Cây cầu giống con tàu bay lơ lửng

06:55 | 05/05/2020

509 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cầu Genoa mới thay thế cây cầu cũ bị sập vào năm 2018 sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7/2020 theo dự kiến.

Vươn cao bên trên thung lũng Polcevera, đoạn cuối cùng của cây cầu mới được lắp vào vị trí trong tuần này, báo hiệu dự án kỹ thuật đặc biệt đi ngược mọi điều kiện bất khả thi sắp sửa hoàn thành. Cây cầu được xem như tuyến đường giao thông huyết mạch ở miền bắc Italy, nối liền hai đầu thành phố Genoa, phục vụ cảng biển đông đúc và nằm trên đường cao tốc châu Âu E80 nối Italy và Pháp. Đây cũng là lộ trình chính mà những người đi nghỉ mát sử dụng khi đi từ các thành phố như Turin và Milan tới Ligurian Riviera. Quan trọng hơn, cây cầu mới sẽ thay thế công trình trước đó là cầu Morandi bị sập vào ngày 14/8/2018 khiến 43 người thiệt mạng.

cay cau giong con tau bay lo lung
Cầu Genoa mới nhìn từ mặt bên. Ảnh: CNN.

Cây cầu được xây dựng nhanh chóng trong chưa đầy hai năm, trở thành minh chứng cho tính hiệu quả. Các công nhân thực hiện một số phần việc khó khăn nhất khi Covid-19 diễn biến tồi tệ nhất ở châu Âu. Công trình dài một kilomet, ở độ cao 45 m phía trên thung lũng. Nhìn từ bên dưới, câu cầu trông giống con tàu bay lơ lửng giữa bầu trời.

"Genoa là thành phố đóng tàu, do đó không có gì kỳ lạ khi thiết kế đáy cầu trông như mũi tàu", Renzo Piano, người thiết kế cây cầu mới, chia sẻ. Piano là người Genoa và từng có kinh nghiệm thiết kế tòa nhà Shard ở London, bảo tàng Whitney ở New York và trung tâm nghệ thuật Pompidou ở Paris.

Thiết kế của Piano bỏ hoàn toàn việc sử dụng cáp treo. Cấu trúc chính của cây cầu là một dầm thép thuôn dài được đỡ bởi 18 trụ bê tông cốt thép, mỗi trục cách nhau 48 m trừ ba trục ở chính giữa có khoảng cách 96 m. Cây cầu được thi công bởi công ty xây dựng Italy Salini Impregilo, và nhà đóng tàu Fincantieri. Dự án có chi phí khoảng 220 triệu USD, chưa kể 98 triệu USD chi phí để phá dỡ hoàn toàn cầu Morandi.

cay cau giong con tau bay lo lung
Cây cầu được thiết kế để trông giống con tàu đang bay khi nhìn từ mặt dưới. Ảnh: iStock.

"Thông thường, cần khoảng 3 - 3,5 năm để thiết kế và xây dựng một cây cầu cỡ này. Nhưng dự án này chỉ kéo dài hơn một năm", Stefano Mosconi, quản lý thi công, cho biết. Số công nhân làm việc trong dự án là 1.000 người. Để đẩy nhanh tốc độ, quá trình xây dựng bắt đầu ở cách cây cầu cũ 20 m về phía nam, khi công tác phá dỡ vẫn đang diễn ra.

Để đảm bảo bi kịch không lặp lại, câu cầu có hệ thống theo dõi giám sát riêng cùng với đội quân robot chạy dọc tàu để phát hiện bất kỳ vấn đề nào. Cây cầu được thiết kế để tồn tại ít nhất 100 năm. Dù đã khánh thành, cây cầu vẫn chưa hoàn thiện. Các công nhân cần rải nhựa đường, do đó sớm nhất vào tháng 7/2020, cầu mới thông xe. Vì lý do đó, cây cầu vẫn chưa có tên gọi.

Theo VnExpress