Ban đại diện cha mẹ học sinh

“Cánh tay nối dài” của ban giám hiệu?

18:37 | 30/09/2017

767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đầu năm học mới, câu chuyện lạm thu lại một lần nữa trở thành đề tài nóng bỏng. Và ở rất nhiều nơi, ban đại diện cha mẹ học sinh bị biến tướng và trở thành “cánh tay nối dài”, tiếp sức cho lạm thu. 

Tiếp tay cho nhà trường

Vừa qua, cha mẹ học sinh tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Thủ Đức, TP HCM) đã bày tỏ bức xúc với 48 khoản thu ngoài quy định với số tiền lên tới 332 triệu đồng. Một số trường hợp lạm thu “núp bóng” ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) như tại Trường Mầm non Hợp Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) với số tiền 520,7 triệu đồng hay Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội) với tổng số tiền phụ thu của 254 cha mẹ có con vào lớp 1 trong năm học 2017-2018 là 408 triệu đồng.

canh tay noi dai cua ban giam hieu
Khai giảng năm học mới

Câu chuyện lạm thu đầu năm học mới đã trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã phải tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở giáo dục có dấu hiệu lạm thu tại 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng phát đi công văn hỏa tốc gửi Bộ GD&ĐT và các UBND tỉnh, thành, nêu yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học.

Quá bức xúc, ông Võ Quốc Bình (bố của học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP HCM) cho biết, ông đã gửi thư qua địa chỉ email của Văn phòng Chính phủ phản ánh về tình trạng lạm thu diễn ra trong trường học núp bóng danh nghĩa ban đại diện CMHS.

Nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, ban đại diện CMHS là không cần thiết, nên xóa bỏ ban này. TS Hương nhấn mạnh, ban này hiện tại ở nhiều nơi đang bị biến tướng, không làm đúng chức năng của mình, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu nhà trường trong việc vận động phụ huynh để thu các khoản xã hội hóa. Nếu không có ban đại diện này, CMHS sẽ có trách nhiệm hơn trong việc kết nối với trường, quan tâm đến các hoạt động của lớp con - thứ mà mỗi bậc cha mẹ cần làm chứ không phải thông qua một ban đại diện.

Vai trò thực cho ban đại diện CMHS

Năm 2011, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ ban đại diện CMHS ghi rõ, ban đại diện (trước đây gọi là hội phụ huynh học sinh) được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra, để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

Vai trò và các khoản thu tự nguyện của ban đại diện CMHS được quy định rất rõ ràng, như không cho phép thu các khoản tiền: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Nói về kiến nghị xóa bỏ ban đại diện CMHS, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: “Ban đại diện CMHS là rất cần thiết để tạo sự phối hợp, sự kết nối giữa nhà trường với gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Thực tế hiện nay tại một số nơi, ban này đang làm chưa đúng theo quy định tại điều lệ mà Bộ GD&ĐT đã ban hành tại Thông tư số 55 và cũng còn qua ban đại diện CMHS để thu các khoản thu không đúng quy định. Trong này có trách nhiệm của ban đại diện CMHS và cũng có trách nhiệm của hiệu trưởng. Hiện Điều lệ ban đại diện CMHS chỉ có quy định về thu phí để phục vụ cho hoạt động của ban. Bộ đang nghiên cứu để sửa theo hướng không quy định vào điều lệ việc thu hội phí này nữa. Dù điều này không sai nhưng có thể những ban đại diện CMHS lách điều đó để thu các khoản khác”.

Như vậy, việc xóa bỏ ban đại diện CMHS là điều không khả thi, bởi vai trò của ban này chủ yếu để hỗ trợ nhà trường và giáo viên trong việc quản lý, giáo dục học sinh và là cầu nối giữa phụ huynh và nhà trường. Không có ban này thì việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội sẽ đè nặng lên vai giáo viên chủ nhiệm, trong khi công việc chuyên môn của giáo viên hiện nay đã quá tải, áp lực công việc rất lớn. Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh rằng, lạm thu nở rộ hoàn toàn không do ban đại diện CMHS mà nằm ở chính nhà trường, mà người đứng đầu là hiệu trưởng.

Chính vì thế, muốn dẹp bỏ hoàn toàn tình trạng lạm thu, không còn cách nào khác phải xử lý nghiêm những người đứng đầu cơ sở giáo dục. Sau đợt thanh tra đột xuất vừa qua, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu đình chỉ công tác 2 vị hiệu trưởng tại Hải Phòng, tuy nhiên, đây chưa phải trường hợp duy nhất bị phát hiện.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần công khai, minh bạch các khoản thu chi đầu năm học mới với cha mẹ học sinh để tránh tình trạng “lập lờ” các khoản thu núp bóng “tự nguyện” hay “xã hội hóa” như thời gian vừa qua. Và hơn lúc nào hết, bản thân các bậc cha mẹ cũng cần nâng cao hiểu biết về quyền hạn của mình cũng như ban đại diện CMHS đối với việc hỗ trợ, giám sát công tác của nhà trường để tránh tiếp tay cho lạm thu vô lối.

canh tay noi dai cua ban giam hieu

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Hiện nay, khoản đóng góp phụ huynh chưa hài lòng vì không minh bạch, người ta không biết tại sao thu khoản này không thu khoản kia, tại sao khoản này ở nơi này thấp, nơi kia cao? Khi có minh bạch, đối chiếu những trường thu sai là vi phạm quy định quản lý nhà nước, theo đó sẽ có những hình thức phạt nhất định tùy theo hình thức vi phạm. Ai vi phạm thì cần có mức độ kỷ luật để răn đe. Việc chỉ đạo xử phạt vi phạm phải nghiêm minh, không “đánh trống bỏ dùi”.

canh tay noi dai cua ban giam hieu

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Câu chuyện về thu phải giải quyết được từ 3 phía. Thứ nhất, bản thân hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Thứ 2, ban đại diện cha mẹ học sinh phải làm thật đúng chức năng của mình, có đủ năng lực, phẩm chất. Thứ ba, có sự tham gia của cộng đồng là chính quyền địa phương. Chúng ta phải hiểu huy động nguồn lực ngoài tiền ra, còn trí tuệ, sáng tạo, sự lăn lộn với giáo dục, đó mới là điều quan trọng chứ không phải là mỗi chuyện tiền.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc