Cần phát huy năng lực cá nhân của giáo viên

18:33 | 14/12/2012

1,463 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Hiện nay, năng lực của nhiều giáo viên ở nước ta còn yếu kém, các kỹ năng liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy và giao tiếp với học sinh còn nhiều hạn chế. Để khắc phục những thiếu sót này, các nhà quản lý của Bộ GD-ĐT Việt Nam đã phối hợp giáo sư của Bộ Giáo dục và Trẻ em Đan Mạch đưa ra tiêu chuẩn năng lực đánh giá đối với giáo viên các cấp học.

Trong khuôn khổ hội thảo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam, các đại biểu đã bày tỏ băn khoăn trước tình trạng nhiều giáo viên không có năng lực nghiên cứu, càng không thể hướng dẫn cho sinh viên, học sinh tìm hiểu những vấn đề khoa học.

Chia sẻ kinh nghiệm của nước mình, GS Jens Rasmussen (Bộ Giáo dục và Trẻ em Đan Mạch) cho biết, Đan Mạch rất chú trọng tới vấn đề nâng cao năng lực nghiên cứu của giáo viên. Từ năm 2011, mỗi năm Đan Mạch đều có khoản ngân khác 6 triệu euro/năm và cung cấp các học bổng tiến sĩ cho công tác đào tạo giáo viên.

Với sinh viên ngành sư phạm, sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ phải làm bài nghiên cứu để báo cáo cho hội đồng. Trong bài nghiên cứu này, sinh viên sẽ vận dụng những kỹ năng khảo sát, phân tích những vấn đề mà họ quan tâm và có liên quan đến chuyên ngành của mình.

Các giáo sư Đan Mạch chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.

Với nhiều hình thức như phát bảng hỏi, phỏng vấn trực tiếp, sinh viên sẽ hoàn thiện bài điều tra của mình và nộp lại cho hội đồng chấm thi. Bên cạnh đó, sinh viên vẫn phải nộp bài luận và thi vấn đáp trong thời gian 40-45 phút để đánh giá chất lượng kiến thức thu nhận được. Hội đồng chấm thi sẽ dựa trên 3 kết quả bài luận, bài điều tra và phần vấn đáp để đánh gia chất lượng sinh viên và quyết định cấp bằng tốt nghiệp.

Tại hội thảo, GS Jens Rasmussen cũng đã khái quát 6 tiêu chuẩn đánh giá năng lực giáo viên mà ông và các đồng nghiệp đã rút ra trong Hội thảo, đó là: Năng lực chương trình (khả năng đọc, hiểu chương trình và lên kế hoạch giảng dạy), Năng lực giảng dạy (khả năng truyền đạt kiến thức); Năng lực học hỏi và khám phá (đánh giá chất lượng học sinh và tìm tòi phương pháp mới); Năng lực hợp tác (với học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp…); Năng lực đánh giá (theo quá trình hoặc theo từng giai đoạn) và Năng lực phát triển chuyên môn (giáo viên cần tiếp tục học hỏi, tham gia các hội thảo chuyên đề, hội thảo khoa học).

GS Phạm Kiều (Viện Khoa học Giáo dục) lo ngại về khả năng nghiên cứu của giáo viên.

Ngoài ra, với từng bộ môn, giáo viên cũng cần những đòi hỏi năng lực chuyên biệt, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và truyền tải kiến thức đến học sinh. Ở Việt Nam, vấn đề năng lực chuyên biệt của giáo viên ở từng bộ môn cũng đã được chú ý, song còn nhiều hạn chế và chỉ dừng lại ở một vài môn học đặc thù, ví dụ giáo viên môn Ngữ Văn không được nói ngọng, không viết sai chính tả và phải có khả năng vận dụng ngôn ngữ.

Trả lời vấn đề này, GS Rasmussen chia sẻ, ở Đan Mạch cũng có những quy định và chương trình đào tạo riêng chuyên biệt cho giáo viên bộ môn. Đơn cử với môn Toán, một giáo viên sẽ dạy trong suốt 6 năm, vì vậy, phương thức đào tạo cũng sẽ có sự phân cấp cụ thể. Giáo viên thông thường sẽ được đào tạo chương trình Toán học từ lớp 1 đến lớp 6, với những giáo viên có trình độ cao hơn sẽ đào tạo từ lớp 4 đến lớp 9, chứ không đào tạo theo cấp học như Việt Nam hiện nay.

Với Việt Nam, các giáo sư Đan Mạch cho rằng cần nâng cao năng lực nghiên cứu của giáo viên bằng cách đưa ra những chủ đề nghiên cứu trong chương trình đào tạo hàng năm. Trong đó nhấn mạnh đến các lĩnh vực, vấn đề quan trọng trong nhà trường mà giáo viên cần quan tâm như phương pháp dạy học, kiến thức khoa học nghệ thuật hay kỹ năng giải quyết vấn đề. 

P.V