Câu, chữ trong văn bản luật

22:08 | 02/12/2017

303 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong cuộc họp báo thường kỳ mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Thông tư 33/2017 có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân: “Câu chữ trong thông tư mang tính kỹ thuật, người trong ngành đọc sẽ hiểu nhanh, song người dân thì khó hiểu. Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này”.

Thế mới biết chuyện câu và chữ trong các văn bản luật quan trọng như thế nào!

Theo các nhà làm luật chuyên nghiệp, ngôn ngữ trong các văn bản pháp luật có rất nhiều yêu cầu khắt khe. Chẳng hạn, ngôn ngữ phải có tính chính xác cao, cả về chính tả, về nghĩa của từ vựng và nghĩa ngữ pháp, rồi lại phải có tính thống nhất, tính nghiêm túc, tính phổ thông... Đôi khi, chỉ cần thay một từ, một con số là đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội.

Hẳn nhiều người còn nhớ cuộc tranh luận dai dẳng về con số 45m2 trong Luật Nhà ở. Theo quy định tại khoản 1, Điều 40 Luật Nhà ở 2005, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại đối với căn hộ chung cư là “phải thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ không thấp hơn 45m2". Trên cơ sở này, Bộ Xây dựng đã ban hành “Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4451:2012 về Nhà ở - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế” quy định căn hộ nhà ở thương mại không thấp hơn 45m2.

Tuy nhiên, do yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống, con số này đã được bỏ và giao cho chủ đầu tư tự quyết tại Luật Nhà ở mới năm 2014: “Loại nhà ở, tiêu chuẩn diện tích của từng loại nhà ở thương mại do chủ đầu tư dự án quyết định lựa chọn nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc nhà ở và nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

cau chu trong van ban luat

Hoặc như mới đây, sau những vụ bê bối ở một số ngân hàng, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Trong đó, đáng lưu ý nhất là có một chữ "hoặc" được thay bằng chữ "và" trong điều kiện, tiêu chuẩn để được làm thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc ngân hàng thương mại.

Trước đó, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như: là cá nhân sở hữu hoặc người được ủy quyền đại diện sở hữu ít nhất 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp là thành viên hội đồng thành viên, thành viên độc lập của hội đồng quản trị hoặc có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc có ít nhất 3 năm là người quản lý của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp hoạt động trong ngành bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, kiểm toán hoặc có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp tại các bộ phận nghiệp vụ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kiểm toán hoặc kế toán.

Như vậy, người có tiền, sở hữu lượng lớn cổ phần, hoặc được ủy quyền sở hữu cổ đông lớn… nhưng không có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn đều có thể trở thành lãnh đạo cao cấp ngân hàng thương mại. Nay điều này đã được khắc phục.

Trở lại vấn đề câu và chữ của Thông tư 33 nói trên. Không ai phủ nhận mục tiêu minh bạch tài sản được đưa ra, nhưng riêng với cái sổ đỏ lại có tính đặc thù khác với nhiều tài sản khác như các cụ nói “rau có mớ, cá có con”. Bởi lẽ đây là tờ giấy chứng nhận pháp lý về quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đó là khối tài sản khổng lồ không dễ dàng phân chia, kiểm đếm và cũng ít có cơ hội bắt buộc mỗi hộ gia đình phải phân chia, kiểm đếm. Tiếp nữa, đây là loại tài sản có khả năng tiếp tục “sinh sôi” theo thời gian và theo sự đầu tư về tiền bạc, công sức của từng thành viên trong gia đình.

Có lẽ vì thế, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Phó cục trưởng Cục Quản lý đất đai Mai Văn Phấn cho biết, Tổng cục Quản lý đất đai mong muốn sau này, khi có hệ thống quản lý đất đai hoàn chỉnh sẽ phân chia tỷ lệ phần trăm đóng góp của các thành viên trong gia đình như các nước phát triển đang làm. Ví dụ, vợ có đóng góp 40%, chồng 60% chẳng hạn, để sau này khi bà vợ đi giao dịch ngân hàng thì ngân hàng nhìn vào đó để chỉ chấp nhận thế chấp giá trị 40% thôi.

Cho dù vậy, các hộ gia đình và các cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ lưỡng và hết sức cẩn trọng khi ghi những con số này vào cuốn sổ đỏ. Bởi chỉ cần hạ bút xuống là trở thành câu chữ pháp lý. Nếu không khéo, sẽ “mất anh mất em” ngay từ lúc cuốn sổ đỏ về tới gia đình.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội xem xét thông qua 6 dự án luật: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 10 dự án Luật: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Nguyễn Long Vân