Cần thêm cơ chế hỗ trợ để xử lý các dự án chưa hiệu quả

07:00 | 24/06/2018

1,007 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Để khởi động lại các dự án chưa hiệu quả, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của chủ đầu tư trong việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ về mặt cơ chế tài chính cho các dự án.
can them co che ho tro de xu ly cac du an chua hieu qua
Các kỹ sư kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị tại Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, việc xử lý, tháo gỡ khó khăn tại các dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ, NLSH Dung Quất, Bình Phước đã đi đến những bước cuối cùng, sẵn sàng cho việc khởi động một phần hoặc toàn bộ nhà máy.

Theo đó, ngày 20/4/2018, PVTEX đã tiến hành khởi động, đi vào vận hành chính thức 3 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy, máy móc hoạt động ổn định, tỷ lệ sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu vượt chỉ tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Và sau hơn 1 tháng vận hành phân xưởng sợi, nhà máy đã có lợi nhuận khoảng 170 triệu đồng, sản phẩm sản xuất ra được khách hàng tiêu thụ kịp thời. Dự kiến, trong tháng 7, PVTEX sẽ khởi động thêm 3 dây chuyền và từng bước khởi động lại toàn bộ 29 dây chuyền của nhà máy.

PVTEX và đối tác là Tổ hợp APH cơ bản đã thống nhất các điều khoản trong dự thảo hợp đồng hợp tác và sản xuất kinh doanh Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.

Với các nhà máy nhiên liệu sinh học, công tác bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy đều đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho việc vận hành trở lại, việc tìm kiếm đối tác để hợp tác sản xuất kinh doanh hoặc đã được ký kết, hoặc đang trong quá trình đàm phán. Về cơ bản, 2 nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Phước đã sẵn sàng vận hành trở lại.

Riêng Nhà máy NLSH Phú Thọ, do PVOIL chỉ góp 39% vốn điều lệ, còn lại là các cổ đông ngoài ngành Dầu khí nên không quyết định được các vấn đề của dự án. Nhưng theo thống nhất của các cổ đông, chủ đầu tư đang triển khai thực hiện phương án tìm kiếm đối tác đầu tư trên nguyên tắc đối tác đầu tư sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai tiếp dự án.

Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức cụ thể trong việc xử lý các dự án chưa hiệu quả nhưng theo PVN, việc xử lý các dự án vẫn đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, mà để tháo gỡ những khó khăn, thách thức này, chỉ sự nỗ lực, quyết tâm của PVN và các cổ đông là không đủ mà phải có sự vào cuộc hỗ trợ về mặt cơ chế, đặc biệt là cơ chế về tài chính cho các dự án.

Đó là việc các cổ đông không thể dùng các nguồn tài chính của mình để hỗ trợ PVTEX vận hành lại nhà máy. Thời gian qua, để khởi động các dây chuyền DTY thì PVN đã phải ứng 8 tỷ đồng từ Quỹ tương trợ Dầu khí (không phải vốn nhà nước). Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp ngắn hạn và không mang tính lâu dài. Trong thời gian tới, để có nguồn tài chính cho PVTEX khởi động lại nhà máy khi thực hiện hợp tác vận hành thì cần có sự đồng thuận hoặc điều chỉnh cơ chế chính sách cho phép sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp để xử lý. Ngoài ra, đó còn là việc cung cấp điện cho Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ; vấn đề khoanh/giãn khấu hao; nhân sự vận hành nhà máy; diễn biến giá dầu, bông…

can them co che ho tro de xu ly cac du an chua hieu qua
Người lao động đang làm việc tại tại OBF

Đặc biệt đó là vấn đề áp thuế nhập khẩu xơ sợi. Theo PVN, hiện Bộ Công Thương đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng mức thuế 2% thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu xơ sợi đến cuối năm 2018. Tuy nhiên, theo đề xuất của đối tác hợp tác, để đảm bảo việc hợp tác đi đến thành công, các cơ quan chức năng cần xem xét phương án tiếp tục áp dụng cơ chế trên cho các năm tiếp theo.

Còn với các dự án nhiên liệu sinh học thì đó là vấn đề về giá. Theo đó, giá sắn hiện nay đã lên khoảng 6.000 đồng/kg sắn lát khô, tăng gần 4.400 đồng/kg so với thời điểm lập dự án đầu tư, trong khi chi phí nguyên liệu sắn chiếm khoảng 60 - 70% giá thành sản xuất; thị trường tiêu thụ xăng E5 vẫn chưa được như kỳ vọng…

Chia sẻ với các chủ đầu tư về các kiến nghị liên quan đến việc giãn nợ, khoanh nợ, xử lý khấu hao để đảm bảo “sức khỏe” cần thiết cho các dự án duy trì hoạt động trong giai đoạn hiện nay, PVN cho rằng: Việc tái cơ cấu lại nợ và giãn khấu hao là cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay để chia sẻ khó khăn, rủi ro giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp theo hướng giảm thiệt hại nhất cho tất cả các bên. Sau khi vượt qua được giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp sẽ từng bước bù đắp chi phí, tích lũy nguồn trả nợ ngân hàng thay vì bị phá sản, mất vốn không có khả năng trả nợ thì tất cả các bên đều bị thiệt hại.

Với quan điểm trên, PVN kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét tái cơ cấu nợ vay, giãn khấu hao để tháo gỡ khó khăn cho dự án, doanh nghiệp; Chính phủ có cơ chế cho phép sử dụng vốn nhà nước (không phải là ngân sách nhà nước) của doanh nghiệp để xử lý các dự án khó khăn. Và đặc biệt, sớm xử lý dứt điểm công tác thanh tra, điều tra các dự án, doanh nghiệp để người lao động yên tâm công tác, đóng góp cho dự án, doanh nghiệp. Đồng thời có cơ chế bảo vệ các nhân sự tham gia xử lý, giải cứu các dự án để họ tiếp tục phát huy sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách, hoàn thành việc khôi phục các dự án.

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status