Cảnh báo từ những dòng sông giận dữ!

14:20 | 31/10/2017

953 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một thực tế là con người đang đang đối xử với những dòng sông rất tệ. Nhiều dòng sông đang bị bức tử bằng nhiều cách khác nhau, bằng việc xả thải hóa chất vô trách nhiệm, khai thác cát bừa bãi, xây dựng thủy điện, hồ chứa không khoa học... Hậu quả là những dòng sông đang biến tính và ngày càng trở nên giận dữ, các trận lũ lụt, lũ quét kinh hoàng vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất. Phóng viên Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với nhà khoa học môi trường, GS.TSKH Lê Huy Bá xung quanh vấn đề này.  

Thiên tai và… nhân tai

PV: Thưa ông, ở góc độ là nhà khoa học môi trường thì ông nhìn nhận thế nào về những trận lũ lụt, lũ quét gây thiệt hại lớn về người và của xảy ra ở miền Trung, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc vừa qua?

canh bao tu nhung dong song gian du
GS.TSKH Lê Huy Bá

GS.TSKH Lê Huy Bá: Đây được gọi là một thảm họa môi trường bởi nó xảy ra ở diện rộng, gây thiệt hại nhiều người và của, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Thảm họa như thế không phải mới có, nhưng xu hướng ngày càng nặng nề hơn, nguy hiểm hơn. Nhà nước phải có những cảnh báo và tạo điều kiện cho người dân hiểu biết nhiều hơn, đề cao cảnh giác hơn với những hiện tượng như thế để tránh được những thiệt hại xấu nhất có thể xảy ra.

PV: Phải chăng nước ta đang chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, thưa ông?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Theo quy luật hằng năm, đến tháng 9, tháng 10 là đến mùa mưa bão, lũ. Có năm nước ta có đến 12 cơn bão. Bão kéo theo mưa nhiều, năm nay có những đợt mưa đo được trên 300mm, thậm chí có nơi trên 500mm. Đây là một điều bất thường hiếm gặp. Lượng mưa lớn, mưa tập trung và dài ngày sẽ dẫn đến lũ lụt, lũ ống, lũ quét. Qua quá trình nghiên cứu về lũ quét, chúng tôi nhận thấy yếu tố lượng mưa đóng vai trò quyết định. Lượng mưa tập trung khoảng 200-300mm trong đợt mưa 4-5 ngày liên tục thì sẽ xảy ra lũ quét. Những vùng đồi mà không còn thảm phụ thực vật với độ dốc khoảng 20-25 độ thì dễ có lũ ống, lũ quét.

Đó là quy luật tự nhiên, nhưng bất thường ở chỗ là lũ quá dữ, không thể tưởng tượng nổi, lũ cuốn trôi cả nhà cửa trong tích tắc. Những năm trước lũ quét cũng xảy ra nhưng chỉ ở mức nhỏ, cục bộ và chỉ xảy ra ở khu vực đầu nguồn, bây giờ xảy ra cả ở những vùng gần trung du. Mưa lớn dồn dập, bão này chưa tan, bão khác đã tới, chính điều đó đã gây nên những thảm họa thật sự.

Biến đổi khí hậu mới chỉ làm nhiệt độ tăng lên khoảng 0,5-0,70C/năm thôi mà đã gây nên những hậu quả khủng khiếp như thế, nếu tăng hơn nữa thì không biết sẽ như thế nào.

Mất rừng phần lớn là do các địa phương quản lý quá lỏng lẻo. Phá rừng đầu nguồn thì không thể cứu chữa được trong một sớm một chiều, phải mất đến hàng trăm năm sau.

Một vấn đề quan trọng nữa là đất hiện nay đã “no nước” rồi, khoa học gọi là đất quá bão hòa nước. Lúc này, lực liên kết của đất rất yếu hoặc không còn nữa. Vì vậy, chỉ cần một dòng chảy nhỏ thôi cũng gây nên hiện tượng lũ quét.

Xin nhấn mạnh là biến đổi khí hậu không phải là chuyện cảnh báo trên sách vở, cho tương lai xa xôi nào đó nữa rồi mà là hiện thực trước mắt chúng ta. Lũ lụt vừa rồi là một phần do biến đổi khí hậu. Chúng ta, hoặc chết, hoặc phải thay đổi theo kiểu chung sống với nó.

PV: Có lẽ, điều đáng quan tâm chính là… nhân tai. Phải chăng con người đang tự hủy hoại môi trường mà không hề hay biết?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Lấy ngay thực tế về trận lũ quét gây thiệt hại to lớn về người, về của và tài nguyên thiên nhiên ở nước ta mới đây, đó là thảm họa vừa do thiên tai và do cả nhân tai.

Rừng đầu nguồn của nước ta đang bị “tàn phá” một cách không thương tiếc, những ngọn đồi bị cạo trọc bất chấp những lệnh cấm. Ngoài việc do lâm tặc hoành hành thì rừng đầu nguồn còn được không ít địa phương chuyển giao cho các công ty tư nhân phá đi để trồng… cây ăn quả. Rừng đầu nguồn ở Hòa Bình là một trường hợp như vậy, rừng bị phá đến mức người dân phải kêu cứu thảm thiết. Rồi rừng đầu nguồn ở Bình Định cũng thế, cũng bị băm vằm để… trồng rừng thay thế. Người ta luôn có những lý do phá rừng đầu nguồn một cách hết sức vô lý. Mà khi hỏi đến thì kiểm lâm không biết, chính quyền địa phương thì… “bó tay”!

canh bao tu nhung dong song gian du
Nhiều khu dân cư cũng bị nước ngập bao vây cô lập

Mất rừng thì không giữ được nước do nước không thấm được xuống đất, nước chảy tràn trên bề mặt dữ dội thì gây ra lũ quét, lũ ống thôi. Kế đến, mất rừng dẫn đến mất nước, mất nước dẫn đến mất đất bởi đất sẽ bị xói mòn, rửa trôi và cuối cùng là sẽ làm mất tất cả tài nguyên. Thảm họa lũ lụt, lũ quét vừa qua là một phần minh chứng.

Năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên nhưng cũng không ngăn được lâm tặc hoành hành, rừng một năm qua vẫn bị băm vằm không thương tiếc. Và còn có hiện tượng thế này, chúng ta đi ngoài đường thì thấy rừng đấy nhưng đi sâu vào trong thì không có gì, rừng bị phá hết rồi. Rồi qua hình ảnh chụp từ vệ tinh, máy bay, nhìn cứ tưởng rừng vẫn còn phủ xanh đến 30-40%, nhưng thật ra không phải rừng, mà chỉ là thảm thực vật, cỏ, cây bụi hoặc rừng cao su mà thôi. Đó không thể gọi là rừng.

Mất rừng phần lớn là do các địa phương quản lý quá lỏng lẻo. Phá rừng đầu nguồn thì không thể cứu chữa được trong một sớm một chiều, phải mất đến hàng trăm năm sau. Rừng bị phá trống rỗng thì lấy gì giữ nước được, cho nên những rủi ro, sự cố và hiểm họa thiên nhiên ngày càng tăng lên, nặng nề hơn.

Thêm nữa là vấn đề quản lý vĩ mô. Phải xem miền núi Bắc Trung Bộ có nên sản xuất nông nghiệp, sản xuất lúa nữa hay chuyển sang chủ yếu làm du lịch hoặc đặt những xí nghiệp, nhà máy. Bởi nếu muốn trồng trọt thì phải khai hoang, mà càng ra sức khai hoang thì sẽ tạo nên ngày càng nhiều những… quả đồi trọc!

Những dòng sông giận dữ

PV: Có ý kiến cho rằng, các hồ chứa, đập thủy điện cũng là một nguyên nhân dẫn đến những thiên tai vừa qua. Vậy thì ý kiến của ông thế nào?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Trên những dòng sông, chúng ta làm rất nhiều hồ chứa nước, hồ thủy điện. Nhiều hồ như vậy thì dẫn đến hiện tượng thấm nước. Hồ đến đâu thì nước thấm ngang đến đó, thấm vào đồi, vào núi gây hiện tượng bở rời trong đất. Khi đó, chỉ cần một lượng mưa và áp lực nước đủ lớn thì trôi tuột tất cả dù trên đồi núi đó còn rừng hay không.

canh bao tu nhung dong song gian du
Lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc vừa qua

Riêng đối với hồ thủy điện, đến mùa mưa lũ thì phải xả nước liên tục, nếu xả nước không có điều tiết chung thì rất nguy hiểm, dưới hạ lưu sẽ bị ngập úng. Như thủy điện Hòa Bình vừa rồi phải xả đến 7 cửa đáy. Xả như vậy thì nhà cửa, ruộng vườn, mùa màng ở hạ lưu bị ảnh hưởng như thế nào?

Làm thủy điện là có lợi cho an ninh năng lượng quốc gia nhưng phải có quy hoạch chứ không thể cho đầu tư ồ ạt mà không lường trước được những tác hại có thể xảy ra. Hiện nay có tình trạng là người người làm thủy điện, nhà nhà làm thủy điện. Đắp đập, ngăn dòng làm thủy điện như thế là phá hủy tài nguyên môi trường. Có nơi thậm chí còn làm thủy điện trong khu bảo tồn sinh quyển, như ở rừng quốc gia Yok Đôn, Trà Linh chẳng hạn. Không nơi nào làm thủy điện như vậy cả!

Những dòng sông đi vào thơ ca rất đẹp nhưng vẫn có biết bao người đối xử rất tệ hại với dòng sông. Chúng ta đang bức tử chúng bằng nhiều cách, thải hóa chất, hút cát, đắp những con đập, làm hồ chứa... khiến dòng sông biến tính, trở nên giận dữ.

Ngăn dòng chảy của sông khiến đa số thời gian trong năm ở hạ lưu là khô kiệt, nhưng đến mùa mưa thì đột ngột ùn nước, khiến những dòng sông biến tính, trở nên giận dữ. Đó là chưa kể vận tải đường thủy coi như không thể tồn tại được, trong khi đó vận tải thủy là rẻ nhất trong các loại hình vận tải.

PV: Dường như con người đang đối đãi không đúng với những dòng sông. Những dòng sông đang hằng ngày bị đầu độc bằng nhiều cách, bằng hóa chất, bằng thay đổi dòng chảy, hút cát bừa bãi… Ông nghĩ sao về tình trạng đó?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Mỗi con sông tạo nên những lưu vực riêng của nó, quá trình đó có khi mất hàng nghìn năm. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận là chúng ta đối xử với những dòng sông không được tốt.

Nhìn sang Ấn Độ, người ta có những luật đối với sông, coi những con sông thiêng liêng như là một chủ thể con người, có cuộc sống đàng hoàng. Ta cũng phải dần dần hướng đến như vậy. Những dòng sông đi vào thơ ca rất đẹp nhưng vẫn có biết bao người đối xử rất tệ hại với dòng sông, đối xử không đúng theo tình cảm, trách nhiệm và khoa học.

Chúng ta đang bức tử những dòng sông bằng nhiều cách, thải hóa chất, hút cát, đắp những con đập, làm hồ chứa...

Khai thác cát vô tội vạ đã gây nên những hậu quả nặng nề như ta đã thấy thời gian qua, đó là bao nhiêu căn nhà bỗng chốc chìm xuống đáy sông. Lý do là khi hút cát như thế sẽ tạo nên những xoáy nước rất lớn và gây sạt lở đất liền.

Hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước, dòng sông xanh trở thành dòng sông đen, dòng sông chết. Không những hóa chất mà người ta còn xả thải xuống dòng sông một cách vô tội vạ, xả đủ thứ cả. Ngay cả những người địa phương, người sống bên cạnh dòng sông, đang hằng ngày hưởng lợi từ dòng sông cũng đầu độc dòng sông một cách “vô tư” bằng việc xả thải bừa bãi.

PV: Giải pháp nào cải thiện tình trạng đó, thưa ông?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Trước tiên chúng ta vẫn phải liên tục đưa ra lời cảnh báo và kêu gọi ý thức con người về việc bảo vệ môi trường sống. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn để rừng không bị đốn hạ mà phải trồng nhiều hơn. Chính phủ cần ban hành lệnh đóng hẳn cửa rừng và giao rừng lại cho cá nhân, tập thể bảo vệ. Ngoài nâng cao ý thức thì cần phải tăng cường xử phạt thật nghiêm, phạt tiền, phạt tù.

Cao hơn tất cả, ý thức con người là quan trọng, phải xem các con sông là đối tượng như con người, có cuộc sống, để đối đãi với dòng sông một cách tương xứng. Bảo vệ những dòng sông thì cũng chính là bảo vệ cuộc sống của chính con người vậy!

PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu còn có cả nguyên nhân chủ quan như tập quán của người dân thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.

Ngoài ra, những cánh rừng nguyên sinh ở một số vùng núi như Sơn La, Yên Bái hiện đã bị “cạo trọc”, thay vào đó là những nương ngô. Do đó, khi có mưa lũ, sẽ không còn những cánh rừng che chắn.

Theo con số thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai lụt bão, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2000-2015, cả nước đã xảy ra 250 vụ lũ quét và sạt lở đất, làm 646 người chết và mất tích, 351 người bị thương, thiệt hại khoảng 3.300 tỉ đồng.

Riêng đợt mưa lũ lịch sử xảy ra vào trung tuần tháng 10-2017 đã khiến 80 người thiệt mạng, 23 người vẫn đang mất tích và gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc