Cần xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng?

15:39 | 04/10/2012

1,002 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cần xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng và tôn trọng quy luật thị trường là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân”, tổ chức tại TP HCM ngày 4/10.

TS Nguyễn Đại Lai - Chuyên viên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, điều đáng quan tâm hiện nay là phải xem lại cơ chế độc quyền vàng. Vì trên khắp thế giới giá trị vàng được đo bằng tuổi vàng thì ở Việt Nam do cơ chế cấm nửa vời nên tuổi vàng miếng không quan trọng bằng vàng đó mang logo gì.

Nhiều chuyên gia cho rằng nên xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng

Nhà nước cấm mọi loại vàng miếng trừ vàng miếng mang logo SJC và phi SJC được "khoác" trước vinh quang sẽ trở thành “SBV”, là thương hiệu mang 3 chữ viết tắt của NHNN bằng tiếng Anh (State Bank of VietNam). Chính vì vậy, mọi loại vàng miếng “phi SJC” muốn lưu thông thì hoặc phải biến thành đồ trang sức hoặc phải “đội mũ” SJC bất luận có cùng tuổi vàng như SJC? Trong khi đó, SJC chỉ là logo của Công ty TNHH vàng bạc đá quý Sài Gòn, là công ty kinh doanh đơn thuần vì mục đích lợi nhuận!

Hiện nay, thị trường vàng trong nước đang nhảy múa và tuột khỏi tầm kiểm soát của chính người có vàng. Giới đầu cơ đang làm giá một cách trắng trợn và độc quyền đến mức: chênh lệch đã luôn lớn hơn 2,5 triệu đồng, thậm chí có lúc chênh lệch hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Trong lúc thị trường vàng bộc lộ giá độc quyền và cách biệt với giá thế giới như vậy nhưng hiếm thấy động thái gì từ việc giảm hay tăng vàng từ kho dự trữ ngoại hối nhà nước để tham gia can thiệp mà chủ yếu chỉ thấy động thái tăng cường chương trình “SJC hóa”, tăng cường chuyển đổi các loại vàng phi SJC thành SJC.

Bằng chứng là hiện nay, các xưởng máy của SJC đang chạy hết công suất để dập gấp hơn 13 tấn vàng phi SJC thành vàng SJC để cung cấp hàng cho thị trường và chạy theo lộ trình “duy nhất hóa” vàng miếng SJC vào ngày 25/11/2012 theo Nghị định 24 về quản lý vàng của Chính phủ.

Như vậy, SJC chỉ nhờ cơ chế mà được siêu quyền năng “3 trong 1”, độc quyền can thiệp thị trường, độc quyền mang trước vinh quang của SBV và độc quyền “dập” để SJC hóa các loại vàng phi SJC.

TS Nguyễn Đại Lai, Chuyên viên Ngân hàng Nhà nước

TS Nguyễn Đại Lai cho rằng: Hiện nay, SJC “chưa đỗ ông nghè” (chưa thành SBV) nhưng đã đe dọa cả thị trường vàng trong nước như thời gian vừa qua là một điều rất đáng tiếc, lẽ ra nó phải bình đẳng với mọi loại vàng ở cùng tuổi vàng khác trên thị trường.

TS Phạm Đỗ Chí - nguyên Chuyên gia Kinh tế và Đầu tư cao cấp của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng: Tình hình hiện nay gây khó khăn, tạo tâm lý bất ổn cho cả doanh nghiệp và một số lượng lớn dân cư giữ vàng. Trước mắt, khi giá vàng của các thương hiệu khác ngoài SJC giảm mạnh, người dân sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất và sau đó khó khăn sẽ đè nặng lên các doanh nghiệp, nhất là áp lực về vốn và giải quyết việc làm cho người lao động tham gia sản xuất vàng miếng.

Bên cạnh có, điều đáng lo ngại nhất là nếu giá vàng miếng của các thương hiệu khác tiếp tục giảm thì sẽ không loại trừ khả năng những kẻ buôn lậu vàng nhân cơ hội này gom vàng miếng của các thương hiệu khác ngoài SJC để xuất khẩu lậu ra nước ngoài.

Vẫn biết giá vàng trong nước lên cao có lý do theo xu hướng của giá vàng thế giới vì Việt nam không phải là quốc gia có nhiều mỏ vàng, càng không phải là quốc gia có ngành công nghiệp khai thác hay sản xuất vàng xuất khẩu mà là quốc gia nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, một thực tế là khoảng cách giữa giá vàng nội địa và thế giới liên tục nới rộng quá mức đến nghịch lý. Đặc biệt, giá vàng mang thương hiệu SJC duy trì ở mức cao hơn 2,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, trong khi đó các thương hiệu vàng khác lại ngang bằng thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới 1 triệu đồng/lượng.

Với những bất ổn của thị trường vàng như trên, các chuyên gia kiến nghị nên xóa bỏ cơ chế độc quyền vàng và tôn trọng quy luật thị trường. Việc đo đếm giá trị và giá cả vàng phải căn cứ vào tuổi vàng, xóa bỏ mọi sự kỳ thị với các loại vàng phi dự trữ ngoại hối nhà nước.

NHNN chỉ quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối nhà nước bằng vàng thỏi, chuẩn quốc gia và đồng thời là chuẩn quốc tế. Đối với việc kinh doanh vàng, NHNN chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước, không tham gia vào kinh doanh vàng mặc dù có thể có những phát sinh can thiệp thị trường vàng với mục đích ổn định giá trị sức mua của đồng tiền và để thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối, không vì mục đích lợi nhuận.

Theo TS Nguyễn Đại Lai, chính sách quan trọng nhất để quản lý vàng là chống vàng hóa phương tiện thanh toán cùng với chống đôla hóa một cách triệt để bằng pháp luật. Chuẩn hóa vàng thỏi và vàng thỏi chỉ có trong cơ cấu dự trữ ngoại hối nhà nước, không có mặt ngoài thị trường vàng tự do. Cho mở sàn vàng chính thức và cho kinh doanh vàng tự do nhưng nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng.

Mai Phương