Cậu bé tật nguyền với ước mơ thành họa sĩ

10:34 | 17/08/2011

594 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, số phận đã không cho Đạt có được đôi bàn tay, bàn chân như bao người bình thường khác. Nhưng với nghị lực phi thường Đạt đã khiến bạn bè cùng trang lứa phải nể phục về thành tích học tập và tài vẽ tranh hiếm thấy. Nguyễn Duy Đạt (11 tuổi) sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Chân tay bị dị tật bẩm sinh, Đạt không cam chịu mà đã âm thầm vượt qua sự run rủi của cuộc đời.

Mỗi khi viết Đạt phải dùng cả hai tay kẹp bút nhưng em vẫn nỗ lực học tập và đạt danh hiệu 4 năm liền là học sinh tiên tiến.

Căn bệnh lạ lùng

Cho đến tận bây giờ bà Nguyễn Thị Thỉnh (mẹ của Đạt) vẫn chưa thể nào quên được giây phút đầu tiên khi nghe người ta nói về con mình: “Thằng bé này lạ thật, cả tay và chân mỗi bàn chỉ có một ngón”. Khi ấy bà đau đớn tột cùng, dù không muốn khóc nhưng nước mắt vẫn cứ chảy dài.

Ban đầu chỉ vì thương ông Thiểu cảnh gà trống nuôi con nên bà mới về ở với ông. “Lúc đó chỉ nghĩ về ở với nhau để đỡ đần nhau lúc trái gió trở trời thôi. Dù sao ông ấy cũng đã có 7 đứa con gái với vợ trước. Không ngờ được vài năm tôi có thai cu Đạt” – bà Thỉnh bộc bạch.

Khi biết mình sinh cho ông được một cậu quý tử, bà vui hơn bao giờ hết. “Nhưng không ngờ số phận thật trớ trêu!”. Bà Thỉnh nói trong sự ngậm ngùi. Ông Nguyễn Tiến Thiểu (bố Đạt) đỡ lời vợ: “Cũng tại tôi mắc căn bệnh lạ nên thằng bé mới bị như vậy”. Được biết, nhà ông Thiểu có 6 chị em (3 trai, 3 gái), 3 chị gái và 1 em trai kế ông sinh ra vẫn khỏe mạnh bình thường. Riêng ông và người em trai út không hiểu sao lại mắc chứng bệnh “một ngón” kỳ lạ, trong khi bố mẹ ông hoàn toàn bình thường. Người con gái thứ 5 của ông và hai đứa cháu trai con của em út cũng có chân tay giống ông: Một ngón duy nhất. Và đến lượt Đạt cũng như vậy! Ông Thiểu đã 2 lần bị chôn sống và bị bỏ đói, bỏ khát nhiều ngày chỉ vì mọi người nghĩ ông do ma quỷ hóa thân mà thành.

Nhưng với nghị lực sống mạnh mẽ không việc gì là ông không làm được, mà còn đỗ vào Trường đại học Ngoại ngữ – là một trong những cử nhân đầu tiên của dòng họ. Có lẽ số phận không cho ông được gục ngã, bắt ông phải sống kiên cường trước những trái ngang, bất hạnh. Con gái của ông và 2 người cháu đến nay đã ngoài 30 mà vẫn không dám lập gia đình vì sợ bệnh sẽ di truyền sang thế hệ sau.

Đến tuổi, Đạt cũng muốn đi học như bao bạn bè khác. Em đã cố gắng tập tễnh đến trường với những bước đi nặng nhọc. Tiếp nối nghị lực sống của cha, Duy Đạt đã cho mọi người thấy ý chí kiên cường, không cam chịu, không khuất phục trước những chông gai, thử thách của cuộc đời.

Nguyễn Duy Đạt cùng bố

Nỗ lực theo đuổi ước mơ

Khi mới tập viết, Đạt gặp rất nhiều khó khăn vì “đã cố kẹp thật chặt cây bút vào hai bàn tay rồi nhưng nó cứ chạy linh tinh không theo ý mình gì cả”, Đạt kể. Khi ấy Đạt rất nản. Mỗi lần nhìn đến cây bút là cậu bé lại rất sợ. Chỉ tập viết một lúc, hai ngón tay sưng tấy lên, đau điếng. Nhưng sau một tuần, tất cả mọi việc với Đạt trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đạt đã có thể cầm bút viết và vẽ tranh được.

Những ngày đầu mới đến trường, bạn bè các lớp bên cạnh thấy Đạt “không bình thường” như mình nên rất hay trêu chọc khiến cậu bé mặc cảm, bao lần định bỏ học. Mấy lần đang ngồi đan, thấy con nước mắt giàn giụa chạy về xin mẹ cho nghỉ học vì bị các bạn trêu. Bà Thỉnh ôm con vào lòng, những giọt nước mắt mặn đắng lăn dài. “Cuộc đời tôi khổ thế nào cũng chịu được, chỉ mong con tôi được mọi người đối xử như những người bình thường để nó khỏi tủi thân”, mẹ Đạt chia sẻ. Ở nhà được mấy hôm thấy nhớ trường, nhớ lớp, Đạt lại đòi bố đưa đến xin cô giáo cho đi học tiếp. Sau dần, bạn bè hiểu hơn hoàn cảnh của Đạt nên không còn trêu chọc nữa. “Em không mặc cảm nữa đâu, em phải học để theo đuổi ước mơ của mình chứ” – Đạt tươi cười nói.

Ngay từ sớm Đạt đã bộc lộ những năng khiếu thiên bẩm của mình. Dù đôi tay không như người bình thường nhưng cậu bé đã làm nên bao điều kỳ diệu. Theo mẹ Đạt, dù tay chân tật nguyền song Đạt rất khéo léo, làm được nhiều việc. Ngay từ khi cầm bút, Đạt đã rất đam mê vẽ tranh. Nhìn cảnh cậu bé khó nhọc chụm hai ngón tay bé nhỏ tật nguyền của mình lại kẹp chặt cây bút chì màu để đưa những nét vẽ đầy nghệ thuật khiến chúng tôi phải trầm trồ ngạc nhiên.

Nét vẽ của em mềm mại, nhẹ nhàng và sắc sảo không thua kém gì chú bé Mã Lương trong “Cây bút thần”. Cách tô màu bức tranh của Đạt cũng rất riêng. Màu sắc không chỉ sống động, độc đáo mà còn có một chút gì đó mạnh mẽ, phá cách. Có lẽ đó cũng là cách để một cậu bé kém may mắn như Đạt gửi gắm vào bức tranh của mình những ước mong, khát vọng thầm kín. Trong các bức tranh của Đạt không chỉ có các nhân vật hoạt hình mà còn có cả thế giới muôn loài động vật có cuộc sống thanh bình của làng quê, thành thị… Năm lớp 2, Đạt thay mặt học sinh trong trường tham dự cuộc thi vẽ của huyện và đoạt giải Nhất. Trong bức tranh ấy, em vẽ cảnh mọi người đi chơi tết, cảnh quê hương với đồng ruộng và cánh diều.

Ngoài tài năng về hội họa, Đạt còn viết chữ rất đẹp. Vở chính tả của em với những nét chữ tròn đều, thẳng tắp đã 2 lần (lớp 2 và 3) được đại diện cho lớp đi thi “vở sạch chữ đẹp” của toàn trường. Mặc dù giải thưởng chỉ khiêm tốn ở mức khuyến khích, song đó là những gì mà em xứng đáng được nhận cho những nỗ lực và đam mê của mình. Đạt không chỉ vẽ đẹp, viết đẹp mà còn có thành tích học tập khiến bạn bè cùng trang lứa phải nể phục. Cả 4 năm liền cậu bé đều là học sinh tiên tiến của trường. Là con trai nên Đạt không chỉ học và vẽ mà em còn rất thích chơi đá bóng. Trong các trận đấu em luôn giữ vị trí thủ môn hoặc hậu vệ. Dù hai chân nhỏ bé, yếu ớt nhưng em đã cố gắng hết mình để không thua kém bạn bè.

Trong cuộc sống có rất nhiều người kém may mắn hơn chúng ta, đáng để chúng ta học tập. Trước hết ta học ở họ nghị lực sống, học cách ước mơ và cách biến ước mơ ấy thành hiện thực. Ai đó đã từng nói: Nếu bạn biết mở rộng lòng mình, hướng đến cái thiện thì con đường phía trước sẽ bớt gập ghềnh hơn và sẽ có những đôi chân bước đi bên cạnh bạn trong suốt cuộc hành trình tìm đến giá trị đích thực của cuộc sống…!

Hải Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc