Cần tập trung quản lý các vấn đề của dự án dầu khí tại một văn bản luật duy nhất

06:54 | 08/06/2022

6,659 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Với vai trò là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong lĩnh vực cốt lõi - tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đang phải đương đầu với nhiều thách thức khí triển khai các dự án dầu khí.

Theo đánh giá chung, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí trong toàn Petrovietnam những năm qua gặp nhiều khó khăn, đó là: Các lô mở có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp. Việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư ít hoặc không quan tâm đến các lô hợp đồng dầu khí mới. Những năm gần đây, Petrovietnam/PVEP ký được rất ít hợp đồng dầu khí, khiến hoạt động tìm kiếm, thăm dò hạn chế, vốn đầu tư cho hoạt động này chỉ còn bằng 25% so với những năm trước... Đặc biệt, cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí không còn phù hợp với tình hình mới, ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực cốt lõi này.

Luật Dầu khí và các điều khoản Hợp đồng dầu khí hiện hành còn tồn tại bất cập và kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực, không phù hợp tiềm năng trữ lượng dầu khí hiện nay nên không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.

Cần tập trung quản lý các vấn đề của dự án dầu khí tại một văn bản luật duy nhất
Dự án Bir Seba tại Algeria

Trên thực tế, Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều vào các năm 2000 và 2008. Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới biến động, xu hướng chuyển dịch năng lượng (từ năng lượng truyền thống sang các dạng năng lượng mới) và điều kiện thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam, các cơ chế trong Luật Dầu khí không đủ khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các mỏ nhỏ/cận biên, hay áp dụng các giải pháp để tận thăm dò, nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR).

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư quy định quy trình thủ tục đầu tư các dự án thăm dò khai thác dầu khí áp dụng theo quy định tại Luật Dầu khí, tuy nhiên, Luật Dầu khí hiện nay chưa có quy định về nội dung này. Đây là khoảng trống pháp lý đối với doanh nghiệp dầu khí nhà nước như PVEP khi muốn tham gia đầu tư vào các dự án thăm dò khai thác dầu khí.

Các dự án dầu khí thường được triển khai kéo dài, tiềm ẩn rủi ro, việc đánh giá, tính toán tổng mức đầu tư đều mang tính dự báo. Trong quá trình triển khai dự án, có những giai đoạn điều kiện bối cảnh thế giới, diễn biến thị trường thực tế biến động khó lường, khiến tăng tổng mức đầu tư. Lúc này, vướng mắc giữa Luật Dầu khí và Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư dự án dầu khí khiến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án cũng như các thủ tục rất khó khăn, kéo dài. Khi đó xảy ra tình trạng chưa làm xong thủ tục nhưng tiến độ dự án không thể dừng lại mà vẫn phải tiếp tục triển khai, số tiền đầu tư vượt mức được phê duyệt ban đầu, nhưng không thể chuyển tiền cho dự án để tiếp tục triển khai. Nhiều dự án của PVEP đang gặp phải tình trạng này.

Một điểm khác biệt khiến cho PVEP hiện tại gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp dầu khí quốc tế đó là các đối tác nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam chỉ hoạt động dựa trên quy định của Luật Dầu khí. Trong khi đó PVEP là một doanh nghiệp Nhà nước, bên cạnh Luật Dầu khí còn phải tuân thủ theo nhiều bộ luật khác, như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước... Dẫn tới việc khi hợp tác với nhau trong một dự án cụ thể gặp rất nhiều trục trặc. PVEP phải tuân thủ theo các trình tự thủ tục đầu tư, các việc chi tiêu phải tuân theo Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước, Luật Đấu thầu... Khi đó quy trình xử lý thủ tục đối với các doanh nghiệp dầu khí Nhà nước như PVEP bị kéo dài, không đáp ứng yêu cầu tiến độ của đối tác, dẫn đến tình trạng dự án bị đình trệ. Khi dự án đình trệ, PVEP phải chịu trách nhiệm, từ đó mất dần đi lợi thế.

Ngoài ra, hạn chế cũng đến từ Luật Đấu thầu, do PVEP là doanh nghiệp Nhà nước nên khi đầu tư hơn 30% vào bất kỳ dự án nào cũng sẽ phải thực hiện đấu thầu theo đúng các quy trình, trong khi các đối tác nước ngoài không chịu chi phối bởi các luật này. Các thủ tục thầu thông qua PVEP phải thực hiện rất lâu, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư khác, cũng như uy tín của PVEP và Petrovietnam.

Chính vì vậy, một trong những vấn đề cấp thiết mà Luật Dầu khí sửa đổi cần xử lý là bổ sung quy định để áp dụng thống nhất cơ chế trình duyệt các vấn đề phát sinh trong đầu tư và triển khai dự án dầu khí từ khâu hình thành đến kết thúc dự án, để có thể đáp ứng đồng thời tất cả các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng và môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp như Petrovietnam và PVEP.

Đồng thời, Luật Dầu khí cần phải được ưu tiên áp dụng trong việc triển khai hoạt động dầu khí, tạo điều kiện để Petrovietnam/PVEP thực hiện các hoạt động đầu tư và triển khai dự án dầu khí theo trình tự, thủ tục đầu tư và quản lý vốn được quy định tại Luật Dầu khí nhằm tháo gỡ sự chồng chéo của các văn bản luật hiện hành và tập trung quản lý các vấn đề của dự án dầu khí tại một văn bản luật duy nhất.

Thông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vữngThông qua Luật Dầu khí sửa đổi: Thúc đẩy ngành năng lượng phát triển bền vững
Sửa đổi, hoàn thiện Luật Dầu khí là yêu cầu cấp thiết để hiện thực hóa giá trị tài nguyên Dầu khíSửa đổi, hoàn thiện Luật Dầu khí là yêu cầu cấp thiết để hiện thực hóa giá trị tài nguyên Dầu khí
Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khíCải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện khai thác tốt nhất tiềm năng dầu khí
Petrovietnam mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)Petrovietnam mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)
Hoàn thiện Luật Dầu khí sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động dầu khí trong thực tiễnHoàn thiện Luật Dầu khí sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động dầu khí trong thực tiễn

H.A

DMCA.com Protection Status