Chấm dứt “triều đại” Bush

07:10 | 02/03/2016

2,497 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau thất bại ở Nam Carolina - tiểu bang “ruột” của gia đình Bush - hôm 20/2, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, Jeb Bush, đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Việc chấm dứt này đã khiến giới tài phiệt dầu mỏ ở Mỹ, sau khi đặt cược lớn vào ông Jeb Bush mất phương hướng.

Sự hổ thẹn của gia đình Bush

Năm 2013, Cựu đệ nhất Phu nhân Barbara Bush từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng bà không muốn cậu con trai Jeb Bush ra tranh cử tổng thống. “Còn có nhiều người khác rất đủ tư cách. Chúng tôi có đủ (tổng thống) Bush rồi” - bà Barbara nói.

Tuy nhiên, ông Jeb Bush đã phớt lờ lời khuyên của thân mẫu và giờ thì ông đã phát hiện ra rằng, người dân Mỹ có cùng quan điểm với bà.

cham dut trieu dai bush
Nước Mỹ đã không cần tới 3 vị tổng thống mang tên Bush. Trong ảnh: Hai cựu Tổng thống George H.W. Bush (cha) (giữa), George W. Bush (anh) (trái) và Jeb Bush, ứng viên tổng thống vừa bỏ cuộc

Thất bại của ông tại bang Nam Carolina, nơi ông chỉ đứng thứ 4 với chưa đầy 8% phiếu bầu, được các nhà phân tích đánh giá là đáng hổ thẹn. Tiểu bang Nam Carolina, nơi tôn giáo ăn sâu trong dân chúng và có mối liên hệ chặt chẽ với quân đội, từng có truyền thống ủng hộ thành viên gia đình Bush làm tổng thống. Nhưng lần này, tiểu bang này lại chọn Donald Trump. Trước đó, tỷ phú này dành phần lớn thời gian trên truyền hình để nhạo báng gia đình Bush.

Trong khi đó, ông Marco Rubio, một “đệ tử” của ông Jeb Bush, giành vị trí thứ hai. Các nhà quan sát cho rằng có các dấu hiệu cho thấy, ngay từ đầu, ông Jeb Bush đã không phải là ứng viên sáng giá. Ông dẫn đầu các cuộc thăm dò vào đầu năm 2015, nhưng với khoảng cách không khá xa so với các đối thủ khác. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, các cử tri tôn trọng ông, nhưng họ không thực sự cảm thấy được lôi cuốn.

Khoảng trống đó nhanh chóng được ông Donald Trump lấp đầy, và mọi lợi thế mà ông Bush từng có được bỗng nhiên trở thành những điểm tiêu cực.

Khả năng nói tiếng Tây Ban Nha cũng như sự lôi cuốn của ông đối với các cử tri gốc Mỹ Latinh không phải là yếu tố có lợi trong một năm bùng ra sự quan ngại về tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Sự bình tĩnh cũng như trí thông minh không thể chối cãi của ông không được thể hiện rõ trong các cuộc tranh luận đầy kịch tính với ông Donald Trump.

Ngoài ra, ông còn có một bước đi sai lầm, khi đăng trên Twitter một bức ảnh khẩu súng ngắn có khắc tên ông, để rồi sau đó bị chế giễu ở khắp các châu lục. Nhưng vấn đề lớn nhất của ông có lẽ đó là tiểu sử gia đình. Trong giai đoạn đầu của cuộc tranh cử, ông tìm cách tránh xa khỏi cuộc chiến Iraq. Nhưng tại Nam Carolina, nơi ông Trump gọi cựu Tổng thống George W Bush là một kẻ dối trá, ông Jeb đã chuyển sang bảo vệ anh trai mình. Ông Bush anh đã đưa Mỹ tham chiến tại Iraq và Afghanistan sau vụ tấn công khủng bố 11-9 làm gần 3.000 người thiệt mạng ở New York. Ông Jeb Bush nói với các cử tri rằng anh ông đã giữ cho nước Mỹ an toàn. Nhưng ông Trump đã chế nhạo tuyên bố này. Sau đó, cựu Tổng thống Mỹ còn xuất đầu lộ diện sau một thời gian im ắng trên chính trường Mỹ để vận động cho người em trai.

Hồi tháng 10-2015, sau khi chỉ có 5% số cử tri ghi danh đi bầu sớm ở tiểu bang Iowa nói là họ ủng hộ Jeb Bush, trong nỗ lực phục hồi cuộc tranh cử đang có dấu hiệu nguy kịch của Jeb Bush, ba thế hệ của gia đình nổi tiếng này đã có buổi họp mặt riêng, kéo dài hai ngày tại Houston, Texas. Cuộc gặp này là để trấn an các nhà tài trợ rằng việc Jeb Bush vào Nhà Trắng không phải là một điều phù du.

Tại buổi họp mặt riêng, hai cựu Tổng thống George H. W. Bush và George W. Bush, cha và anh trai của Jeb, đã gặp gỡ và bắt tay từng người tài trợ nặng ký nhất, trong khi đó ông Jeb Bush cố gắng tỏ vẻ lạc quan về cuộc bầu cử đầy cam go sắp đến.

Nhưng điều gia đình Bush dường như không nhận ra, đó là hình ảnh của họ đã bị “phủ bóng” bởi các vấn đề như cuộc khủng hoảng tín dụng, thâm hụt ngân sách lớn và các túi đựng xác người trong những vụ xả súng bạo lực.

