Cần Thơ hướng tới xây dựng Thành phố thông minh và Tiết kiệm năng lượng

13:57 | 16/04/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Mới đây, đại diện UBND TP Cần Thơ cùng các Sở, ngành có liên quan đã có buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về việc đề xuất đầu tư Dự án Thành phố thông minh và Tiết kiệm năng lượng (SEECP) trên địa bàn TP Cần Thơ.

Mục tiêu nhằm giúp TP Cần Thơ đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chương trình quốc gia sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) và Đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại Cần Thơ trong giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030”. Các hoạt động được thực hiện trong Dự án sẽ phù hợp với các sáng kiến hiện có của Chính phủ Việt Nam cũng như UBND TP Cần Thơ nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia/thành phố đã hoạch định.

Cần Thơ hướng tới xây dựng Thành phố thông minh và Tiết kiệm năng lượng
TP Cần Thơ về đêm/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Về thực hiện SEECP Cần Thơ, ADB đã đề xuất các hợp phần thuộc phạm vi dự án như sau:

Hợp phần 1 - Chiếu sáng thông minh: cải tạo 30.579 bộ đèn đường hiện hữu (không phải đèn LED) bằng đèn LED, và hạ tầng chiếu sáng (cần đèn/bo mạch chính/dây dịch vụ/nối đất). Dự án sẽ không thực hiện trên 7.601 đèn LED hiện hữu đang hoạt động. Thành phố hiện có tổng cộng 38.180 đèn chiếu sáng. Thay thế 747 CCMS/tủ điện/bảng điều khiển xuất tuyến cũ. Xây dựng một trung tâm điều khiển mới tích hợp các tính năng thành phố thông minh tiên tiến bao gồm chiếu sáng thông minh với các hệ thống điều khiển cao cấp. Lắp đặt 24.691 điểm chiếu sáng mới với các hạ tầng chiếu sáng (cần đèn/bo mạch chính/dây dịch vụ/nối đất); và lắp đặt 381 cột đèn thông minh mới (chiếm 1% trên tổng số 38.180 cột đèn) với các tính năng như hệ thống quản lý và giám sát giao thông; camera quan sát để giám sát và theo dõi, tích hợp wi-fi và internet, quan trắc môi trường (chất lượng không khí, tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm…), nút nhấn khẩn cấp, hệ thống thông báo công cộng (PA), sạc xe điện (EV), hiển thị tin nhắn và biển quảng cáo kỹ thuật số/bảng chỉ dẫn…

Hợp phần 2 - Tòa nhà thông minh: Tiến hành cải tạo 50 tòa nhà công cộng ở Cần Thơ bao gồm 19 bệnh viện, 27 trường học và 4 văn phòng dựa trên Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại TP Cần Thơ và tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho toà nhà bao gồm điện mặt trời áp mái; hệ thống che nắng trong nhà; hệ thống và điều khiển chiếu sáng hiệu quả, hệ thống sưởi, thông gió hiệu quả, hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà và hệ thống điều hòa không khí để tăng cường tiết kiệm năng lượng trong mảng tòa nhà công cộng.

Theo đề xuất, tổng mức đầu tư cho SEECP Cần Thơ là 67,29 triệu USD, tương đương 1.561.234 triệu đồng. Trong đó, vay Ngân hàng Phát triển châu Á 49% tương đương 32,97 triệu USD, vay Quỹ khí hậu xanh (GCF) 10,5% tương ứng 7,07 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 10,5% là 7,07 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 30% là 20,19 triệu USD. ADB sẽ là cơ quan quản lý các nguồn tài trợ của GCF trong dự án này. Đối với khoản vay ODA, UBND TP Cần Thơ sẽ là đơn vị vay vốn/Chủ đầu tư dự án. Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ Việt Nam ký các hiệp định vay và sử dụng tài trợ từ ADB và GCF.

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ ghi nhận, đánh giá cao các đề xuất về SEECP Cần Thơ của các chuyên gia ADB và cho biết lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan xem xét cụ thể từng hợp phần đã được đề xuất trong dự án cũng như việc bố trí nguồn vốn, sau đó sẽ thông báo lại cho đại diện ADB.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND TP cũng giao Sở Xây dựng TP Cần Thơ làm đầu mối tổng hợp ý kiến của các Sở, ngành có liên quan, nghiên cứu chi tiết các nội dung của SEECP… để báo cáo cho lãnh đạo thành phố xem xét nhằm thống nhất lựa chọn phương án khả thi để triển khai dự án, đảm bảo phù hợp với chính sách phát triển của thành phố.

G.Minh

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

vietinbank
ajinomoto