Cẩn trọng với… nấm hoang dại

06:45 | 20/03/2014

1,659 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa đầy một tuần, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 2 ca ngộ độc nấm tập thể, với 10 bệnh nhân, trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong. Đây là hồi chuông báo động về thực trạng nhận thức của người dân trong việc sử dụng… nấm.

Năng lượng Mới số 305

Cái chết thương tâm

Vụ ngộ độc nấm ngày 8/3 vừa qua ở Võ Nhai, Thái Nguyên khiến 2 nạn nhân là em Lý Minh Khôi (13 tuổi) và bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) tử vong, 3 bệnh nhân khác đang trong tình trạng nguy kịch gây rúng động dư luận. Sự việc này còn chưa nguôi thì lại xuất hiện thêm một gia đình khác cũng đến nhập viện vì ngộ độc do ăn nấm rừng. Như vậy, chỉ trong vòng 4 ngày, riêng Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 10 bệnh nhân nhiễm độc từ nấm. Đây là một con số đáng lo ngại và càng đáng sợ hơn khi đang là mùa mưa, nấm phát triển mạnh, liệu rằng con số này có dừng lại? Suốt nhiều năm qua, tình trạng ngộ độc do ăn phải nấm dại đã nhiều lần được cảnh báo.

Bệnh nhân Lý Minh Khôi tử vong do ăn nấm độc

Theo đó, cũng quá nhiều cái chết thương tâm từ nấm xảy ra mà nguyên nhân đều là bà con đi hái nấm rừng về ăn. Địa bàn có số bệnh nhân nhiễm độc cao nhất qua các năm chủ yếu là các tỉnh miền núi phía bắc như: Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai… Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2003-2011 cho thấy, con số nhiễm độc do nấm của ở các tỉnh này là hơn 90 vụ, với gần 350 người mắc, trong đó 55 trường hợp tử vong. Năm 2012-2013, số nạn nhân ngộ độc do ăn phải nấm dại đã giảm đi nhưng đến đầu năm nay lại bùng phát trở lại. Điều này minh chứng, dù đã nhiều lần phát động, tuyên truyền về tác hại của việc ăn nấm dại nhưng kết quả vẫn chưa thực sự khả quan.

Trong khi đó, ngộ độc do nấm thường là bị tập thể nên hậu quả để lại càng thương tâm, không ít những cái chết tức tưởi do ăn phải nấm dại. “Hằng năm, trung bình chúng tôi tiếp nhận 20-30 bệnh nhân bị nhiễm độc do nấm. Con số không quá cao nhưng ngộ độc nấm lại rất nguy hiểm. Với những trường hợp này khi vào nhập viện tự họ đã đánh cược 50% sự sống. Đã có người chết trên đường đến bệnh viện hay cả gia đình chết vì ăn nấm” - PGS.TS Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay.

Dẫn lời, PGS.TS Phạm Duệ ví dụ: Riêng năm 2004, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân đến từ các tỉnh miền núi phía bắc nhưng con số thương vong gần một nửa. Có gia đình 4 người ở Tuyên Quang đều tử vong vì nấm độc. Gia đình ở Bắc Kạn có 4 người bị ngộ độc thì 3 người chết, 1 người nguy kịch. Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng năm 2011, vẫn xảy ra trường hợp hai mẹ con ở Lào Cai nhập viện do ăn nấm thì người con tử vong…

“Nhiễm độc do nấm là một trong những ca nhiễm độc có tỷ lệ tử vong cao nhất. Mặc dù cách phòng tránh rất đơn giản nhưng nhiều bệnh nhân đến trung tâm không nắm rõ mà để xảy ra những sự vụ đáng tiếc như trên” - PGS.TS Phạm Duệ chia sẻ.

Đừng ăn nấm lạ

Thừa nhận, từ lâu nấm đã là một món ngon, bổ dưỡng, đương nhiên là đối với người biết sử dụng nó. Còn ngược lại, nó sẽ là “tử thần” nếu không có kiến thức cơ bản và dùng nấm một cách vô tội vạ. Theo thống kê của PGS.TS Hoàng Công Minh, Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y thì ở Việt Nam có khoảng 50-100 loài nấm độc khác nhau nên rất khó để phân biệt đâu là nấm độc, đâu là nấm ăn được. Đối với bà con dân tộc vùng núi, vẫn với tập quán sinh sống du canh, du cư, sử dụng hình thức hái lượm cho bữa ăn hằng ngày cùng với những hiểu biết hạn chế về nấm đã đem đến những hậu quả đáng tiếc như trên.

Được biết, hằng năm vẫn có những chương trình tuyên truyền về tác hại của nấm đến cho bà con. Gần đây nhất là đầu tháng 2/2014, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 282/ATTP-TT đề nghị các đơn vị phối hợp tuyên truyền về nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông trên sóng phát thanh ở địa phương, nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc nấm. Vậy nhưng, số ca ngộ độc do nấm vẫn đáng báo động.

Nói về thực trạng sử dụng nấm của bà con, bác sĩ Phạm Duệ khuyến cáo: “Bà con tuyệt đối không được ăn nấm hoang dại, nấm không có nguồn gốc xuất xứ. Bà con hay có thói quen hái nấm ở những cây quen trong rừng, mùa này ăn được thì mùa sau lại ra hái. Nhưng ngay cả trong một đám nấm mọc cạnh nhau vẫn có thể lẫn lộn giữa nấm lành và nấm độc, rất khó phân biệt. Nên biện pháp hữu hiệu nhất là nói không với nấm rừng”.

Điều đáng nói là không riêng bà con miền núi, thời gian gần đây nấm là món ăn khá được ưa chuộng ở các tỉnh thành trên cả nước. Hiện dễ dàng tìm kiếm đầy đủ các loại nấm được bày bán tràn lan. Vừa qua, hiện tượng nấm kim châm Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam cũng gây nhiều hoang mang cho các bà nội trợ. Cùng với đó thì việc tung hỏa mù về công dụng của nấm linh chi, nấm lim xanh… Vậy nên, phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình vẫn là tỉnh táo trước các loại nấm.

Huy An