Và sau thất bại ở tiểu bang từng dành cảm tình cho gia đình Bush là Nam Carolina, ngày 20-2, ông Jeb Bush đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tranh cử tổng thống.

Còn nhớ trước khi ông Jeb Bush ra tranh cử ứng viên đảng Cộng hòa, hồi tháng 12-2014, có một câu hỏi được truyền thông Mỹ đặt ra là liệu nước Mỹ có cần tới 3 vị tổng thống mang tên Bush hay không? Câu trả lời khi ấy nghe được từ Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Coburn là một chữ “không” to tướng. Vài giờ sau khi được tin ông Jeb Bush sửa soạn ra tranh cử, vị nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Oklahoma cho mọi người biết rằng ông “không nghĩ là chúng ta cần thêm một vị tổng thống mang tên Bush. Tôi quý gia đình Bush, nhưng câu trả lời của tôi là chúng ta không cần một ông tổng thống mang tên Bush nữa”. Tổ chức siêu vận động (Super PAC) của cánh bảo thủ Cộng hòa cũng lên tiếng cảnh báo sự xuất hiện của “ông Bush thứ ba” sẽ khiến ước mộng lấy lại Nhà Trắng trở thành khó khăn hơn. Trong email gửi cho những người ủng hộ, tổ chức này viết rằng “nếu các bạn nghĩ đảng Cộng hòa sẽ thua cuộc chỉ vì có ông Bush, thì bạn hãy ký tên vào bản kiến nghị của chúng tôi”. Bản kiến nghị được phổ biến trên mạng vỏn vẹn có 4 chữ: “Stop Jeb Bush NOW”.

Tài phiệt dầu mỏ Mỹ mất phương hướng

Số tiền mà giới tài phiệt dầu mỏ Mỹ đặt cược vào ứng cử viên tổng thống Jeb Bush nhiều hơn của tổng số đối thủ ông cộng lại.

Khi ông Jeb Bush nhập cuộc chạy đua vào hồi năm ngoái, khu vực dầu hỏa xem ông như là một chọn lựa tự nhiên, vì rằng ông vừa là con trai vừa là em trai của hai cựu tổng thống. Hơn nữa ông cũng xuất thân từ một gia đinh ở phía tây Texas vốn có mối liên hệ lịch sử với công nghiệp dầu lửa.

Trong năm 2015, ông Bush thu hút hơn 2 triệu USD từ tổng giám đốc của các công ty như: Exxon Mobil, Halliburton, Kinder Morgan, và Chief Oil & Gas, chiếm hơn 56% tổng đóng góp của ngành công nghiệp này vào cuộc đua.

Khoảng phân nửa trong số tiền 120 triệu USD giúp cho cựu Thống đốc Jeb Bush để tranh cử chức vị ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa là từ những người đã ủng hộ cha và anh của ông.

Crowdpac.com một công ty không đảng phái chính trị đã nghiên cứu về những ủng hộ viên tài chính và ghi nhận là liên hệ gia đình có ảnh hưởng lớn cho một số các ứng cử viên. Theo Crowdpac, ông Jeb Bush thu được 59.2 triệu USD từ những ủng hộ viên mới, và 60.3 triệu USD từ những người đã từng ủng hộ cựu Tổng thống George W. Bush (bố), cựu Tổng tống George W. Bush (anh), hoặc cả hai. Cả thảy có 1.800 người đã tiếp tục ủng hộ tài chính cho cả 3 người trong gia đình ông Bush qua nhiều năm. Những ủng hộ viên trung thành với gia đình này ở rải rác khắp toàn quốc nhưng tập trung đông nhất tại Texas và Florida.

Dirk Van Dongen, Chủ tịch National Association of Wholesaler-Distributors trụ sở ở Washington D.C. nói rằng, đây là một mạng lưới vận động gây quỹ rộng lớn, thu nhận ngân phiếu từ các bạn bè, cơ sở thương mại, để chuyển cho ban vận động. Van Dongen nói rằng mạng lưới này đã hoạt động từ nhiều thập kỷ và mở rộng thêm khi cựu Thống đốc Jeb Bush quyết định tranh cử và “không ứng cử viên Cộng hòa nào khác có được hệ thống như vậy”.

Tổng số tiền gây quỹ trong 6 tháng cho ban vận động tranh cử, các ủy ban chính trị và siêu ủy ban chính trị (PAC) của Jeb Bush gấp đôi bất cứ ai khác trong số 17 ứng cử viên sẽ qua giai đoạn bầu cử sơ bộ ở đảng Cộng hòa. Theo quy định, PAC có thể nhận tiền vô giới hạn từ các cá nhân, công ty, nghiệp đoàn. Ban vận động chỉ được phép nhận tối đa 2.700 USD từ một người.

Sau khi ông Bush tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, số tiền trên buộc phải quay sang tìm một chủ mới. Người thừa hưởng chính trong vòng đua của đảng Cộng hòa có lẽ không ai khác hơn là hai thượng nghị sĩ, Ted Cruz của tiểu bang Texas, và Marco Rubio của Florida.

Một nhà vận động hành lang giấu tên ở Washington DC nói: “Một số trong những người ủng hộ tiền hy vọng có thể kiếm được một ghế nào đó trong thế giới của ông Bush. Và câu hỏi bây giờ là số tiền này chạy đi đâu một khi ông Bush rút lui khỏi cuộc đua”.

S.Phương (tổng hợp)

Năng lượng Mới số 500

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc