Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí

09:00 | 18/05/2018

4,491 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đã 25 năm, kể từ tháng 7-1993, Luật Dầu khí được ban hành, quy định về hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí vào thời điểm nước ta mở cửa và ngành Dầu khí bước đầu phát triển.

Chưa có bộ luật dầu khí hoàn chỉnh

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tìm kiếm, quản lý, giữ gìn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên dầu khí, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tham gia bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia trên biển; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an sinh xã hội.

Với trọng trách đó, PVN cùng các đơn vị thành viên và các đối tác là đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Luật Dầu khí.

can som sua doi bo sung luat dau khi

Để theo kịp với sự chuyển đổi, phát triển kinh tế của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Luật Dầu khí đã 2 lần được Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi toàn diện của ngành công nghiệp dầu khí trong 10 năm trở lại đây đã khiến nhiều quy định trong Luật Dầu khí không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển của các hoạt động liên quan đến dầu khí.

Đáng chú ý, vào năm 2008, Luật Dầu khí sửa đổi có tới 17 điểm mới, nhưng vẫn chỉ tập trung vào những điểm như: tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các hoạt động dầu khí; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí; giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính; bãi bỏ một số điều liên quan đến chính sách thuế áp dụng đối với lĩnh vực dầu khí.

Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí nhận định: Chúng ta vẫn chưa có được một bộ luật dầu khí hoàn chỉnh, đầy đủ như các nước công nghiệp dầu khí phát triển và kỳ vọng sau khoảng 5 năm, nghĩa là tới năm 2013 sẽ có một bộ luật hoàn chỉnh, không chỉ quy định về hoạt động của khâu thượng nguồn là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí mà bao quát cả khâu trung nguồn và hạ nguồn như vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu. Đồng thời, các chuyên gia mong muốn Nhà nước có sự thay đổi mạnh hơn trong việc phân cấp, phân định chức năng, nhiệm vụ quản lý, giảm bớt các đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu, nhà đầu tư trong lĩnh vực quan trọng này.

Đến nay, đã 10 năm trôi qua, những mong muốn đó vẫn chưa trở thành hiện thực.

Cần tạo hành lang pháp lý chuẩn

Hiện nay, mọi hoạt động trung và hạ nguồn của PVN đang được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành...

Vì vậy, việc bổ sung hoàn chỉnh Luật Dầu khí liên quan đến các khâu trung và hạ nguồn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho PVN và nhà đầu tư vào ngành Dầu khí, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư là rất cần thiết.

Luật Dầu khí quy định, PVN với tư cách là công ty dầu khí quốc gia được tiến hành các hoạt động dầu khí và ký kết hợp đồng dầu khí với tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí theo quy định của pháp luật. Thực tiễn triển khai hoạt động dầu khí từ khi ban hành Hợp đồng dầu khí mẫu (ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP) đến nay cho thấy, còn khá nhiều khái niệm, quy định chưa rõ ràng, thiếu logic, tạo thành rào cản trong quá trình PVN đàm phán, thuyết phục các nhà đầu tư, nhà thầu.

Trong tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, các quốc gia đều thường xuyên thay đổi các chính sách về ngoại giao, kinh tế, mở rộng các hoạt động đàm phán ký kết hợp tác kinh tế - thương mại song phương, đa phương… thì việc sửa đổi, điều chỉnh hoạt động thương mại, đổi mới nội dung, phương thức ký kết các hợp đồng kinh tế cho phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa là hết sức cần thiết.

Hợp đồng dầu khí mẫu mới cần được xem xét chỉnh lý kịp thời để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, nhằm thu hút các công ty dầu khí thế giới vào hợp tác với Việt Nam. Cũng cần có quy định nguyên tắc ổn định và nguyên tắc không hồi tố trong Luật Dầu khí và các văn bản dưới luật nhằm tránh các tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của các Hợp đồng dầu khí.

Luật Dầu khí hiện tại cũng chưa quy định rõ ràng về vấn đề chuyển nhượng quyền lợi tham gia (trực tiếp và gián tiếp) trong Hợp đồng dầu khí, về thuế chuyển nhượng vốn trong mỗi trường hợp để nhà đầu tư biết và tuân thủ ngay từ khi đàm phán hợp đồng chuyển nhượng.

Các nước có ngành dầu khí phát triển trên thế giới đã áp dụng các cơ chế chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu, cụ thể như miễn giảm thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu dầu và thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tăng tỉ lệ phân chia dầu lãi cho nhà đầu tư đối với việc gia tăng lượng dầu khai thác do áp dụng các giải pháp tăng cường thu hồi dầu. Việc áp dụng các điều kiện khuyến khích được quy định trong Luật Dầu khí hoặc Hợp đồng dầu khí mẫu hiện nay cho đối tượng này được đánh giá là chưa phù hợp, không đủ khuyến khích các nhà đầu tư để tiếp tục đầu tư.

Trong Luật Dầu khí hiện nay và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như trong các hợp đồng dầu khí cũng chưa có quy định cụ thể về ưu đãi trong đấu thầu sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước, do vậy các nhà điều hành không đưa được tiêu chí lượng hóa vào hồ sơ mời thầu để ưu đãi, mỗi nhà điều hành có lại cách thức ưu đãi khác nhau, dẫn đến hệ quả: Khó tạo được việc làm cho lao động trong nước và không khuyến khích được nhà thầu nước ngoài khi tham gia đấu thầu sẽ liên danh hoặc sử dụng thầu phụ là doanh nghiệp trong nước.

Hiện nay, việc triển khai các dự án đầu tư tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí, ngoài việc tuân thủ Luật Dầu khí còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau (Luật Dầu khí, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng...), rất phức tạp, chồng chéo, chưa thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau ở nhiều điều khoản.

Về các quy định liên quan đến đầu tư ra nước ngoài, trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt, PVN cũng đang gặp khó khăn do bị chi phối bởi các quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15-11-2017 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí. Thăm dò, khai thác dầu khí là hoạt động có nhiều rủi ro, khó có thể hoạch định được chính xác 100% trong giai đoạn tiền đầu tư. Nhưng việc quyết định chuyển nhượng, tái cấu trúc hoặc kết thúc dự án... dầu khí đầu tư ra nước ngoài đúng lúc, đúng thời điểm là hết sức quan trọng. Nếu không có quy định rõ về việc phân cấp thẩm quyền quyết định các hoạt động này sẽ khiến doanh nghiệp mất đi sự chủ động, mất đi nhiều cơ hội lựa chọn dự án đầu tư tốt.

Để tuân thủ đầy đủ những điều chỉnh của các luật cho một dự án dầu khí đối với PVN là rất phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án và các nhà thầu nước ngoài. Vì vậy cần có quy định thống nhất, loại trừ mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý chuẩn, nhằm giảm bớt các thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay.

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status