Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Cảnh giác để không sập bẫy

11:00 | 06/10/2020

298 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao đã bị công an triệt phá cho thấy thủ đoạn của loại tội phạm này rất tinh vi, lừa và chiếm đoạt tài sản lớn của nạn nhân. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới, PGS.TS Trương Văn Vỹ - chuyên gia xã hội học tội phạm - cảnh báo, trong nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo công nghệ cao, ý thức cảnh giác của mỗi người là quan trọng nhất.

PV: Ông đánh giá thế nào về hiện trạng tội phạm lừa đảo công nghệ cao thời gian qua?

canh-giac-de-khong-sap-bay

Cảnh giác để không sập bẫy

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Số vụ lừa đảo sử dụng công nghệ, lừa đảo sử dụng công nghệ cao thời gian qua gia tăng nhanh chóng về số vụ cũng như mức độ lừa đảo, từ hàng trăm triệu lên đến hàng trăm tỉ đồng. Thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, sử dụng nhiều cách thức, hình thức và thay đổi liên tục khiến nhiều người dễ rơi vào bẫy. Loại tội phạm này đang ngày càng phổ biến và cần “báo động đỏ”.

Tội phạm lừa đảo công nghệ cao đã tận dụng sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của công nghệ số, cụ thể là mạng xã hội vốn đang được rất nhiều người sử dụng. Nhưng không phải ai sử dụng công nghệ hay mạng xã hội cũng đều hiểu rõ về nó cũng như đủ tỉnh táo, cảnh giác để đề phòng. Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, có thể đây là hình thức lừa đảo mới, dễ thực hiện, dễ đạt được mục đích hơn nên có xu hướng gia tăng.

Không như các kiểu lừa đảo cũ, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao là có trình độ nên cuộc chiến sẽ phức tạp hơn. Một thực tế đáng quan tâm, hiện tội phạm truyền thống cùng tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao có sự cấu kết, gia tăng các hoạt động phạm tội, gây mất an ninh trật tự xã hội.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể những thủ đoạn phổ biến của tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ hiện nay như thế nào?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Bản thân tôi từng gặp trường hợp thế này. Một ngày, có người gọi thông báo tôi trúng thưởng 1 triệu USD từ một lần quay số trúng thưởng ngẫu nhiên của một hãng công nghệ nổi tiếng, có chi nhánh tại Ấn Độ. Người này còn gửi giấy báo trúng thưởng cho tôi có đầy đủ thông tin, con dấu của hãng này. Mọi thứ đều rất thật. Họ bảo rằng, tôi cần ra ngân hàng nộp thuế, phí để được nhận phần thưởng 1 triệu USD đó. Đó là một chiêu lừa đảo phổ biến.

canh-giac-de-khong-sap-bay-1
Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt khoảng 100 tỉ đồng của người bán hàng online ở Thừa Thiên - Huế

Cũng mới đây, tôi nhận được một cuộc gọi của người tự xưng là cán bộ công an thông báo tôi đang dính líu đến một vụ án quan trọng và đề nghị tôi bí mật chuyển một khoản tiền để người này hỗ trợ giải quyết. Tất nhiên đây cũng là một cách lừa tiền.

Ngoài hai hình thức lừa đảo kể trên, còn có các hình thức lừa đảo rất phổ biến khác. Đó là làm quen qua mạng xã hội mà đối tượng là các phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Sau thời gian làm quen, kẻ lừa đảo hứa gửi tặng quà giá trị cao (ngoại tệ, vàng) và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đóng thuế hải quan để nhận quà. Nhiều chị em đã “dính đòn” này.

Mỗi người dân phải cảnh giác với những cuộc gọi lạ, người lạ tự xưng là cán bộ Nhà nước yêu cầu chuyển tiền hay hăm dọa; cảnh giác với việc tự dưng được thông báo trúng thưởng, được người quen trên mạng xã hội gửi tặng quà giá trị cao và yêu cầu chuyển tiền để nhận quà…

Kế đến, đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, ngân hàng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào một tài khoản để “cơ quan pháp luật” kiểm tra và sẽ trả lại trong vài giờ.

Cũng có nhóm đối tượng lừa nạn nhân, chủ yếu là những người bán hàng online, bằng cách gửi một đường link và yêu cầu điền đầy đủ thông tin, tài khoản ngân hàng và cả mã OTP thì mới có thể chuyển trả tiền do đang ở nước ngoài. Khi cung cấp các thông tin đó, đối tượng đã truy cập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân và chuyển hết tiền đi. Vừa qua, công an Thừa Thiên - Huế mới triệt phá vụ lừa đảo bằng hình thức này với số tiền lên đến 100 tỉ đồng...

Có thể thấy, thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao rất tinh vi, nhiều thủ đoạn mới. Chỉ cần thiếu cảnh giác là sập bẫy.

canh-giac-de-khong-sap-bay-2
Một nhóm người nước ngoài chuyên lừa phụ nữ bằng chiêu trò “trai Tây gửi quà”

PV: Vậy chúng ta cần làm gì để phòng tránh tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao, thưa ông?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Cuộc chiến với tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao cần sự vào cuộc và hợp tác của cả cơ quan chức năng và mỗi người dân.

Cơ quan chức năng, như công an, cần tuyên truyền, cảnh báo và thông tin rộng rãi hơn trên các phương tiện truyền thông để người dân hiểu và cảnh giác các thủ đoạn, hành vi lừa đảo qua mạng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát để sớm phát hiện, kịp thời cảnh báo, ngăn chặn các hành vi lừa đảo.

Đối với mỗi người dân, tôi nghĩ việc tự bản thân phải nâng cao ý thức cảnh giác là trên hết. Cụ thể, phải cảnh giác với những cuộc gọi lạ, người lạ tự xưng là cán bộ Nhà nước yêu cầu chuyển tiền hay hăm dọa; cảnh giác với việc tự dưng được thông báo trúng thưởng, được người quen trên mạng xã hội gửi tặng quà giá trị cao và yêu cầu chuyển tiền để nhận quà; tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho người khác...

Đáng quan tâm là vấn đề sử dụng mạng xã hội. Nhiều người hay khoe đủ thứ trên đó, từ nhà cửa, công việc, con cái..., nhưng không ý thức được đó chính là cơ sở dễ dàng nhất để tội phạm mạng có thể nắm bắt thông tin, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo hay bắt cóc tống tiền, trộm cắp...

PV: Xin cảm ơn ông!

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc