Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Cánh chim đầu đàn của nền công nghiệp khí Việt Nam (Kỳ I)

11:17 | 25/10/2019

4,692 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Nếu cách đây 20 năm thì PVN chưa có kinh nghiệm gì về một nhà máy khí. Vào thời ấy, chúng ta chỉ là người học việc, người đi làm thuê. Nhưng việc xây dựng được Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố quả thực là một kỳ tích.

Tôi đến Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) vào một ngày cuối tháng 4. Nắng như đổ lửa, nhưng không khí trong nhà máy có vẻ dịu hơn bởi những hàng cây xanh mướt.

Nếu không có tiếng ồn ào từ cụm máy nén khí và hệ thống ống dẫn khí, dẫn dầu, khí đốt hóa lỏng (LPG) dài không biết bao nhiêu cây số chạy chằng chịt, thì dễ nghĩ đây không phải là một nhà máy công nghiệp. Bởi ở đây vắng vẻ đến lạ lùng, thi thoảng mới thấy một bóng công nhân đạp xe đi kiểm tra.

Hỏi ra mới biết, mỗi ca sản xuất ở đây chỉ có 17 người. Trừ số anh em trực phòng cháy chữa cháy là 3 người, chỉ còn 14 người làm việc. Cả khuôn viên nhà máy rộng mênh mông, thi thoảng mới thấy một bóng người đạp xe đạp qua.

Giám đốc nhà máy, anh Phan Tấn Hậu - người đã có đến 17 năm làm việc ở đây - cho tôi biết, từ khi vận hành vào tháng 7/1998 đến nay, nhà máy không xảy ra bất cứ sự cố nào gây mất an toàn lao động hoặc dừng nhà máy. Tất nhiên, nhà máy cũng có những lúc phải dừng hoạt động do đến thời kỳ bảo dưỡng, nhưng không để xảy ra một sự cố nào trong suốt 20 năm thì tôi nghĩ đã là một kỷ lục hiếm có ở trên thế giới.

canh chim dau dan cua nen cong nghiep khi viet nam ky i
Một góc Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Nhân chuyện này, tôi lại nhớ đến câu chuyện một lần tới thăm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Khi đó, nhà máy đang phấn đấu đạt 2 triệu giờ công an toàn. Tôi ra chụp ảnh ở hồ nước thải và khi lội trong đám cỏ thì chẳng may sa xuống một cái hố. Tất nhiên, cái hố rất nông, chỉ sâu khoảng 20cm. Khi tôi bị khuỵu chân xuống thì ngay lập tức có 2 anh đi cùng đỡ lên, rồi sau đó, các anh nói với tôi rằng suýt nữa tôi đã làm các anh mất tiền thưởng ngày hôm đó. Tôi ngạc nhiên hỏi tiền thưởng gì thì anh cho biết toàn bộ nhà máy có hệ thống camera theo dõi, chỉ cần bảo vệ thấy tôi ngã xuống ở đó và không đứng lên đi được mà phải có người dìu đi thì bất luận lý do gì cũng có nghĩa rằng ở đó đã có một vụ mất an toàn lao động. Và như vậy là 2 triệu giờ công đang phấn đấu thành công cốc, tiền thưởng cũng mất. Nghe câu chuyện đó và đối chiếu với những quy định an toàn ở Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, tôi càng thấy rõ kỷ luật ở đây nghiêm ngặt tới mức độ như thế nào.

Đi vào các phân xưởng, đặc biệt là ở trung tâm điều khiển, thấy cái gì cũng sạch như li như lau, cái gì cũng mới, cứ như nhà máy mới khánh thành… Mà hệ thống điều khiển của nhà máy mặc dù đã gần 20 năm, nhưng vẫn là công nghệ hiện đại nhất, cho tới nay vẫn chưa có công nghệ nào tiên tiến hơn... Suốt 20 năm qua, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố chưa phải thay đổi cái gì, ngoài việc đội ngũ vận hành chỉ chăm lo bảo dưỡng, “giữ tốt, dùng bền”, nếu có cải tiến thì cũng chỉ là thay đổi tí chút để nâng cao hệ số thu hồi LPG từ 87% lên hơn 97%. Thế mới biết “ngày xửa ngày xưa”, các “trưởng lão” của Tổng Công ty Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và PV GAS đã có tầm nhìn xa đến thế nào khi lựa chọn công nghệ xử lý khí cho nhà máy.

Để dẫn khí vào nhà máy có hệ thống đường ống chạy dưới đáy biển dài 107km và trên bờ 10km. Mỗi năm, nhà máy chỉ dừng bảo dưỡng định kỳ 5 ngày và cứ 5 năm một lần lại có một đợt bảo dưỡng lớn kéo dài 12 ngày.

Nhà máy chính thức đi vào vận hành thương mại từ tháng 7/1998 và cho tới nay, mỗi ngày nhà máy xử lý 5,8 triệu mét khối khí, cho ra 4,9 triệu mét khối khí khô, cung cấp cho Nhà máy Điện Phú Mỹ, Nhà máy Điện Bà Rịa, Nhà máy Đạm Phú Mỹ; kèm theo đó là 1.000 tấn LPG; 350 tấn xăng nhẹ… Tiền bán khí và xăng nhẹ mỗi ngày thu về 1 triệu USD.

Tính đến hết năm 2018, nhà máy đã xử lý được 26 tỷ mét khối khí; cung cấp “đầu vào” cho 10% sản lượng điện quốc gia; 30% LPG cho tiêu thụ nội địa và đủ sản xuất 40% phân đạm… Đó thực sự là những con số cực kỳ ấn tượng.

Duy nhất có một điều “cũ kỹ” ở trung tâm điều khiển là tôi thấy có nhiều gương mặt phong trần, từng trải. Tôi đề nghị anh Phan Tấn Hậu tập hợp hết anh em, những ai đã có trên 15 năm làm việc tại đây để chụp ảnh.

Thoáng cái đã có gần hai chục người có mặt, trong đó có cả Phan Tấn Hậu… Hỏi ra mới biết anh em đều đã làm ở nhà máy người ít nhất là… 15 năm, còn người nhiều nhất là hơn 20 năm và so với các đơn vị thành viên khác của PV Gas thì anh em ở đây… “già” nhất. Mà cũng phải thôi, nhiều anh em gắn bó với nhà máy từ những ngày đầu thành lập, cho tới nay, cũng sắp tới tuổi nghỉ hưu… Nhưng thú vị nhất là trong suốt ngần đấy năm, hầu như không có ai xin chuyển công tác vì “không hợp”. Chỉ có người ở đây được điều đi làm lãnh đạo, hoặc cán bộ chủ chốt cho các dự án khác. Không phải vì ở đây có đời sống ổn định, đồng lương đảm bảo mà nơi đây còn thực sự là mái nhà chung, là nơi khi đến làm việc, anh em thấy gắn bó như ở nhà - Đó là điều mà không phải nơi nào cũng có được.

***

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, tôi đi tìm gặp anh Đỗ Khang Ninh. Bây giờ là Tổng Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn - Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SW POC). Năm 1995, Đỗ Khang Ninh là Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố.

Nói về chuyện cũ, ánh mắt của Đỗ Khang Ninh chợt trở nên xa xăm. Anh bảo bây giờ nghĩ lại vẫn thấy lạ rằng, tại sao khi đó dám làm, tại sao khi đó hăng hái đến vậy? Tại sao ngày ấy lại có đủ dũng cảm để làm, khi kinh nghiệm chỉ là con số 0 và không ai biết gì về một nhà máy khí?

Tôi nói với anh, thật ra, nếu cách đây 20 năm thì PVN chưa có kinh nghiệm gì về một nhà máy khí. Vào thời ấy, chúng ta chỉ là người học việc, người đi làm thuê. Nhưng việc xây dựng được Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố quả thực là một kỳ tích.

Qua câu chuyện của Đỗ Khang Ninh, tôi hình dung ra được bối cảnh ngày đó.

Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19/11/1982 trên cơ sở Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam - Liên Xô được ký ngày 19/6/1981. Năm 1986, sau gần 5 năm tìm kiếm, thăm dò, Vietsovpetro đã khai thác những tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ, tại lô 09-1, thuộc bồn trũng Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam. Đây là bước nhảy vọt đầu tiên, lớn nhất, quan trọng nhất, là dấu son chói lọi của ngành Dầu khí Việt Nam và kể từ đây Việt Nam đã gia nhập vào danh sách các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu thô trên thế giới. Việc khai thác dầu từ mỏ Bạch Hổ năm 1986 đã tạo nên cơ sở vững chắc để xây dựng và phát triển ngành dầu khí như hiện nay.

Thiết kế phát triển và xây dựng mỏ Bạch Hổ ban đầu được thực hiện trên nguyên tắc khai thác dầu là nhiệm vụ chính, khí đồng hành tách ra sẽ đốt bỏ ngoài khơi trên các công trình dầu khí lô 09-1.

Chính vì vậy, trên các giàn cố định (MSP/RP) của Vietsovpetro, được thiết kế lắp đặt 2 đuốc (mạm trái và mạn phải của giàn), công suất đốt khí mỗi giàn 300 nghìn m3/ngđ. Trên các giàn trung tâm (CTP) thiết kế hệ thống đuốc trung tâm với công suất đối khí lên đến 6,0 triệu m3/ngđ. Toàn bộ hệ thống các đuốc trên các công trình dầu khí ở mỏ Bạch Hổ có công suất đốt lên đến 10 triệu m3/ngđ, đảm bảo cho công tác khai thác dầu đến 30 nghìn tấn/ngđ.

Đốt bỏ khí đồng hành không những làm mất đi nguồn tài nguyên không tái tạo có giá trị và nguồn lợi nhuận rất lớn của quốc gia mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống của dân cư, nơi khai thác dầu khí. Thực tế đó đã thôi thúc tập thể các nhà khoa học - công nghệ Vietsovpetro bên cạnh khai thác dầu tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp thu gom, xử lý, vận chuyển và sử dụng khí đồng hành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đến năm 1995, sau khi đưa được dòng khí từ mỏ Bạch Hổ về Bà Rịa - Vũng Tàu để chạy máy phát điện, lãnh đạo Vietsovpetro và PV GAS đã nghĩ đến việc phải tận dụng nguồn khí đồng hành và nguồn khí khai thác được từ các giếng dầu ở vùng mỏ Bạch Hổ.

Khi đó, chúng ta thiếu khí đốt nghiêm trọng và chưa có một nhà máy cơ sở công nghiệp nào lớn để sử dụng khí, mà chỉ là nhập khí hóa lỏng về để bán cho các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ, chủ yếu là cho nhân dân đun bếp gas. Đưa dòng khí vào bờ và xây dựng một nhà máy xử lý khí, có nghĩa là nhà máy này sẽ làm nhiệm vụ tách các hỗn hợp như Propane (C3), Butan (C4) ra thành khí hóa lỏng LPG (Liquified Petroleum Gas), còn khí khô đưa vào chạy máy phát điện ở Nhiệt điện Phú Mỹ, rồi làm phân đạm. Nếu làm được như vậy thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên nhiều lần. Nhưng lại có một vấn đề quan trọng, đó là, ngày ấy, khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy xử lý khí thì không hiếm người cho rằng, làm ra hàng trăm nghìn tấn gas mỗi năm rồi đổ đi đâu? Ai mua và mua làm gì đống gas ấy? Rồi còn có một câu hỏi thứ hai nữa là có làm được không? Lúc ấy có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa biết làm thì nên liên doanh với một công ty của Mỹ, họ sẽ giúp ta xây dựng nhà máy, quản lý nhà máy. Chúng ta sẽ học từ họ, bao giờ giỏi rồi thì tiếp quản.

Khi đưa vấn đề đó ra bàn bạc, một trong những người phản đối quyết liệt nhất chính là Đỗ Khang Ninh.

Quan điểm của anh là chúng ta hãy thuê tư vấn, giám sát thật tốt, thuê các nhà thầu có kinh nghiệm, có uy tín của Hàn Quốc, Nhật Bản, hãy chọn những thiết bị tốt nhất, công nghệ hiện đại nhất. Nhưng anh thuyết phục thế nào, một số người vẫn không nghe. Cuối cùng, Đỗ Khang Ninh cùng ông Phan Tử Quang - người có công lao rất lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành dầu khí - đã tới gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Sau khi nghe các anh trình bày, Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi điện cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và rồi từ đó, mọi việc bắt đầu được triển khai.

Một trong những lãnh đạo Tập đoàn ủng hộ mạnh mẽ việc này là ông Ngô Thường San, khi đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Ông nói cứ làm, nếu dư thừa thì bán rẻ cho người dân. Mọi việc được quyết định, nhưng thủ tục ở Việt Nam quả thực là nhiêu khê. Phải mất đến 2 năm, công tác hồ sơ giấy tờ mới xong và bắt tay xây dựng nhà máy. Trong khi việc xây dựng nhà máy chỉ mất có 18 tháng. Đây là một kỷ lục cũng vào loại hiếm có.

Việc xây dựng nhà máy không chậm ngày nào và cho đến nay, 20 năm trôi qua, nhà máy vẫn vận hành rất tốt.

(còn tiếp)

Nguyễn Như Phong

DMCA.com Protection Status