có trữ lượng dầu khí lớn nhất Đông Nam Á. Sau Bạch Hổ, nhiều mỏ dầu mới ở tầng móng như Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc… đã lần lượt được phát hiện và đưa vào khai thác. Việc phát hiện và khai thác dầu khí trong móng granit nứt nẻ là một thành tựu có giá trị to lớn về khoa học và kinh tế. Các thành quả này đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất dầu khí trên thế giới.

Trong những năm 1988-1990, các hợp đồng chia sản phẩn (PSC) ký với các công ty nước ngoài như ONGC, Shell (Anh-Hà Lan) - Fina (Bỉ), Total (Pháp), BP, Enterprise Oil (Anh) và CEP (Pháp) được triển khai ở vịnh Bắc Bộ và thềm lục địa phía nam, đã cho kết quả bước đầu tương đối khả quan, được xem là bước đột phá, dẫn đường cho hàng loạt các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Chuẩn bị cho công nghiệp lọc hóa dầu

Từ những ngày đầu Tổng cục Dầu khí đã triển khai công việc chuẩn bị phát triển ngành chế biến dầu khí, đã đề xuất kế hoạch xây dựng 2 nhà máy lọc hóa dầu 5-6 triệu tấn/năm hợp tác với Liên Xô, Pháp và Nhật. Các ban chuẩn bị xây dựng Khu Liên hợp lọc hóa dầu số 1 ở phía Bắc (Tĩnh Gia ,Thanh Hoá) và khu Liên hợp lọc hóa dầu số 2 ở phía Nam (Thành Tuy Hạ, Đồng Nai) đã được thành lập, các xưởng chưng cất thử nghiệm dầu thô, lọc dầu mini cũng đã được chuẩn bị xây dựng. Các dự án xây dựng nhà máy lọc hoá dầu được đề ra từ rất sớm, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên các dự án này không được thực hiện.

Trong 15 năm Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó, đã định hình những lĩnh vực chủ chốt của ngành công nghiệp dầu khí, chuẩn bị nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới của Công nghiệp Dầu khí Việt Nam

Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam(TCTDKVN),1990-2006

Theo chủ trương của Nhà nước, từ 1990 Tổng cục Dầu khí không còn chức năng quản lý nhà nước và được giải thể, ngành Dầu khí chuyển sang hình thức mới, trở thành đơn vị sản xuất kinh doanh. Trên tinh thần đó ngày 06-7-1990 Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (TCTDKVN- PETROVIETNAM) được thành lập, tiếp tục đảm nhiệm các công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác, chế biến, dịch vụ và thương mại dầu khí. Đây là một bước ngoặt quan trọng, kể từ thời điểm này hoạt động ngành Dầu khí có những chuyển biến mạnh theo hướng doanh nghiệp nhà nước.

Luật Dầu khí ra đời ngày 19-7-1993, chính thức xác định vai trò chủ đạo của TCTDKVN trong hoạt động dầu khí ở Việt Nam, thực hiện chủ trương của nhà nước về đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế theo” chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”

Ở miền Bắc, công việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí tiếp tục được triển khai, công tác thăm dò địa vật lý được đẩy mạnh để chính xác hóa các cấu tạo, làm cơ sở cho việc khoan tìm kiếm dầu khí ở đồng bằng Sông Hồng. Hợp đồng PSC với công ty Anzoil –Úc (1993-2002) đã tiến hành thu nổ 2.200 km địa chấn và 10 giếng khoan thăm dò, kết quả đã phát hiện dầu không thương mại trong giếng khoan B10 và khí ở giếng khoan D14 ở Thái Bình. Khu vực này được công ty Morel Prom (M&P) của Pháp tiếp tục thăm dò nhưng không thành công.

Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ thuộc bể Sông Hồng có nhiều công ty dầu khí nước ngoài hợp tác tìm kiếm thăm dò dầu khí, như Idemítu, Total, Petronas Carigali, OMV, Septre Resources, Shell, Vietgazprom. Trong vùng Tây Trường Sa cũng có các hoạt động tim kiếm thăm dò của các công ty IPL, BP, BHP. Trên vùng giáp ranh với Trung Quốc cũng có các hoạt động tự điều hành của Petrovietnam.

Từ năm 1990 hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở bể Cửu Long phát triển mạnh mẽ, các nhà thầu đã tiến hành thu nổ hàng chục nghìn kilomét địa chấn và hàng trăm giếng thăm dò. Kết quả đã phát hiện được nhiều mỏ dầu và khí như Ruby, Topaz North, Peal, Diamond, Emirald, Cá Ngừ Vàng, Đồi Mồi, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Rạng Đông, Phương Đông, Tê Giác Trắng, trong đó phần lớn đã được đưa vào khai thác.

Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở bể Nam Côn Sơn từ nhiều năm trước, nay được tiếp tục mạnh mẽ hơn. Nhiều hợp đồng dầu khí được triển khai, các nhà thầu đã tiến hành thu nổ hàng chục ngàn kilômét địa chấn và khoan thăm dò hàng trăm giếng. Kết quả đã phát hiện được nhiều mỏ dầu khí có giá trị như Lan Tây, Lan Đỏ, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch, Mộc Tinh... trong đó các mỏ Đại Hùng, Lan Tây, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây đã được đưa vào khai thác.

Thăm dò dầu khí ở bể Malay-Thổ Chu vẫn có từ trước, song từ sau năm 1990 hoạt động này trở nên sôi động hơn bởi các hợp đồng với các công ty Fina Exploration Minh Hải, IPL-Talisman, Unocal-Chevron, đặc biệt là thoả thuận giữa Việt Nam và Malaysia về khu vực chồng lấn (PM3-CAA). Các công ty đã tiến hành đo địa chấn, khoan hàng trăm giếng thăm dò và thẩm lượng. Kết quả đã phát hiện hàng loạt các mỏ dầu và khí như Bunga Ketwa, Bunga Raya, Bunga Orkid, Bunga Seroja, Cái Nước, Sông Đốc, Kim Long, Ác Quỷ... Trong đó các mỏ Bunga Ketwa, Bunga Raya, Bunga Orkid, Bunga Seroja, Cái Nước (Lô 46), Sông Đốc đã được đưa vào khai thác.

Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các vùng nước sâu Biển Đông đã có các khảo sát địa vật lý của Tổ hợp Mandrel, Liên đoàn Địa vật lý Thái Bình Dương (Liên Xô) ở khu vực Tư Chính - Vũng Mây, các công ty của Mỹ Alpin, Marine Acoustal Service đã khảo sát ở khu vực Trường Sa, công ty Western Geophysical khảo sát khu vực miền Trung (bể Phú Khánh) và Hoàng Sa của Việt Nam.

Từ năm 1993 Tổng công ty Dầu khí triển khai dự án TC-93, tiến hành khảo sát gần 20.000 km địa chấn bằng tàu Akadimik Gambursev (LB Nga) nhằm nghiên cứu cấu trúc địa chất và đánh giá tiềm năng dầu khí bể Tư Chính-Vũng Mây. Ở đây đã khoan giếng thăm dò PV-94-2X đến chiều sâu 3.300m, song chưa phát hiện dầu khí. Trong khu vực này cũng đã có các hợp đồng với các công ty ConocoPhilips, Shell ký hợp đồng PSC thăm dò dầu khí.

Đề tài cấp nhà nước nghiên cứu “Đặc điểm địa chất và tiềm năm dầu khí vùng Quần đảo Trường Sa cho thấy chiều dày trầm tích Mezo/Cenozoic có thể đạt tới 5-6 km, Trên cơ sở tài liệu khảo sát địa vật lý của công ty GSI (Mỹ), Viện Dầu khí Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng dầu khí ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa và thềm lục địa miền Trung, đã đưa ra một số nhận định sơ bộ về triển vọng dầu khí của khu vực này.

Trong cuối giai đoạn này, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho chiến lược phát triển kinh tế đất nước, vấn đề đầu tư thăm dò khai thác ở nước ngoài đã được TCTDKVN đặt ra từ năm 1998. Từ năm 1999-2000 một loạt các dự án này được triển khai ở Mông Cổ, Malaixia, Irac, Algeri, Indonesia, Venezuela, Nga, Uzbekistan...

Các dự án thu gom, vận chuyển và xử lý khí

Tính đến năm 1990 khí đồng hành ở các mỏ Bạch Hổ, Rồng và các mỏ khác bị đốt bỏ rất lãng phí trong quá trình khai thác dầu thô. Nhằm khắc phục tình trạng này, từ năm 1994, PVN đã lập quy hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp khí Việt Nam. Dự án đầu tiên là đầu tư xây dựng các công trình thu gom, vận chuyển và chế biến khí mỏ Bạch Hổ.

Đường ống dẫn khí từ Bạch Hổ vào bờ dài 115 km, cung cấp 2-3 triệu m3 cho nhà máy điện Phú Mỹ và nhà máy xử lý khí LPG Dinh Cố thuộc Bà Rịa-Vũng Tạu. Dự án khí Nam Côn Sơn là dự án trọng điểm nhà nước.

chang duong nua the ky xay dung va phat trien

Khai thác dầu thô tại mỏ Đại Hùng 1994

Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn dài 370 km, hàng ngày đưa gần 20 triệu m3 khí từ mỏ Lan Tây-Lan Đỏ vào bờ phục vụ cho khu công nghiệp Phú Mỹ.

Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau từ khu vực PM3-CAA, thuộc vùng “Thoả thuận thương mại “giữa Việt Nam và Malaysia” ở vùng biển Tây Nam, cung cấp khoảng 4 triệu m3 khí khô/ngày cho cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau.

Triển khai các dự án Lọc - Hoá dầu

Dự án xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 tại Dung Quất-Quảng Ngãi đã được xây dựng từ nhiều năm trước, qua nhiều thăng trầm hợp tác với tổ hợp các công ty Pháp, Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan rồi đến Nga, nhưng chưa được triển khai hoàn chỉnh. Chỉ đến cuối năm 2003 mới được PVN tiếp nhận triển khai theo hình thức tự đầu tư. Đây là một trong những dự án kinh tế lớn trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21 có công suất tối đa của nhà máy là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Trong dự án Liên hợp lọc-hoa dầu Nghi Sơn-Thanh Hoá, năm 2006 PVN với sự hợp tác của Nhật Bản và Kuwait đã bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy lọc dầu số 2 với công suất 9,7 triệu tấn dầu thô/ năm.

Năm 2006 Chính phủ cho phép TCTDKVN chọn địa điểm Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu để xây dựng nhà máy lọc dầu thứ 3 vời hình thức liên doanh với nước ngoài hoặc tự đầu tư.

Cuối năm 2004 nhà máy đạm Phú Mỹ khánh thành và đưa vào sản xuất với sản lượng 800.000 tấn/năm.Trong giai đoạn này các dự án hoá dầu khác được đầu tư xây dựng như nhà máy chế biến condensat Thị Vải, Bà Rịa Vũng Tàu chính thức được đưa vào sản xuất với công suất 130.000 tấn xăng /năm, nhà máy Polypropylen với công suất 150.000 tấn/năm; Nhà máy sợi Polyester Đình Vũ-Hải Phòng, nhà máy đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn/năm.

Như vậy trên đoạn đường 16 năm PVN đã phát triển và trưởng thành như một doanh nghiệp dầu khí hoàn chỉnh trong các khâu thăm dò- khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến, thương mại đến các hoạt đông dịch vụ dầu khí .

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - PVN, từ 2006

Nhằm triển khai “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, ngày 9-3-2006 Chính phủ cho quyết định thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển tàng trữ, chế biến, dịch vụ dầu khí ở trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn này Tập đoàn đã hoàn thành khảo sát địa chấn phục vụ cho việc xác định biên giới biển ngoài thềm lục địa ở Biển Đông, góp phần quan trọng để bảo vệ biên giới và an ninh biển đảo Việt Nam.Tàu địa chấn Bình Minh 2 được đưa vào vân hành ngày 20-5-2009 là bước phát triển quan trọng của Địa vật lý biển Việt Nam, phục vụ cho công tác điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên dầu khí.

Công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí được tiếp tục triển khai tích cực ở trong nước. Tập đoàn Dầu khí đã ký được 30 hợp đồng dầu khí. Đã có gần 30 phát hiện dầu khí mới ở các bể Sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu. Kết quả khai thác dầu khí trong những năm nay đạt tổng sản lượng trên 118 triệu tấn quy dầu, đạt mốc khai thác 300 triệu tấn quy dầu vào tháng 8-2009.

chang duong nua the ky xay dung va phat trien

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ở nước ngoài, Tập đoàn đã ký được 20 hợp đồng và các thoả thuận trong lĩnh vự dầu khí với các nước Đông Nam Á, Mỹ La tinh, Liên bang Nga. Tháng 9/2006 tấn dầu thô đầu tiên được khai thác tại mỏ dầu Cendor ngoài khơi Malaysia. Đặc biệt hợp tác thăm dò dầu khí ở khu tự trị Nhenhetski-Liên bang Nga đã chỉ ra 13 mỏ dầu với tổng trữ lượng thu hồi khoảng 95 triệu tấn; Tháng 9-2010 mỏ này đã được đưa vào khai thác, năm 2011 đạt sản lượng 1,5 triệu tấn và dự báo sản lượng đỉnh đạt đến 6 triệu tấn/năm. Các kết quả trên đây cho thấy chủ trương đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài của Tập đoàn là hết sức đúng đắn, mở ra triển vọng gia tăng quỹ trữ lượng dầu khí, góp phần quan trọng vào chính sách an toàn năng lượng Quốc gia.

Trong thời gian này, song song với khâu tìm kiếm thăm dò, khai thác các dự án vận chuyển, chế biến dầu khí cũng được tiếp tục phát triển và mở rộng thêm nhiều. Đường ống dẫn khí Bạch Hổ, Nam Côn Sơn vào Vũng Tàu được nối thêm đường ống từ mỏ Sư Tử Đen/Vàng, Rồng Đồi Mồi, đường ống Phú Mỹ - Nhơn Trạch cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện Nhơn Trạch. Đường ống PM3-Cà Mau tiếp tục cấp khí cho khu công nghiệp Điện-Đạm Cà Mau.

Hàng loạt các nhà máy chế biến dầu khí được khởi công xây dựng: nhà máy dạm Cà Mau(2008) có công suất 800 nghìn tấn/năm; nhà máy xơ sợi tổng hợp Đình Vũ-Hải Phòng (2009) công suất 170 nghìn tấn/năm; các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học như Ethanol Phú Thọ, Bio Ethanol Bình Phước, chế biến bột biến tính Quảng Ngãi... cũng được xây dựng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức đưa vào vận hành và cho sản phẩm đầu tiên vào tháng 2/2008. Đó là mốc quan trọng đánh dấu một bước phát triển hoàn chỉnh của Công nghiệp Dầu khí Việt Nam.

Như vậy, hơn năm mươi năm hình thành và phát triển, hầu như có quy luật cứ 14-15 năm một chặng đường, từ buổi sơ khai đến trưởng thành Dầu khí Việt Nam vượt qua các thác gềnh từ Thượng lưu cập bến Hạ lưu để lập nên những kỳ tích đã được Lịch sử Dầu khí trân trọng ghi nhận.Đó là sự đóng góp rất to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam.

TSKH. Trương Minh